(QBĐT) - Người đầu tiên mệnh danh tỉnh Quảng Bình là “vương quốc hang động” quả là có sự liên tưởng thật tinh tường và khái quát. Hơn 500 hang động được phát hiện, trong đó có những hang động to lớn, tráng lệ bậc nhất Việt Nam và thế giới, đã góp phần biến vùng đất Quảng Bình thành điểm đến du lịch có sức thu hút đặc biệt đối với du khách muôn phương.
Theo các nhà khoa học, hang động được hình thành do quá trình kiến tạo địa chất của trái đất từ cách đây hàng triệu năm và để cho hang động trở nên hùng vĩ, tráng lệ phải kể đến mối lương duyên cầm sắt giữa núi non và sông nước. Với thân phận con người, núi, sông là các thực thể địa lý tự nhiên tiền định, nơi thoạt tiên các bậc tiền nhân chỉ là dựa vào đó mà chọn làm môi trường sinh tụ, nhưng lâu dần đã đẩy lên thành các vùng địa linh hai mặt để tự hào và tôn thờ, bởi sự quyền uy của tự nhiên: Vừa tạo ra môi sinh nuôi sống che chở con người, lại vừa gây nên thử thách, tai ương đe dọa cuộc sống con người!
Ở Quảng Bình, bên cạnh biển và những khoảnh đồng bằng vô cùng chật hẹp thì núi, sông tràn ngập địa dư, một cảnh quan vừa lạ, vừa quen rất hấp dẫn, nhưng cũng đầy bất trắc mà những lưu dân miền Bắc đầu tiên từ thế kỷ thứ X và liên tục các thế kỷ sau đó khi theo chân các đoàn quân mở cõi vào đây khai khẩn, dựng làng lập quê hương mới, phải đối diện. Ấn tượng ban đầu của tiền nhân về cảnh quan núi, sông rợn ngợp nơi miền đất mới vẫn còn lưu vết trong kho tàng ca dao của quê hương:
Ra về ngó dọi chừng chừng
Ngó sông, sông rộng, ngó rừng, rừng cao
Cảm xúc trữ tình ứng tác tại chỗ của dân gian, về sau được các học giả, cũng như chính sử các triều đình phong kiến qua điều tra, khảo sát và trải nghiệm đã văn bản hóa thành dấu hiệu đặc thù của vùng đất Quảng Bình: “Nói về địa hình thì non cao bể rộng… sông hồ tràn ngập, đi thuyền hơn hẳn đi chân” (Ô châu cận lục), “núi non giăng ngang, sông ngòi uốn quanh đẹp đẽ” (Hoàng Việt nhất thống dư địa chí)...
Ở cố hương, người Việt xưa, từ lâu đã định hình cách ứng xử với núi, sông phù hợp tâm hồn, tính cách và tín ngưỡng vạn vật hữu linh của dân tộc mình: Biết ơn và sùng bái. Vào đến miền đất mới, mang theo niềm tin nơi chốn cũ, người nông dân chất phác ngay lập tức “nhìn thấy” ở mỗi ngọn núi, gò đồi, dòng sông, hồ đầm... nơi đây cũng đều có một vị thần ngự trị, cần phải tôn kính, thờ phụng để mong thần hiển linh âm phù, che chở cho cuộc sống được bình yên.
Trải qua thời gian, tín ngưỡng và sự thực hành thờ cúng thần núi, thần sông của các lưu dân miền Bắc cũng như sự dung hòa với tín ngưỡng bản địa đã phủ rộng khắp miền quê mới Quảng Bình, thể hiện qua nhiều sản phẩm tinh thần, vật chất đa dạng được các thế hệ nhân dân sáng tạo ra và cả sản phẩm do triều đình ban tặng, nay đã thành di sản: Truyền thuyết, thần tích, lễ hội, hương ước (bảo vệ tự nhiên), đền miếu, sắc phong...
