(QBĐT) - Cách đây tròn 140 năm, một danh tướng của làng Võ Xá, nay là xã Võ Ninh (Quảng Ninh) đã kiên cường chiến đấu và anh dũng hy sinh ở chốt chặn tiền tiêu Trấn Hải đài nơi cửa biển Thuận An nhằm bảo vệ kinh đô Huế, đó chính là Hữu quân Đô thống phủ chưởng phủ sự Lê Sỹ.
Lê Sỹ sinh năm Bính Tý 1816, là hậu duệ đời thứ 8 của dòng họ Lê ở thôn Tiền, làng Võ Xá, nay là xã Võ Ninh. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống võ nghệ, là con trai cụ Lê Tính, một võ quan dưới triều vua Minh Mạng và Thiệu Trị. Lê Sỹ có tên húy là Lê Nhân, sau được vua Tự Đức ban tên là Lê Sỹ bằng cách thêm một nét sổ dọc vào chữ nhân, nghĩa là lòng thương người thành chữ sỹ, nghĩa là quan.
Thuở thiếu thời, ông được tiếp thu nền giáo dục Nho giáo, thụ hưởng truyền thống võ thuật, khí chất anh hùng cương trực, mã thượng của dòng tộc. Sẵn có tư chất thông minh, sinh lực dồi dào, lại học giỏi nên Lê Sỹ được thân sinh yêu mến và quyết tâm đào tạo thành người tài giỏi, văn võ song toàn để nối chí cha ông lập nên nghiệp lớn.
Để bảo vệ, giữ gìn bờ cõi thiêng liêng của đất nước, triều Nguyễn rất coi trọng việc đào tạo võ bị, nên đã lập ra Anh danh, giáo dưỡng, thường được gọi là Võ Bang. Cơ sở đào tạo võ quan này thường ưu tiên tuyển sinh con cháu những võ quan có công phò vua, cứu nước. Lê Sỹ được nhận vào học và tốt nghiệp Anh danh, giáo dưỡng khi vừa tròn 20 tuổi vào năm Bính Thân 1836. Cũng bắt đầu từ đây, ông bước vào con đường binh nghiệp của mình.
Sách Đại Nam liệt truyện chép: “Trước do chân Anh danh được phái đi theo Trấn Tây quân vụ. Thiệu Trị năm thứ 3 (1843) bổ làm suất đội Hổ uy Hữu vệ đội, có nhiều công được cất lên chức Thành thủ úy, sung Quảng Nam Tả cơ hiệp quản. Tự Đức năm đầu (1848), bổ Tả bảo phó vệ úy, thuyên chuyển mãi đến Lãnh binh tỉnh Ninh Bình. Năm thứ 12 (1859) sung Đốc binh quân thứ Quảng Nam. Đến khi xét công trạng quân thứ được bổ làm Binh vệ úy. Năm thứ 14 (1861) bổ Biên Hòa phó đề đốc, rồi triệu về thự chức Chưởng vệ, quyền chưởng công việc Vũ lâm dinh tả dực, kiêm chưởng các vệ Kinh tượng. Năm thứ 16 (1863) lĩnh Tuần phủ Thuận Khánh. Năm thứ 17 (1864) bổ thự Chưởng cơ, quyền Chưởng Vũ lâm dinh Hữu dực”(1).
Dù ở cương vị nào ông cũng cống hiến hết khả năng, kinh nghiệm, trí tuệ để giải quyết các sứ vụ do triều đình giao cho. Chính nhờ tài năng và kinh nghiệm thực tiễn ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nên con đường binh nghiệp thăng tiến rất nhanh, liên tiếp được bổ dụng vào các vị trí quan trọng trong bộ máy triều Nguyễn.
