icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Vụ việc Hàn Quốc từ chối cấp thị thực cho NLĐ Quảng Bình đi làm việc thời vụ đợt 2:

"Con sâu" đã "làm rầu nồi canh"

  • 08:11 | Thứ Bảy, 17/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Việc Chính phủ Hàn Quốc từ chối cấp thị thực cho người lao động (NLĐ) Quảng Bình đi làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại TP. Yeongju, tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc đã khép lại nhiều cánh cửa hy vọng thoát nghèo của người dân tỉnh ta. Với những NLĐ không thể xuất cảnh đợt này, niềm vui chưa trọn vẹn thì đã vội vụt tắt. Đằng sau câu chuyện này là rất nhiều giọt nước mắt của buồn tủi, thất vọng và cả những tiếng thở dài.

Niềm tin bị phản bội
 
Theo sát cả quá trình tuyển chọn NLĐ đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc, chúng tôi hiểu rõ những quan tâm của lãnh đạo UBND tỉnh cũng như nỗ lực của cán bộ, lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đối với NLĐ tham gia chương trình này.
 
Tháng 3/2022, sau khi làm việc với chính quyền TP. Yeongju, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong đã trực tiếp chỉ đạo Sở LĐ-TB và XH đẩy nhanh các thủ tục để NLĐ được xuất cảnh đúng như kế hoạch đề ra.
Ngay trước ngày xuất cảnh đợt 1, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong đã gặp và động viên NLĐ.
Ngay trước ngày xuất cảnh đợt 1, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong đã gặp và động viên NLĐ.
Sở LĐ-TB và XH đã nhanh chóng triển khai các bước, từ tuyển chọn NLĐ, đến tổ chức giáo dục định hướng và bồi dưỡng kỹ năng tiếng Hàn, thực hiện các thủ tục giấy tờ… cho 41 NLĐ tham gia chương trình này. Thời điểm ấy, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở Quảng Bình nên việc triển khai càng trở nên khó khăn hơn.
 
Nhưng vì lợi ích của NLĐ, mọi công tác đều được thực hiện chu đáo, tận tình nhất có thể. Càng sát ngày xuất cảnh, công việc càng bộn bề, đòi hỏi những cán bộ của Sở LĐ-TB và XH phải xử lý một khối lượng công việc vô cùng lớn. Nhưng bằng trách nhiệm, sự quan tâm với NLĐ, họ đã hoàn tất mọi thủ tục và đưa NLĐ xuất cảnh đúng thời hạn đề ra.  
 
Thế nhưng, ngay khi xuất cảnh vài ngày, đã có 4 NLĐ bỏ trốn khỏi nơi làm việc, bỏ lại sau lưng tất cả niềm tin, sự kỳ vọng và sự nỗ lực của rất nhiều con người. “Thời điểm đó, lãnh đạo sở đã gửi thư thăm hỏi, động viên những NLĐ còn lại để họ bớt hoang mang, tiếp tục ở lại làm việc theo đúng hợp đồng. Chúng tôi cũng đã trực tiếp làm việc với các địa phương, gia đình có NLĐ bỏ trốn để động viên họ quay lại nơi làm việc nhưng nhiều gia đình không phối hợp, không cung cấp thông tin của NLĐ”, bà Đinh Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB và XH cho biết.
Phỏng vấn tuyển chọn NLĐ đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc đợt 2.
Phỏng vấn tuyển chọn NLĐ đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc đợt 2.
Đến ngày 12/7, tiếp tục có thêm 10 NLĐ vi phạm hợp đồng. Tại thời điểm đó, chính quyền TP. Yeongju vẫn tiếp tục đề nghị phía Quảng Bình hỗ trợ tuyển dụng đợt 2 và đã chọn được 55 NLĐ, đồng thời tiến hành các bước cuối cùng để họ xuất cảnh đúng kế hoạch. Sở LĐ-TB và XH cũng đã có văn bản gửi chính quyền phía Hàn Quốc cam kết sẽ tăng cường các biện pháp mạnh mẽ hơn để NLĐ không bỏ trốn.
 
