Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Lão chăn bò quê choa

  • 06:07 | Thứ Hai, 12/02/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “Lão Chăn Bò” là nickname cả facebook và zalo của kỹ sư Lương Duy Toản, Tổng Giám đốc Công ty CP Hồ Toản, một doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa lớn thứ ba ở nước ta hiện nay sau Vinamilk và TH Truemilk về quy mô trang trại, số lượng đàn bò và sản lượng sữa tươi. Trang trại của Công ty CP Hồ Toản đặt tại xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
 
Là doanh nhân ngành chăn nuôi bò sữa thì chọn biệt danh “Lão Chăn Bò” là phải rồi, mặc dù “Lão Chăn Bò” này suốt ngày com-lê, cà-vạt, giày đen bóng loáng và đi đâu thì thường tự mình lái con “Mẹc” trị giá khoảng dăm chục con trâu mộng. Nhưng tại sao cái chi họ Lương Duy danh giá ở làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa (Tuyên Hóa), bao đời nay chủ yếu làm ruộng và dạy học, vậy mà hậu duệ lại có một trưởng nam rẽ ngang làm “lão chăn bò”? Lại nữa: Sinh ra và lớn lên ở Quảng Bình, làm rể Hà Tĩnh, vợ con ở Hà Nội và bản thân đang làm “sếp” một doanh nghiệp khấm khá của Nhà nước ở Hà Nội, tại sao khi đã ngoài bốn mươi tuổi, Lương Duy Toản lại lăn lội lên tận Tuyên Quang để “chăn bò”?
 
Thế này nhé: Tuy Lệ Sơn là “làng dạy học”, nhưng bố đẻ của Lương Duy Toản là kỹ sư Lương Duy Lộc, cựu sinh viên khóa 11 của Trường đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội, cựu cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Tuyên Hóa; cậu ruột của Toản là giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Lài, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Hoa Kỳ. Hai ông là thần tượng của Lương Duy Toản từ bé. Bởi vậy mà mùa hè năm 1988, hồ sơ thi đại học của Lương Duy Toản chỉ ghi một nguyện vọng duy nhất: Trường đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội.
Ông Lương Duy Toản (đi ủng, hàng trước) hướng dẫn lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham quan trang trại, tháng 3/2020.
Ông Lương Duy Toản (đi ủng, hàng trước) hướng dẫn lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham quan trang trại, tháng 3/2020.
Năm 1993, tốt nghiệp Trường đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội loại giỏi, Lương Duy Toản được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cử đi du học 2 năm về nghiên cứu khuyến nông và quản lý dự án tại Học viện Nông nghiệp Thái Lan. Tốt nghiệp về nước, Lương Duy Toản công tác tại Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam, phụ trách một cơ sở sản xuất thức ăn gia súc ở huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội.
 
Một buổi trưa, cô nhân viên văn phòng nói với “sếp” Toản: “Lúc nãy có ông Tây ở đâu gọi điện thoại nói xì xồ một tràng, em chỉ nghe được mấy từ Soi-bin-min gì gì đấy…”. Mới nghe mấy chữ Soi-bin-min (Soybean meal-khô đậu tương) mắt “sếp” Toản lóe lên, liền hỏi số điện thoại rồi bấm hế-lô luôn. Thì ra đó là một chuyên gia người Úc, đang làm ăn với một công ty bò sữa của tỉnh Tuyên Quang, muốn hỏi nhà máy của Toản có thể cung cấp thường xuyên cho họ khô đậu tương để chế biến thức ăn tinh cho bò? Toản ta ô-kê và hẹn sẽ lên tận nơi đàm phán.
 
