"Con sa lao" trong hương ước cổ làng Cảnh Dương
(QBĐT) - "Con sa lao" là con gì? Đó là tồn nghi lớn nhất, dài nhất, rất lâu mới có thể mạnh dạn đặt bút giải mã, kể từ khi tôi đọc thấy danh tính của nó trong bản thảo cuốn sách mà từ 30 năm trước đã gieo vào lòng tôi những kỷ niệm đẹp và sự kính phục về con người, mảnh đất một danh hương Quảng Bình: Sách "Cảnh Dương chí lược". Nhưng, chuyện về con sa lao "bí ẩn" này, về sau hẵng nói.
Năm 1993, tôi được mời đến làng Cảnh Dương để biên tập cuốn sách địa chí "Cảnh Dương chí lược" do cựu nhà giáo Trần Đình Vĩnh trước tác. Ở thời điểm đó, nếu không tính những cuốn sách địa chí ít ỏi viết về Quảng Bình từ thời trung đại, cận đại, thì đây mới chỉ là cuốn địa chí thứ hai, sau cuốn "Địa chí Bảo Ninh" (Nguyễn Tú) biên soạn về làng, xã Quảng Bình trong thời hiện đại này.
Chính sự lạ lẫm về thể loại và cả truyền thống văn hóa lâu đời, rực rỡ đã từng được xếp vào hạng "bát danh hương"(1) của quê hương mình đã tạo ra rất nhiều áp lực, nhưng đồng thời cũng truyền động lực cho ông Trần Đình Vĩnh khi biên soạn sách địa chí làng, như ông đã từng tâm sự với tôi. Góp phần nuôi dưỡng niềm tin và quyết tâm biên soạn sách địa chí của ông Trần Đình Vĩnh nhằm nối truyền mạch nguồn văn hóa làng là các di ngôn của tiền nhân được bảo tồn trong nhiều di sản thư tịch cổ mà ông được tiếp cận: "Từng nghe: Nhà có phả, nước có sử. Sử để làm rõ thứ tự các đời mà ghi điều tốt tiếng thơm... Không tìm về gốc, lấy chi mà biết ngọn nguồn?... Kính nghĩ: Tổ tiên ta có công khai sáng ắt được đứng đầu. Công đức ấy đến nay thật là lâu bền vậy"(2).
Tuy nhiên, ở đây tôi không có ý định giới thiệu nội dung cuốn sách "Cảnh Dương chí lược" này nữa, bởi nghĩ rằng: Sách phát hành 30 năm nay rồi, những người từng đọc sách thì đã có cảm nhận cho riêng mình, những người chưa đọc sẽ được tìm đọc trong sự tinh khôi, không cần ai dẫn dắt. Mặc dù vậy, đến nay tôi vẫn không thể quên được cảm xúc của mình trước thái độ tiếp nhận các giá trị văn hóa, xã hội và nhiều giá trị khác từ cuốn "Cảnh Dương chí lược", khi sách được phát hành, của người dân Cảnh Dương. Đã xảy ra ở đây một không khí sôi động lạ lùng trong thời điểm này.
Các sắc thái tình cảm trái chiều nhau đều được nhân dân bộc lộ một cách chân thành: Đồng tình, trao đổi, thậm chí phản ứng trước các chi tiết của cuốn sách, với tinh thần “tiếng tăm của làng xã là trọng” đã được sách cổ “Tân tăng khoán lệ” của làng xác định từ hàng trăm năm trước. Nhưng, bao trùm lên toàn bộ vẫn là niềm vui và lòng tự hào quê hương của nhân dân Cảnh Dương, khi các giá trị văn hiến chính của làng lâu nay đang tồn tại dưới dạng "phi vật thể" lẫn "vật thể" đây đó trong quá khứ, trong đời sống đương đại, trong thư tịch cổ... đã được chính tác giả làng lần đầu tiên sưu tập, biên soạn có hệ thống và thực thể hóa ra bởi thể loại địa chí, khiến họ nhìn thấy được, sờ nắn được, dưới hình thức một văn hóa phẩm phổ thông mà đẹp đẽ.
