(QBĐT) - Những ngày cuối tháng tám, khi dòng Kiến Giang tưng bừng với những nhịp chậm chắc nịch, tiếng gõ mõ đều đặn thúc giục và tiếng hò reo, cổ vũ sục sôi hai bên sông, thì lòng người Lệ Thủy dù ở nơi đâu cũng mong ngóng về quê hương để hòa mình vào không khí đón Tết Độc lập. Và ở Thủ đô Hà Nội, cũng có một người con xa quê không ngủ được, lòng rộn ràng háo hức, thao thức nhớ tiếng mõ đò bơi. Để rồi từng ý thơ vang lên, bài thơ “Tiếng mõ đò bơi” ra đời và tiếp đó là ca khúc phổ nhạc cho chính bài thơ này. Đây là “món quà” thân thương gửi quê hương của GS.TS., Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng Lao động, đại biểu Quốc hội, nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí trong những ngày mừng đón Tết Độc lập.
Nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí từng chia sẻ về dòng sông Kiến Giang ôm ấp tuổi thơ ông như một hoài niệm không quên: “Dòng sông ôm cả một quá khứ của tôi không dài (khoảng năm 1957-1976) mà yêu thương đến vô cùng về quê hương xứ Lệ…”(*). Ông nhớ rất rõ, chi tiết từng câu chuyện với dòng sông tuổi thơ, từ những con cá, con rạm, con tôm, con ốc, chuyện bắt cá, bắt tôm, chuyện bơi lội trên sông…, rồi cả chuyện những ngày lũ lụt, hạn hán, chuyện một người thân quen đuối nước thôi thúc ông cố gắng đỗ đại học Y để làm bác sĩ và cả từng ký ức gắn liền với một thời đạn bom, nhiều gian khó.
Sông Kiến Giang đã đi theo ông suốt cả thời niên thiếu, ở đó có gia đình, bè bạn, làng xóm, hun đúc nên một Nguyễn Anh Trí của ngày hôm nay. Riêng với dòng Kiến Giang những ngày tháng tám đón Tết Độc lập với lễ hội đua, bơi truyền thống trên sông Kiến Giang lại lưu dấu trong ông bao kỷ niệm không thể nào quên: “Dòng sông như một dải lụa với hai bên bờ dẫu có nơi bồi, nơi lở nhưng mến khách và thanh bình. Hai bờ sông như hai cánh tay luôn mở rộng cho nhân dân, cho khách khứa chen chân mà coi bơi, mà thưởng thức trọn vẹn một lễ hội vui, đẹp và đầy tính thượng võ ở Lệ Thủy. Nước sông Kiến Giang dịp Tết Độc lập trong xanh vời vợi. Sóng lăn tăn nơi con nước mát lành…”(**)
“Cốc cốc cốc cốc … Tiếng mõ đò bơi/Nơi quê tôi, quê tôi/Cả mùa bơi đua/Tiếng mõ vang/Gọi đồng tâm/Gọi hợp lực để bơi cho nhịp, để bơi thêm hăng/Nào bơi bơi! Nào lên lên!”. Ca khúc mở đầu với tiếng mõ vang vọng khắc khoải tiềm thức như thế. Tiếng mõ thúc giục lòng người con xa xứ bằng những thanh âm mộc mạc, hối hả, thúc giục. Tiếng mõ trong bơi thuyền Lệ Thủy đóng vai trò vô cùng quan trọng, hết sức đặc biệt, vừa là hiệu lệnh, giữ nhịp chầm, động viên trai bơi phấn đấu, nỗ lực tăng tốc, vừa như một lời hiệu triệu, đốc thúc người xem mau mau ra sông để cổ vũ cho trai bơi. Ngay từ cuối tháng tám, khi các thuyền bơi bắt đầu tập luyện (thụa), sông Kiến Giang đã vang vọng tiếng mõ tre, như minh chứng cho nhịp sống của chính người dân xứ Lệ, tiếng mõ là sự khắc khoải của quá khứ và vững niềm tin vào tương lai.
