Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Chợ Họa ai đã đặt tên

  • 06:28 | Chủ Nhật, 11/02/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chợ Họa thuộc làng Thổ Ngọa, phường Quảng Thuận, TX. Ba Đồn. Hiện nay, những ngày giáp Tết, chợ cũng nhộn nhịp quất, mai, đào, lá dong, hàng Tết… chẳng kém gì chợ Đồn. Tuy nhiên, chợ nổi tiếng, không chỉ bởi lâu đời, là của một làng trong “Bát danh hương” Quảng Bình, mà còn bởi những sắc thái riêng biệt của ngôi chợ quê và vị trí đặc biệt bên sông Gianh.
 
Tranh cãi chưa có hồi kết  vì cái tên
 
Nếu bạn đến chợ Họa vào buổi sáng đẹp trời cách đây khoảng 30 năm, khi con nước trong xanh duềnh lên lấp xấp bờ. Bạn sẽ thấy, bãi dưới thuyền, nôốc ken nhau dày đặc, bãi trên tre, nứa bạt ngàn. Trong chợ, nón lá trắng bay chấp chới, lá nón xanh thơm phức mùi rừng, hòa cùng trai thanh gái lịch khắp vùng. Bạn sẽ đứng về “phe” của những người khẳng định Họa của tên chợ chính là bức tranh.
 
Dù không có căn cứ để khẳng định, nhưng sau khi lập luận, một cụ cao niên năm nay 95 tuổi ở Thổ Ngọa khẳng định như vậy. Cụ còn thong thả nhấn nhá mấy câu thơ của tác giả nào đó: “Có tự bao giờ chợ Họa ơi/Tên nghe sao cứ gợi lòng người/Họa đây có phải là tranh vẽ/Mà chợ bao đời vẫn nét tươi?”.
 
Tuy nhiên, nhiều vị cao niên khác không cho là vậy. Họ khẳng định “Họa” là cái tên buồn trong cặp chữ “phúc-họa”? Câu chuyện trở về với trận đói năm 1945, theo nhiều tài liệu ghi lại, người làng Thổ Ngọa chết đói phân nửa, khoảng 600 người, nhiều nhất phủ Quảng Trạch. Trong khi Thuận Bài làng bên không chết người nào. Lý do là Thổ Ngọa ít ruộng, sống bằng nghề làm nón lá, lương thực ăn đong. Khi nạn đói xảy ra, dẫu có tiền cũng không mua được lương thực. Chợ la liệt người ăn xin rồi chết gục. Số người còn sống, trừ nhà giàu, đa số phải đào gốc chuối mà ăn. Bởi vậy, sau nạn đói là nạn phù thũng, tiếng địa phương là “thụng”. Đó là lý do người các làng gọi nhại từ Thổ Ngọa sang “Thụng Họa” và cái tên chợ “Họa” cũng vì đó mà có.
 
Nhưng những người phản đối cho rằng, họ lớn lên ở những năm 30, đã nghe gọi là chợ Họa, đâu phải từ năm 1945? Vậy là có một “trường phái” khác không đồng tình với cả hai ý kiến trên. Những người này đưa ra lập luận có vẻ khoa học hơn. Họ đồng tình với ông Đỗ Duy Văn, tác giả sách “Địa chí làng Thổ Ngọa” rằng: “Theo “Ô châu cận lục” của Dương Văn An, trong mục bản đồ châu Bố Chính có 64 xã, trong đó có xã Thổ Ngõa (đọc chệch thành Ngọa)...” Và: “Nhân dân trong xã cũng như quanh vùng quen gọi chợ là chợ Họa (có thể cách gọi tắt chợ Ngọa-rồi nói chệch thành chợ Họa)…”.
 
Ơ hay, chệch đâu mà chệch lắm thế? Ngõa thành Ngọa rồi thành Họa? Lại còn mâu thuẫn nữa, khi cũng sách này khẳng định cái tên Thổ Ngọa ghép từ hai chữ đầu tên hai làng Thổ Vượng-Ngọa Kiều? Vậy thì Dương Văn An viết chệch Ngọa thành Ngõa, hay người đời gọi chệch Ngõa thành Ngọa? Và chệch từ Ngõa-Ngọa đến Họa có xa xôi quá không? Nhóm này cho rằng, Họa có gốc tiếng Chăm, như chợ Thùi ở Lệ Thủy vậy. Nói, nhưng không đưa ra được bằng chứng thuộc về ngôn ngữ gì cả.
Toàn cảnh chợ Họa ngày nay bên sông Gianh. Ảnh: Trần An
Toàn cảnh chợ Họa ngày nay bên sông Gianh. Ảnh: Trần An
Vậy là tranh cãi vẫn cứ tranh cãi. Chợ Họa vẫn là chợ Họa, với những sắc thái riêng biệt và tên gọi thú vị mà ít ngôi chợ quê nào có được.
 
Những sản vật, hàng hóa đặc biệt
 
Chợ Họa sinh ra từ lúc nào, truyền thuyết dân gian không để lại, cũng chưa có tài liệu nào cụ thể. Chỉ biết trong sách “Đại Nam nhất thống chí” có ghi: “Chợ Thổ Ngõa ở huyện Bình Chính họp hai buổi, phần nhiều bán tôm cá, hàng quán đông đúc...”.
 
Chợ Họa diện tích không lớn, nhưng đắc địa. Chợ nằm sát bờ Bắc sông Gianh, nơi nguồn Nậy gặp nguồn Son rồi đổ ra cửa Gianh. Bởi vậy, giao thông đường thủy rất thuận lợi. Chợ cũng chỉ cách Quốc lộ 1 vài trăm mét, lại nối với tỉnh lộ các nơi về Ba Đồn, nên rất sầm uất. Chợ bán đủ mặt hàng, từ gạo buôn ghe trong Nam ra, thủy hải sản các làng biển về tươi rói. Thuyền, nôốc Tuyên Hóa theo nguồn Nậy về đủ các thứ hàng, như: Cam, bưởi, chuối, mít, gỗ, mây, tre, nứa, chè xanh. Thuyền nguồn Son về củi, rào, lá nón đủ loại…Hàng đường bộ về có thúng mủng, rổ rá, nong nia, gàu võng từ Thọ Đan sang. Ngô, khoai, bầu bí từ Quảng Phúc lên, bánh tráng mè xát, bánh đúc, bánh ướt làng Lộc Điền, Quảng Thanh xuống, gà, vịt, thịt lợn, trâu, bò từ Trung Thuần về.
 
“Thượng vàng hạ cám” không thiếu một mặt hàng gì.
 
Chợ Họa còn được coi là “vệ tinh” của chợ Đồn, nên dân gian còn gọi là chợ Mai (vì chỉ họp buổi sáng) chợ Đồn là chợ Hôm (vì chỉ họp buổi chiều, trừ phiên chợ). Bởi vậy, chợ là nơi giao thương rất rộng lớn, hầu như của Bắc Quảng Bình. Chợ Họa họp hàng ngày từ tờ mờ sáng đến giữa trưa. Nếu chợ Đồn có ba phiên sáu (6, 16, 26) thì chợ Họa có phiên năm (5, 15, 25), đông từ sáng sớm đến chiều, như là một bước chuẩn bị cho chợ Đồn phiên sáu vậy.
 
Ngoài các mặt hàng trên, chợ Họa đặc biệt bởi hai thứ. Đầu tiên là nón lá và các nguyên liệu làm nón. Ngày xưa, Thổ Ngọa là làng duy nhất làm nón ở Bắc Quảng Bình. Nón Ba Đồn nổi tiếng toàn quốc, nhưng người Thổ Ngọa mới sinh ra nó. Bởi vậy, dân Thổ Ngọa mặc kệ ai nói chệch để đùa giỡn, họ vẫn tin câu chính xác của làng mình là “Nón Ba Đồn, hồn Thổ Ngọa”.
 