Sách Thần thành hoàng Quảng Bình trong thư tịch Hán Nôm khảo sát từ các nguồn tư liệu Hán Nôm cổ còn lưu lại cho biết, ở Quảng Bình thời đó có 103 làng thờ tự Sơn thần và 124 làng thờ tự Thủy thần, một con số rất ấn tượng, mặc dù các tư liệu Hán Nôm cổ đã mai một đi nhiều và sự biên chép hẳn cũng chưa đầy đủ. Trước hiện thực tín ngưỡng dân gian vạn vật hữu linh chân thành và rộng khắp ấy, cộng với cái nhìn phong thủy của mình, các nhà khoa bảng phong kiến kể từ tiến sĩ Dương Văn An đến các sử quan triều Nguyễn khi biên soạn các công trình địa chí để đời, bên cạnh việc ghi chép, miêu tả các số liệu tự nhiên, địa điểm của hàng trăm ngọn núi, dòng sông, đầm phá... ở Quảng Bình, còn kèm theo những định ngữ đầy tôn kính: Thế rồng cuộn cọp ngồi (dãy Hoành Sơn), thần khí dồi dào (núi An Mã), nơi Đâu Suất (núi Đâu Mâu), mây mù tỏa mấy trăm châu (núi Thần Đinh), bóng nguyệt gần người (sông Bình Giang), thuyền tiên phất phới (sông Nhật Lệ), sóng trào cuồn cuộn (sông Linh Giang), cảnh giới của Ngũ hồ (phá Hạc Hải), có thế rồng nấp dưới đáy (vực An Sinh), khai bởi thần công (Vũng Chùa)...
Với sự linh thiêng và công đức của các vị nhiên thần, triều đình ngoài việc ban sắc phong từ hạng Thượng đẳng thần đến Chi thần cho nhiều vị thần núi, sông ở Quảng Bình, còn truyền ghi núi Đầu Mâu và sông Gianh vào tự điển (năm Minh Mệnh thứ 21), để hàng năm xuân thu nhị kỳ cúng tế ở cấp quốc gia: “Về hạt Quảng Bình: Núi Đâu Mâu, sông Gianh, dùng tam sinh”. Biết rằng, ở thời điểm đó, trong 25 hạt (tỉnh) cả nước có núi cao, sông lớn linh thiêng được ghi vào tự điển thì chỉ có núi, sông 3 hạt được dùng lễ tam sinh (trâu, dê, lợn) để cúng tế: Hạt Thừa Thiên (đế đô), hạt Thanh Hóa (quý hương nhà Nguyễn) và hạt Quảng Bình, còn các hạt khác khi cúng tế chỉ được dùng hai con sinh trong số đó mà thôi.
Với sự biệt đãi này, chúng ta hiểu rằng, trong rất nhiều núi sông thiêng, triều đình nhà Nguyễn coi núi Đầu Mâu và sông Gianh là chủ sơn, chủ thủy của vùng đất Quảng Bình, như một sự hàm ơn. Bởi ngoài là môi trường nuôi sống, che chở thần dân của mình, các núi sông này còn là những thực thể địa lý tự nhiên hiểm trở bảo trợ hữu hiệu cho việc giữ gìn, mở mang bờ cõi của các chúa, vua triều Nguyễn: Núi Đầu Mâu, nơi phát tích của hệ thống phòng thủ nhân tạo vững chắc Lũy Thầy và sông Gianh (Linh Giang/Thanh Hà), ranh giới hiểm trở một thời từng là biên viễn, thách thức mọi sự xâm nhập:
Khôn ngoan qua được Thanh Hà
Dẫu rằng có cánh khó qua Lũy Thầy
Còn những núi sông thiêng khác thì năm Tự Đức thứ năm (1852) cho xây một đàn tế Sơn Xuyên (núi sông), quy mô hai tầng ở phía nam tỉnh thành Quảng Bình, để quan lại và dân chúng địa phương “mỗi năm tháng hai và tháng tám đến tế” bởi “khí núi sông bao giờ cũng lưu thông không ngăn cách nên tế cả vào một đàn”.
