(QBĐT) - Đến hẹn lại lên, lễ hội Khai hạ lại được tổ chức tưng bừng, náo nhiệt tại đình làng Tượng Sơn (phường Quảng Long, TX. Ba Đồn) vào ngày mồng 7 tháng giêng (âm lịch) hàng năm. Lễ hội có truyền thống từ lâu đời này không chỉ là “món ăn” tinh thần của người dân địa phương mà còn là "địa chỉ" gửi gắm những cầu mong tốt đẹp đầu năm mới. Đây cũng là cách để tiếp nối những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông đã tồn tại hàng trăm năm qua…
Lễ hội làng hàng trăm năm tuổi
Không ai nhớ rõ lễ hội Khai hạ ở làng Tượng Sơn có tự bao giờ, nhưng theo tư liệu của các dòng họ ở phường Quảng Long, từ thời Trịnh-Nguyễn phân tranh đã có ghi chép về lễ hội Khai hạ được tổ chức ngày mồng 7 tháng giêng (âm lịch) hàng năm và nức tiếng khắp hai bờ Bắc-Nam sông Gianh.
Các bậc cao niên ở làng Tượng Sơn, phường Quảng Long kể lại, lễ hội Khai hạ gần như được duy trì liên tục hàng trăm năm nay, kể cả trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ khốc liệt và được người dân địa phương háo hức tham gia.
Theo cụ Nguyễn Đình Hộ, phường Quảng Long chia sẻ, lễ hội được tổ chức hàng năm để cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, người dân trong làng được mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. Phần lễ khai hạ cầu bình an được tổ chức ở di tích lịch sử cấp quốc gia đình làng Tượng Sơn vào buổi sáng. Lễ được tổ chức trang nghiêm, gồm những màn múa quyền, múa roi, múa đao, kiếm do các cụ cao tuổi trong làng biểu diễn.
Cũng theo cụ Nguyễn Đình Hộ, đấu kiếm, đấu roi được cha truyền con nối theo dòng lịch sử. Vì vậy, làng luôn lấy ngày mồng 7 khai hạ đầu xuân để mọi người tụ tập về đây ôn lại truyền thống của cha ông đã duy trì từ hàng trăm năm nay.
Ngay từ sáng sớm, đông đảo bà con địa phương và các vùng lân cận tập trung về đình làng Tượng Sơn để tham gia lễ khai hạ đầu xuân. Với người dân phường Quảng Long, lễ hội đã ăn sâu vào tiềm thức và trở thành “món ăn” tinh thần không thể thiếu dịp năm mới. Cũng bởi vậy, nhiều con em Quảng Long dù ở xa vẫn hướng về.
Anh Nguyễn Văn Dương, một người con Quảng Long nay sinh sống làm việc tại TP. Đồng Hới cho hay, hầu như năm nào anh cũng đưa gia đình về tham gia lễ hội Khai hạ ở làng. Với anh Dương, việc dâng hương ở đình làng như một cách để tưởng nhớ những thế hệ cha ông thuở khai canh, lập làng và cũng là cách để giáo dục các con về các giá trị nguồn cội.
Tưng bừng hội cướp cù, đấu vật
Từ xưa, lễ hội Khai hạ đã nức tiếng hai bờ sông Gianh và đến nay vẫn lưu truyền câu vè trong dân gian “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày mùng 7 về coi cướp cù”.
Sau phần lễ khai hạ được tổ chức chu đáo, trang nghiêm ở đình làng Tượng Sơn, buổi chiều cùng ngày diễn ra phần hội bao gồm: Hội cướp cù và hội vật. Hội cướp cù diễn ra trên một sân cát có chiều dài khoảng 200m và chiều rộng khoảng 150m. Hai đầu góc sân dựng hai cây tre cao chừng gần 10m, có gắn cờ Tổ quốc cùng chiếc rọ tre nhỏ làm mục tiêu ném cù lên.
Đình làng Tượng Sơn, nơi tổ chức lễ hội Khai hạ hàng năm là một trong những ngôi đình lớn trên đất Quảng Bình, được xây dựng vào năm Canh Ngọ 1750. Năm 2003, đình làng Tượng Sơn được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2017, đình làng Tượng Sơn được trùng tu, tôn tạo lại trên nền đất cũ theo kiến trúc đình làng cổ Việt Nam.
Hai đội chơi dùng sự nhanh nhẹn, khéo léo để tranh nhau ném quả cù vào rọ trong tiếng reo hò, cổ vũ của người xem. Điểm độc đáo của hội cù này là số lượng người hai đội không hạn chế, không quy định già, trẻ, gái, trai và du khách cũng có thể chọn đội tham gia cướp cù. Đội nào giành chiến thắng sẽ được ghi vào lịch sử hội cù của làng Tượng Sơn.
Thông thường hội cướp cù thu hút khoảng 150-200 người mỗi đội. Theo quan niệm của người dân địa phương, ai cướp được cù và tung được cù vào rọ là trong năm sẽ gặp nhiều may mắn, làm ăn phát đạt. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, sau hội cù, đội thắng hay thua đều tay bắt mặt mừng, chúc nhau những lời chúc tốt đẹp đầu năm mới.
Anh Trần Văn Long, có kinh nghiệm hàng chục năm tham gia hội cướp cù chia sẻ, anh tham gia hội từ thuở là trai làng mới lớn và chưa bỏ năm nào. Việc thi đấu ném cù thắng thua chỉ là tượng trưng, còn ai tham gia cũng mong tìm niềm vui và cầu chúc may mắn đầu năm mới.
Sau khi kết thúc hội cướp cù, hội vật thu hút nhiều đô vật trong và ngoài địa phương tham gia thi đấu ở các hạng cân khác nhau. Không khí càng hấp dẫn khi các đô vật ganh đua quyết liệt, ngang sức, ngang tài. Hội vật rộn rã tiếng chiêng, tiếng trống thúc giục và tiếng reo hò cổ vũ của khán giả.
Hội vật của làng luôn đề cao tinh thần thượng võ, giáo dục con em rèn luyện sức khỏe, sự mưu trí, khéo léo và các giá trị truyền thống của cha ông. Hội vật tại lễ hội Khai hạ cũng là dịp để phường Quảng Long tuyển chọn những đô vật xuất sắc tham gia hội vật truyền thống của TX. Ba Đồn được tổ chức vào ngày 10 tháng giêng.
Những ngày đầu xuân đến Quảng Long xem hội cướp cù, hội vật mới thấy được tinh thần thượng võ và sự nỗ lực rèn luyện sức khỏe của người dân nơi đây.
Phó Chủ tịch UBND TX. Ba Đồn Nguyễn Văn Tình cho biết, lễ hội Khai hạ ở phường Quảng Long không chỉ tạo được không khí vui tươi trong những ngày đầu xuân, mà còn là hiện thân của tình đoàn kết cộng đồng của người dân địa phương; đồng thời góp phần gìn giữ nhiều phong tục, tập quán, chảy mãi mạch nguồn văn hóa truyền thống của dân tộc.
(QBĐT) - Một ngày đầu xuân 2024, chúng tôi ngược ngàn đến với dãy Giăng Màn để được chứng kiến đồng bào người Mày (dân tộc Chứt) bản K-Ai, xã Dân Hóa (Minh Hóa) tổ chức lễ cúng thần Cu lôông Cờ tôốc.
(QBĐT) - Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Mai Xuân Thành cho biết: Ngày 20/11/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 3302/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với Nhà thờ họ Mai làng Thọ Linh, xã Quảng Sơn (TX. Ba Đồn).