Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Sông Gianh-Danh, phận Linh Giang

  • 07:30 | Chủ Nhật, 05/11/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Linh Giang (靈江) là sông phía Bắc tỉnh Quảng Bình. Nhìn trên bản đồ, lưu vực sông như chiếc quạt nan ôm gọn cả Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (bao gồm huyện Bố Trạch và Minh Hóa), các huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch và TX. Ba Đồn. Linh Giang có 3 nguồn chính: Rào Nậy, Rào Nan và Rào Son, hợp lưu tại cuối làng Văn Phú (xã Quảng Văn) chảy ra biển.
 
Tư liệu cổ nhất đề cập đến danh xưng dòng sông cho đến nay mà chúng tôi có được là sách Tấn thư châu quận ký. Tác giả Nguyễn Quốc Toàn trong bài “Về với Linh Giang” viết: Theo Tấn thư châu quận ký, năm Thái Khang thứ 10 (năm 290) chia quận Tây Quyển mà lập huyện Thọ Linh, sông chảy qua Thọ Linh là Linh Giang.
 
Đầu nguồn Linh Giang (trên dãy Giăng Màn, xã Dân Hóa, Minh Hóa) là dòng khe mang tên rất ấn tượng: Khe Nước Rụng. Theo các cụ cao niên người Mày, xã Dân Hóa, gọi là Nước Rụng vì từ đỉnh Cô Pi những giọt nước từ trên cao rụng xuống liên tục, liên tục mà tạo thành khe. Khe đó là đầu nguồn Linh Giang. Theo truyền thuyết người Mày, đây là nơi trời-đất giao hòa, nơi cư ngụ của các vị thần tiên.
 
Dọc các nguồn Linh Giang lưu truyền nhiều truyền thuyết liên quan đến phận sông. Theo Ô Châu cận lục của Dương Văn An, tại động Chân Linh (Phong Nha), tục truyền trong động có cái hộp vàng chìm sâu đáy nước, một thuật sĩ muốn vào lấy đi. Vừa tới cửa động dân địa phương bảo rằng gió chẳng thuận, không thể vào được. Người kia tự phụ coi là có thuật thần tiên, quẫy chèo mà tiến. Lát sau nghe tiếng tù và, tiếng trống gióng lên ầm ầm, cả bọn nhìn nhau thất sắc, quay thuyền trở về.
 
Ở hạ du, danh xưng Linh Giang gắn bó với dân quê từ bao đời. Trên hai cột nanh đình làng Minh Lệ quê tôi-có câu đối: “Tiền hướng Linh Giang thông đại hải/Hậu liên Ngùi Lĩnh tiếp cao sơn”.
 
Dù được xây dựng lại vào năm 1927, khi tên sông được đổi thành sông Gianh được hơn nửa thế kỷ, nhưng làng tôi vẫn giữ lại danh xưng Linh Giang như là sự tôn trọng di sản mà tiền nhân để lại.
Hoàng hôn sông Gianh.  Ảnh:
Hoàng hôn sông Gianh. Ảnh: Lê Thanh Thu

Một ngôi đình làng khác nằm tả ngạn Rào Nậy, đình làng Lũ Phong (phường Quảng Phong, TX. Ba Đồn), được lập năm 1542. Ngoài thờ Thành hoàng làng, khuôn viên đình này còn có miếu thờ thần Linh Giang. Trên trụ cổng đình có khắc câu đối: “Hướng tốn Linh Giang sản vật thương ngư ưu quảng đại/Tọa càn lãnh thổ cư dân canh mục hảo phong điền’.

Linh Giang không chỉ là danh xưng một dòng sông mà cao hơn, đó là một vị thần trong tâm thức nhân dân!

Cùng các tư liệu điền dã, nhiều cổ thư ghi chép danh xưng Linh Giang khá rõ.

Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn: “Từ bến các xã, phường Lộc Điền, Lũ Đăng đi thuyền theo sông Đại Linh (tức sông Gianh), qua hai xã Vân Lôi, La Hà đến ngã 3 là chỗ sông Gianh và sông Son gặp nhau” (tr. 101).

Còn sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán Triều Nguyễn, quyển 3, tỉnh Quảng Bình, chép: “Núi cao thì có núi Đâu Mâu và núi Thần Đinh; sông lớn thì có sông Linh Giang (Gianh) và sông Nhật Lệ…”. Mục Núi sông sách này chép: Sông Linh Giang (sông Gianh): Ở cách huyện Bình Chính 3 dặm về phía Nam. Bờ phía Bắc thuộc huyện Bình Chính, bờ phía Nam thuộc huyện Bố Trạch, lại có tên là sông Thanh Hà, rộng 170 trượng phát nguyên từ 3 nguồn (1)... (2)

Năm 1471, khi dẫn đại binh chinh phạt Chiêm Thành qua cửa Linh Giang, Lê Thánh Tông, vị vua anh minh sáng suốt vào loại bậc nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam đã để lại bài thơ: Bố Chính hải môn lữ thứ.(3)

"Sơn bão hồi hoàn hải diểu di
Bố Chính tòng cổ hiệu hoang thùy
Tinh hà thôn lạc mao vi ốc
Tiệt phố quan tân trúc tắc kỳ
Nữ hiệp phong tinh khoa uyển miễn
Dân điều quyết thiệt ngữ chu li
Kỵ nam thánh hóa hoằng nhu viễn
Khẳng hạn đề phong ngoại đảo di."
 