Truyền thống tôn thờ núi, sông của cha ông ta thực chất là sự biết ơn và bảo vệ tự nhiên, biết ơn và bảo vệ một thế đất có núi, sông hài hòa được coi là vùng địa linh mà tiền nhân đã chọn làm nơi sinh tụ, rồi đem tâm huyết, công sức, máu xương của nhiều thế hệ nối nhau bồi trúc nên quê hương ruột thịt; từ đó, sản sinh ra biết bao miền quê giàu truyền thống văn hóa, biết bao nhân kiệt trên khắp Quảng Bình xưa, nay.
Mối tương quan địa linh-nhân kiệt ở vùng đất này, từ lâu, một người con nhân kiệt của quê hương, tiến sĩ Dương Văn An đã nhìn thấy: “Nhân tài vốn do địa khí hun đúc, địa khí lại nhờ nhân tài mà phát lộ… Vùng ta mặt đất thì non sông tươi đẹp, biển cả thì sóng nước dạt dào…, quả là một vùng trọng yếu của đất nước vậy. Nếu chẳng bảo là nơi nuôi dưỡng nên những bậc anh tài tuấn kiệt, khai mở ra đường học hành thông đạt, thì sao có thể xứng với khí đất như vậy”.
Và hơn 400 năm sau, một bậc nhân kiệt khác thời hiện đại cũng do địa khí Quảng Bình góp phần hun đúc nên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn võ song toàn làm rạng danh đất nước, khi về trời chọn chốn sơn thủy giao hòa Mũi Rồng-Vũng Chùa của quê hương làm nơi an nghỉ ngàn thu, khiến ta phải cảm phục mà liên tưởng đến các bậc trí, nhân xưa: “Nhân giả nhạo sơn, trí giả nhạo thủy” (người có đức nhân thì thích núi, người có đức trí thì thích nước).
Ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, tín ngưỡng vạn vật hữu linh cũng như tục thờ cúng thần núi, sông xưa đã thu hẹp rất nhiều trong đời sống tinh thần của con người Quảng Bình hiện đại. Tuy nhiên, truyền thống tôn trọng thiên nhiên, ứng xử hài hòa với thiên nhiên thể hiện qua hệ thống tín ngưỡng cổ xưa, chất phác của tiền nhân chứa đựng trong đó những bài học hữu ích mà chúng ta cần tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu trên con đường tìm kiếm giải pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ tự nhiên, từ đó yêu thêm non sông, quê hương, Tổ quốc tươi đẹp của chúng ta. Bởi vì, không phải vô cớ mà cặp hiện tượng địa lý tự nhiên “non sông” lại được người Việt lựa chọn phái sinh thành khái niệm Tổ quốc thiêng liêng trong ngôn ngữ hiện đại của mình.
Trần Hùng
Sách, tài liệu tham khảo:
- Ô châu cận lục, Dương Văn An, NXB Thuận Hóa, 2001.
- Đại Nam thực lục, tập 5, Quốc sử quán triều Nguyễn, NXB Giáo dục, 2004.
- Đại Nam nhất thống chí, tập 1, Quốc sử quán triều Nguyễn, NXB Lao động, 2012.
- Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Lê Quang Định, NXB Thế giới, năm 2021.
- Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 4A, Nội các triều Nguyễn, NXB Thuận Hóa, 2005.
- Văn học dân gian Quảng Bình, Trần Hùng (chủ biên), NXB Văn hóa, 1996.
- Thần thành hoàng Quảng Bình trong thư tịch Hán Nôm, TS. Nguyễn Văn Tuân (chủ biên), NXB Thông tin và Truyền thông, 2021.
(QBĐT) - Một ngày đầu xuân 2024, chúng tôi ngược ngàn đến với dãy Giăng Màn để được chứng kiến đồng bào người Mày (dân tộc Chứt) bản K-Ai, xã Dân Hóa (Minh Hóa) tổ chức lễ cúng thần Cu lôông Cờ tôốc.
(QBĐT) - Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Mai Xuân Thành cho biết: Ngày 20/11/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 3302/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với Nhà thờ họ Mai làng Thọ Linh, xã Quảng Sơn (TX. Ba Đồn).