(QBĐT) - Cho dù họ chỉ là một người lái thuyền đưa đón khách tham quan hang động, hay là người thợ chụp ảnh…, nhưng mỗi một người dân nơi “quê hương” Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) đều hiểu rằng, mỗi hành động, cử chỉ của họ đều ít nhiều ảnh hưởng đến du lịch của di sản. Bởi, chính họ chứ không ai khác là chủ nhân trực tiếp của “Vương quốc hang động” này.
1. Bến thuyền đưa đón du khách tham quan hang động PN-KB đang trong mùa du lịch cao điểm. Du khách thập phương đến chiêm ngưỡng Di sản thiên nhiên thế giới VQG PN-KB tấp nập lên bến xuống thuyền. Phải đợi đến hơn 2 giờ đồng hồ, chúng tôi mới gặp được chị Nguyễn Thị Hằng (SN 1982, ở tổ dân phố Na, thị trấn Phong Nha) hiện đang làm việc tại Đội thuyền du lịch của Trung tâm Du lịch PN-KB. Vừa tấp thuyền vào bến, đưa du khách lên bờ an toàn, chị Hằng còn phải kiểm tra, sắp xếp lại các đồ dùng trên thuyền, rồi mới lên bờ. Vừa gặp tôi, chị kể: “Đang lái thuyền đưa du khách tham quan thì nhận được điện thoại của Ban Quản lý bến thuyền bảo: “Chút nữa về bến, có người cần gặp. Tôi hỏi ai gặp, gặp có chuyện gì, thì họ không nói”. Nghe vậy, chị càng lo lắng, nghĩ mãi không biết có chuyện gì xảy ra. Hay là khách phản ánh thuyền phục vụ chưa tốt? Hoặc, chị đã lỡ sơ suất, hành động, lời nói khiếm nhã nào khiến khách không hài lòng? Cho đến giờ đây, khi đã ngồi trước mặt tôi, chị vẫn chưa thôi hết lo lắng.
Thấy vậy, tôi phải lái câu chuyện sang câu hỏi: “Có phải, cái lần nhìn thấy túi tiền của khách bỏ quên trên thuyền, chị cũng lo lắng như vậy không?”. Đến lúc này, chị mới hiểu và thôi nghĩ, thôi lo lắng. Chị Nguyễn Thị Hằng kể, đời chị chưa bao giờ nhìn thấy nhiều tiền như vậy. Hôm đó, sau khi đưa khách tham quan lên bờ, trong lúc dọn dẹp thuyền thì chị phát hiện có một túi xách ở hàng ghế gần cuối thuyền. Chị chạy lại xem thì thấy túi không kéo khóa, bên trong lại có rất nhiều tiền. Chị đưa tay lấy túi, mà cứ run rẩy như chính mình là “kẻ ăn cắp”. Ngay lập tức, chị ôm túi tiềnchạy đến giao lại cho Ban Quản lý bến thuyền. Tôi hỏi: “Trong túi nhiều tiền không?”. Chị trả lời ngay tắp tự: “Tôi không biết. Thấy tiền nhiều quá mà run”. Số tiền chị Hằng trả lại cho du khách hôm đó là 15 triệu đồng.
Đầu tháng 3/2023, trong lúc tham quan PN-KB, anh Lê Phạm Trung Quân (trú tại phường Tân Hưng Thuận, quận 12, TP. Hồ Chí Minh) đã đánh rơi 1 chiếc ví cùng toàn bộ giấy tờ tùy thân. Trên đường trở về TP. Hồ Chí Minh, anh Quân nghĩ sẽ không còn có cơ hội tìm lại được chiếc ví của mình. Một ngày sau, anh nhận được cuộc gọi từ Trung tâm Du lịch PN-KB thông báo, nhân viên đã nhặt được chiếc ví của anh và xin địa chỉ riêng để gửi vào. Anh Quân vui mừng cho biết: “Tiền mất có thể kiếm lại được, chứ mất ba thẻ ngân hàng và một số giấy tờ tùy thân sẽ phải mất công đi làm lại từ đầu, rất rắc rối. Khi nhận được điện thoại, tôi rất vui mừng và cảm thấy may mắn, vì đã gặp được những người tốt ở nơi đây”.
Từ khi VQG PN-KB được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, chẵn 20 năm nay, chị gắn bó với nghề lái thuyền chở khách tham quan hang động. Cũng từ khi di sản này trở thành địa điểm du lịch nức tiếng, những người nông dân nghèo nơi chân núi đá vôi như chị mới có thêm một cái nghề, để có thêm thu nhập. Chuyện trò một lúc mới biết, gia đình chị mới thoát hộ cận nghèo được 3 năm nay. Chị cật ruột kể: “Nhà có 2 sào ruộng “của hồi môn” của bố mẹ 2 bên cho, thì làm sao nuôi đủ 6 miệng ăn (vợ chồng chị và 4 đứa con). Chồng phụ thợ hồ, việc làm và thu nhập nay có mai không. Nghề lái thuyền, thì mỗi ngày được 1 chuyến (hơn 500.000 đồng). Đó là đang lúc cao điểm mùa du lịch, chứ từ tháng 9 đến tháng giêng năm sau, thuyền gần như phải nghỉ, vì mùa mưa lũ và ít khách”. Trước đây, chị Hằng còn học thêm nghề chụp ảnh để lúc không chạy thuyền thì chụp ảnh, kiếm thêm tiền. Nhưng từ khi dịch Covid-19 hoành hành đến nay, chị bỏ nghề chụp ảnh, chỉ còn nghề lái thuyền.
