Cần thủ tục gì để được nhận tiền từ gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng?

  • 10:43 | Thứ Tư, 20/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ ngày 1-10-2021, Nghị quyết (NQ) số 116 của Chính phủ và Quyết định (QĐ) số 28 của Thủ tướng Chính phủ về chi hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trị giá khoảng 38.000 tỷ đồng bắt đầu được triển khai tới tất cả cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) trên toàn quốc. Tại Quảng Bình, BHXH tỉnh đang tập trung nguồn lực để nhanh chóng triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ cấp thiết, quan trọng này. Phóng viên Báo Quảng Bình có cuộc trao đổi với ông Phạm Thanh Tùng, Giám đốc BHXH tỉnh xung quanh nội dung này.
 
Phóng viên (PV): Xin ông cho biết mục đích và ý nghĩa của gói hỗ trợ này là gì?
 
Ông Phạm Thanh Tùng: Đây là chính sách hỗ trợ cấp bách trong bối cảnh đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhằm hỗ trợ NLĐ đang đóng BHTN khắc phục khó khăn trong cuộc sống gia đình do giảm thu nhập, mất việc làm, đứt gãy chuỗi sản xuất và hỗ trợ NSDLĐ phòng, chống dịch bệnh, khôi phục sản xuất, tạo việc làm.
 
Gói hỗ trợ lần này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chủ động, kịp thời hỗ trợ, chia sẻ khó khăn đối với cả NLĐ và NSDLĐ; phát huy được vai trò của chính sách BHTN trong việc chăm lo bù đắp một phần thu nhập cho NLĐ do không có việc làm, đồng thời là chỗ dựa cho NSDLĐ.
 
PV: Nguyên tắc và những nội dung chính của chính sách là gì, thưa ông?
 
Ông Phạm Thanh Tùng: Gói hỗ trợ lần này bảo đảm theo nguyên tắc: “Đóng-hưởng, chia sẻ và công bằng”. Việc thực hiện hỗ trợ phải đơn giản, kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch và hiệu quả. Không hỗ trợ đối với đối tượng tự nguyện không nhận gói hỗ trợ. Nội dung chính của chính sách này hỗ trợ bằng tiền cho NLĐ từ kết dư Quỹ BHTN và giảm mức đóng vào Quỹ BHTN cho NSDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Ngành BHXH tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai NQ số 116 của Chính phủ và QĐ số 28 của Thủ tướng Chính phủ..
Ngành BHXH tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai NQ số 116 của Chính phủ và QĐ số 28 của Thủ tướng Chính phủ..
 
PV: Vậy, đối tượng áp dụng, mức hỗ trợ cụ thể như thế nào?
 
Ông Phạm Thanh Tùng: Đối với NLĐ, đối tượng thụ hưởng là những NLĐ đang tham gia BHTN tại thời điểm ngày 30-9-2021 (trừ các đơn vị thuộc cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội và các đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên) và NLĐ đã bảo lưu thời gian tham gia BHTN từ 1-1-2020 tới hết 30-9-2021 - thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đối với NSDLĐ là các doanh nghiệp đang tham gia đóng BHTN cho NLĐ.
 
Về mức hỗ trợ: Đối với NSDLĐ: Giảm mức đóng bằng 0% vào Quỹ BHTN trong thời gian 12 tháng, kể từ ngày 1-10-2021 đến hết ngày 30-9-2022. Đối với NLĐ: Hỗ trợ một lần bằng tiền tùy theo thời gian đóng, gồm 6 mức như sau: Thời gian đóng BHTN dưới 12 tháng: Hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người; thời gian đóng BHTN từ đủ 12 tháng đến dưới 60 tháng: Hỗ trợ 2,1 triệu đồng/người; thời gian đóng BHTN từ đủ 60 tháng đến dưới 84 tháng: Hỗ trợ 2,4 triệu đồng/người; thời gian đóng BHTN từ đủ 84 tháng đến dưới 108 tháng: Hỗ trợ 2,65 triệu đồng/người; thời gian đóng BHTN từ đủ 108 tháng đến dưới 132 tháng: Hỗ trợ 2,9 triệu đồng/người; thời gian đóng BHTN từ đủ 132 tháng trở lên: Hỗ trợ 3,3 triệu đồng/người.
 
PV: Có thể thấy, gói hỗ trợ lần này nhận được sự kỳ vọng và quan tâm rất lớn của NLĐ và NSDLĐ. Xin ông cho biết số lượng NLĐ và NSDLĐ được hưởng gói hỗ trợ lần này tại Quảng Bình là bao nhiêu?
 
Ông Phạm Thanh Tùng: Dự kiến trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.700 đơn vị SDLĐ thuộc diện giảm mức đóng, số tiền trên 21 tỷ đồng và khoảng 60.000 NLĐ được hỗ trợ tiền trực tiếp, với kinh phí hơn 149 tỷ đồng. Như vậy, gói hỗ trợ từ Quỹ BHTN cho NLĐ và NSDLĐ toàn tỉnh đợt này là hơn 170 tỷ đồng. 
 
PV: Thưa ông, NLĐ và NSDLĐ cần những thủ tục gì để nhận hỗ trợ một cách nhanh nhất và chính xác nhất?
 
