Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Tháng ba đượm tình đất và người

  • 05:28 | Thứ Bảy, 20/04/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhắc đến Minh Hóa, vùng đất với những giai tầng văn hóa đặc sắc, riêng biệt vẫn được lưu giữ, hiện hữu qua những phong tục, tập quán truyền đời. Lên Minh Hóa, không thể không nói về Hội rằm tháng ba, lễ hội được xem là hồn cốt, là dịp để cảm nhận rõ nhất sự khoáng đạt, chân tình của vùng đất và con người nơi đây.
 
Hội rằm tháng ba có từ xa xưa, đây là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm của người Minh Hóa, như một cách để họ hướng về nguồn cội. Ngày nay, lễ hội kết hợp hài hòa với nhiều chương trình văn hóa, thể thao truyền thống và hiện đại kéo dài từ ngày 10-15/3 âm lịch, đặc biệt là quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch Minh Hóa đến bạn bè, du khách thập phương.
 
Cội nguồn hội rằm
 
Cũng như nhiều lễ hội truyền thống khác, Hội rằm tháng ba Minh Hóa cũng có phần lễ và phần hội. Theo cuốn Văn hóa dân gian của người nguồn ở Việt Nam (xuất bản 2011) của tác giả Võ Xuân Trang-Đinh Thanh Dự, trước đây phần lễ rằm tháng ba được tổ chức vào ngày 15/3 âm lịch và hội chợ rằm diễn ra một ngày sau đó. Phần lễ bao gồm lễ phúng viếng Pụt (Bụt-P.V) ở bàn thờ thác Pụt (Bụt-P.V) thuộc xã Yên Hóa và lễ cầu đảo ở thác Rèm.
Lễ dâng hương tại đền thờ thác Pụt (Bụt-P.V) xã Yên Hóa (Minh Hóa).
Lễ dâng hương tại đền thờ thác Pụt (Bụt-P.V) xã Yên Hóa (Minh Hóa).
Tương truyền, Pụt là vị thần linh thiêng trên hết và trước hết được người Minh Hóa thờ cúng để cầu tự, cầu tài, cầu lộc, cầu thọ. Pụt là người tài giỏi, đức độ thường biến thành người hiền đi giúp người lương thiện hoạn nạn, trừng trị kẻ tham lam độc ác. Pụt hóa thành tượng đá ở trên chóp lèn Ông Ngoi (12 ông). 
 
Sau đó được hai người dân địa phương mang xuống thác Dác Dòn rồi lập bàn thờ Pụt tại đó cho đến nay. Thác Dác Dòn cũng đổi tên thành thác Pụt từ đó và cứ ngày rằm, mồng một hàng tháng thì người dân quét dọn bàn thờ, thắp hương. Riêng ngày rằm tháng ba âm lịch, tổ chức làm chay tế Pụt, cầu cho mưa thuận gió hòa, dân làng bình yên làm ăn thịnh vượng.
 
Điều đặc biệt, đồ lễ cúng tại thác Pụt là đồ chay và người đi lễ phúng viếng trên đường gặp trẻ em thì phải dung lễ (xôi, oẳn, hoa quả…) chia cho mỗi cháu một ít, xem như lộc của Pụt cho và hướng tới sự sẻ chia. Cũng có lẽ vì vậy, người Minh Hóa luôn tâm niệm dạy con cháu mình thờ kính, biết ơn Pụt và làm theo đức độ, hướng thiện của Pụt.
 
Phần lễ cầu đảo tại thác Rèm cũng diễn ra trong ngày rằm nhằm cầu nguyện Pụt và vua Hà Bá cho mưa thuận gió hòa, người dân các làng một năm yên ổn làm ăn thịnh vượng. Ngày nay, tục dâng hương đền thờ thác Pụt vào ngày rằm tháng ba vẫn được các cấp chính quyền và người dân Minh Hóa giữ gìn với những thủ tục cơ bản, như một cách hướng về nguồn cội cũng như giáo dục, truyền đạt văn hóa của cha ông cho thế hệ trẻ.
 
