"Tứ bút, châu nghiên"
(QBĐT) - Nhìn lên bản đồ, vùng đất La Hà xưa, nay là xã Quảng Văn (TX. Ba Đồn) chỉ là một ốc đảo nơi cuối nguồn dòng Đại Linh Giang. Nhưng đó là vùng “địa linh” sinh “nhân kiệt”, một trong những làng văn vật trong “bát danh hương” nổi tiếng suốt hàng trăm năm qua.
Đắc địa
Thầy giáo dạy sử, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Văn Trần Xuân Mão, người từng có nhiều năm nghiên cứu lịch sử, văn hóa vùng đất này và cũng là người chấp bút viết “Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Văn, giai đoạn 1930-2000” lý giải, sông Gianh, đoạn qua xã Quảng Văn là nơi hợp lưu của 5 nhánh phụ của nguồn Son (từ phía Phong Nha) và nguồn Nậy (bắt nguồn từ Hương Khê, Hà Tĩnh), gồm: Sông Son, sông Nan, sông Rào Nậy và hai con hói Mã Phượng, Ao Bù. Từ đây, nhiều cồn bãi được bồi đắp hình thành như những hòn ngọc lung linh, kỳ ảo giữa dòng Đại Linh Giang xanh biếc, như: Cồn Bông, cồn Vượn, cồn Nổi, cồn Dâu…, trong đó người La Hà định cư trên bãi nổi lớn nhất. Điều đặc biệt hơn cả là các nhánh sông nói trên đều có hướng chảy hội tụ về xã Quảng Văn như bốn ngọn bút đang chấm vào nghiên mực. Đó là thế đất “tứ bút, châu nghiên”. Có người ví von vùng đất này chính là một hạt ngọc quý để năm con rồng cùng vui đùa thưởng ngoạn như bức tranh “Ngũ long tranh châu” rất sinh động.
Lại có ý kiến cho rằng, cái đắc địa của La Hà nằm ở thế đất “Long hồi hổ phục”, vì ngay phía trước cổng đình làng La Hà có dòng nước chảy ngược theo hướng Đông-Tây về tụ lại đầu thôn như một con rồng đang bay về, còn Hòn Vắp phía trước thì có dáng như một con hổ nằm phủ phục nhìn về làng. Với riêng thầy giáo già Trần Xuân Mão, hậu duệ đời thứ 15 của dòng họ Trần Côi nức tiếng ở La Hà còn có một kiến giải thú vị, từ trên cao nhìn xuống, các xã vùng Nam TX. Ba Đồn có hình dạng con đại bàng đang sải cánh bay, mà xã Quảng Văn chính là phần đầu con chim đại bàng ấy.
“Văn miếu” của làng
Phải chăng, chính các địa thế và vị thế đắc địa “có một không hai” đó chính là khởi nguồn cho thành tích khoa bảng của đất “danh hương” La Hà và là nguồn sinh lực để con người nơi đây tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống học hành, đỗ đạt của cha ông? Ông Trần Xuân Mão cho hay: “Khó có thể khẳng định, địa thế và cách lý giải nào là hợp lý. Nhưng có một thực tế, người dân nơi đây từ xưa đến nay rất coi trọng sự học và tôn trọng sự hiếu học. Truyền thống hiếu học đã ăn sâu vào tâm khảm của mỗi người con của làng. Việc dùi mài kinh sử đã trở thành bắt buộc đối với các nam giới trong làng. Người ta thi đua lẫn nhau trong dòng họ, giữa các dòng họ, mọi khó khăn đều không làm nản chí các nho sĩ trong việc học hành”.
Theo sử liệu và gia phả các dòng họ nơi đây, làng La Hà được hình thành khoảng cuối thế kỷ XV. Mãi đến thế kỷ XVII, mặc dù La Hà không có trường, lớp học nhưng một số gia đình đã tự thuê thầy ở nơi khác về dạy, hoặc cho con em vượt sông đi học ở địa phương khác. Nhờ đó, có một số người tham gia thi hương và đậu tú tài, cử nhân. Phải đến cuối thế kỷ XVIII, việc thi cử, đỗ đạt của người La Hà mới phát triển rực rỡ.
