Đình Xuân Lai-"Chứng nhân" lịch sử bên sông
(QBĐT) - Nằm phía tả ngạn sông Kiến Giang, làng Xuân Lai (xã Xuân Thủy, Lệ Thủy) luôn tự hào bởi những mạch nguồn văn hóa truyền thống vẫn thao thiết chảy giữa những xô bồ của cuộc sống hiện đại. Cùng với điệu múa Tứ linh nổi danh, đình Xuân Lai là công trình ghi dấu ấn lịch sử, văn hóa, chứng kiến những thăng trầm của làng qua bao bận bể dâu. Cuộc sống dẫu còn nhiều khó khăn nhưng người làng Xuân Lai hôm nay vẫn mang trong mình quyết tâm bảo tồn, gìn giữ giá trị của đình làng trước khắc nghiệt của thời gian.
Đình làng trong tâm thức
Sáng tháng 7. Con đường làng rực rỡ sắc hoa trong nắng hè. Giữa những mái nhà cao tầng ngói đỏ và công trình dân sinh kiên cố, hiện đại của một miền quê nông thôn mới, vẫn còn đó dáng dấp của một công trình kiến trúc phủ màu thời gian. Nơi đó, đình Xuân Lai vẫn bền bỉ, cùng người làng đi qua bao cuộc chiến chinh, mấy bận bão lũ, chứng kiến bao đổi thay, chìm nổi của một vùng quê sát dòng sông Kiến. Đình Xuân Lai tọa lạc ở một vùng đất bằng phẳng, mặt hướng ra cánh đồng xanh mướt mắt. Đó vẫn là nơi lui tới của người làng mỗi dịp lễ, Tết, chốn tụ họp trong những ngày cúng giỗ quan trọng. Dù cho nơi này, dáng dấp của công trình xưa cũ nay chỉ còn lại vài bức tường rêu phong.
Theo sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, địa danh làng Xuân Lai trước đây gọi là xã An Lại (Yên Lại). Sau bao bận đổi dời của lịch sử, của tên đất, tên làng, năm 1957, làng được đổi tên thành Xuân Lai như ngày nay. Từ thuở khai hoang, lập ấp, các bậc tiền hiền đã dựa vào thế đất để xây dựng các công trình văn hóa, tâm linh, phục vụ đời sống tinh thần và hoạt động cộng đồng. Những công trình đình, chùa, miếu mạo trở thành linh hồn của mỗi làng quê, níu giữ giá trị linh thiêng của vùng đất qua những biến thiên thời cuộc.
Cụ Dương Văn Duy, 83 tuổi (thôn Xuân Lai, xã Xuân Thủy) kể lại, hàng chục năm về trước, khi thế hệ như cụ lớn lên đã thấy ngôi đình sừng sững giữa làng, trở thành nơi chốn quen thuộc của người làng Xuân Lai mỗi dịp đặc biệt. “Hầu như làng nào của xã Xuân Thủy cũng có đình, trong đó, đình Xuân Lai khá lớn và có tiếng trong vùng. Đó là một ngôi đình có kết cấu kiểu nhà rường, gồm có 5 gian, 2 chái. Giữa các gian liên kết với nhau bằng kèo, cột gỗ. Toàn bộ cột đình bằng gỗ lim to, bề thế. Đình được xây dựng bằng đá kết dính bằng vữa vôi. Kiện gỗ chạm khắc nhiều hoa văn tinh xảo”, cụ Duy nhớ lại.
Đình Xuân Lai là nơi thờ Thành hoàng làng, các vị nhân thần, bậc hiền tài có công khai khẩn, dựng làng. Trải qua thời gian, đình Xuân Lai như một "chứng nhân" lịch sử, chứng kiến bao sự kiện quan trọng của vùng đất, gắn chặt với các phong trào cách mạng của quân và dân nơi này. Nơi đây còn ghi dấu sự kiện lịch sử quan trọng, mang dấu ấn đặc biệt của vùng đất phía tả ngạn sông Kiến Giang: Chiến thắng chống càn Xuân Lai-Mỹ Lộc vào ngày 1/12/1953.
Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Xuân Thủy, trong thời kỳ tiền khởi, đình Xuân Lai là nơi họp bàn bí mật của cán bộ Việt Minh, tổ chức mít tinh, diễn thuyết kêu gọi nhân dân nổi dậy đấu tranh giành chính quyền. Sau Cách mạng tháng Tám, đình Xuân Lai trở thành nơi tổ chức dạy học, xóa mù chữ cho người dân trong xã. Kháng chiến chống Pháp, đình cũng là nơi để thanh niên trong xã tập luyện võ nghệ, chuẩn bị mọi mặt cho các trận chống càn. Theo cụ Duy, đó cũng là lý do mà đình làng luôn là mục tiêu để giặc Pháp thực hiện các cuộc tấn công, bao vây càn quét vào làng, nhất là trận càn lịch sử vào năm 1953. Trong trận chiến này, lực lượng Đại đội 361 huyện Lệ Thủy phối hợp với dân quân du kích địa phương cùng sự hỗ trợ của nhân dân đã đẩy lùi đợt tấn công của địch, tiêu diệt 142 tên địch.
Là một trong những đình làng lớn nhất huyện Lệ Thủy, sau những cuộc đánh phá ác liệt của giặc Mỹ, đình Xuân Lai bị tàn phá, đánh sập. Bởi trong những năm tháng ấy, đình Xuân Lai là nơi tập kết, cất giấu vũ khí, đạn dược, hàng hóa trước khi chuyển tiếp vào Nam. Cụ Duy kể, sau những trận tập kích của máy bay Mỹ, đình làng đã bị sập hoàn toàn, chỉ còn trơ mấy cột, kèo. Người làng quyết định tận dụng chúng để làm hầm chữ A và nhà hầm cho đội sản xuất ở địa phương. Nền móng cũ còn lại của đình thường là nơi tổ chức các buổi lễ tiễn con em của làng lên đường nhập ngũ.
Di tích cần được phát huy giá trị
Qua khảo sát các dấu tích còn lại của đình và căn cứ vào chất liệu xây dựng, kích thước, kiểu trang trí, các cán bộ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh khẳng định, đình Xuân Lai là một trong những ngôi đình khá lớn ở Lệ Thủy, được xây dựng, tôn tạo lần gần đây nhất là vào khoảng giữa cuối thế kỷ XIX. Kiểu thức kiến trúc trang trí của đình cũng mang đậm nét đặc trưng trong trang trí kiến trúc triều Nguyễn.
Trước đây, đình Xuân Lai vừa là công trình tâm linh, tín ngưỡng, vừa mang ý nghĩa hành chính và nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội của người dân địa phương. Từ không gian cổ kính này, mỗi dịp lễ, Tết, không chỉ các trò chơi dân gian, hội bài chòi mà điệu hò khoan Lệ Thủy và điệu múa Tứ linh lại được dịp phô diễn.
Với những người đã gắn bó cùng làng trong những năm tháng khói lửa chiến tranh, hình ảnh ngôi đình kiên trung đi qua mưa bom, bão đạn, bền bỉ trước sự hủy diệt của kẻ thù vẫn còn đậm sâu trong ký ức. Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, những câu chuyện về ngôi đình được kể lại bằng tất cả niềm tự hào, sự trân trọng. Mảnh đất nơi có phần nền móng của ngôi đình xưa cũ vẫn là nơi chốn linh thiêng để mỗi dịp quan trọng của làng, chính quyền và người dân lại ra đây dọn dẹp vệ sinh khuôn viên của đình, dâng hương tưởng nhớ, tri ân các bậc công thần khai khẩn, lập làng, cùng nhau mong mỏi điều tốt lành cho quê hương.
Anh Hoàng Ngọc Phách, Trưởng thôn Xuân Lai bày tỏ: “Tất cả người dân Xuân Lai đều mong muốn ngôi đình được phục dựng và bảo tồn để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của bà con, cùng là cách để khơi dậy tình đoàn kết, tình làng, nghĩa xóm, giáo dục truyền thống cách mạng cho con em quê hương”.
Ông Mai Xuân Thành, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, đình Xuân Lai vừa có giá trị lịch sử, là nơi ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng của địa phương qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, vừa mang giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay. “Sở đang lập hồ sơ công nhận đình Xuân Lai là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây sẽ là điều kiện để địa phương có phương án cụ thể trong bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích”, ông Thành khẳng định.
|
Diệu Hương