Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Chiến thắng chợ Chè-75 năm tinh thần "hạ sơn"

  • 07:24 | Thứ Sáu, 07/06/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chợ Chè trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, thuộc địa phận thôn Thạch Xá, xã Sào Nam (nay thuộc thôn Thạch Hạ, xã Hồng Thủy, Lệ Thủy). Di tích lịch sử trận tập kích chợ Chè được xếp hạng cấp tỉnh theo Quyết định số 3677/QĐ-UBND, ngày 17/12/2014 của UBND tỉnh Quảng Bình.
 
Sau Đại hội lần thứ II tại đình Kim Bảng, thôn Kim Bảng, xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa (19/5/1949), bắt đầu từ cuối tháng 5/1949, mọi công việc chuẩn bị cho cao trào “Quảng Bình quật khởi” được phát động mạnh mẽ. Kiên quyết “hạ sơn”, rời bỏ chiến khu, tất cả về bám đồng bằng để chiến đấu, Tỉnh ủy Quảng Bình đã “chuyển hướng chỉ đạo vào hai huyện phía Nam là Quảng Ninh và Lệ Thủy”.
 
Chợ Chè là một chợ nhỏ nằm sát Quốc lộ 1, xung quanh chợ Chè là các điểm trọng yếu mà địch đã chiếm đóng và lập đồn bốt. Đồn Mỹ Trung ở phía Bắc, đồn Hòa Luật Nam ở phía Nam. Chợ Chè có vị trí khá lợi hại về giao thông, phía sau chợ là đôộng cát, phía trước là đồng ruộng chiêm trũng.
 
Tại chợ Chè, một phân đội nhỏ gồm 7 đồng chí của Đại đội 1, bộ đội địa phương huyện Lệ Thủy có sự hỗ trợ của lực lượng du kích xã Sào Nam, sau khi theo dõi quá trình hoạt động của địch, đã thống nhất chọn phương án chiến đấu và ngày 24/1/1949 triển khai tập kích địch ở chợ Chè. Tổ đã cải trang như những người đi chợ buổi sáng, bất ngờ, đánh nhanh diệt gọn địch. Tổ có các đồng chí: Trần Sự, Lương Hữu Sắt, Niềm, Kiểm… chỉ trong vòng 15 phút, bằng sự mưu trí và tinh thần quyết tâm, tổ đã kết thúc trận tập kích với chiến công bắt gọn 6 tên lính và thu toàn bộ vũ khí.
 
Trận tập kích chợ Chè là trận đánh  giữa ban ngày lại diễn ra ngay sau lưng địch nên có ý nghĩa và tác dụng to lớn, tạo niềm tin trong nhân dân, cổ vũ hết sức to lớn về tinh thần chiến đấu cho quân dân ta lúc bấy giờ. Sau trận tập kích chợ Chè, địch phải rút quân về tập trung để đối phó ở vùng địch hậu.
Di tích lịch sử trận tập kích chợ Chè (xã Hồng Thủy, Lệ Thủy).
Di tích lịch sử trận tập kích chợ Chè (xã Hồng Thủy, Lệ Thủy). Ảnh: Ngọc Hải
Trận tập kích chợ Chè là một điển hình của phong trào “du kích chiến” ở vùng địch hậu. Với một lực lượng nhỏ, lối đánh táo bạo, “xuất quỷ nhập thần”, trận tập kích chợ Chè gây kinh hoàng cho kẻ địch, làm cho địch hoang mang, lo sợ, thúc đẩy quan trọng phong trào “du kích chiến” ở làng quê.
 
Đây là lối đánh sáng tạo, có tính toán, khoa học và mưu trí, góp phần làm nên những mưu mẹo đánh giặc, kinh nghiệm về hình thức chiến thuật, cách đánh vô cùng phong phú của cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Phấn khích trước chiến thắng chợ Chè, cố nhạc sĩ Trần Hoàn lúc đó đã sáng tác bài hát “Hoan hô làng Sào Nam” để động viên, cổ vũ tinh thần kháng chiến của quân dân ta.
 