Mùa thu Tự Đức năm thứ 19 (1866) khi cuộc khởi nghĩa của Đoàn Trưng, Đoàn Trực nổ ra, ông đã cùng quan quân triều Nguyễn ra tay dẹp loạn. Khi xét công trạng ông lại được thăng bổ “Chưởng vệ quyền Chưởng hữu dực dinh Vũ Lâm là Lê Sỹ làm Thống chế hữu dực dinh Vũ Lâm, tấn phong Kiên dũng nam, gia thưởng 1 bài vàng có chữ “tưởng trung”, 1 cái nhẫn vàng khảm ngọc màu xanh, màu lục, 1 đồng Long vân khế hội đại kim tiền có dây thao rủ xuống”(2)
Sau đó, ông lại được giao kiêm chức Chưởng hữu quân, tiếp đến thăng thụ chức Chưởng vệ vào tháng giêng Tự Đức năm 24 (1871) rồi kiêm coi Hậu quân. Thể hiện tài năng trên lĩnh vực binh pháp, quân sự, Lê Sỹ được sung làm giám thí 2 khoa thi tiến sĩ võ năm Mậu Thìn (1868) và năm Tân Mùi (1871) dưới thời vua Tự Đức.
Nhận thấy kinh đô Huế là trung tâm triều chính quan trọng, cần phải được canh giữ cẩn thận, nghiêm ngặt, vua Tự Đức tin cẩn liền chọn “Chuẩn cho lấy thự Hữu quân Lê Sỹ, Chưởng vệ Tôn Thất Thế thăng thự Thống chế Hữu dực dinh Vũ Lâm”(3). Với những công lao, đóng góp to lớn trong bảo vệ triều chính, năm 1878 nhân tiết ngũ tuần đại khánh (sinh nhật lần thứ 50 của vua Tự Đức), ông được thăng thụ chức Đô thống phủ chưởng phủ sự và giao làm tế lễ ở đàn Xã tắc nhân sự kiện trọng đại này.
Ngày 16/4/1883, vua Tự Đức băng hà sau 36 năm trị vì. Vua Tự Đức không có con nên triều đình nhà Nguyễn lâm vào cảnh rối ren, lục đục do tranh giành chọn người kế vị. Sau khi lên ngôi, vua Hiệp Hòa đã “cho Hữu quân Đô thống phủ Chưởng phủ sự Kiên dũng nam Lê Sỹ sung chức Phó sứ Hải Phòng cửa biển Thuận An”(4). Lợi dụng tình hình này, thực dân Pháp mở cuộc tấn công vào cửa biển Thuận An (Thừa Thiên-Huế) nhằm uy hiếp kinh thành Huế, thúc ép nhà Nguyễn phải ký hòa ước theo sự sắp đặt của chúng.
Vào lúc 4 giờ 30 phút sáng ngày 18/8/1883, Pháp huy động các chiến hạm, gồm 2 tàu thiết giáp Bayard và Atlante, tuần dương hạm Château Renaud, Annamite, Lynx, pháo thuyền Vipère và tàu hộ tống Le Drac, với hơn 1.050 binh lính được lệnh tấn công. Quân lính triều đình kháng cự quyết liệt, ào lên tấn công nhưng vấp phải đạn đại bác của quân Pháp. Vì chênh lệch về lực lượng, phương tiện, vũ khí nên đến đêm và sáng 21/8, quân Pháp chiếm được toàn bộ hải đồn phòng thủ ở cửa biển Thuận An. Phía triều Nguyễn có 600 quân binh tử trận và vô số bị thương. Sau khi mất cửa Thuận An, dưới sức ép quân sự của Pháp, ngày 25/8/1883, triều Nguyễn phải chấp thuận ký Hòa ước Harman, hay còn gọi Hòa ước Quý Mùi, theo đó chấp thuận sự bảo hộ của Pháp ở Bắc Kỳ.
Về cuộc tấn công ở cửa biển Thuận An, sách Đại Nam thực lục chép “Nước Pháp phái đem tàu binh (8 chiếc) đánh lấy thành Trấn Hải cửa biển Thuận An. (Từ ngày 15 đến ngày 18), đánh bắn suốt ngày, quan giữ cửa biển là Lê Sỹ (Hữu quân), Lê Chuẩn (Thống chế), Lâm Hoành (Tham tri), Nguyễn Trung (Chưởng vệ) đều chết trận”(5).
