Cột nhà bóng nhẫy lưng cha

  • 12:52 | Chủ Nhật, 09/06/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tôi là người ưa thích nghiên cứu văn hóa, truyền thống dân tộc. Nhưng thú thật, khi bước vào một ngôi nhà cổ, tôi rất lơ mơ về tên gọi các bộ phận trong nhà. Không chỉ là xuyên hoa, cửa vọng ở đâu, mà ngay cả những cái cột, với tên gọi dân gian “cột mệ”, “cột dì” tôi cũng không hiểu được “mô tê răng rứa”.
 
Làng Thổ Ngọa quê tôi là một trong “bát danh hương” Quảng Bình với một nền văn hóa đặc sắc. Vào cái thời tôi mới lớn lên, vẫn còn thấy rất nhiều ngôi nhà cột “ba gian, hai hồi” với những kết cấu rất cổ. Ngay cả những ngôi nhà không cổ thì cũng được dựng bằng cột kèo vững chãi. Tuy nhiên, đến hôm nay, dân số đã hơn sáu nghìn người, nhưng số nhà ở có cột chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Một trong số đó là ngôi nhà của ba mẹ tôi.
 
Mà cũng nói thật luôn, ngôi nhà tuy còn đó, nhưng nó chỉ là “kẻ nép mình” bên ngôi nhà hai tầng bê tông cốt thép của chú em. Nó chỉ còn làm mỗi nhiệm vụ là “cái kho” chứa hàng và làm kỷ niệm cho gia đình. Nhất là đứa hoài cổ như tôi!
 
Năm 2011, chú em làm nhà hai tầng bên cạnh, anh em tôi muốn mời mẹ lên ở căn phòng mà em dành cho mẹ, có đủ máy điều hòa, tivi. Nhưng mẹ tôi nhìn bàn thờ tổ tiên và ngôi nhà mà rằng: “Ba bây mất rồi, mẹ muốn ở đây để hương khói cho ba và ông bà, mẹ không quen ở nhà mái bằng”. Chúng tôi sợ mẹ ở một mình cô đơn, nhỡ khi trái gió trở trời nên động viên mãi, mẹ đành gạt nước mắt mà lên nhà trên.
 
Ngôi nhà thiếu người, mối bắt đầu tấn công mạnh. Đến trận bão năm 2013 thì đổ sập chỉ còn trơ bộ khung. Tôi về nhặt từng viên ngói, cái mè mà rưng rưng. Nhưng khi đến sờ vào cái “cột mệ” ở gian ngoài, vẫn còn bóng nhẫy lưng trần của cha thì tôi không cầm được nước mắt. Tôi họp gia đình và quyết định phục dựng. Cho dù nhiều ý kiến nói rằng, chỉ là một phí tổn vô ích. Nhưng nhìn mẹ tôi mắt sáng long lanh, thì cái phí mà anh em tôi bỏ ra dù bao nhiêu cũng quá rẻ.
Minh họa: Minh Quý
Ngôi nhà này ba tôi làm năm 1971. Nó được dựng trên nền và tường cổ của cố để lại. Nhưng cột kèo và các bộ phận bằng gỗ thì kim cổ lai tạp. Nghĩa là ba tôi đi mua gom từng bộ phận của nhiều nhà còn sót lại, sau sự tàn phá của bom Mỹ lần thứ nhất. Cái gì không mua được của xưa, ba tôi mua gỗ mới về làm. Tuy nhiên, bộ cột nhà là cổ 90%, vì lúc bấy giờ dẫu có tiền cũng không đào đâu ra cột mới bằng gỗ sến, táu.
 
Thiên hạ nhìn ba tôi “trầm trồ” có, “ghen tỵ” có nhưng đó là những gì mà ba cố gắng nhất để bảo tồn một phần của ông cha, sau những thăng trầm, dâu bể. Năm 1972, Mỹ quay lại ném bom dữ dội. Tháng 12, “Điện Biên Phủ trên không” ác liệt xảy ra, ba tôi lo chiến tranh sẽ còn tàn khốc, bèn thắp hương lên bàn thờ, xin tổ tiên sau Tết âm lịch, được phá ngôi nhà, lấy cột dựng hầm kiên cố để bảo vệ gia đình và cho hàng xóm trú bom nhờ. Thế rồi, Hiệp định Pari ký kết, ngôi nhà may mắn còn sót lại đến nay.
 