Hôm sau một mình Lương Duy Toản lái con Mẹc đen bóng ngược “miền gái đẹp”. Vừa bước vào phòng làm việc trong khu nhà kho của “ông Tây”, Toản bước đến bên đống hạt ngô trùm bạt ở góc nhà, vốc lên một nắm, ngắm nghía, khịt khịt mũi mấy phát rồi hất hàm: - Does your cow have a lot of miscarriages? (Bò của các ông có bị sẩy thai nhiều không?).
Hai con sâu róm đen sì trên trán “ông Tây” nhướng lên: “Sao ông biết?” Toản ta phủi tay, nói: “Ngô bị nấm mốc thế này sẽ sản sinh ra Aflatoxin là loại độc tố vi nấm rất nguy hại cho người và động vật. Ngoài việc gây ra ngộ độc cấp tính, Aflatoxin còn là nguyên nhân của các bệnh về gan. Đặc biệt, loại B2 và B4 của nó rất nguy hiểm đối với động vật nhai lại, nhất là thời kỳ mang thai…”.
 
Hai con sâu róm đen sì trên trán “ông Tây” mỗi lúc càng nhướng cao hơn. Cái mồm của ông ta há ra một lúc mới mấp máy được: - You seem to be good at raising cows, don’t you? (Ông cũng thạo về nuôi bò nhỉ?). Toản ta nhún vai: - Yes, sir, not fluently, but very well (Vâng, không thật xuất sắc nhưng cũng khá thành thạo!).
 
Hai con sâu róm đen sì trên trán “ông Tây” cụp xuống. Cái mồm ông ta ngoác ra hết cỡ, rồi xô bàn nhào tới ôm chầm lấy Toản, kêu lên một câu tiếng Việt không thể sỏi hơn: “Ơn Giời, cậu đây rồi!”.
 
Thì ra đó là một “ông Tây” thịt chó mắm tôm. Vâng, chỉ vì mê thịt chó mắm tôm và con gái Tuyên Quang mà ông ta quyết học tiếng Việt để làm ăn lâu dài ở Việt Nam. Và cơ duyên để kỹ sư Lương Duy Toản gần 10 năm sau trở thành ông chủ cũng bắt đầu từ bữa đó. Ấy là sau ngót chục năm làm nhà cung cấp tin cậy cho một công ty bò sữa của Tuyên Quang, Lương Duy Toản có điều kiện thâm nhập sâu vào ngành chăn nuôi bò sữa của tỉnh này, nắm chắc dư địa, hiểu rõ những khó khăn và thuận lợi của ngành này ở địa phương, đặc biệt là chủ trương ưu tiên phát triển ngành bò sữa của lãnh đạo tỉnh.
Kiểm tra an toàn thực phẩm tại chuồng trại.
Kiểm tra an toàn thực phẩm tại chuồng trại.
Rồi một ngày đẹp trời, khu vực “đồi Nông trường” ở thôn 14, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, lọt vào “mắt xanh” của chàng kỹ sư trẻ đang rạo rực tinh thần khởi nghiệp. Sau khi khảo sát thực địa, tập hợp số liệu, kêu gọi một số cổ đông tiềm năng… anh bắt tay vào viết dự án đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi bò sữa kỹ thuật cao của Công ty CP Hồ Toản đặt tại địa chỉ trên đây.
 
Đúng như tính cách con trai Quảng Bình, sau khi hoàn chỉnh đề án, Lương Duy Toản gửi email một bản trực tiếp cho ông Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang, kèm một bức thư điện tử hết sức thẳng thắn, chân thành và tâm huyết. Thế rồi vài tuần sau, lại cũng vào một ngày đẹp trời tháng Thanh minh năm 2016, Lương Duy Toản nhận được điện thoại của Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm, với giọng nói ôn tồn và thân thiện: “Tôi đang họp Trung ương nên không tiếp anh được. Tôi đã trao đổi với anh Thắng, Phó Bí thư Thường trực rồi. Anh thu xếp lên làm việc cụ thể với anh Thắng và các anh bên UBND tỉnh nhé!”.
 