Trước tấm gương chiến đấu hy sinh anh dũng của Lê Sỹ và quân lính, vua Kiến Phúc đã truy tặng “Hữu quân Đô thống phủ chưởng phủ sự Kiên Dũng nam là Lê Sỹ làm Kiên Dũng tử”(6). Lại tặng thêm cho 1 tấm nhiễu Trung Quốc, 1 tấm lụa nam bằng tơ 8 sợi, 3 tấm sa nam hạng tốt, 2 tấm nhiễu, 5 tấm lụa màu, 10 tấm vải, 400 quan tiền. Sai quan các tỉnh ban tế một tuần, sau cho vào thờ đền Trung Nghĩa.
Mặc dù Trấn Hải thành thất thủ nhưng lòng quả cảm, sự chiến đấu hy sinh anh dũng của quân, dân triều Nguyễn đã làm quân Pháp cảm phục. Trong hồi ký của mình, Destelan, một sĩ quan chiến hạm Pháp sau khi đã chiếm thành ghi lại cảm tưởng của mình: “Các pháo thủ đã chết trên các khẩu đại bác của họ, họ là những người dũng cảm. Họ nằm xuống và cát vùi họ vào lòng đất sau những khẩu đại bác làm cho họ trở nên tuyệt vời…”.
Thi hài ông được đưa từ Huế về mai táng tại vùng Lòi, nay thuộc thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh. Năm Canh Dần 1890, vua Thành Thái cho xây dựng lăng mộ Hữu quân Đô thống phủ chưởng phủ sự Lê Sỹ rất quy mô, hoành tráng. Thực hiện chủ trương di dời mồ mả, năm 1970, con cháu đã di dời mộ ông lên an táng tại động cát thôn Tiền, xã Võ Ninh. Ngày 17/7 âm lịch hàng năm là ngày giỗ của ông. Năm 2005, mộ ông được Bộ Văn hóa-Thông tin ra quyết định xếp hạng di tích quốc gia.
Trong hoàn cảnh vận nước lâm nguy, triều đình rối ren, hỗn loạn bởi nạn tranh giành quyền lực, “thù trong, giặc ngoài” nổi lên nhưng Kiên Dũng nam Lê Sỹ vẫn luôn giữ trọn khí tiết thanh cao, tấm lòng trung quân, ái quốc, nghĩa khí của một võ quan. Ông sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở những nơi gian khó, nguy hiểm nhất, cống hiến tâm huyết, tài năng của mình để bảo vệ giang sơn, bờ cõi. Đó chính là tấm gương sáng về thể hiện ý chí kiên cường, lòng trung kiên, sự hy sinh anh dũng trong buổi đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trấn Hải thành là nơi hy sinh của quan trấn thủ xứ Thuận An Lê Sỹ trong trận hải chiến với quân Pháp năm 1883 đến ngày nay vừa tròn 140 năm. Dù vật đổi sao dời nhưng trong trùng điệp biển khơi vẫn ngời lên tinh thần yêu nước, khí phách anh hùng, chiến đấu bất khuất đến giọt máu và hơi thở cuối cùng, nỗ lực giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước. Tinh thần ấy vẫn sẽ và mãi mãi trường tồn với lịch sử dân tộc mà võ tướng Kiên Dũng nam Lê Sỹ chính là hiện thân của tinh thần bất khuất, quả cảm ấy.
Nhật Linh
1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 3-4, NXB Thuận Hóa, Huế, năm 2013, tr.554.
(QBĐT) - Nằm phía tả ngạn sông Kiến Giang, làng Xuân Lai (xã Xuân Thủy, Lệ Thủy) luôn tự hào bởi những mạch nguồn văn hóa truyền thống vẫn thao thiết chảy giữa những xô bồ của cuộc sống hiện đại.
(QBĐT) - Quảng Bình đầy nắng và gió, nhưng cũng là một vùng đất địa linh nhân kiệt, đã sản sinh ra nhiều người con tài giỏi cho đất nước. Có nhiều người trở thành nhà khoa học, tấm gương sáng với những đóng góp to lớn cho nước nhà. GS.TS.NGƯT Đặng Đình Đào là một trong những người con ưu tú đó. Ông đã gần như dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp trồng người và nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển đất nước.
(QBĐT) - Thị trấn Phong Nha nằm ở phía tây bắc huyện Bố Trạch, nơi đây có Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.