Điều đặc biệt nữa, chợ nón rất “biến thiên” theo thời cuộc. Đầu tiên là cuộc mua bán xảy ra từ sáng sớm, giúp người bán nón có tiền mua nguyên liệu và lương thực, thực phẩm khi chợ đông. Lúc này, nếu đến chợ mới thấy gái Thổ Ngọa xinh đẹp đi bán nón, trai ra sông chọn nứa tre, cứ hẹn hò, đưa liếc như chợ tình vậy. Nhưng rồi, khách thập phương đến mua nón ngày càng đông, dẫn đến có sự cạnh tranh. Vào những năm 80-90 của thế kỷ trước, khách mua nón chong đèn ở chợ đón hàng. Người bán nón cũng tranh thủ bán dưới đèn, nhìn nón bắt mắt hơn. Thế là chợ nón xảy lúc hai đến ba giờ sáng.
 
Mặt hàng đặc biệt thứ hai là cháo canh. Cũng như nón, gọi là cháo canh Ba Đồn, nhưng người Thổ Ngọa luôn tự hào cho rằng, món cháo canh có nguồn gốc chợ Họa. Hiện giờ, người dân vẫn lưu truyền câu nói: “Nhẹ nhàng như hơi thở cháo canh mệ Mùi”. Mệ Mùi ở Thái Lan về nước trước năm 1954. Quán cháo canh của mệ ở chợ Họa nổi tiếng. Ai đến muộn nhịn thèm. Quán là dãy lều tranh với rất nhiều cái “đòn” (ghế thấp). Khách cứ thế ngồi ăn lớp trong lớp ngoài, hết ghế thì ngồi “chọ hỏ”. Cháo canh của mệ không hề có bột ngọt. Một nồi nước sôi sùng sục, mệ bỏ cả con cá ngứa to béo vào cho mọi người thấy. Cá chín vớt ra, lấy thịt, sát bột vào, ngọt lừ. Cứ một tô nhỏ năm hào, chẳng có ai cạnh tranh nổi. Ngày nay, con cháu mệ vẫn tiếp tục, nhưng không độc quyền được nữa.
 
Chợ Họa nay vẫn cái tên độc đáo, nhưng không còn là chợ Họa như xưa nữa. Nghề nón mai một kéo theo sự rã đám của chợ nón. Cháo canh hàng quán khắp nơi. Chợ online chiếm hết thị phần, không còn khách thập phương. Bốn phía nhà cao tầng mọc lên, chợ bớt cả diện tích lẫn sự sầm uất. Những người hoài cổ vẫn đi chợ để ăn bát cháo, để mua mớ rau sạch, mua bánh tráng, bánh đúc, bánh đa. Chợ Tết vẫn náo nức nhưng hàng hóa, hoa hòe tràn ra cả ngoài đường.
 
Nhưng tôi tin rằng chợ Họa sẽ mãi mãi còn. Bởi nó là một nét văn hóa độc đáo mà rất nhiều người Thổ Ngọa có tâm huyết muốn gìn giữ. 
Đỗ Thành Đồng

tin liên quan

Người Mày cúng thần Cu lôông Cờ tôốc

(QBĐT) - Một ngày đầu xuân 2024, chúng tôi ngược ngàn đến với dãy Giăng Màn để được chứng kiến đồng bào người Mày (dân tộc Chứt) bản K-Ai, xã Dân Hóa (Minh Hóa) tổ chức lễ cúng thần Cu lôông Cờ tôốc.

Vẹn tấm lòng son

(QBĐT) - Là võ tiến sĩ duy nhất quê ở Quảng Bình được khắc ghi trên văn bia Võ Miếu, kinh đô Huế, Đề đốc Lê Trực quê ở xã Thanh Thủy, nay là xã Tiến Hóa (Tuyên Hóa) luôn giữ vẹn lòng trung nghĩa bảo vệ vua Hàm Nghi và phong trào Cần Vương.

TS. Nguyễn Bá Trinh: Từ cậu bé nhà nghèo đến viện sĩ triết học quốc tế

(QBĐT) - Sinh ra và lớn lên bên dòng sông Gianh "địa linh nhân kiệt" thuộc thôn Hợp Hòa, xã Quảng Hòa, TX. Ba Đồn, TS. Viện sĩ triết học quốc tế Nguyễn Bá Trinh được biết đến là tấm gương sáng vượt lên hoàn cảnh khó khăn để trở thành người có tài, có ích cho xã hội.