TS. Nguyễn Bá Trinh: Từ cậu bé nhà nghèo đến viện sĩ triết học quốc tế
(QBĐT) - Sinh ra và lớn lên bên dòng sông Gianh "địa linh nhân kiệt" thuộc thôn Hợp Hòa, xã Quảng Hòa, TX. Ba Đồn, TS. Viện sĩ triết học quốc tế Nguyễn Bá Trinh được biết đến là tấm gương sáng vượt lên hoàn cảnh khó khăn để trở thành người có tài, có ích cho xã hội. Nhìn lại quá trình học tập, công tác của mình, có hai thành công mà ông tâm đắc nhất, đó là việc nghiên cứu giải quyết nước phèn ở đồng bằng sông Cửu Long để giúp người dân có nước sạch phục vụ sinh hoạt và hoàn thành công trình “Triết học hội tụ” khẳng định “Lịch sử của nhân loại là lịch sử hội tụ”.
"Đệ nhất toán" Quảng Bình
Xuất thân trong gia đình nhà nho, là 1 trong 6 người con của cụ nghè Nguyễn Bá Cơ (người được vua phong bài là Hàn lâm Viện kiểm bộ-một chức quan thuộc tòng thất phẩm bên ban quan văn của triều đình, sau tham gia Việt Minh, hoạt động trong Ủy ban Kháng chiến huyện Quảng Trạch), ông Nguyễn Bá Trinh từ nhỏ đã có tư chất thông minh. Mẹ mất sớm khi ông mới 5 tuổi, gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi cải cách ruộng đất, cha bị quy oan, tuổi thơ của ông là chuỗi những năm tháng đi ở đợ, chăn trâu, cắt cỏ, làm các công việc nặng nhọc cho nhiều gia đình trong vùng. Ông từng nằm dưới làn đạn của giặc Pháp, có lúc bị bò húc đến chết ngất, bị hổ vồ, trâu giẫm lên đầu…, nhưng vượt lên hoàn cảnh cơ cực, ông là một học trò thông minh, được thầy cô quý mến, bạn bè nể phục.
Thời đi học ở quê, ông là một học sinh xuất sắc khi đỗ đầu kỳ thi tốt nghiệp cấp 1, đỗ thứ nhì thi vào cấp 2. Đặc biệt, gần cuối năm học lớp 10, ông được dự kỳ thi học sinh giỏi toán và đoạt giải nhất toán toàn tỉnh.
Nhớ lại kỳ thi học sinh giỏi toán toàn tỉnh Quảng Bình năm ấy, ông Nguyễn Bá Trinh vui mừng cho biết: “Lúc ấy, cả tỉnh Quảng Bình chỉ có 5 lớp 10, một lớp ở Ba Đồn, ba lớp ở Đồng Hới và một lớp ở Lệ Thủy, mỗi lớp có khoảng 50 học sinh, tổng cộng cả tỉnh có khoảng 250 học sinh lớp 10. Trong đó, 20 học sinh được chọn dự thi học sinh giỏi môn toán cấp tỉnh. Kết quả, tôi đoạt giải nhất toán kỳ thi này và ngay sau đó đoạt giải khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi toán toàn miền Bắc”. Là học sinh xuất sắc, sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông Nguyễn Bá Trinh thi đỗ vào khoa Toán, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Theo nhiều người cho biết, kỳ thi vào đại học năm đó rất khó, cả trường cấp 3 của ông chỉ có hai học sinh thi đỗ đại học.
Hai thành công đáng nhớ về nghiên cứu khoa học
Theo ông Nguyễn Bá Trinh, trong cuộc đời ông có hai điều khiến ông tâm đắc nhất, đó là thành công nghiên cứu giải quyết nước phèn ở đồng bằng sông Cửu Long để giúp người dân có nước sạch phục vụ sinh hoạt và hoàn thành công trình “Triết học hội tụ” khẳng định “Lịch sử của nhân loại là lịch sử hội tụ”.
Ông Nguyễn Bá Trinh cho hay: “Trong cuộc đời có những điều bất lợi, không như ý đôi khi lại trở thành cái duyên, may mắn cho mình. Năm 1964, tôi thi đỗ vào khoa Toán, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, nhưng bất ngờ năm đó có xáo trộn do số sinh viên đáng lẽ đi học nước ngoài nhưng quay trở lại học trong nước nên tôi nhận được quyết định chuyển sang học ở khoa Hóa. Mặc dù rất buồn, nhưng tôi đành chấp nhận theo quyết định của nhà trường. Sau khi tốt nghiệp khoa Hóa, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi được phân về công tác tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, làm ở Phòng Phân tích hóa sinh. Năm 1980, tôi chuyển về công tác tại Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu”.