Trở lại câu chuyện về "con sa lao" được nhắc đến trong sách "Cảnh Dương chí lược". Có một sự thật là không những tác giả Trần Đình Vĩnh chưa từng biết con vật này là con gì, mà cả những bậc cao niên nhất ở làng mà ông gặp gỡ tham vấn cũng đều không biết! Thế nên, trong sách "Cảnh Dương chí lược" của mình, khi phải nhắc đến tên "con sa lao", ông đành tạm đặt chú thích "chưa rõ nghĩa"(3), như một tồn nghi. Danh xưng "con sa lao" xuất hiện lần đầu và duy nhất là trong sách "Hương phả và Hương ước cổ" của làng Cảnh Dương với tự dạng chữ Hán Nôm là 沙 牢: "Đỗ phó bảng, làng mừng liễn một bức, sa lao (沙 牢) một con"(4). Sách này "là một hương ước cổ hiếm hoi còn giữ được tại Quảng Bình... có giá trị không chỉ về thời gian, từ thời Cảnh Hưng thứ 28 (1768) đến nay, mà còn có giá trị về nghiên cứu lịch sử văn hóa"(5).
Theo thống kê, danh xưng "con sa lao" trước sau có 4 lần được sách "Hương phả, hương ước cổ làng Cảnh Dương" đề cập đến, chủ yếu dùng làm hiện vật để thưởng (1 lần), phạt (2 lần) và đóng nạp (1 lần), quy định tại các điều khoản chế tài cụ thể của hương ước làng. Rõ ràng đó phải là một con vật có giá trị, nhưng là con gì mà nhiều năm trời hỏi đủ các giai tầng ở chính làng Cảnh Dương, không còn ai nhớ nữa? Trước sự biến mất đột ngột và vô tăm tích này, chúng tôi cho rằng "con sa lao" không phải là con vật thuộc một loài đặc hữu từng tồn tại ở làng Cảnh Dương, nay đã tuyệt chủng.
Bởi trong lịch sử sinh vật học, hầu hết các loài sinh vật liên quan đến con người, dù bị tuyệt chủng vẫn để lại dấu vết vật chất của nó bằng hóa thạch, hoặc các dấu vết tinh thần bằng truyền thuyết, chuyện kể, giai thoại... trong nhân gian. Không ở đâu xa, chính trong sách "Hương phả và hương ước cổ làng Cảnh Dương" bên cạnh "con sa lao" còn nhắc đến một sinh vật biển quý giá khác: Cá hàm hương, nay đã tuyệt chủng, nhưng truyền thuyết, chuyện kể về nó, thậm chí sản phẩm từ nó (mắm hàm hương), một đặc sản tiến vua, chẳng những được ghi chép đầy đủ trong chính sách này, mà còn tồn tại tự hào, sắc nét cả trong ký ức của mọi người dân Cảnh Dương cho đến tận ngày nay.
Mặt khác, xem ra "con sa lao" cũng không phải một con vật quen thuộc được gọi bằng một tên khác theo phương ngữ Cảnh Dương, bởi trong bảng từ vựng phương ngữ Cảnh Dương cả môi trường giao tiếp lẫn trong sách đều không tồn tại danh từ này(6). Với những suy xét trên, theo chúng tôi không nên/không thể "truy tìm" nó theo hướng là một con vật cụ thể có tên "sa lao".
Trong cụm từ "sa lao" (沙 牢) đang tìm kiếm, tra cứu Từ điển Hán-Việt "Thi Viện online" thì thấy chữ "lao" 牢 không dùng để chỉ một con vật cụ thể, duy nhất, mà có nghĩa chỉ chung nhóm các "con vật giết dùng trong tế lễ": Bò, cừu/dê, heo (nhà Nguyễn thường dùng bò, dê, heo). Để rõ nghĩa hơn, từ điển này thêm các ví dụ chứng minh: Cỗ lớn cho đại lễ gọi là “thái lao” 太牢: Dùng cùng lúc 3 con vật bò, cừu, heo; còn cỗ nhỏ cho tiểu lễ gọi là “thiếu lao” 少牢: Dùng cùng lúc hai con vật cừu, heo để tế lễ. Còn với chữ "sa" 沙, ngoài nghĩa là "cát" và một số nghĩa khác, còn có thêm nghĩa là "nhỏ": "Tên số nhỏ, mười hạt bụi là một sa, vì thế nên vật gì nhỏ cũng gọi là sa”. Vậy nên ta có từ ghép tương tự: "sa di" 沙 彌 nghĩa là "chú tiểu" (người tu hành nhỏ) và từ điển này còn giải thích thêm, cho rõ: "Phần lớn các sa di 沙 彌 còn là trẻ con, nhưng ít nhất bảy tuổi mới được thu nhận".