Trở lại với cái cột nhà còn bóng nhẫy lưng của ba tôi. Nay mẹ tôi cũng đã đi xa, cái cột là lý do lớn nhất để ngôi nhà không có người ở vẫn tồn tại. Cái cột này là “nơi làm việc” suốt đời của ba. Sau năm 1975, nghề may vá hết thời, gia cảnh sa sút, con đông lại đói kém, ba tôi phải trở lại với nghề vót vành làm nón. Mùa hè, ba đánh trần, lưng dựa vào cột, đầu cúi gập vót vành dưới những ngọn gió Lào thổi hồng hộc. Mỗi khi mỏi cổ, ba lại tựa cả người, chân duỗi thẳng nền nhà, mắt lim dim hút thuốc lá. Ba cứ ngồi như thế từ sáng sớm đến tối sầm, cả về đêm dưới ngọn đèn dầu hỏa. Ba chỉ đứng dậy lúc đến bữa ăn và những khi cần thiết nhất. Cái nghề vót vành này, sinh ra nhiều mạt, bụi tre nứa. Mỗi lúc ngứa ngáy, ba lại chà lưng vào cột nhà “ruýt ruýt” nghe rất vui tai.
 
Một hôm, đang vót vành thì ba kêu lên một tiếng rõ to. Tôi nhìn lại, thấy một dòng máu đỏ chảy trên tay ba. Mẹ tôi bảo, ba mày vừa vót vành vừa làm thơ đấy. Ba ngửa mặt lên mái nhà nhăn nhúm cười: “Không có thơ tui vót vành không trơn”, rồi giả lả ngâm nga: “Ai về Thổ Ngọa quê tôi/Ẩn trong nón trắng nụ cười của em/Xin đừng có mở ra xem/Mà rơi má lúm đồng tiền em đi…”. Ngâm xong, ba lại cà lưng vào cột nhà “ruýt ruýt” quên cả cơn đau, quên cả nhọc nhằn trong tiếng cười như nắc nẻ của cả nhà.
 
Rồi ba không vót vành nữa mà chuyển sang buôn nón. Cột nhà này cũng là nơi ba ngồi dựa để chọn, phân loại và xóc nón cho đều. Cái lưng trần làm bạn với cột nhà hàng ngày vẫn kêu lên “ruýt ruýt”. Cho đến một ngày ba ra đi đột ngột, bỏ lại tiếng khóc đớn đau của cháu con và cái cột nhà bóng nhẫy lưng trần, cô đơn không có ai làm bạn!
 
Tôi lại về sờ vào cái cột nhà, sờ vào dấu lưng cha thổn thức. Ba ơi, cả đời ba gắn liền với cái cột nhà, nhưng mồ hôi và tấm lưng che chở của ba đã nâng chúng con bay xa. Con đang phải đứng trước sự lựa chọn, để lại ngôi nhà lỗi thời, hư hỏng, với cái cột bóng nhẫy lưng cha? Hay phá đi để xây ngôi nhà thờ bằng xi măng gạch đá? Xin ba thả lòng cho con!
Đỗ Thành Đồng

tin liên quan

Làng còn… "di sản" còn

(QBĐT) - Với lịch sử hàng trăm năm hình thành và phát triển, trên mảnh đất Quảng Bình đã ghi dấu bao tên đất, tên làng với bề dày trầm tích văn hóa-lịch sử đi suốt chặng đường dài dựng nước, giữ nước của dân tộc. Dẫu thời gian có trôi qua với những biến thiên thời cuộc, nhiều làng quê vẫn vẹn nguyên các giá trị trường tồn, bởi sâu thẳm còn đó không ít "di sản" của làng được bảo tồn vẹn nguyên…

"Từ độ mang gươm đi mở cõi"-Bài 2: Cù lao Phố nhớ người xưa

(QBĐT) - Trong suốt cuộc đời vô cùng đáng nhớ của mình, Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã có những năm tháng cuối đời gắn bó nặng sâu với vùng đất Đồng Nai. 

Tưởng nhớ Nguyễn Hữu Cảnh

(QBĐT) - Mang trong mình dòng máu Ức Trai
Nguyễn Hữu Cảnh người con tiếp bước
Chí làm trai mang gươm đi mở nước
Nối chân trời sông núi rộng 
                                               bình minh...