Dịch thơ: "Núi ôm vòng biển biển xa mờ/Bố Chính bờ biên cõi vắng xưa/Làng xóm ven sông tranh lợp mái/Cửa quan đầu bến trúc thay cờ/Lưng ong gái thắt khoe duyên dáng/Lưỡi khướu dân cười giọng líu lo/Giáo hóa thánh nhân truyền khắp chốn/Kinh, Chiêm cùng hưởng cõi nam xa" (Bản dịch của Ngô Linh Ngọc-Tổng tập thơ Lê Thánh Tông, NXB Giáo Dục, H, 2003).
 
“Linh Giang, tên Hán (靈江) có nghĩa là dòng sông thần thánh. Phân tích cấu tạo chữ “Linh” (靈) gồm: Chữ Vũ 雨 (nghĩa là mưa) + chữ khẩu 口(lời nói) +  chữ vu  巫  (thầy cúng) = nghĩa: trời mưa mù mịt có thần cúng khấn vái cầu xin thần linh phù hộ, che chở = thần thánh. (Theo từ điển cấu tạo chữ Hán của Phạm Thúc Hồng, NXB Đà Nẵng 2006)”.

Cũng cần nói thêm, năm Quang Thuận thứ 7 (1467), vua Lê Thánh Tông đã chuẩn thuận đề xuất của Tham nghị Thừa tuyên sứ ty Hóa Châu cho phép chiêu mộ dân đến khai khẩn ruộng hoang ở châu Bố Chính. Gần như các làng ở hai bên bờ Linh Giang đều được lập trong khoảng thời gian này.

Linh Giang-dòng sông uất hận, có tác giả đã buông hai từ đó khi viết về dòng sông quê tôi suốt hơn 200 năm Trịnh-Nguyễn phân tranh, cát cứ, đặc biệt non nửa thế kỷ (1627- 1672) chiến tranh mù mịt, xương chất thành đồi, gò, máu chảy thành sông. Đến nay, chưa có nguồn sử liệu nào cho biết thương vong trong các cuộc giao tranh Trịnh-Nguyễn, nhưng bao giờ cũng thế, động binh đao đi liền với chết chóc, đau thương. “Nhất tướng công thành vạn cốt khô”, nhà thơ Tào Tùng (đời Đường) đã viết như thế.

Tang thương của Linh Giang dồn nén đến mức hai trăm năm sau khi dứt nạn binh đao, nhịp chèo trên sông đã vỗ sóng thanh bình, nhưng cuộc chiến huynh đệ tương tàn vẫn là nổi ám ảnh; "Nhi bách niên lai y đới trở", (Nghĩa: Đã hai trăm năm con sông là giải áo  ngăn cách), (Phan Huy Ích-Độ Đại Linh Giang). Tam nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến qua đây cũng phải sởn da, bạc tóc: "Hành nhân tam quá thử/Mao mấn tiệm thành ông", (Ba lần ta đã tới/Râu tóc trắng như bông-Quá Linh Giang 過靈江).

Với Nguyễn Du thì: "Tam quân cựu bích phi hoàng diệp/Bách chiên tàn hài ngọa lục vu", (Lũy cũ 3 quân cây lá rụng/Bãi hoang trăm trận thịt xương sa-Độ Linh Giang 渡靈江).

Khiếu Năng Tĩnh qua bài Linh Giang tảo độ (靈江早度) nhận xét: "… Thử xứ tiền niên lịch chiến tranh/Bách tuế di hài tiềm thổ lý/Thiên thu bích thảo chấn oan thanh". (Nghĩa: Tại chốn này thuở trước trải bao phen chinh chiến/Xương rơi vãi trăm năm đang chìm trong đất/Nơi cỏ biếc ngàn thu vẫn vọng tiếng oan).

“Người xưa không bao giờ dễ dãi trong việc đặt tên đất tên làng xã, sông núi... Sông Gianh tên Nôm: 淨. Chữ 淨 là chữ ghép bởi chữ thủy (氵) và chữ tranh (爭) trong: Tranh nhau, phân tranh, tranh tối, tranh sáng. Trong từ ghép, chữ 爭 vừa giữ vai trò là thanh phù (biểu thị âm đọc) vừa giữ vai trò nghĩa phù (biểu thị ý nghĩa chữ ghép). 淨 đọc là Gianh, nghĩa là phân tranh, chiến tranh, tranh nhau. Sông Gianh có nghĩa là dòng sông phân giới. Đọc, viết tiếng Việt là sông Gianh, nhưng nghiên cứu kỹ mới thấy thâm ý của tiền nhân”.