Theo đó, ta biết rằng, trong bản dịch cuốn "Hương phả và Hương ước cổ làng Cảnh Dương", từ "sa lao" rõ ràng là từ đang được để nguyên ở dạng "phiên âm Hán Việt", chưa chuyển nghĩa sang Tiếng Việt. Với các dẫn giải trên thì "sa lao" được dịch là "con vật cúng tế loại nhỏ". Do vậy, câu trích từ bản dịch sách "Hương phả và hương ước cổ làng Cảnh Dương", trang 57: “Đỗ phó bảng làng mừng liễn một bức, sa lao một con”, nên hiểu thuần Việt là “Đỗ phó bảng làng mừng một bức liễn và một con vật cúng, loại nhỏ”.
Đó là một trong ba con vật nuôi dùng để cúng, tế theo truyền thống dân tộc: Bò, dê, heo (lao 牢). Rốt cục, việc đặt lệ thưởng/phạt/đóng nộp "1 con sa lao" (1 con vật loại nhỏ, tùy chọn trong số 3 con vật dùng để cúng tế: Bò, dê, lợn) là một chế tài "mở" rất thực tế và khoa học, để đối tượng khi được/bị lệ làng điều chỉnh thì có nhiều lựa chọn hơn, rất linh động để chấp hành, khiến lệ làng dễ được thực thi, theo đó bảo đảm tính nghiêm minh.
Tuy nhiên, nhằm hạn chế sự định tính dẫn tới tùy tiện thực hiện trong quy định "con vật cúng loại nhỏ", ở trang 39 bản dịch "Hương phả và Hương ước cổ làng Cảnh Dương" ghi thêm: "... ai làm trái làng sẽ phạt 1 con sa lao, giá tiền 3 quan". "Giá tiền ba quan" là giới hạn dưới của con vật phải nộp phạt, không được nhỏ hơn nữa! Và theo suy đoán, với vùng sinh thái Cảnh Dương (biển, cát, rừng ngập mặn), hẳn người ta dùng "con heo nhỏ giá tiền 3 quan" là phổ biến, để thực hiện điều khoản thưởng/phạt/đóng nạp "1 con sa lao" của làng. Do vậy, theo chúng tôi, không hề có con "sa lao" cụ thể, xa lạ nào từng hiện hữu ở làng Cảnh Dương xưa cả.
Khi tôi viết những dòng này, ông Trần Đình Vĩnh, tác giả sách "Cảnh Dương chí lược", theo quy luật đời người đã ung dung cưỡi hạc quy tiên thành người thiên cổ lâu rồi. Nơi xa ấy, với tâm huyết của mình, hẳn ông đã tìm gặp và đàm đạo với tổ tiên về các câu chuyện văn hiến trước, sau của làng, trong đó có danh tính "con sa lao" này. Chỉ có điều, suy luận thiển cận của tôi về "con sa lao" liệu có trùng hợp với những đàm đạo ấy của tiền nhân hay chưa, thì không thể biết...
Trần Hùng
(1) 8 làng văn vật nổi tiếng của tỉnh Quảng Bình: Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương, Thổ Ngọa, Văn La, Võ Xá, Cổ Hiền, Kim Nại.
(2) Tài liệu chữ Hán "Nguyễn Thị Tiểu tông gia phả" do Nguyễn Gia Miễn phụng biên năm Tự Đức 24 (1871), lưu trữ ở xã Cảnh Dương.
(3), (6) Cảnh Dương chí lược, Trần Đình Vĩnh, Sở Văn hóa và Thông tin Quảng Bình xuất bản, 1993, tr. 154.
(4), (5) Hương phả và hương ước cổ làng Cảnh Dương, Trần Đại Vinh dịch, Sở Văn hóa và Thông tin Quảng Bình xuất bản, 2002, tr. 57, tr.18.