Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Vẹn nguyên "hồn cốt" của làng!

  • 09:02 | Chủ Nhật, 02/06/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sách “Ô Châu cận lục” của tiến sĩ Dương Văn An nhắc đến làng Quảng Xá (xã Tân Ninh, Quảng Ninh) xưa có tên Kẻ Đơờng do họ Dương gốc gác Thanh Hóa vào khai khẩn. Về sau, làng tiếp nhận thêm họ Nguyễn, Trần cùng chung sống. Năm 1802, vua Gia Long sắc phong ba họ: Dương, Nguyễn, Trần là những họ khai canh, lập làng và đặt tên làng Quảng Xá. Nếu tính từ năm 1802, làng Quảng Xá đã trải qua bao thăng trầm, biến thiên lịch sử xuyên suốt hơn 222 năm, vẫn giữ nguyên hồn cốt làng Việt với những đặc trưng riêng có của mình.
 
Người lưu giữ sử làng
 
Chủ tịch UBND xã Tân Ninh Nguyễn Văn Hoan bảo tôi: “Muốn biết rõ gốc tích làng Quảng Xá thì nên gặp ông giáo Dương Viết Thủ, người lưu giữ sử làng”. Theo lời giới thiệu, tôi tìm gặp ông giáo Dương Viết Thủ, cùng ông đàm đạo chuyện đất, chuyện người Quảng Xá nơi công viên làng, dưới bóng những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
 
Ông giáo Dương Viết Thủ (SN 1937) 87 tuổi đời, hơn 60 năm tuổi Đảng vẫn còn rất minh mẫn. Trước khi kể về lịch sử làng, ông dẫn tôi dạo quanh một vòng Quảng Xá, thăm nhà thờ ba dòng họ khai khẩn Dương, Nguyễn, Trần; đình làng, chùa làng; di tích lịch sử làng chiến đấu; bia ghi công các anh hùng liệt sỹ; bảo tàng, thư viện làng; giếng cổ; đường đá cổ đặc trưng... “Từ buổi khai lập đến nay, làng vẫn giữ nguyên nếp xưa “dĩ nông vi bản”, các lối đi trong làng đều lát đá, nay được bê tông khang trang, nhà nhà san sát bên nhau và mặt tiền đều hướng Nam”, ông Thủ cho biết.
Đài ghi nhớ công ơn những người con đã chiến đấu, hy sinh vì quê hương, Tổ quốc ở làng Quảng Xá.
Đài ghi nhớ công ơn những người con đã chiến đấu, hy sinh vì quê hương, Tổ quốc ở làng Quảng Xá.
Đặc trưng nhất của một ngôi làng cổ nông thôn là “cây đa, bến nước, sân đình”, Quảng Xá đều lưu giữ nguyên vẹn. Làng có một giếng nước dùng chung gọi là giếng Xoài, đường kính miệng giếng rộng đến 7m, xây bằng đá trên to dưới nhỏ dần. Trước năm 1955, kiến trúc đá liếp là đặc sắc riêng, chỉ có ở Quảng Xá. Đường làng, ngõ xóm, móng nhà, tường nhà... đều sử dụng đá liếp mà dựng thành.
 
“Dĩ nông vi bản”, lấy nông nghiệp, canh tác lúa nước làm kế sinh nhai. Nhưng một điều lạ so với những làng quê khác là người Quảng Xá rất hiếu học. Nhờ hiếu học mà Quảng Xá có nhiều cái nhất: Làng nhiều giáo viên nhất; làng duy nhất có thư viện, bảo tàng; làng sinh ra nhiều nhạc sĩ nổi tiếng. Đặc biệt, người Quảng Xá sớm giác ngộ cách mạng. Ở xã Tân Ninh, Quảng Xá có số lượng cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa nhiều nhất (21 người trong tổng số 22 người toàn xã). Ông giáo Dương Viết Thủ thống kê: “Tính sơ sơ, từ trước đến nay, làng có hơn 500 người theo nghề giáo, trong lúc đó, dân số Quảng Xá hiện tại chỉ được 485 hộ”.
 
Ông Thủ kể: “Dưới triều Nguyễn, Quảng Bình có 3 người thầy dạy học cho vua. Các cụ Nguyễn Đăng Tuân, Nguyễn Hàm Ninh dạy vua Thiệu Trị, cụ Nguyễn Văn Nhuận dạy vua Hàm Nghi. Vương sư Nguyễn Văn Nhuận (Nguyễn Nhuận) chính là người làng Quảng Xá, nổi tiếng là một nhà nho uyên thâm. Vua Tự Đức mời ông vào triều dạy học cho hoàng tử Ưng Lịch (sau này là vua Hàm Nghi). Vua Hàm Nghi lên ngôi, cụ Nguyễn Văn Nhuận xin vua đi làm quan tri huyện Tuyên Hóa. Khi hồi hương, vua ban cho đôi câu đối “Thiên địa hữu sinh, thiên địa ngẫu. Đế vương chi hậu, đế vương sư”. Rất tiếc đôi câu đối này do chiến tranh tàn phá nên làng Quảng Xá không còn lưu giữ được”.
 
