(QBĐT) - Để các giá trị văn hóa-lịch sử của hệ thống di tích đến gần hơn với người dân trong và ngoài tỉnh, nhất là những người trẻ, thời gian qua, truyền thông về di tích đã được chú trọng hơn tại một số địa phương. Cho dù đó là nỗ lực của cá nhân hay công trình của tập thể, bước đầu mới mẻ, các sản phẩm truyền thông này đã mang đến sự lan tỏa trong cộng đồng, góp phần thu hút sự quan tâm, chú ý. Tuy nhiên, về lâu dài, vẫn rất cần tính hệ thống, liên kết, chung tay trong truyền thông về di tích nhằm mang lại những hiệu quả bền vững hơn.
Gần 3 năm qua, anh Trương Đệ, chủ một gara ô tô ở TP. Đồng Hới vẫn miệt mài theo đuổi công việc truyền thông về di tích yêu thích của mình. Ví mỗi chuyến đi như một sự khám phá về quê hương, anh tự mày mò học hỏi, trang bị cho mình các kỹ năng cần thiết về cách quay, dựng video clip, giới thiệu di tích sao cho hấp dẫn, ấn tượng và nhất là nghiên cứu, tìm hiểu kỹ càng, cụ thể về các di tích được giới thiệu.
Đã có hơn 110 video clip về các di tích trong và ngoài tỉnh (chủ yếu là của Quảng Bình) đã được anh đăng tải trên trang chia sẻ video clip trực tuyến Youtube tại tài khoản “Tìm về dấu xưa” với hàng nghìn lượt xem, yêu thích. Nổi bật là những video clip giới thiệu về lăng mộ của các danh nhân, người có công với nước, như: Lê Mô Khởi, Võ Xuân Cẩn... và các di tích, địa danh nổi tiếng của quê hương (Võ Thắng quan, chùa Hoằng Phúc, làng Cao Lao Hạ...).
Anh Trương Đệ chia sẻ: “Tôi là người con Thừa Thiên-Huế, nhưng lập gia đình và lập nghiệp ở Quảng Bình, tôi rất yêu quý con người và mảnh đất nơi đây. Vốn yêu thích tìm hiểu về lịch sử từ thuở nhỏ nên việc thực hiện các sản phẩm truyền thông giới thiệu di tích là mong muốn của tôi từ lâu. Phải đợi đến khi công việc kinh doanh ổn định, rồi con gái tôi học chuyên ngành báo chí ra trường và đi làm ở công ty truyền thông, cháu hướng dẫn tôi các kỹ năng quay, dựng video clip và đưa lên trang Youtube, tôi mới có cơ hội và thêm quyết tâm theo đuổi đam mê này. Mục đích của tôi là để nhiều di tích, cảnh đẹp của Quảng Bình được nhiều người biết tới, ghé thăm. Do đó, mỗi khi có điều kiện, tôi đều thực hiện các video clip, khi thì đi cùng bạn bè, đồng nghiệp, có khi chỉ một mình nhưng tôi vẫn nỗ lực thực hiện. Càng làm, càng đam mê bởi với tôi, quả thật còn nhiều điều về đất và người Quảng Bình chưa được khám phá hết”.
Kỷ niệm đáng nhớ của anh là khi thực hiện video clip giới thiệu về mộ của danh nhân người Quảng Bình Nguyễn Thế Trực. Sau khi video clip được đăng tải trên Youtube, học giả Đài Loan GS.TS. Trần Ích Nguyên tình cờ đã xem và phát hiện đây chính là mộ của tác giả cuốn “Sứ trình thi tập”. Trước đó, GS.TS. Trần Ích Nguyên đã dành nhiều tâm sức đi tìm tác giả của cuốn thi tập khuyết danh này.