Trận tập kích chợ Chè tuy quy mô nhỏ, thời gian diễn ra nhanh nhưng giá trị và tác dụng cực kỳ to lớn đối với phong trào chống thực dân Pháp của quân dân ta lúc bấy giờ.  Trận đánh có tiếng vang lớn, có tính chất đột phá khẩu cho một đợt hoạt động quân sự trên toàn huyện Lệ Thủy sau cao trào “Quảng Bình quật khởi” được phát động từ Đại hội lần thứ II tại đình Kim Bảng (Minh Hóa); là một trong những hoạt động thiết thực hưởng ứng cao trào “hạ sơn, bám dân, bám làng” mà chiến đấu, làm cho Quảng Bình mạnh lên đều khắp từ việc thúc đẩy phong trào ở hai huyện phía Nam tỉnh, báo hiệu một thời kỳ mới, nhân rộng điển hình để không ngừng đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn.
 
Cao trào “Quảng Bình quật khởi” đã góp phần đưa phong trào kháng chiến của hai huyện phía Nam phát triển thêm một bước mới, đẩy mạnh về phía quốc lộ, mở rộng vùng Quảng Ninh và Lệ Thủy, nối liền mạch máu giao thông liên lạc từ Bắc vào Nam. “Quyết tâm hạ sơn” với khẩu hiệu “Phía Nam mạnh là Quảng Bình mạnh” (Nghị quyết Đại hội lần thứ II của Đảng bộ tỉnh, tháng 5/1949).
 
Sau 75 năm (1949-2024), kể từ ngày diễn ra sự kiện lịch sử vô cùng quan trọng và tiêu biểu ấy, hiện trạng chợ Chè ngày nay đã có nhiều thay đổi, nhiều nhà cao tầng đã mọc lên, đời sống nhân dân ngày càng được ổn định, cải thiện. Sự kiện trận tập kích chợ Chè đã đi vào trang sử chống ngoại xâm của quân dân Quảng Bình, đi vào trong câu chuyện kể về truyền thống đánh giặc qua nhiều thế hệ của con em Quảng Bình với hai tiếng “ôm hè”, là những kỷ niệm của các chiến sĩ cách mạng tiền bối mà nay hầu hết họ đã ra đi mãi mãi.  
 
Từ đó phát huy giá trị di tích, giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng, truyền thống đánh giặc tại chợ Chè, mãi mãi kế tiếp trong các thế hệ về tinh thần gan dạ quả cảm, chiến đấu mưu trí sáng tạo trong chiến tranh, cần cù trong lao động hòa bình, xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp, văn minh trên mảnh đất chợ Chè nói riêng, Quảng Bình nói chung.
 
Tinh thần của 75 năm chợ Chè, tinh thần 75 năm “Quảng Bình quật khởi”, tinh thần của “kiên quyết hạ sơn”, đưa phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang bước ngoặt lịch sử mới có ý nghĩa cực kỳ quan trọng không những với nhân dân trong tỉnh mà còn có ảnh hưởng tích cực đối với phong trào kháng chiến của cả nước lúc bấy giờ, là hành trang, là di sản vô giá trong mỗi người dân Lệ Thủy, mỗi người Quảng Bình hôm nay.
Tạ Đình Hà

tin liên quan

Đất và người Phan Xá

(QBĐT) - Làng Phan Xá, xã Xuân Thủy (Lệ Thủy) có chiều dài lịch sử hàng trăm năm. Làng luôn mang trong mình trầm tích của thời gian, gắn liền với những tên đất, tên người. 

Nặng lòng với quê hương

(QBĐT) - Đó là ông Phan Hải, quê ở xã Hải Phú (Bố Trạch), hiện đang sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh. Dẫu lập nghiệp nơi xa nhưng ông luôn hướng về quê hương, có nhiều đóng góp thiết thực để xây dựng các công trình văn hóa, lịch sử, tâm linh phục vụ đời sống sinh hoạt cho bà con nhân dân.

Làng còn… "di sản" còn

(QBĐT) - Với lịch sử hàng trăm năm hình thành và phát triển, trên mảnh đất Quảng Bình đã ghi dấu bao tên đất, tên làng với bề dày trầm tích văn hóa-lịch sử đi suốt chặng đường dài dựng nước, giữ nước của dân tộc. Dẫu thời gian có trôi qua với những biến thiên thời cuộc, nhiều làng quê vẫn vẹn nguyên các giá trị trường tồn, bởi sâu thẳm còn đó không ít "di sản" của làng được bảo tồn vẹn nguyên…