Giữ bình yên cho bãi biển

  • 14:32 | Thứ Hai, 19/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mỗi ngày, từ tờ mờ sáng cho đến đêm tối mịt, những người đàn ông tuổi đã qua ngũ tuần vẫn lặng lẽ rảo bước trên bãi biển với lá cờ đỏ trên tay, bảo đảm bờ biển chỉ còn tiếng sóng bình yên rồi mới trở về nhà. Đó là những thành viên của Đội cứu hộ bãi biển tại TP. Đồng Hới.
 
Làm bạn với biển để cứu người
 
Một ngày đầu tháng 9, đến bãi biển Bảo Ninh, không khó để chúng tôi nhận ra những người làm công tác cứu hộ giữa bãi biển đông nghịt người. Mang trên mình màu áo vàng sáng với viền cổ đỏ tươi nổi bật, nhưng họ lại là nhân vật lặng thầm trên bờ biển nhộn nhịp khi chỉ điềm tĩnh quan sát từng khu vực được giao, bảo đảm cho người dân và khách du lịch tắm biển, vui chơi trong khu vực an toàn và thực hiện công tác cứu hộ khi cần thiết.
 
“Hôm nay có gió đông nam, nước trục (nước cạn), sóng có to nhưng biển êm nên mọi người có thể yên tâm tắm biển”, ông Lại Minh Tư (SN 1960), Tổ  trưởng Tổ cứu hộ số 1, phụ trách hoạt động cứu hộ tại bãi biển Bảo Ninh, chia sẻ. Vừa nói, ông vừa liên tục quan sát dọc khu vực biển mà mình phụ trách.
 
Gắn bó với nghề 14 năm nay, nên chỉ cần vài phút nhìn trời, nhìn biển, người đàn ông hơn 60 tuổi này có thể nhận định thời tiết của ca trực để tiến hành công việc. Theo kinh nghiệm của ông, thời tiết mỗi ngày sẽ có sự thay đổi, thậm chí khác nhau theo từng năm. Từ đó, ông phân công, dặn dò kỹ anh em trong tổ để khoanh vùng tắm bằng cờ và phao, đồng thời chia khu vực quan sát nhằm kịp thời nắm bắt tình hình.
 
Tổ có 3 người, ông Tư cùng hai anh em trong tổ đều sinh ra và dành phần lớn cuộc đời tại miền biển xã Bảo Ninh. Thế nên, cùng với kinh nghiệm từ cha ông để lại, cộng với kiến thức tích lũy sau nhiều năm đối mặt với biển khơi, cuốn cẩm nang “bất thành văn” về biển đã hình thành trong những thành viên tổ cứu hộ.
 
Đặc biệt, những người như ông Tư đóng vai trò như người thuyền trưởng, nắm bắt tường tận thời tiết với hướng gió, mực nước, con sóng cho đến địa thế trên biển, từ đó hiểu thấu thiên nhiên nhằm tính toán từng bước cứu hộ nếu sự cố xảy ra.
e
Tổ cứu hộ thực hiện nhiệm vụ trên bãi biển tại TP. Đồng Hới.
“Ở mạn bên trái tay tôi, ngoài xa kia có một bãi cồn, khi nước trục thì nhiều người đi ra. Nhưng khi con nước ròng (nước lên), gió về, lại không thể vào được. Nên chúng tôi phải nắm địa hình trên biển để nhắc nhở người dân. Ở cồn, nếu có dòng nước trổ cùng gió đông nam thì càng phải cẩn thận. Bên cạnh đó, con nước tùy vào từng tháng trong năm lại thay đổi. Tháng 2 và tháng 7 thường có nước chảy ra (dòng chảy xa bờ). Năm nay có đổi khác, con nước tháng 7 lại đi vòng quanh (nước xoáy). Chúng tôi nhìn vào đó để trông coi bà con”, ông Tư chia sẻ.
 
Khi được hỏi về những lần cứu người, ông Tư cười xuề nói không thể nhớ hết được, chỉ nhớ một vài năm cứu được một lần nhiều người, nhưng vẫn còn nhiều tiếc nuối khi chưa thể giữ sự sống cho những người kém may mắn.
 
Đã trải quá nửa đời người, lại là người dân vùng biển với nhiều quan niệm, tín ngưỡng riêng, mỗi lần cứu sống người, các thành viên tổ cứu hộ lại làm một hành lễ nhỏ đến với biển cả để cảm tạ trời đất cũng như yên tâm tiếp tục việc “canh chừng sự sống”.
 
Chữ “tâm” với nghề
 
Đội Quy tắc và Trật tự đô thị TP. Đồng Hới quản lý 2 đội cứu hộ, hoạt động tại bãi biển Nhật Lệ và Bảo Ninh với các nhóm nhỏ được phân công đồng đều trong khu vực cho phép tắm biển.
 
Những người tham gia đội cứu hộ ban đầu đều phải biết bơi, có thể lực và được tập huấn về kỹ năng cứu hộ, cứu nạn. Nhưng để gắn bó lâu dài, đòi hỏi cả sự kiên nhẫn và đam mê bởi công việc khá khắc nghiệt, thu nhập trung bình và yêu cầu tính kỷ luật cao. Hầu hết những người đang hoạt động tại đội cứu hộ đều đã lớn tuổi với làn da rám nắng, dạn dày sương gió và nhiều nếp nhăn trên gương mặt.
 
Công việc thường nhật của họ là có mặt ở bãi biển từ 4 giờ 30 phút sáng. Sau khi cắm cờ, hoàn thành công tác chuẩn bị, họ lại lặng lẽ ngồi quan sát từng lượt người ra biển tắm, vui chơi. Ca sáng thường kết thúc vào khoảng 7 giờ, sau đó, đội cắt cử một người tiếp tục ở lại trực cho đến ca chiều (bắt đầu từ 15-19 giờ). Nghe có vẻ đơn giản, nhưng cũng chẳng nhiều người có thể gắn bó với công việc.
 
“Họ thấy mình ngồi một chỗ thì tưởng nhàn, nhưng đâu biết mình đang rất căng thẳng, phải liên tục quan sát trên biển. Đặc biệt vào khung giờ buổi chiều, nắng chiếu rát cả da nhưng vẫn phải canh chừng cho người dân và du khách, nên nói thiệt ai phải đam mê, tâm huyết