Người viết nhạc từ tình yêu quê hương

  • 08:14 | Thứ Ba, 11/06/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với tình yêu quê hương, ông Phạm Minh Hiếu, ở thị trấn Đồng Lê (Tuyên Hóa) đã sáng tác nhiều bài hát ca ngợi quê hương, con người nơi mình sinh sống. Các tác phẩm của ông có giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng nên nhiều ca khúc được công chúng yêu thích, đón nhận và nhiều đội văn nghệ lựa chọn biểu diễn tại các chương trình nghệ thuật.
 
Ông Phạm Minh Hiếu sinh năm 1948 ở huyện Tuyên Hóa-vùng đất sơn thủy hữu tình. Ngày còn nhỏ, ông đã bộc lộ năng khiếu về âm nhạc, thơ ca nên thường được chọn vào đội văn nghệ, làm báo tường của lớp, trường. Lớn lên, ông theo học tập, làm việc và từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa. Trong quá trình công tác, ông đã sáng tác hàng chục bài thơ, nhạc ca ngợi vẻ đẹp quê hương, đất nước, khích lệ tinh thần lao động, sản xuất của người dân.
 
Ông Hiếu tâm sự: “Thời gian dài công tác ở huyện, tôi được đi nhiều nơi, gặp nhiều người và nhận thấy được vẻ đẹp của quê hương, con người Tuyên Hóa. Đó chính là những chất liệu, mạch nguồn để tôi đưa vào những câu thơ, bài hát”.
 
Đến nay, ông Phạm Minh Hiếu đã có 7 bài thơ được nhạc sĩ Lê Anh (là nhạc sĩ có rất nhiều nhạc phẩm về Quảng Bình-P.V) và nhạc sĩ Nguyễn Minh Tám (Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao-Truyền thông huyện Tuyên Hóa) phổ nhạc, 6 bài hát do ông tự viết thơ và phổ nhạc. Phần lớn các ca khúc của ông đều thể hiện tình yêu quê hương, đất nước. Trong đó, nhiều ca khúc trở nên quen thuộc với khán, thính giả yêu âm nhạc, như: “Ký ức mùa trồng dâu”, “Tuyên Hóa quê tôi”, “Em gái Mã Liềng về bản”, “Về Đồng Lê đi em”
Ông Phạm Minh Hiếu đã sáng tác nhiều bài hát về quê hương Tuyên Hóa.
Ông Phạm Minh Hiếu đã sáng tác nhiều bài hát về quê hương Tuyên Hóa.
Bài thơ “Ký ức mùa trồng dâu” của ông được nhạc sĩ Lê Anh phổ nhạc là một trong những ca khúc để lại nhiều dấu ấn. Bài thơ bắt nguồn từ phong trào trồng dâu nuôi tằm của người dân trong huyện. Ông Hiếu chia sẻ: “Trước đây, huyện Tuyên Hóa có chủ trương khôi phục, phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa. Để thực hiện chủ trương, huyện cử nhiều học sinh ra Hà Tĩnh học lớp trung cấp nông nghiệp. Sau đó, nhà trường tổ chức cho đoàn học sinh về thực tập trên những cánh đồng dâu, trong đó có nhiều học sinh là con em Nghệ An. Chuyến thực tập đó, một chàng trai Tuyên Hóa đã yêu thương cô gái xứ Nghệ. Từ cảm xúc và câu chuyện đó, tôi đã viết bài thơ này”.
 
Ông Hiếu cất tiếng hát: “Mùa thu này em đến quê anh/Trồng những nương dâu mặn nồng tình nghĩa/Để ngày mai em về xứ Nghệ/Ngàn dâu lên xanh lòng ai vương vấn/Thương con tằm nhả những đường tơ/Như bàn tay em mịn màng nhung lụa/Để cho anh gửi tình vào đó/Sợi tơ dài nối quê anh quê em/Ơ! Dâu xanh ơi, xanh biếc đêm ngày/Lọc đắng cay lấy ngọt bùi từ đất/Để con tằm hiền lành như hạt thóc/Rút ruột tơ đem lụa tặng người/Một mùa dâu mà nên nghĩa em ơi/Cánh đồng quê anh vang tiếng cười xứ Nghệ/Những chàng trai trẻ trung Tuyên Hóa/Mong em về dệt lụa quê anh…”.
 
Bài “Tuyên Hóa quê tôi” lại là một bức tranh lung linh, sinh động về quê hương Tuyên Hóa, được nhạc sĩ Lê Anh phổ nhạc. Tác phẩm giới thiệu về những địa danh, đặc trưng riêng của Tuyên Hóa. Nghe bài hát này, khán, thính giả yêu âm nhạc sẽ hình dung được vẻ đẹp của vùng đất, con người nơi đây, kể cả những người chưa từng đặt chân đến: Tôi lại về Tuyên Hóa quê tôi/Tắm bến Lệ Sơn nhớ rừng Hương Hóa/Thăm ruộng Thiết Sơn ghé vườn Đồng Phú/Khe Nét đèo cao lèn Bảng nối mây trời/Tôi lại về quê mía ngọt chợ Cuồi/Tơ tằm Lạc Sơn ngô vàng Phong Hóa/Cau bẹ Xuân Canh mùa này đẹp quá/Nếp Nam Phong ấy mùa cưới bạn ơi/Ơ! Tôi lại về với ruộng đồng núi đồi/Với ga Đồng Lê hàng đi trăm ngả/Xuôi bến Minh Cầm thuyền ghe hối hả/Ngọt lịm câu hò, hát đối đêm thâu/“Ai về! Ai về Châu Hóa trồng dâu/Để em nuôi giống Đồng Lào gửi cho…”.
 
Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao-Truyền thông huyện Tuyên Hóa Nguyễn Minh Tám nhận xét: “Ông Phạm Minh Hiếu là người đam mê và có năng khiếu về sáng tác thơ, nhạc. Hiện, nhiều bài thơ của ông đã được các nhạc sĩ phổ nhạc và những bài thơ do ông tự phổ nhạc được công chúng yêu thích. Tác phẩm của ông thể hiện tình yêu quê hương trên nhiều lĩnh vực, có khả năng lay động người nghe bởi ngôn từ mộc mạc, chất phát như chính con người ông. Đặc biệt, những sáng tác của ông góp phần vào kho tàng âm nhạc của địa phương”.
Trong suốt quá trình sinh sống và làm việc tại Đồng Lê, ông Phạm Minh Hiếu đã chứng kiến sự đổi thay từng ngày của thị trấn vùng cao. Với tình yêu Đồng Lê, ông đã viết thơ và tự phổ nhạc ca khúc “Về Đồng Lê đi em”: “Em ơi về Đồng Lê/Ngắm bình minh sương phủ/Xem mặt trời đi ngủ/Sớm hơn những miền xa/Mùa sim nay nở hoa/Điểm trang đồi bên phố/Mùa trăng đang sáng rõ/Man mác trời bao la/Con đường quen đi qua/ Hàng cây vờn trong gió/Nhà ai nơi xóm nhỏ/Nghe vang vọng lời ca/Ta thương nhớ tình ta/Những chiều đông hò hẹn/Những đêm hè bên bến/Sóng trải dài câu thơ/Đồng Lê là giấc mơ/Còi tàu đêm gợi nhớ/Tiếng đoàn xe hối hả/Vi vu chuyến hàng xa/Đồng Lê là quê cha/Đồng Lê là quê mẹ/Với bao người yêu quý/Về Đồng Lê đi em”.
 
Trong thời gian công tác, ông Hiếu luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Thấy đồng bào còn khó khăn, thiếu thốn trăm bề làm cho ông trăn trở. Từ đó, ông cùng với các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể tìm nhiều giải pháp để đầu tư điện, đường, trường, trạm và hỗ trợ sinh kế cho đồng bào phát triển kinh tế nhằm đưa đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng nâng lên.
 
Trước sự đổi thay đó, ông đã viết bài thơ “Em gái Mã Liềng về bản” và được nhạc sĩ Lê Anh phổ nhạc: “... Phút giây đầu ngờ ngợ, bản mình ở nơi đó/Núi đồi vẽ nên tranh/Mé mé chân đồi bên khe/Điện sáng giăng về bản/Đàn bò ai thấp thoáng/Dòng nước mát mỡ màng/Đung đưa giỏ phong lan/Nhà mới vui bản mới/Gặp nụ cười bối rối/Nghe tiếng lòng xôn xao...”. Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Lê Đức Trí đánh giá: “Em gái Mã Liềng về bản” là ca khúc hay viết về đồng bào dân tộc thiểu số, được hát nhiều tại các chương trình nghệ thuật. Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng từng đưa bài hát này vào chương trình liên hoan đội tuyên truyền văn hóa khu vực miền Trung-Tây Nguyên và đã đoạt giải cao.
 
Ông Phạm Minh Hiếu còn sáng tác bài hát “Ta tự hào về em” để dành tặng kình ngư Nguyễn Huy Hoàng-một người con Tuyên Hóa thành công trong môn thể thao bơi lội, làm rạng danh quê hương, đất nước; bài “Chúng tôi yêu cuộc đời xây dựng” ca ngợi những người công nhân xây dựng vất vả nhưng vẫn yêu đời, yêu quê hương…
Xuân Vương

tin liên quan

Làng còn… "di sản" còn

(QBĐT) - Với lịch sử hàng trăm năm hình thành và phát triển, trên mảnh đất Quảng Bình đã ghi dấu bao tên đất, tên làng với bề dày trầm tích văn hóa-lịch sử đi suốt chặng đường dài dựng nước, giữ nước của dân tộc. Dẫu thời gian có trôi qua với những biến thiên thời cuộc, nhiều làng quê vẫn vẹn nguyên các giá trị trường tồn, bởi sâu thẳm còn đó không ít "di sản" của làng được bảo tồn vẹn nguyên…

Tưởng nhớ Nguyễn Hữu Cảnh

(QBĐT) - Mang trong mình dòng máu Ức Trai
Nguyễn Hữu Cảnh người con tiếp bước
Chí làm trai mang gươm đi mở nước
Nối chân trời sông núi rộng 
                                               bình minh...

Tạ ơn nỗi buồn

(QBĐT) - Em sinh ra bên bờ cát
con sóng đếm bước chân mỗi lần mẹ ra biển
mặt trời châm lên hy vọng
cỏ lông chông chạy trắng chân trời