Theo ông Nguyễn Bá Trinh, việc rẽ sang khoa Hóa đã mang đến cho ông những cơ hội tốt về sau. Năm 1984, sau khi đã công bố một số công trình khoa học, ông tiếp tục nghiên cứu, đến năm 1988, bảo vệ luận án tiến sĩ chuyên ngành Hóa sinh với đề tài: “Tích lũy protein và tinh bột trong nội nhũ lúa”. Công trình của ông đã được công bố tại hội nghị Hóa sinh và Sinh học phân tử quốc tế tổ chức từ ngày 19-22/9/1994 tại New Delhi (Ấn Độ) và sau đó được ông viết thành sách, xuất bản năm 1997.
Trong thời gian công tác tại Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, ông đã đi thực tế nhiều nơi ở đồng bằng sông Cửu Long, nghiên cứu, phát hiện ra một vấn đề có tính chất lý thuyết, đó là hiệu ứng Tích số tan. Công trình khoa học này đã được ông công bố tại hội nghị quốc tế về môi trường vào năm 1995 tại Athens (Hy Lạp).
Trên cơ sở kết quả này, ông đã thực hiện và cho ứng dụng thành công công nghệ xử lý nước phèn ở 4 tỉnh thuộc hai vùng rốn phèn đồng bằng sông Cửu Long là Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp (vùng Đồng Tháp Mười) và An Giang (vùng tứ giác Long Xuyên). Đề tài này đã được Đài Truyền hình Việt Nam giới thiệu trong 1 chương trình trên kênh VTV1, dựng phim phóng sự trên kênh VTV2 và đăng trên các báo: Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Nông nghiệp Việt Nam…
Với đề tài này, cuối năm 2003, ông đã được nhận giải thưởng “Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam” do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học-Công nghệ và một số tổ chức kết hợp trao tặng.
Thành công thứ hai khởi nguồn từ một ý tưởng được hình thành trong thời gian ông làm việc ở Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam thông qua nghiên cứu chất lượng nông sản. Từ việc nghiên cứu và biên soạn cuốn sách “Nâng cao chất lượng nông sản” mà gần 20 năm sau, vào năm 2019, ông đã hoàn thành công trình “Triết học hội tụ” khẳng định “Lịch sử của nhân loại là lịch sử hội tụ”. Công trình của ông được mời báo cáo tại 5 hội nghị quốc tế, trong đó, ông được mời trình bày tại hội nghị quốc tế về triết học diễn ra từ ngày 27-30/5/2019 tại Athens (Hy Lạp) và là diễn giả chính tại hội nghị quốc tế lần thứ 5 về những nghiên cứu nâng cao trong khoa học xã hội diễn ra từ ngày 26-28/8/2022 tại Cambridge (Vương quốc Anh), được nhiều nhà khoa học, nhiều nhà triết học trên thế giới đánh giá cao và chúc mừng.
Trong tác phẩm này, ông đã nêu bật và minh chứng ý tưởng lớn nhất của mình “Lịch sử của nhân loại là lịch sử hội tụ”. Nhân loại ngày càng liên kết, hợp tác, quan hệ hữu nghị với nhau hơn. Điều này thể hiện rất rõ bằng thực tế của thế giới hiện nay, đó là các quốc gia hợp tác thông qua nhiều hình thức tổ chức về các vấn đề khu vực và quốc tế, như: Môi trường, y tế, khoa học, hòa bình…
Không chỉ trong xã hội mà trong thế giới tự nhiên cũng thể hiện xu hướng hội tụ, liên kết. Phương pháp xây dựng tác phẩm này là đi từ ý tưởng, qua đó, tích lũy, tìm hiểu tư liệu về xu hướng hội tụ vật chất trong tự nhiên, sau đó làm mô hình tư duy trong xã hội với cách nhìn nhận và minh chứng đi từ mức độ nhỏ nhất dưới phân tử cho đến quy mô vũ trụ, quy mô xã hội toàn cầu. Sự thành công của công trình “Triết học hội tụ” khẳng định “Lịch sử của nhân loại là lịch sử hội tụ” được nhiều người trong giới triết học quốc tế biết đến, tháng 6/2019, ông Nguyễn Bá Trinh được Hội Viện sĩ và Học giả thế giới cũng như Học viện ATINER Athens (Hy Lạp) công nhận là viện sĩ triết học và là thành viên của hai tổ chức này.
Ngoài 2 thành công nổi bật trên, ông Nguyễn Bá Trinh còn làm thơ và đã xuất bản 4 tập thơ ngụ ngôn với tổng cộng 1.400 bài thơ, được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam trao bằng chứng nhận xác lập kỷ lục bộ sách “Thơ ngụ ngôn” có số lượng bài nhiều nhất vào ngày 21/9/ 2013. Ông còn tham gia nghệ thuật nhiếp ảnh nhiều năm, cho ra tập sách “Ảnh minh triết” (Nhà xuất bản Mỹ thuật) vào năm 2017 và cũng năm đó trở thành hội viên Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội.
Chia sẻ về bí quyết thành công của mình, TS. Nguyễn Bá Trinh cho rằng: “Điều quan trọng với tôi là tinh thần, thái độ học tập, lòng đam mê nghiên cứu khoa học và ý chí kiên cường vượt lên mọi khó khăn để thực hiện ước mơ của mình”.
Đinh Xuân Trường