Từng nhịp nhạc cũng như khắc họa trọn vẹn sự thúc giục, rộn ràng, hân hoan của tiếng mõ tre, rạo rực khí thế. “Tiếng mõ có lúc âm vang như phát súng lệnh, có lúc thì gằn lên gấp gáp giận dữ, lúc thì khoan thai nhịp nhàng, lúc thì tới tấp hăm hở, lúc thì thanh vang sảng khoái, ca khúc khải hoàn. Tiếng mõ kết nối sức lực. Tiếng mõ tạo nên sự rập chầm, đều mái. Tiếng mõ tạo nên sự hân hoan, phấn khích và đôi khi còn là sự ve vuốt, tiếc nuối, ấm ức. Tiếng mõ vang lên giữa mùa bơi trên dòng sông Kiến. Tiếng mõ đi suốt đời người của người dân xứ Lệ.
Tiếng mõ thúc giục mọi người nô nức xuống bến nước coi bơi; và tiếng mõ bơi đọng trong miền ký ức chính là tiếng giục gọi những người con xứ Lệ đang ở mọi miền đất nước mau trở về coi bơi dịp Tết Độc lập nơi quê hương yêu dấu. Không thể nào quên!”(***) Có lẽ, phải yêu quê hương đến như thế nào, thì mới cảm nhận rõ nét từng âm thanh, ý tứ của tiếng mõ giục giã đến như thế. Dường như với ông, tiếng mõ đò bơi đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành một mệnh lệnh trong tim: “Phải về Lệ Thủy ăn Tết Độc lập”.
“Qua bao dâu bể/Tiếng mõ đò bơi là tiếng gọi tương lai, là tiếng vang hào sảng, là tiếng giục trai bơi/Phía trước này “lên hô lên”!/Tương lai này “trai ơi trai”!/Người quê tôi hân hoan cùng tiếng mõ” Và cứ như thế, tiếng mõ như thúc giục lòng người không chỉ trong cuộc bơi đua mà cả trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ quê hương bởi tương lai còn ở phía trước: “Tiếng mõ đò bơi giục “lên hô lên”!/Người quê tôi đồng tâm cùng tiếng mõ, tiếng mõ đò bơi gọi “trai ơi trai”!”.
Ca khúc kết thúc khi những thanh âm của tiếng mõ còn vang vọng mãi: “Cốc cốc cốc cốc…/Dòng sông rộn ràng tiếng mõ đò bơi/Quê hương đồng lòng lên đi lên!/Theo tiếng mõ/trai ơi trai!/Theo tiếng mõ/bơi bơi bơi!/Theo tiếng mõ/lên hô lên!”. Ca từ mộc mạc, giản dị mà như chuyển tải bao cảm xúc, tình yêu của người con xa quê mong ngóng trở về. Nhịp điệu hò khoan Lệ Thủy hòa quyền từng lời ca sao thắm thiết, sâu nặng.
Nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí chia sẻ, ông viết bài thơ này chỉ trong một đêm và khi viết đã có ý định sẽ phổ nhạc nên dường như mỗi câu thơ đều “chứa nhạc”, từ tiết tấu, cấu trúc cho đến âm hưởng. Quá trình thu âm ca khúc cũng diễn ra rất nhanh với sự phối hợp ăn ý với nhạc sĩ Trọng Phương và giọng ca nổi bật của quê hương Quảng Bình Viết Danh.
Với nhiều ca khúc hay viết về Quảng Bình, Lệ Thủy, nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí chia sẻ, đó chính là sự đúc kết của tình yêu sâu nặng của ông dành cho quê hương Lệ Thủy, cho Quảng Bình, luôn dạt dào và không bao giờ phai nhạt. Sau ca khúc rất thành công “Bơi đua quê mình", nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí lại có thêm một tác phẩm hay dành tặng cho lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang.
Mai Nhân
(*)(**)(***) Cuốn Nguyễn Anh Trí, Chuyện trên Phây, tác giả Nguyễn Anh Trí, NXB Hội Nhà văn, 2021.
(QBĐT) - Sáng 30/8, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Mai Xuân Thành cho biết, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2425/QĐ-UBND về việc xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh đối với đình Xuân Lai, xã Xuân Thủy (Lệ Thủy).