Vui trẩy hội
 
Người Minh Hóa thường có câu nói tự dặn lòng với nhau: Chẳng thà tâu ốm má nằm/Khôông ai má lác chợ rằm tháng Pa (tiếng Nguồn). Nghĩa là: Chẳng thà đau ốm mà nằm/Không ai mà bỏ chợ rằm tháng ba. Câu nói dường như đã ăn sâu vào tiềm thức, để biết rằng hội rằm tháng ba có ý nghĩa đặc biệt dường nào với mỗi người dân Minh Hóa. Chợ rằm tháng ba là nét văn hóa thể hiện sự gắn kết cộng đồng của mảnh đất miền sơn cước này.
Các trò chơi dân gian tại hội rằm tháng ba.
Các trò chơi dân gian tại hội rằm tháng ba.

Chợ rằm tháng ba luôn náo nhiệt, tấp nập người mua kẻ bán, những người được ưu tiên là trẻ em và nam nữ thanh niên. Trẻ em nếu ở gần thì được cha mẹ cho tiền đến hội chợ rằm để ăn uống, vui chơi thỏa thích, còn nếu ở xa cha mẹ sẽ đi chợ mua quà bánh và đồ chơi về. Các nam thanh, nữ tú người Minh Hóa sẽ đến hội chợ rằm vui chơi, đàn đúm giao duyên với nhau và trao đổi đặc sản từng vùng.

Nhiều cặp nam nữ thanh niên đã có thêm cơ hội “kết tóc se duyên” cũng từ hội chợ rằm tháng ba này. Còn với người già, hội chợ rằm tháng ba để được gặp lại “bạn quen” cũ hàn huyên và thưởng thức lại điệu đàn, câu đúm mà trước đây một thời đã ca hát cùng nhau.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đinh Thanh Dự cho biết, hội chợ rằm tháng ba chỉ có ở người Nguồn mà mỗi năm chỉ có một lần và luôn cảm nhận nét văn hóa đậm đà làm say đắm tình người. Đi chợ rằm, người Minh Hóa như buông bỏ hết mọi muộn phiền trong cuộc sống để vui chơi, để ca hát và để xích lại gần nhau hơn.
 
Ngày nay, Hội rằm tháng ba Minh Hóa đã được công nhận là lễ hội cấp tỉnh và tổ chức kết hợp với nhiều chương trình văn hóa, thể thao truyền thống, hiện đại đặc sắc kéo dài từ ngày 10-15/3 âm lịch trong Tuần lễ Văn hóa-Thể thao-Du lịch. Đó có thể là những trận thi đấu nảy lửa trong tiếng hò reo vọng núi rừng, những điệu hò thuốc, hát đúm pí du dương, trầm bổng… 
Làng Tân Hóa được công nhận là làng du lịch tốt nhất thế giới. Ảnh: Oxalis
Làng Tân Hóa được công nhận là làng du lịch tốt nhất thế giới. Ảnh: Oxalis
Hội rằm không chỉ của riêng người Minh Hóa mà còn thu hút nhiều du khách thập phương đến chiêm ngưỡng, thưởng thức cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa ẩm thực đặc sắc, mang sắc thái riêng biệt của vùng đất sơn cước này. Có người nói rằng, muốn biết hơn Minh Hóa, hãy đi hội rằm tháng ba. Ở đó, bạn sẽ cảm được sự hiếu khách, chân thành cũng không thiếu phần phóng khoáng của tình đất, tình người nơi đây.
 
Rộng mở ngành “công nghiệp không khói”
 
Là huyện miền núi, với gần 90km đường biên giới giáp nước bạn Lào, Minh Hóa có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên nhìn chung, đời sống của người dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng bù lại, Minh Hóa là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch-ngành “công nghiệp không khói” thời đại số.
 
