Trăn trở "bài toán" an toàn lưu thông qua Khe Sủng

  • 14:04 | Thứ Tư, 21/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tuyến đường nối thôn 2 và thôn 4 Đức Phú, xã Đức Hóa (Tuyên Hóa) với 70ha đất sản xuất đi qua cầu Khe Sủng. Gọi là “cầu”, nhưng thực chất chỉ là cống thoát nước và đất đá do người dân tự làm để lưu thông. Vì vậy, chỉ một trận mưa vừa, “cây cầu” này lập tức bị sạt lở và cuốn trôi. Ước mơ về một cây cầu hoặc ngầm tràn kiên cố để giải “bài toán” an toàn lưu thông, phục vụ sản xuất thuận lợi canh cánh trong lòng người dân nơi đây.
 
Nhiều người thôn Đức Phú gọi đùa mùa mưa là mùa "thu" là vì cứ dăm bữa nửa tháng, khi cầu  Khe Sủng bị sạt lở, thôn lại thu tiền để sửa chữa. Ít thì vài chục nghìn đồng, nhiều thì 100 nghìn đồng. Sau khi đóng tiền, thôn mua đất đá, cát sạn rồi bà con thay nhau gia cố, sửa chữa. Việc đóng góp để sửa chữa cầu diễn ra khá thường xuyên để bảo đảm lưu thông, nếu không sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, nhất là khi vào vụ thu hoạch.
 
Thôn 4 Đức Phú có 260 hộ với trên 1.000 nhân khẩu. Toàn bộ diện tích đất sản xuất của thôn và một phần thôn 2 Đức Phú (khoảng 50 hộ) gồm 50ha đất lúa và 20ha màu nằm ở cánh đồng phía bên cầu Khe Sủng.
“Cầu” Khe Sủng do người dân tự đầu tư.
“Cầu” Khe Sủng do người dân tự đầu tư.

Ông Nguyễn Xuân Cừ, trưởng thôn 4 Đức Phú cho biết, nhu cầu lưu thông qua cầu Khe Sủng của bà con rất lớn. Không chỉ người và gia súc đi qua đây mà vào vụ thu hoạch, cả thôn phải ra sức san lấp, mở rộng cầu mới có thể đưa máy gặt đập liên hợp đi qua. Có những vụ mùa, khi chưa kịp thu hoạch, chỉ sau một trận mưa, đất đá bị cuốn trôi và ngập sâu, bà con đành phải đợi chờ nước rút trong khi lúa chín vàng và mưa vẫn kéo dài.

Nhiều khi nhìn lúa ngô khoai sắn vào vụ thu hoạch mà chịu không sang được, bà con ai cũng như lửa đốt trong lòng nhưng cũng không ai dám mạo hiểm bởi rất khó có thể đi qua cầu khi nước ngập sâu, đất đá bị xói lở, dòng chảy thay đổi sẽ nguy hiểm đến tính mạng và tài sản!”, ông Cừ cho biết thêm.

Có mặt trong số bà con thôn 4 Đức Phú tham gia sửa chữa, gia cố cầu Khe Sủng vào những ngày đầu tháng 9/2022, anh Đoàn Bá Tuyên nhớ lại, mấy năm trước, khi đang lùa bò về nhà, lúc qua cầu Khe Sủng, thấy nước đã mấp mé tràn bờ, anh vẫn cố gắng dắt bò qua. Mới được nửa đường thì nước dâng lên nhanh, con bò bị nước cuốn ra xa. Nhìn tài sản của gia đình trôi theo dòng nước, dù rất xót xa nhưng anh đành chấp nhận vì không thể mạo hiểm tính mạng. Nên trong những ngày thời tiết diễn biến bất thường, người dân trong thôn không ai dám ra đồng, bởi chỉ cần một trận mưa vừa trong thời gian ngắn, con đường về nhà bị chia cắt hoàn toàn.