“Sợi chỉ đỏ" cách mạng truyền hậu thế
 
Ông giáo Dương Viết Thủ đưa tôi đến thăm bảo tàng cách mạng của làng. Hàng trăm hiện vật được sưu tầm, lưu trữ tại bảo tàng là câu chuyện liền mạch tái hiện lại dòng chảy lịch sử mấy trăm năm xây dựng quê hương, đất nước, đặc biệt là qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ.
Ông giáo Dương Viết Thủ (bìa phải), người lưu giữ sử làng.
Ông giáo Dương Viết Thủ (bìa phải), người lưu giữ sử làng.
Tại Quảng Ninh, trong cao trào Cách mạng tháng Tám có hai làng chiến đấu thành lập sớm nhất là Quảng Xá (Tân Ninh) và Võ Xá (Võ Ninh). Sau khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta, thực hiện lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến phủ Quảng Ninh, làng chiến đấu Quảng Xá tích cực tích trữ lương thực, vũ khí chuẩn bị đánh địch, bảo vệ làng.
 
Ngày 2/4/1947, quân Pháp từ đồn Mỹ Trung đổ bộ lên Quảng Xá và Bình Thôn. Quân địch đến đầu làng Quảng Xá thì toàn dân được lệnh đồng loạt đánh trống, mõ, phèng la vang dậy và nổ vài phát súng về phía địch. Do không biết rõ thực lực của ta, địch phải dè chừng, rút lui.
 
Ngày 3/7/1947, quân Pháp tăng cường thêm lực lượng, tiến đánh làng Quảng Xá lần thứ hai. Lịch sử Đảng bộ xã Tân Ninh 1930-2015 ghi rõ sự kiện này: “Ba trung đội dân quân tự vệ chiến đấu Quảng Xá nhanh chóng vào vị trí theo phương án đã định. Vũ khí của dân quân tự vệ lúc này chỉ có 3 khẩu súng trường, 20 quả lựu đạn, còn lại là dao, mác, kiếm, gậy gộc. Lựu đạn, đạn chỉ đủ chiến đấu trong 10 phút, nhiều người chiến đấu đến hơi thở cuối cùng nhưng không thể cản bước tiến quân địch quá mạnh. Bọn địch tràn vào làng và gây ra vụ thảm sát nặng nề cho người dân Quảng Xá. Chúng xả súng bắn chết 80 người, trong đó có 41 chiến sĩ dân quân, tự vệ”.
 
Chủ tịch UBND xã Tân Ninh Nguyễn Văn Hoan giới thiệu về làng Quảng Xá đầy trân trọng và tự hào: Quảng Xá còn được gọi là làng Đỏ khi có 21 cán bộ tiền khởi nghĩa (trong tổng số 22 người toàn xã); 21 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (trong tổng số 28 người của xã); 114 liệt sỹ chống Pháp và chống Mỹ (trong tổng số 194 liệt sỹ toàn xã).

Trận chiến đấu không cân sức chống quân Pháp đổ bộ vào làng Quảng Xá chịu nhiều tổn thất, trở thành bài học xương máu cho quân và dân Quảng Xá sau này. Lòng dũng cảm, sự hy sinh “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, một phen sống chết với quân thù bảo vệ làng, bảo vệ quê hương mãi mãi chói ngời trang sử, lưu danh cho hậu thế. Trong trận đánh Pháp, bảo vệ làng này, anh trai ông giáo Dương Viết Thủ là Dương Viết Thưa (SN 1920) cũng hy sinh, trở thành liệt sỹ chống Pháp.

Trước khi tạm biệt Quảng Xá, tôi vào thắp nén hương tưởng niệm trước “Đài ghi nhớ công ơn những người con đã chiến đấu, hy sinh vì quê hương, Tổ quốc” được xây dựng uy nghiêm, trang trọng giữa trung tâm làng. Ghi nhớ công ơn những người ngã xuống qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nhân dân Quảng Xá chung tay xây nên đài tưởng niệm này!

Đài tưởng niệm có hai tấm bia tả, hữu. Bia bên trái trang trọng khắc tên các liệt sỹ, người dân bị thảm sát trong trận đánh ngày 3/7/1947 và tên các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bia bên phải là danh sách các liệt sỹ hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Hậu thế làng Quảng Xá sẽ không bao giờ quên những người đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. 

Thanh Long

tin liên quan

Đất và người Phan Xá

(QBĐT) - Làng Phan Xá, xã Xuân Thủy (Lệ Thủy) có chiều dài lịch sử hàng trăm năm. Làng luôn mang trong mình trầm tích của thời gian, gắn liền với những tên đất, tên người. 

Nặng lòng với quê hương

(QBĐT) - Đó là ông Phan Hải, quê ở xã Hải Phú (Bố Trạch), hiện đang sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh. Dẫu lập nghiệp nơi xa nhưng ông luôn hướng về quê hương, có nhiều đóng góp thiết thực để xây dựng các công trình văn hóa, lịch sử, tâm linh phục vụ đời sống sinh hoạt cho bà con nhân dân.

Làng còn… "di sản" còn

(QBĐT) - Với lịch sử hàng trăm năm hình thành và phát triển, trên mảnh đất Quảng Bình đã ghi dấu bao tên đất, tên làng với bề dày trầm tích văn hóa-lịch sử đi suốt chặng đường dài dựng nước, giữ nước của dân tộc. Dẫu thời gian có trôi qua với những biến thiên thời cuộc, nhiều làng quê vẫn vẹn nguyên các giá trị trường tồn, bởi sâu thẳm còn đó không ít "di sản" của làng được bảo tồn vẹn nguyên…