Thế nhưng, đến ngày 29/8, số lượng NLĐ bỏ trốn đã tăng lên 34 người, chiếm 83% tổng số NLĐ đợt 1. Vì thế, các cơ quan chức năng Hàn Quốc đã từ chối cấp thị thực cho NLĐ đợt 2 và dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong việc tiếp nhận NLĐ trong năm 2023. Vậy là mọi nỗ lực đều không được đền đáp. Mọi niềm tin, sự kỳ vọng lại được đáp trả bằng chính sự ích kỷ, những quyết định nông nổi của những NLĐ nghèo. 
NLĐ đợt 2 đã hoàn thành các khóa học ngoại ngữ, giáo dục định hướng…
NLĐ đợt 2 đã hoàn thành các khóa học ngoại ngữ, giáo dục định hướng…

Dập tắt hy vọng của những lao động nghèo

“Nhận tin, tôi đã khóc suốt nhiều ngày. Cảm giác mọi thứ đóng khép lại ngay trước mắt mình mà bất lực và buồn quá”, chị Cao Thị Hải (thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch) thất vọng nói. Gia đình khó khăn nên ngay khi có thông báo về tuyển chọn NLĐ đi làm việc thời vụ ở Hàn Quốc đợt 2, chị Hải đã nhanh chóng ghi danh, dù thời điểm ấy, trong chị ngổn ngang nỗi lo.
 
Khi trúng tuyển, chị vui mừng khôn tả và khấp khởi hy vọng về một tương lai không phải chạy vạy bữa đói, bữa no. Không có tiền, chị Hải vay mượn anh em, họ hàng để đóng tiền ký quỹ, tiền phí nộp học và trang trải thủ tục, chỗ ăn ở suốt gần 1 tháng trời ở TP. Đồng Hới.
…Và kỹ năng nghề nông nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Bình.
…Và kỹ năng nghề nông nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Bình.
Khi mọi thứ đã sẵn sàng, chỉ đợi đến ngày lên đường thì thông tin không được cấp thị thực khiến chị ngã gục. “Tôi buồn lắm! Tiền bạc đã hết, chưa kể, xin nghỉ việc ở công ty cũ để đi Hàn, giờ họ không cho quay lại nữa. Trước mắt, chưa biết phải tính răng”, chị Hải nghẹn ngào.
 
Việc chính quyền Hàn Quốc ngừng cấp thị thực ngay trước thời điểm 55 NLĐ đợt 2 sẵn sàng mọi thủ tục để lên đường đã đẩy nhiều NLĐ nghèo vào cảnh khốn khó. Nuôi khát vọng thoát nghèo, nhiều người trong số họ đặt trọn vẹn niềm tin vào chuyến ly hương lần này.
 
Vợ chồng chị Trương Thị Lý và Phạm Mi Ca (xã Lâm Trạch, huyện Bố Trạch) bán tất cả số lợn gà cùng 1 con bò-vốn là tài sản lớn nhất của gia đình để lấy tiền đóng quỹ, sửa soạn lên đường. Không đi được, vợ chồng chị không biết bắt đầu từ đâu để mưu sinh?
Vợ chồng chị Trương Thị Lý và Phạm Mi Ca ước mong XKLĐ để kiếm tiền trang trải cuộc sống và sửa lại căn nhà cấp 4 đã xuống cấp.
Vợ chồng chị Trương Thị Lý và Phạm Mi Ca mong muốn XKLĐ để kiếm tiền trang trải cuộc sống và sửa lại căn nhà cấp 4 đã xuống cấp.
Chị Lý buồn bã nói: “Ở đây, chúng tôi không có việc làm ổn định nên hai vợ chồng quyết định gửi 2 con cho họ hàng để sang Hàn, cứ nghĩ gắng bảo ban nhau làm ăn để có chút vốn liếng lận lưng. Nhưng chừ, không biết phải làm răng khi mà lợn gà đều bán sạch rồi? Mấy hôm nay, hàng xóm cứ hỏi khi mô bay, tôi không biết trả lời răng cả”.
 