“Cái buổi ban đầu” của Công ty CP Hồ Toản ở Tuyên Quang là như thế! Đến nay, sau hơn 6 năm thành lập và hoạt động, vốn đầu tư đến đầu năm 2023 đã tăng trên 465 tỷ đồng; đàn bò qua 2 giai đoạn đầu tư đã đạt 2.700 con, với tổng sản lượng sữa mỗi ngày bình quân trên 43 tấn… Công ty CP Hồ Toản đã trở thành một tên tuổi của ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam. Từ khi công ty khấm khá, năm nào Lương Duy Toản cũng dành những khoản tiền trên dưới 200 triệu đồng để giúp đỡ các cháu học sinh mồ côi, những trường học đặc biệt khó khăn, những trường học bị thiên tai lũ lụt trong huyện, như ở Lê Hóa, Văn Hóa, Ngư Hóa, Thuận Hóa, Sơn Hóa… Đặc biệt, anh còn nhận đỡ đầu hơn chục trẻ mồ côi tại các xã Văn Hóa, Lê Hóa và Ngư Hóa, với tổng số tiền ăn học mỗi năm hơn 100 triệu đồng…
 
Tháng 9/2023, Toản hẹn hò tôi cùng về quê để trao khoản tiền hỗ trợ gần 180 triệu đồng nhờ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện mua sách giáo khoa đầu năm học mới cho các cháu tiểu học, THCS và sữa cho các cháu mầm non là trẻ mồ côi trong toàn huyện. Nhưng chuyến hồi hương bị hoãn, phải chuyển tiền qua Banking, vì Lương Duy Toản bận đi Đu-bai.
 
Từ đó đến nay, anh còn mấy chuyến sang các nước Trung Đông. Tôi “dọa”: Bên đó đang xung đột ùng oàng, đi vừa vừa thôi! Lương Duy Toản cho biết: Anh đang khảo sát ngành chăn nuôi bò sữa của một số nước có điều kiện địa lý và khí hậu tương tự như miền quê gió lào cát trắng, để nay mai triển khai một dự án lớn ở quê nhà. Lớn cỡ nào? Lương Duy Toản bật mí: Một trang trại khoảng 5.000 con bò và nhà máy chế biến sữa trị giá 2.000 tỷ đồng. Tất nhiên quy mô trang trại ấy thì phải có một quỹ đất tương xứng và đó là lý do khiến dự án hiện vẫn đang nằm trên giấy…
 
Tôi chơi với Lương Duy Toản đã lâu, biết rõ tính cách của “lão chăn bò” này: Đã nói là nói thật, đã làm là làm thật. Cơ mà với cái dự án quy mô chất chứa nhiều tình nghĩa sâu nặng trên đây, sự quyết tâm của riêng “lão chăn bò” là e chưa đủ…(!).
Mai Nam Thắng

tin liên quan

Người Mày cúng thần Cu lôông Cờ tôốc

(QBĐT) - Một ngày đầu xuân 2024, chúng tôi ngược ngàn đến với dãy Giăng Màn để được chứng kiến đồng bào người Mày (dân tộc Chứt) bản K-Ai, xã Dân Hóa (Minh Hóa) tổ chức lễ cúng thần Cu lôông Cờ tôốc.

Vẹn tấm lòng son

(QBĐT) - Là võ tiến sĩ duy nhất quê ở Quảng Bình được khắc ghi trên văn bia Võ Miếu, kinh đô Huế, Đề đốc Lê Trực quê ở xã Thanh Thủy, nay là xã Tiến Hóa (Tuyên Hóa) luôn giữ vẹn lòng trung nghĩa bảo vệ vua Hàm Nghi và phong trào Cần Vương.

TS. Nguyễn Bá Trinh: Từ cậu bé nhà nghèo đến viện sĩ triết học quốc tế

(QBĐT) - Sinh ra và lớn lên bên dòng sông Gianh "địa linh nhân kiệt" thuộc thôn Hợp Hòa, xã Quảng Hòa, TX. Ba Đồn, TS. Viện sĩ triết học quốc tế Nguyễn Bá Trinh được biết đến là tấm gương sáng vượt lên hoàn cảnh khó khăn để trở thành người có tài, có ích cho xã hội.