Khắc ghi lời dạy của Đại tướng
Mùa xuân năm 1973, khi đang là giáo viên chiến thuật Trường Bồi dưỡng Trung cao, tôi nhận lệnh của lãnh đạo nhà trường và Văn phòng Bộ Quốc phòng lên báo cáo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trận đánh thắng chiến thuật “Trâu rừng” của tướng Mỹ Williams Abrams.
Đây là một trong những chiến công vang dội của Đại đội 2, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27 (Mặt trận B5) tiêu diệt một cụm cấp đại đội của Lữ đoàn 1, Sư đoàn 5 bộ binh cơ giới của Mỹ vào đêm 4, rạng sáng 5-4-1970, ở bãi Tân Kim, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Khi đó, tôi đang là Đại đội trưởng Đại đội 2, trực tiếp chỉ huy Đại đội bám sát, luồn sâu vào trong đội hình “Trâu rừng”; đánh và tiêu diệt gọn cụm cơ giới chỉ huy chiến thuật của địch... Để báo cáo với Đại tướng, tôi đã ghi chép lại tỉ mỉ chiến lệ trận đánh mang theo.
Vừa gặp Đại tướng, tôi ngưỡng mộ ngắm nhìn khuôn mặt phúc hậu, nụ cười hiền từ, đôi mắt sáng của người chỉ huy - Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. “Cháu ngồi đi”, chất giọng miền Trung ấm nồng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa tôi trở lại thực tại.
- Dạ! - tôi trả lời và nhanh chóng ngồi xuống chiếc ghế Đại tướng vừa chỉ.
Sau khi tôi ngồi xuống, Đại tướng đi về phía bàn làm việc và chăm chú nhìn lên một tấm bản đồ đặt trên bàn, nói: "Chắc cháu đã chuẩn bị báo cáo kỹ lưỡng rồi nhỉ? Giờ cháu bỏ bản báo cáo, nhìn vào bản đồ này liệu có báo cáo về trận đánh thắng ở bãi Tân Kim được không? Nói rõ về tình hình ta. Tình hình địch. Địch bố trí lực lượng như thế nào? Đơn vị cháu đã xây dựng chiến thuật, quyết tâm ra sao để tiêu diệt địch?...".
- Báo cáo Đại tướng, cháu báo cáo trên bản đồ được ạ!-tôi tự tin đứng nghiêm người, dõng dạc nói.
Được sự cho phép, tôi đến bên Đại tướng và mới biết, tấm bản đồ để trên bàn làm việc là chiến lệ trận đánh thắng chiến thuật “Trâu rừng” của Mỹ. Nhìn vào tấm bản đồ, tôi say sưa báo cáo với Đại tướng về mưu đồ, phương thức tác chiến, quy luật hành-trú quân của chiến thuật “Trâu rừng”; những phương án tác chiến đã được thảo luận của Ban chỉ huy Đại đội 2.
Tuy trận đánh đã trải qua gần 3 năm nhưng khi báo cáo, từng hốc đá, bờ suối, bụi cây và hành động dũng cảm của đồng đội: Đồng chí Dy, Chính trị viên; đồng chí Cư, Phó đại đội trưởng; đồng chí Lê Đăng Nhiệm, Chính trị viên phó; đồng chí Thuấn, Trung đội trưởng Trung đội 1; đồng chí Viêm, Trung đội trưởng Trung đội 2; đồng chí Tam, Trung đội trưởng Trung đội 3; đồng chí Khoét, xạ thủ B41... rồi cả tia chớp lửa rền vang từ những quả đạn B40, B41 trùm lên tiêu diệt 16 chiếc xe tăng của địch vào rạng sáng 5-4-1970 cũng được tôi miêu tả tỉ mỉ cho Đại tướng nghe.
Về nguyên nhân chiến thắng, tôi báo cáo rõ: Thứ nhất, từ đầu năm 1970, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2 đã tập trung huấn luyện kỹ, chiến thuật, trong đó bảo đảm giỏi cả kỹ thuật sử dụng vũ khí, trang bị của ta lẫn của địch, để trong tác chiến nếu đạn cạn kiệt thì có thể lấy vũ khí địch đánh địch. Thứ hai, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2 đã tham gia chiến đấu nhiều năm trên chiến trường Quảng Trị nên rất thông thuộc địa hình (bảo đảm yếu tố bí mật trong hành-trú quân) cũng như giấu quân sau khi trận đánh kết thúc...
Nhờ vậy, khi đối chiến với bầy “Trâu rừng” của Mỹ - rất kiên cố, vững chắc ở tiền duyên, nhưng có phần lỏng lẻo ở sở chỉ huy phía sau-cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2 đã bí mật luồn sâu, áp sát cụm chỉ huy của địch, nổ súng diệt gọn cụm chỉ huy, giành thắng lợi vẻ vang, còn bên ta thương vong 3 đồng chí (trong đó 1 hy sinh, 2 bị thương nhẹ).
- Tại sao đơn vị không rút về vùng giải phóng trong đêm mà vẫn ở lại trận địa để đêm sau mới rút? - Đại tướng ân cần hỏi.
- Báo cáo Đại tướng, trận đánh diễn ra trong thời gian chỉ hơn 30 phút. Lúc bấy giờ, địch đã gọi chi viện hỏa lực bắn phá dữ dội phía trước tiền duyên, cộng thêm các cụm “Trâu rừng” bên ngoài cũng tăng cường cảnh giác, bắn phá. Do vậy, nếu rút về ngay thì đơn vị sẽ thương vong lớn. Chúng cháu lợi dụng sự thông thuộc địa hình, chia thành các tổ 3 người ẩn nấp. Tối hôm sau khi địch đã rút hết, đơn vị rút lui rất an toàn.
- Sao lại dùng tổ 3 người? - Đại tướng hỏi.
- Báo cáo Đại tướng, tổ 3 người như kiềng 3 chân, vừa hiệu quả trong việc hỗ trợ tác chiến nếu bị địch phát hiện, đồng thời, nếu không may trong chiến đấu có 1 đồng chí bị thương thì 2 đồng chí còn lại sẽ đủ sức giúp phối hợp để đưa đồng đội của mình rời khỏi trận đánh.
Sau khi nghe tôi báo cáo xong, Đại tướng vui cười, biểu dương sự sáng tạo, chủ động và chiến công của Đại đội 2. Đại tướng căn dặn: "Bây giờ cán bộ, chiến sĩ đánh giỏi rồi, nhưng “cái giỏi của người chỉ huy là chỉ huy vừa đánh thắng vừa phải giảm thương vong thấp nhất mới là người chỉ huy giỏi”.
- Báo cáo rõ! Tôi đứng nghiêm đón nhận lời Đại tướng dạy bảo. Lời dạy của Đại tướng được tôi truyền lại cho học viên các khóa học chiến thuật ở Trường Bồi dưỡng Trung cao. Một thời gian sau, khi thành lập Quân đoàn 1, tôi được điều động về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, chỉ huy Trung đoàn tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, rồi kinh qua nhiều vị trí công tác trong Quân đội... Nhưng lúc nào lời dạy của Đại tướng cũng là "kim chỉ nam" trong mỗi suy nghĩ và hành động của tôi.
Theo Báo QĐND