Đã có rất nhiều giọt nước mắt, những thở dài tiếc nuối và cả niềm thất vọng hiển hiện trên gương mặt của những NLĐ nghèo. Không thể xuất cảnh đồng nghĩa với việc cuộc sống của họ lại quẩn quanh giữa bấp bênh và nghèo khó như trước nay vốn vậy. 
 
“Lương tháng không bằng… lương tâm”
 
Chị Nguyễn Thị Thạnh (xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy) là 1 trong 7 NLĐ đợt 1 trở về nước sau 5 tháng làm việc tại Hàn Quốc. Ngày 15/9, ngay khi kết thúc hợp đồng, 7 NLĐ gặp lại nhau ở sân bay mà mừng mừng, tủi tủi. Mừng vì sắp sửa được gặp lại gia đình, quê hương nhưng mừng hơn cả là bản thân họ đã chiến thắng chính những cám dỗ, những lôi kéo nơi đất lạ.
 
Sau khi sự việc xảy ra, NLĐ đợt 2 đã được hỗ trợ lại một số khoản kinh phí hơn 9 triệu đồng cho các khoản học ngoại ngữ, nghề, giáo dục định hướng và một số khoản kinh phí khác. Những NLĐ này cũng sẽ được ưu tiên giới thiệu việc làm trong nước và đi làm việc ở nước ngoài theo các chương trình khác, phù hợp nếu có nhu cầu. Đồng thời, Sở LĐ-TB và XH cũng có văn bản đề nghị UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ thêm một phần kinh phí cho NLĐ đợt 2.

Chị Thạnh bảo rằng, đã có những thời điểm họ thực sự hoang mang khi mà những người đồng hương cứ thế bỏ trốn dần. Nhưng từ quê nhà, những tin nhắn, cuộc điện thoại động viên từ cán bộ, lãnh đạo sở đã tiếp thêm cho họ động lực.

“Những anh em ít ỏi còn lại cứ động viên nhau rằng lương tháng không bằng… lương tâm, không thể vì mình mà phụ lòng tin của biết bao nhiêu người và ảnh hưởng đến bao người khác. Về đến nhà, nhiều họ hàng cũng ngạc nhiên hỏi tôi sao không ở lại mà kiếm thêm tiền. Nhưng tôi biết, nhiều anh em trốn ra ngoài đang phải sống chật vật và bất an lắm”, chị Thạnh tâm sự. 

Cũng như chị Thạnh, anh Ngô Đình Quang (Nam Lý, TP. Đồng Hới) trở về nước sau 5 tháng lao động tại Hàn Quốc. Hơn ai hết, anh hiểu rằng thành công nhất của chuyến ly hương lần này là chiến thắng chính mình. Đã có rất nhiều rủ rê, lôi kéo ở lại bất hợp pháp nhưng vì lợi ích chung, anh gạt đi và lựa chọn cho mình một cuộc trở về. “Với tôi, được đi LĐ đã là một may mắn nên luôn nghĩ bản thân phải trân trọng sự may mắn đó”, anh Quang tâm sự. 
 
55 NLĐ không thể xuất cảnh, họ buồn và thất vọng nhưng nỗi thất vọng đó cũng là mẫu số chung của biết bao người khác vì sự ích kỷ của một vài cá nhân đã ảnh hưởng xấu đến lợi ích chung của hàng ngàn NLĐ. Và hẳn nhiên, trong câu chuyện này, “con sâu” đã thực sự “làm rầu nồi canh”!
 
Diệu Hương

tin liên quan

Tiếp tục các nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh

(QBĐT) - Chiều 16/9, đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi tiếp xã giao và làm việc với bà Donna Welton, Quyền Phó trợ lý Ngoại trưởng phụ trách chương trình và hoạt động của Cục Chính trị-Quân sự, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cùng đoàn công tác Đại sứ quán Hoa Kỳ tại TP. Hà Nội.

Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 27 làm việc tại Quảng Bình

(QBĐT) - Sáng nay, 16/9, Thường trực Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".

Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị

(QBĐT) - Sáng nay, 16/9, tại Trung tâm Vì sự phát triển của phụ nữ khu vực Bắc Trung Bộ (TP. Đồng Hới, Quảng Bình), Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên.