"Là con ba nên phải cố gắng!"
(QBĐT) - Đó là tâm niệm của 7 người con của cố Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan. Khi viết loạt bài về hệ thống thủy lợi Rào Nan, công trình ghi dấu ấn đậm nét của người Bí thư Tỉnh ủy thời Quảng Bình khói lửa, tôi gặp bà Nguyễn Thị Thu Thủy (SN 1948), con gái đầu của cố Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan. Trong ngôi nhà của người em trai ở phường Đồng Hải (TP. Đồng Hới), có một góc nhỏ trưng bày những kỷ vật của người cha thân thương mà bà Thủy là người sưu tầm và lưu giữ. Lần giở từng bức ảnh, từng trang nhật ký, bà kể về những ký ức đẹp đẽ của gia đình, đặc biệt là người cha đáng kính mà bà và các em luôn nỗ lực để xứng đáng với tình yêu thương và kỳ vọng của cha.
Tài sản vô giá
Chỉ vào chiếc tủ gỗ nhỏ, bà Thủy bảo, đây là tất cả những kỷ vật quý báu mà gia đình bà giữ được sau khoảng thời gian rất dài và nhiều lần chuyển nhà. Đó là những bức thư, ảnh, bằng khen, chiếc đài cũ kỹ... và nhiều nhất là những cuốn sách, tài liệu, nhật ký. Trong đó, cuốn “Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình thời đất lửa” xuất bản năm 2011, tái bản năm 2015 được đặt ở vị trí trang trọng.
Cuốn sách hơn 300 trang với nhiều bài viết, góc nhìn từ những người đồng chí, đồng đội, bạn bè, cán bộ, nhân dân… từng sống, gắn bó, chứng kiến cuộc đời và cống hiến của người Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình những năm tháng gian nan, ác liệt.
Trong bài viết của mình, ông Trần Sự, cố Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, người nhiều năm gần gũi, gắn bó với cố Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan, chia sẻ: “Tôi nghĩ 8 năm kháng chiến chống Pháp, 10 năm hòa bình xây dựng, khắc phục hậu quả chiến tranh, phục hồi phát triển kinh tế-xã hội và chiến công những năm đánh Mỹ trên mảnh đất Quảng Bình có vai trò quan trọng của anh Nguyễn Tư Thoan với trọng trách là Bí thư Tỉnh ủy”.
Còn Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn, từng giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Bố Trạch cùng thời ông Nguyễn Tư Thoan là Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh, khẳng định: “Đồng chí Thoan, với cương vị Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình một thời gian dài đã có công lớn cùng Tỉnh ủy Quảng Bình lãnh đạo nhân dân tỉnh nhà giành thắng lợi trên cả hai mặt trận “đánh giặc giỏi, sản xuất giỏi”, được Bác Hồ khen ngợi”.
Và rất nhiều nữa những câu chuyện, tình cảm tin yêu, kính phục của bạn bè, đồng chí trong cuốn sách này. Nhà văn Ngọc Tấn gọi ông Nguyễn Tư Thoan là “Doanh điền sứ” mang tâm hồn thi sĩ. Bài viết với những câu chuyện gần gũi, chân chất đã tái hiện thật rõ hình bóng của người Bí thư Tỉnh ủy năm xưa luôn trăn trở, dám nghĩ, dám làm, hết lòng vì việc công, liêm chính, giản dị trong cuộc sống đời thường.
Cuốn sách còn in nhiều bài thơ của cố Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan với câu từ mộc mạc như lúc sinh thời ông từng chia sẻ, rằng thơ mình chưa phải là thơ mà mình cũng chẳng muốn làm thơ. Nhưng nhân dân anh hùng quá, chỉ nói bằng hình thức ấy thì mới diễn tả được.
Vào thời điểm công trình thủy lợi Rào Nan đang được thi công dưới làn bom đạn, Quảng Bình nở rộ phong trào “tiếng hát át tiếng bom”, tại sân kho hợp tác xã, nhiều bài thơ của ông đã được biểu diễn. Những câu thơ gần gũi cuộc sống đời thường, sau hơn nửa thế kỷ, nhiều người vẫn còn nhớ!