Chủ tịch UBND xã Quảng Văn Trần Văn Trọng: Khó có thể thống kê hết những người con của đất La Hà xưa, xã Quảng Văn ngày nay đã và đang thành đạt, thành danh trên mọi miền đất nước. Phát huy truyền thống của cha ông, lớp lớp các thế hệ người Quảng Văn rất coi trọng việc học. Điều quan trọng là nhờ truyền thống hiếu học, ngày nay, thế hệ trẻ người Quảng Văn dường như cũng ít “nhiễm” những thói hư tật xấu của xã hội hơn những địa phương khác. |
Đến bây giờ, người dân nơi đây vẫn truyền tụng câu chuyện về thành tích khoa bảng của 2 thầy trò Phạm Nhật Tân và Trần Văn Hệ. Sử sách chép lại rằng, kỳ thi Hội năm Tân Hợi (1851), niên hiệu Tự Đức thứ 4, tỉnh Quảng Bình có 3 vị đỗ tiến sĩ (TS.) thì cả 3 người đều thuộc huyện Quảng Trạch (cũ), trong đó có 2 người ở làng La Hà. Đặc biệt, 2 vị TS. là thầy trò cùng thi và cùng đỗ trong một kỳ thi. Điều mà trước đó và cả sau này đều hiếm thấy. Người thầy là Phạm Nhật Tân lúc đó đã 41 tuổi và người học trò là Trần Văn Hệ chỉ mới 24 tuổi. Đây cũng chính là 2 vị TS. phát khoa, khơi nguồn cho thành tích khoa bảng của đất học La Hà.
Chưa dừng lại, để vinh danh những vị bậc đại khoa của làng, người La Hà còn dựng đình, miếu, nhà thờ để làm nơi thờ tự. Đình La Hà là một trong những đình làng khá đặc biệt. Đây không chỉ thờ tự những tiền nhân đã có công khai khẩn lập làng, mà còn là nơi thờ tự, vinh danh những người đỗ đạt hiển vinh của làng. Đình làng được xây dựng vào năm 1859, do con cháu năm dòng họ lớn (gọi là đại tôn) trong làng, gồm họ: Mai, Phạm, Trần (côi), Trần (dưới), Tạ đã góp công, góp của dựng nên. Sau này, do có nhiều người đỗ đạt, nên người La Hà đã xây thêm khu văn miếu để thờ 5 vị TS. và 1 phó bảng đã từng đỗ đạt qua các kỳ thi của triều Nguyễn. Ngoài 2 thầy trò họ Phạm và họ Trần (côi), văn miếu thờ phụng vinh danh TS. khoa Nhâm Tuất, Tự Đức thứ 5 (1861) Trần Văn Chuẩn, làm đến chức Thượng thư Bộ Công, kiêm Phó Khâm sai đại thần; TS. khoa Nhâm Thìn, Thành Thái thứ 4 (1892) Tạ Hàm, Tham biện Nội các triều đình, từng là Thái sư dạy vua Duy Tân; TS. khoa Tân Sửu, Thành Thái 13 (1901) Trần Văn Thống làm Thượng thư Bộ Công. “Tín ngưỡng” thờ sự hiếu học, đỗ đạt khoa bảng của mảnh đất văn vật này, âu cũng là điều hiếm có.
Có lẽ vì thế, cho đến nay, người dân La Hà vẫn còn truyền tụng câu ca: “Bao giờ hết cát Mỹ Hòa/Sông Gianh hết nước, La Hà hết quan”, để tự hào về truyền thống hiếu học và thành tích đỗ đạt của quê hương mình.
Theo thống kê, dưới thời nhà Nguyễn, làng La Hà đứng đầu về số lượng người đỗ đạt khoa bảng của tỉnh. Từ năm Quý Dậu 1813 đến năm Mậu Ngọ 1918, Quảng Bình có 270 vị đỗ cử nhân thì huyện Quảng Trạch (cũ) đã chiếm gần một nửa với 113 vị, trong đó riêng La Hà có đến 32 vị, cao nhất huyện và có đến 6 vị đỗ đại khoa, cũng là địa phương có người đỗ đại khoa nhiều nhất trong huyện. |
Dương Công Hợp