Nguyễn Phúc Ưng Bình, Án sát tỉnh Quảng Bình, qua bài Xuân nhật hữu hoài Linh Giang cựu hữu (春日有懷靈江舊友) viết: “Tư nhân nhiễu mộng tần quân xứ/Chu tiếm Linh Giang thướng Hải đài” (Nghĩa: Nhớ ông chỉ còn vào mộng tìm kiếm/Chèo thuyền sông Gianh, lên thành Động Hải mà tìm)….

Nhiều sử sách chép rằng, Hoành Sơn (đèo Ngang) là phân giới nhưng thực tế Linh Giang là dòng sông giới tuyến 2 miền Nam-Bắc. Có lẽ bởi Linh Giang là sông, là Mẹ. Mẹ mới có đủ can đảm, sức chịu đựng để nhận về mình những mất mát, đau thương!

Trong tâm thức Việt, dòng sông nào cũng linh thiêng. Linh Giang không dừng lại ở sự tôn kính tín ngưỡng mà còn là sự định danh, là tên riêng mà dòng sông sở hữu.

Sau một thời gian dài đất nước rơi vào cảnh hỗn loạn quyền lực chính trị, Nguyễn Ánh thống nhất được giang sơn. Nhưng lòng dân còn bất an. Nỗi ám ánh của một thời đất nước chia cắt, thù hận cứ đeo đẳng dân hai bờ giới tuyến. Đại thi hào Nguyễn Du chẳng đã tâm nguyện: “Bà con bờ bắc đừng xa lánh/Xưa vốn cùng quê sống với ta” (Độ Linh Giang -渡靈江)”. Đòi hỏi thiêng liêng nhất sau họa phiên trấn, cát cứ là hòa giải, hòa hợp để xây dựng đất nước. Cũng vì lẽ đó Linh Giang được đổi thành sông Gianh chăng?

Mong mỏi của người dân quê tôi rồi cũng đến. Nước sông Gianh đã chảy một dòng! Lòng người hai bên bờ một lòng thủy chung, son sắt như con một nhà, như cây một cội. Mùa hè, nắng Quảng Bình như muốn vắt kiệt sông hồ nhưng trời, đất, núi, rừng chắt chiu từng giọt nước để nuôi dòng. Mùa lũ lụt, trước sự cuồng nộ của thủy thần, dòng sông níu lại từng hạt phù sa để vun, để bồi cho những doi đất, những cồn bãi. Sông núi hun đúc nên con người thuần hậu, thủy chung: “Thương nhau cho trọn bao đời/Dẫu nghèo không chiếu nằm tơi cũng đành”.

“Linh Giang-dòng sông thần thánh”, “Dòng sông phân giới”, “Dòng sông uất hận”, “Dòng sông huyền thoại”... Rất nhiều tác giả đã gọi dòng sông quê tôi như thế. Riêng tôi, tôi muốn gọi dòng sông quê như danh phận đời sông: “Sông Gianh-dòng sông di sản”.

   Trương Quý Lâm   

(1) Quốc sử quán Triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, tập 2, NXB Thuận Hóa, 1997, tr 35.
(2) Sđd, tr 36.
(3): Có bản dịch: Linh Giang hải tấn. Ở đây chúng tôi sử dụng bản được in trong Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông (tổng tập), NXB Giáo Dục, H, 2003.

tin liên quan

"Tiếng mõ đò bơi"

(QBĐT) - Những ngày cuối tháng tám, khi dòng Kiến Giang tưng bừng với những nhịp chậm chắc nịch, tiếng gõ mõ đều đặn thúc giục và tiếng hò reo, cổ vũ sục sôi hai bên sông, thì lòng người Lệ Thủy dù ở nơi đâu cũng mong ngóng về quê hương để hòa mình vào không khí đón Tết Độc lập.

Đình Xuân Lai được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh

(QBĐT) - Sáng 30/8, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Mai Xuân Thành cho biết, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2425/QĐ-UBND về việc xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh đối với đình Xuân Lai, xã Xuân Thủy (Lệ Thủy).

GS.TS. Đặng Đình Đào: Nhà khoa học trọn đời cống hiến

(QBĐT) - Quảng Bình đầy nắng và gió, nhưng cũng là một vùng đất địa linh nhân kiệt, đã sản sinh ra nhiều người con tài giỏi cho đất nước. Có nhiều người trở thành nhà khoa học, tấm gương sáng với những đóng góp to lớn cho nước nhà. GS.TS.NGƯT Đặng Đình Đào là một trong những người con ưu tú đó. Ông đã gần như dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp trồng người và nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển đất nước.