Hiệu quả từ một chương trình phối hợp

  • 09:00 | Thứ Tư, 20/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh luôn gắn kết nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) với hoạt động của hội và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt. Qua đó, tạo điều kiện và cơ hội để người nghèo tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi, tiếp cận với khoa học kỹ thuật, chủ động vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
 
Suốt những năm đồng hành, hoạt động nhận ủy thác từ NHCSXH của Hội LHPN tỉnh luôn đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, được các cấp ủy đảng, chính quyền và NHCSXH đánh giá cao. Hội LHPN là đơn vị đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ ủy thác, với dư nợ đạt cao; đến cuối tháng 9-2021 đạt gần 1.267 tỉ đồng, chiếm 35% tổng dư nợ ủy thác của NHCSXH, tăng 460 tỷ đồng, mức tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 7,4%, với 28.363 hộ dư nợ và quản lý 766/2.215 tổ tiết kiệm vay vốn.
 
Bà Diệp Thị Minh Quyết, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho hay: Trong tổng dư hiện nay, thì dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo gần 150 tỷ đồng, cho vay hộ cận nghèo gần 198 tỷ đồng, cho vay hộ mới thoát nghèo gần 294 tỷ đồng, cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn trên 191 tỷ đồng… Đặc biệt, công tác thu nợ, thu lãi thông qua các tổ vay vốn do Hội LHPN tỉnh quản lý luôn bảo đảm đúng quy định và đạt tỷ lệ cao. Tỷ lệ nợ quá hạn được giảm dần qua các năm.
 
Thực tế cho thấy, nguồn vốn chính sách được hội viên, phụ nữ sử dụng đúng mục đích và rất hiệu quả, điển hình như các mô hình: Nuôi dê của chị Nguyễn Thị Hà ở thôn Bàu 3, xã Tiến Hóa; trồng bưởi, trồng keo, nuôi gà của chị Nguyễn Thị Chung ở thôn Kim Lũ 1, xã Kim Hóa; chăn nuôi lợn, gà, trâu của bà Đặng Thị Luật ở thôn Thạch Trúc, xã Tiến Hóa (Tuyên Hóa); chăn nuôi bò, gà của chị Tạ Thị Huế tại thôn Hạ Lý, xã Quảng Châu (Quảng Trạch)…
 
Từ nguồn vốn chính sách ưu đãi, nhiều chị em phụ nữ đã chủ động trong sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế gia đình.
Từ nguồn vốn chính sách ưu đãi, nhiều chị em phụ nữ đã chủ động trong sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế gia đình.
Qua thực tiễn cho thấy, Hội Phụ nữ các cấp đã thực hiện tốt những nội dung công việc được NHCSXH ủy thác, như: Thông báo, phổ biến các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến các đối tượng được thụ hưởng; hướng dẫn và giám sát việc bình xét công khai các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng có nhu cầu vay vốn; phối hợp với NHCSXH, chính quyền địa phương xác nhận và đề nghị xử lý những khoản nợ, lãi bị rủi ro do nguyên nhân khách quan và xử lý các trường hợp nợ quá hạn theo hướng dẫn của NHCSXH..., giúp người vay xây dựng các dự án sản xuất, kinh doanh và sử dụng vốn vay hiệu quả.
 
Có thể khẳng định rằng, việc phối hợp giữa NHCSXH và Hội LHPN tỉnh thời gian qua có ý nghĩa hết sức to lớn trong công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, góp phần đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn trong nhân dân, hạn chế được nạn cho vay nặng lãi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và là động lực để hội thu hút, tập hợp hội viên. Chương trình ủy thác cũng đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực cho mỗi bên.
 
Thông qua nguồn phí ủy thác NHCSXH chi trả, Hội Phụ nữ các cấp có thêm nguồn kinh phí hoạt động và thực hiện tốt hơn việc lồng ghép các chương trình, kế hoạch của hội, đoàn thể với chương trình tín dụng chính sách. Ngược lại, các chương trình hoạt động của Hội Phụ nữ đã hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động tín dụng của NHCSXH như: Tiến độ bình xét và giải ngân nhanh, đúng đối tượng, hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích và hiệu quả, chấp hành tốt công tác trả nợ, trả lãi...
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động cho vay ủy thác từ NHCSXH của các cấp Hội Phụ nữ vẫn còn một số hạn chế, như: Công tác giám sát của hội trong việc bình xét cho vay nhiều nơi chưa chặt chẽ; chất lượng tín dụng chính sách chưa đồng đều tại một số địa phương, chỉ tiêu lãi tồn còn khó thu hồi; còn tiềm ẩn những khó khăn trong hoàn trả nợ khi tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân...
 
Có thể thấy rằng, cùng với sự phối kết hợp nhịp nhàng giữa NHCSXH với Hội LHPN  tỉnh, hoạt động tín dụng chính sách đã phủ khắp 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng trong việc tiếp cận những đối tượng khó tiếp cận nhất, bao gồm trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người nghèo, người khuyết tật, đồng bào vùng sâu, vùng xa, những đối tượng dễ bị tổn thương khác...
 
 Theo thông tin từ NHCSXH tỉnh, bình quân hàng năm, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm 2,1% tỷ lệ hộ nghèo và 1,6% tỷ lệ hộ cận nghèo; đưa tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2020 giảm còn 3,9% và hộ cận nghèo còn 4,89%.
 
Hiền Phương

tin liên quan

Tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua

(QBĐT) - Các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19 và đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với phụ nữ nghèo, phụ nữ yếu thế. Sự chăm lo, động viên tinh thần kịp thời đã giúp nhiều hội viên, phụ nữ vượt qua mặc cảm, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Việt Nam nỗ lực vì sự tiến bộ của phụ nữ

Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, cùng xu thế của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ, là nền tảng để Việt Nam thúc đẩy những kết quả tích cực đã đạt được trong công tác bình đẳng giới và nỗ lực vì sự tiến bộ của phụ nữ. 

Ra mắt mô hình "Con nuôi của Hội LHPN huyện"

(QBĐT) - Thực hiện chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" và chương trình "Triệu phần quà san sẻ yêu thương", ngày 19-10, Hội LHPN huyện Minh Hóa tổ chức ra mắt mô hình "Con nuôi của Hội LHPN huyện".