Cùng với cuốn sách “Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình thời đất lửa”, trong “bảo tàng” nhỏ của gia đình còn nhiều những tập tài liệu do bà Thủy và các em sưu tầm, phô tô bản gốc và đóng lại theo các chủ đề. Các tập sách gồm bút tích của cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, cố nhà báo Hữu Thọ, Thiếu tướng Phan Khắc Hy, cố Bí thư Tỉnh ủy Cổ Kim Thành, cố Chủ tịch UBND tỉnh Trần Sự… cùng nhiều đồng đội, đồng chí, cán bộ, nhân dân.
Đặc biệt, tập “Bút tích của ba” là những trang nhật ký công tác, những bài thơ, tâm sự của cố Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan từ năm 1955 cho đến ngày nghỉ hưu tại quê nhà. Là con cả trong gia đình, bà Thủy có nhiều thời gian gắn bó với cha. “Thời gian ba tôi công tác tại Ủy ban Nông nghiệp Trung ương ở Hà Nội, tôi sống với ba trong căn hộ tập thể. Lúc ba tôi có quyết định nghỉ hưu vào năm 1976, tôi hỏi ba có dự định chi, ba nói sẽ về quê rồi đọc hai câu thơ: “Quê hương nghĩa nặng tình sâu/Thẳng lưng mà bước ngẩng đầu mà đi!”. Sau đó thì ba tôi về, sum họp trong căn nhà nhỏ tại xã Nghĩa Ninh”, bà Thủy bồi hồi nhớ lại.
Nỗ lực và bình dị
Cố Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan và vợ là Nguyễn Thị Lan có 7 người con, 4 gái và 3 trai, bà Nguyễn Thị Thu Thủy là con cả. Sau nhiều vị trí công tác, trước khi về hưu, bà là nhân viên thư viện tại Trường trung cấp Kinh tế tỉnh. Bà sống độc thân và là người có thời gian sống cùng cha lâu nhất.
Những năm sau này, khi sức khỏe ngày một yếu đi, không muốn phiền các em và các cháu, hiện bà sống tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Trần Thị Mỹ cho biết, bà Thủy là một hạt nhân tích cực của trung tâm, luôn vì mọi người, lan tỏa những điều tích cực trong cuộc sống, được các thành viên tại trung tâm vô cùng yêu mến, quý trọng.
Hai người con trai lớn tiếp theo, một người là bộ đội Hải quân tham gia tàu không số và một người là lính trinh sát. Sau khi chuyển ngành, do bệnh tật và vết thương tái phát nên đã mất. 4 người con còn lại có 2 giáo viên và 2 kỹ sư, trong đó, người con thứ 6 là cô giáo Nguyễn Thị Thái Hòa (SN 1960), nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Hải Đình (TP. Đồng Hới), đã mất. 6/7 anh chị em là đảng viên và trong quá trình công tác đều được tín nhiệm bầu là bí thư chi bộ. Tất cả họ đều ghi nhớ lời cha mẹ, luôn nỗ lực, tự lập trong học tập, công tác và sống cuộc đời bình dị.
Trải qua nhiều lần chuyển nhà, mà chủ yếu là các căn phòng tập thể, dù cuộc sống phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng các con của cố Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan, đặc biệt là bà Nguyễn Thị Thu Thủy, luôn cố gắng để giữ gìn, bảo quản những kỷ vật của gia đình. Bây giờ, trong căn phòng tại ngôi nhà người em trai đã mất ở phường Đồng Hải, cùng với di ảnh của cha mẹ là chiếc tủ nhỏ được bà Thủy sắp xếp cẩn thận, lưu giữ ký ức đẹp đẽ về gia đình, về người cha kính yêu, người cán bộ gương mẫu của một thời khói lửa trên quê hương Quảng Bình.
Trong câu chuyện của mình, những người con của cố Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan cũng bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến các lãnh đạo, đồng chí, đồng đội, bạn bè của cố Bí thư Tỉnh ủy cùng nhiều cán bộ, nhân dân đã luôn tin tưởng, yêu quý ông và gia đình. Noi gương cha, họ đã sống một cuộc đời bình dị, nỗ lực hết mình để góp phần làm cho cuộc sống ngày một đẹp hơn!
Ngọc Mai