Với hệ thống hang động Tú Làn, thác Bụt-Giếng Tiên, hang Rục Mòn, hồ Yên Phú, Cổng Trời, thác Mơ… và những tháp núi ẩn hiển trong sương mờ đẹp như những bức tranh thủy mặc. Năm 2023, làng Tân Hóa được công nhận là làng du lịch tốt nhất thế giới. Đây cũng là vùng đất có nhiều địa danh đã đi vào lịch sử, như: Hóa Sơn được Vua Hàm Nghi cùng các tướng lĩnh đóng căn cứ để lãnh đạo phong trào Cần Vương; các địa danh đèo Đá Đẽo, đèo Mụ Giạ, ngầm Rinh, Khe Ve, đình Kim Bảng, Cổng Trời, Cha Lo, trận địa pháo Nguyễn Viết Xuân…
 
Bên cạnh đó, vùng đất Minh Hóa là nơi giao thoa văn hóa của đồng bào các dân tộc Kinh, Chứt, Bru-Vân Kiều với nhiều phong tục, tập quán, lễ hội đặc sắc, đặc biệt là hội rằm tháng ba và hò thuốc cá được công nhận là Di sản phi vật thể cấp quốc gia. Cùng với đó là một nền ẩm thực độc đáo và mới lạ cho du khách khám phá.
Điểm du lịch thác Mơ, xã Hóa Hợp.
Điểm du lịch thác Mơ, xã Hóa Hợp.
Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Nguyễn Bắc Việt cho hay, phát triển du lịch là một trong những chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025. Thông qua Tuần lễ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Hội rằm tháng ba là cách để Minh Hóa quảng bá, giới thiệu tiềm năng về du lịch đến bạn bè và du khách thập phương; đồng thời kêu gọi, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư quan tâm đến ngành du lịch tại địa phương.
 
Để thức dậy được tiềm năng du lịch ở vùng đất sơn cước như Minh Hóa rõ ràng còn cần nhiều thời gian và nhiều việc phải làm. Nhưng với “số vốn” ít nơi nào có được cùng với hướng đi đúng đắn, tin rằng trong tương lai không xa Minh Hóa sẽ là điểm sáng trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.
 
 
CHƯƠNG TRÌNH TUẦN LỄ VĂN HÓA-THỂ THAO-DU LỊCH VÀ HỘI RẰM THÁNG BA MINH HÓA 2024:
 
1. Từ ngày 19/4 (11/3 âm lịch)
 Thi đấu bóng chuyền nam, nữ.
 
2. Từ ngày 21/4 (13/3 âm lịch)
Thi đấu 8 môn thể thao truyền thống và trò chơi dân gian: Bắn nỏ, kéo co, thả diều, đẩy gậy, cờ thẻ, đánh đu, vật dân tộc và cà kheo.
 
3. 19 giờ 30 phút ngày 20/4 (12/3 âm lịch)
Chương trình vui trẩy hội.
 
4. 19 giờ 30 phút ngày 21/4 (13/3 âm lịch)
Chương trình Đêm nhạc đường phố.
 
5. 8 giờ ngày 22/4 (14/3 âm lịch)
Lễ dâng hương tại thác Pụt.
 
6. 20 giờ ngày 22/4 (14/3 âm lịch)
Chương trình nghệ thuật chào mừng tuần lễ.
 
7. Ngày 23/4 (15/3 âm lịch)
Hội chợ rằm truyền thống.
 
8. Từ ngày 14-23/4 (6-15/3 âm lịch)
Hoạt động quảng bá du lịch, ẩm thực; hội chợ thương mại.

X.Phú

 

tin liên quan

Văn học-nghệ thuật Quảng Bình, 35 năm trở về và phát triển

(QBĐT) - Sau gần 14 năm sáp nhập tỉnh, ngày 1/7/1989, tỉnh Bình Trị Thiên chia tách, Quảng Bình trở về địa giới cũ. Cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, lực lượng văn nghệ sĩ đã chung sức vào công cuộc tái thiết xây dựng quê hương, hành trình ấy đến nay vừa tròn 35 năm.   

Di tích lịch sử nhà thờ họ Trần Côi làng La Hà

(QBĐT) - Họ Trần Côi làng La Hà, xã Quảng Văn (TX. Ba Đồn) là dòng họ tiêu biểu có truyền thống học hành đỗ đạt khoa bảng, có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước.

Mùa lễ hội bên bờ sông Gianh

(QBĐT) - Ba Đồn-địa danh gắn liền với sông Gianh lịch sử cùng nhiều trầm tích bể dâu và bề dày văn hóa truyền thống.