Trưởng thôn Nguyễn Xuân Cừ cho biết, hơn hai mươi năm qua, bà con trong thôn tự đóng góp kinh phí để duy tu, sửa chữa đường, riêng cầu thì quá sức khi thường xuyên bị sạt lở. Cùng với việc kiến nghị, đề xuất lên UBND xã, người dân trong thôn luôn sẵn sàng chuẩn bị nhân công và vật liệu để sửa chữa cầu, đồng thời theo dõi diễn biến thời tiết để nhắc nhở, hỗ trợ nhau, nhất là trong thời gian cao điểm chăm sóc cây trồng hoặc vào vụ thu hoạch.
Việc chăm sóc, thu hoạch hơn 50ha lúa và 20ha màu phụ thuộc rất lớn vào tuyến đường nội đồng qua
Việc chăm sóc, thu hoạch hơn 50ha lúa và 20ha màu phụ thuộc rất lớn vào tuyến đường nội đồng qua "cầu" Khe Sủng.
Ông Võ Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Đức Hóa cho biết, tuyến đường nội đồng đi qua Khe Sủng đóng vai trò quan trọng trong sản xuất, đời sống của gần 1.200 nhân khẩu thôn 2 và thôn 4 Đức Phú bởi phía bên kia là toàn bộ diện tích đất sản xuất của bà con. Những năm qua, mặc dù xã đã có nhiều cố gắng nhưng do điều kiện còn nhiều khó khăn nên chưa thể đầu tư lớn để sửa chữa cầu Khe Sủng, bảo vệ an toàn cho bà con lưu thông, sản xuất thuận lợi. Xã cũng đã có các đề xuất, kiến nghị cấp trên quan tâm hỗ trợ. Huyện cũng đã về kiểm tra, khảo sát thực địa và lắng nghe tâm tư nguyện vọng bà con.
 
Mới đây nhất, ngày 10/4/2022, UBND xã đã có tờ trình gửi UBND tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan đề nghị hỗ trợ kinh phí xây dựng đường giao thông nội vùng, trong đó có tuyến đường nội đồng và cầu Khe Sủng. Đây là mong ước chính đáng của bà con, đặc biệt khi thôn 4 Đức Phú đang được lựa chọn để xây dựng thôn nông thôn mới (NTM) nâng cao giai đoạn 2022-2023. Đường trục chính nội đồng bảo đảm vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm là một trong những yếu tố quan trọng trong tiêu chí giao thông.
 
Giải quyết được “bài toán” an toàn lưu thông cho bà con qua Khe Sủng bằng công trình ngầm tràn hoặc cầu kiên cố cũng sẽ đồng thời dỡ bỏ được những rào cản trên hành trình về đích NTM nâng cao của thôn 4 Đức Phú, tạo nền móng quan trọng để xã Đức Hóa bắt tay vào xây dựng NTM nâng cao thời gian tới.
 
“Tính ra số tiền và công sức của bà con đóng góp hàng năm để sửa chữa cầu Khe Sủng cũng không phải là ít, mà cứ sửa xong được một thời gian lại bị nước cuốn trôi, trong khi đời sống nhiều gia đình còn khó khăn. Nếu được tỉnh, huyện quan tâm hỗ trợ, bà con cũng sẽ nỗ lực đóng góp thêm một phần để cùng xây dựng công trình!”, chị Nguyễn Thị Xuân, thôn 4 Đức Phú chia sẻ.
 
Ngọc Mai

tin liên quan

Khánh thành bể bơi phòng tránh đuối nước cho học sinh vùng lũ

(QBĐT) - Chiều 20/9, Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai, Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) và UBND xã An Ninh (Quảng Ninh) đã khánh thành công trình bể bơi phòng tránh đuối nước tại Trường tiểu học số 1 An Ninh.
 

Tăng cường bảo tồn cộng đồng tại VQG Phong Nha-Kẻ Bàng

(QBĐT) - Tối ngày 20/9, Hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học, Dự án quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học phối hợp với Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế và UBND thị trấn Phong Nha (Bố Trạch) tổ chức lễ ra mắt nhóm truyền thông bảo tồn cộng đồng, bảo vệ rừng, động vật hoang dã và môi trường sống.

Hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều xã Trường Xuân

(QBĐT)- Ủy ban MTTQVN huyện Quảng Ninh vừa qua bàn giao dự án hỗ trợ sinh kế cho 17 hộ dân tộc Bru-Vân Kiều tại bản Khe Dây, xã Trường Xuân (Quảng Ninh) bằng các mô hình chăn nuôi lợn bản địa và gà thả vườn.