2. Giữa trưa, những người phụ nữ chụp ảnh vạ vật dưới gốc cây ở khu vực bến thuyền của Trung tâm Du lịch PN-KB đợi đến phiên mình. Không tranh giành, không ồn ào, họ lặng lẽ lên thuyền theo du khách vào tham quan hang động. Nguyễn Thị Chung (SN 1989, ở tổ dân phố Xuân Tiến, thị trấn Phong Nha) - một thợ chụp ảnh có nhiều lần nhặt được tài sản và trả lại cho du khách chia sẻ: “Chúng em cũng có mời khách chụp chứ, nhưng họ không chụp thì thôi. Chúng em phải ở đây để đợi đến phiên mình, chứ qua lượt phải quay về đợi từ đầu. Có khi khách ít, 2-3 ngày mới đến phiên. Cũng có phiên theo khách, chúng em vẫn về tay trắng như thường, vì giờ đây, khách du lịch ai cũng có máy ảnh, hoặc điện thoại thông minh. Hôm nào gặp may, đi trúng phiên khách đi theo đoàn, họ mới chụp ảnh lưu niệm. Giờ bỏ nghề cũng không biết làm gì. Mỗi tháng trên dưới 3 triệu đồng. Thà ít còn hơn không. Trước đây, đội thợ ảnh lên đến hơn 400 người, giờ người ta bỏ hết chỉ còn khoảng 170 chị em phụ nữ”.
Quê Chung ở xã Liên Trạch (Bố Trạch). Năm 2008, Chung theo chồng về thị trấn Phong Nha sinh sống, rồi học chụp ảnh và theo nghề từ đó. Ít ai biết rằng, người phụ nữ trẻ này đang là trụ cột kinh tế của cả gia đình. Gia đình Chung có 2 con nhỏ, bố mẹ chồng đã già yếu. Chồng Chung trước đây vốn khỏe mạnh, nhưng nhiều năm nay bị bệnh thần kinh, phải sống nhờ vào chế độ trợ cấp xã hội. Tháng 5 vừa qua, Chung theo đoàn khách tham quan động Tiên Sơn. Vừa đến cửa động, Chung nhìn thấy một chiếc điện thoại đắt tiền bị bỏ quên trên tảng đá. Chung liền mang đến Ban điều hành bến thuyền ở cửa động để trả lại cho khách. Vừa hay khi loa phát thông báo, một vị khách đến nhận. Họ thừa nhận không nhớ đã để quên điện thoại ở đâu. Năm 2022, có mấy lần tương tự, Chung cũng nhặt được tài sản của du khách bỏ quên. Chung bảo: “Chúng em tuy nghèo nhưng ai cũng có lòng tự trọng. Đồ của khách mất, cũng giống như đồ của mình mất thôi. Ai mất mà chẳng xót. Họ là khách đến với mình, thì mình phải đối xử tử tế với họ chứ”.
Phải chăng, chính những tấm lòng tử tế đó đã góp phần tạo nên thương hiệu và sự phát triển bền vững cho du lịch nơi miền quê của Di sản thiên nhiên thế giới này. Bởi, giá trị của những đồ vật du khách bỏ quên có khi rất nhỏ và cũng có khi có giá trị rất lớn. Nhưng sau tất cả những sự tử tế ấy, du khách sẽ có được niềm tin về một điểm đến du lịch an toàn, thân thiện và mến khách. Niềm tin đó, nhiều lúc khó có thể mua được bằng những lời mời gọi hoặc vật chất. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Du lịch PN-KB đã ghi nhận 41 trường hợp nhân viên, người lao động, người dân nơi đây trả lại đồ vật cho du khách.
Giám đốc Trung tâm Du lịch PN-KB Hoàng Minh Thắng cho biết: “Đó là những hành động nhỏ, nhưng ý nghĩa lớn. Những nhân viên, người lao động tham gia phục vụ du lịch nơi đây đều là những người dân nghèo. Cuộc sống và mưu sinh của họ gắn với Di sản thiên nhiên thế giới VQG PN-KB. Vì vậy, họ hiểu được rằng, du khách đến với VQG PN-KB cũng là đến với họ. Để động viên cán bộ, nhân viên, cũng như những người tham gia làm du lịch và người dân trên địa bàn nhặt được tài sản của du khách trả lại, trung tâm đều có thông báo rộng rãi và tuyên dương kịp thời. Với những thành viên đội thuyền, đội thợ ảnh, khi nhặt được đồ đánh rơi trả lại cho du khách sẽ được hỗ trợ thêm một phiên chạy thuyền hoặc chụp ảnh. Nếu là cán bộ, nhân viên trung tâm sẽ được đưa vào xét thi đua và khen thưởng vào cuối năm. Nhằm lan tỏa những hành động đẹp, hàng năm, trung tâm đều phát động các phong trào hành động đẹp mỗi ngày và mỗi người dân là một đại sứ du lịch”.
(QBĐT) - Thị trấn Phong Nha nằm ở phía tây bắc huyện Bố Trạch, nơi đây có Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.
(QBĐT) - Ngày 23/6, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1246/KH-UBND tổ chức các hoạt động kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2024); 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi (15/7/1949-15/7/2024) và 35 năm Ngày tái lập tỉnh (1/7/1989-1/7/2024).