Ông Phạm Thanh Tùng: Với quan điểm chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, các bộ có liên quan và BHXH Việt Nam, các quy trình thủ tục để triển khai gói hỗ trợ trên tinh thần đơn giản, thuận lợi, nhanh nhất và chính xác nhất. Theo tinh thần đó, BHXH tỉnh đã thông báo đến các đơn vị SDLĐ và NLĐ trong toàn tỉnh quy trình, thời gian thực hiện như sau:
 
Về chính sách giảm đóng vào Quỹ BHTN đối với NSDLĐ, cơ quan BHXH thực hiện việc điều chỉnh mức đóng bằng 0% vào quỹ tiền lương tháng của NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHTN vào Quỹ BHTN cho đơn vị. Thời gian thực hiện xong hồ sơ trước ngày 5-10-2021 và giảm đóng hàng tháng (giảm 12 tháng kể từ ngày 1-10-2021 đến hết ngày 30-9-2022).
 
Về chính sách hỗ trợ đối với NLĐ được hưởng trợ cấp từ Quỹ BHTN theo Nghị quyết số 116: Đối với người đang tham gia BHTN, cơ quan BHXH rà soát, chuyển danh sách và thông tin của NLĐ tại đơn vị do cơ quan BHXH đang quản lý cho đơn vị SDLĐ. Thời hạn chậm nhất đến hết ngày 20-10-2021. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách, đơn vị SDLĐ rà soát, kiểm tra và công khai, thông báo đến NLĐ biết, đối chiếu bổ sung (nếu có).
 
Trường hợp cần điều chỉnh thông tin, đơn vị lập mẫu biểu và gửi cơ quan BHXH, kèm theo hồ sơ chứng minh thông tin điều chỉnh. Thời hạn chậm nhất đến hết ngày 10-11-2021.
 
Trường hợp đơn vị SDLĐ và NLĐ tại đơn vị không có nguyện vọng nhận tiền hỗ trợ thì đơn vị phản hồi với cơ quan BHXH bằng văn bản; NLĐ xác nhận vào danh sách theo mẫu quy định.
 
Về phương thức giao dịch: Đơn vị gửi hồ sơ cho cơ quan BHXH qua Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công của BHXH Việt Nam hoặc các tổ chức cung cấp dịch vụ I-VAN, ứng dụng VssID (BHXH số), qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tiếp tại cơ quan BHXH cấp tỉnh hoặc cấp huyện.
 
Đối với NLĐ đã dừng tham gia BHTN, NLĐ tra cứu thông tin về quá trình tham gia BHTN chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của bản thân qua sổ BHXH, ứng dụng VssID và đến Bộ phận tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính tại BHXH cấp tỉnh và huyện để được hướng dẫn. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết như: CMND/CCCD, số điện thoại, số tài khoản, tên ngân hàng. Cơ quan BHXH nhận đề nghị hỗ trợ chậm nhất đến hết ngày 20-12-2021.
 
PV: Theo tinh thần của NQ số 116 và QĐ số 28, thời gian chi trả sẽ phải hoàn thành trước ngày 31-12-2021. Vậy để thực hiện nhiệm vụ này, BHXH tỉnh đã có những giải pháp như thế nào, thưa ông?
 
Ông Phạm Thanh Tùng: Với tinh thần quyết tâm cao nhất, hiện, cơ quan BHXH tỉnh đang tập trung mọi nguồn lực để triển khai thực hiện NQ số 116 và QĐ số 28. Chúng tôi tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện QĐ số 28; phối hợp với các sở, ngành tăng cường công tác tuyên truyền về NQ số 116 và QĐ số 28; thành lập Ban chỉ đạo thực hiện NQ số 116 và QĐ số 28; xây dựng kế hoạch, tiến độ thực hiện, ban hành quy trình tiếp nhận giải quyết hồ sơ hỗ trợ để thực hiện thống nhất; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử để thực hiện các khâu nghiệp vụ.
 
Cùng với đó, chúng tôi phát động phong trào thi đua, tận dụng tối đa thời gian, ngày nghỉ để giải quyết công việc, hoàn thành nhiệm vụ nhanh nhất, thuận lợi nhất; chi đúng đối tượng, công khai, minh bạch và hiệu quả nhất.
 
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
 
 
Phan Phương (thực hiện)

tin liên quan

Việt Nam nỗ lực vì sự tiến bộ của phụ nữ

Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, cùng xu thế của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ, là nền tảng để Việt Nam thúc đẩy những kết quả tích cực đã đạt được trong công tác bình đẳng giới và nỗ lực vì sự tiến bộ của phụ nữ. 

Tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua

(QBĐT) - Các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19 và đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với phụ nữ nghèo, phụ nữ yếu thế. Sự chăm lo, động viên tinh thần kịp thời đã giúp nhiều hội viên, phụ nữ vượt qua mặc cảm, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Hiệu quả từ một chương trình phối hợp

(QBĐT) - Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh luôn gắn kết nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) với hoạt động của hội và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt. Qua đó, tạo điều kiện và cơ hội để người nghèo tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi, tiếp cận với khoa học kỹ thuật, chủ động vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.