Sau này, qua bài viết của TS. Nguyễn Thị Tâm Hạnh, đầu mối quan trọng trong việc xác nhận tác giả thực sự của “Sứ trình thi tập” đã được xác định, đó chính là danh nhân Nguyễn Thế Trực (Nguyễn Viết Trực), từng làm quan đảm nhận nhiều vị trí quan trọng trải qua 3 triều Chúa Nguyễn, Tây Sơn và nhà Nguyễn. Cơ duyên xem video clip giới thiệu mộ danh nhân Nguyễn Thế Trực, thông qua nhiều kênh kết nối, năm 2023, vị giáo sư người Đài Loan cùng cộng sự đã trở lại Quảng Bình, trao bản sao của “Sứ trình thi tập” cho gia tộc Nguyễn Thế lưu giữ. Anh Trương Đệ cũng có cơ hội gặp gỡ giáo sư trong chuyến đi này.
“Tôi rất hạnh phúc vì sản phẩm truyền thông của mình đã có thể kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Nhiều video clip sau khi ra mắt đã được công chúng đón nhận nhiệt tình, nhất là các bạn trẻ và người xa quê. Đặc biệt, nhiều người nhắn tin cảm ơn tôi vì đã cung cấp những thông tin bổ ích về di tích, điều mà các bạn chưa từng biết đến. Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục thực hiện nhiều hơn các video clip giới thiệu về các di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Nếu đơn vị, địa phương nào có dự định kết nối để tuyên truyền, tôi sẵn sàng giúp sức, bởi mục tiêu cuối cùng là quảng bá, giới thiệu di tích, danh thắng đến gần hơn với công chúng”.
Có lẽ, hiếm có một trang web giới thiệu về ngôi làng nào lại có “tuổi thọ” bền bỉ với nhiều hoạt động ý nghĩa như trang www.caolaoha.com. Ra mắt từ năm 2011, trang web là “cẩm nang” giới thiệu toàn vẹn về ngôi làng nổi tiếng Cao Lao Hạ (xã Hạ Trạch cũ, Bố Trạch) từ khi thành lập cho đến nay. Theo TS. Lưu Đức Hải, người hiện quản trị trang web, đây là một địa chỉ để con em làng kết nối, giúp đỡ lẫn nhau, tạo nên sức mạnh tổng hợp cho làng; là nơi cung cấp nhanh nhất mọi thông tin liên quan đến làng ở quê nhà cũng như ở khắp mọi nơi và cũng là kênh thông tin quan trọng giới thiệu, quảng bá làng Cao Lao Hạ với bên ngoài. Đặc biệt, trang web còn là nơi thu thập, bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa của làng qua các thời kỳ từ khi lập làng đến nay.
Năm 2023 chứng kiến sự thành công của đội ngũ những người làm truyền thông của di tích Nhà tù Hỏa Lò. Nhờ việc phát triển truyền thông trên đa nền tảng cùng nội dung ấn tượng, thu hút, theo đúng xu hướng, di tích này đã thu hút hàng nghìn lượt người xem, yêu thích và lượng khách “đổ” đến tham quan di tích cũng nhờ đó tăng theo.
Trang web đa dạng thông tin với các chuyên mục, như: Giới thiệu Cao Lao Hạ; tin Cao Lao Hạ; người Cao Lao Hạ… Đáng chú ý, chuyên mục “Trí tuệ và cảm xúc Cao Lao Hạ” gồm 4 nội dung: Kho tàng sáng tác-lưu giữ và đăng tải lại tất cả các sáng tác nghệ thuật (thơ, văn, nhạc…) của những thế hệ con em Cao Lao Hạ và bài viết của các nhà văn, nhà thơ trong nước về làng quê, con người nơi đây; công trình khoa học-lưu giữ và đăng tải công trình, luận án, luận văn nghiên cứu của con em của làng qua các thời kỳ; hình ảnh Cao Lao-lưu giữ tập ảnh, phim, băng hình về các hoạt động, sự kiện diễn ra tại làng; viết về Cao Lao-đăng tải bài thơ, văn xuôi, nhạc… viết về quê hương Cao Lao Hạ. Trong khi đó, chuyên mục “Vì Cao Lao Hạ” bao gồm nội dung về vận động xây dựng quê hương, những góp ý, sáng kiến, kinh nghiệm làm giàu trên mọi lĩnh vực... Và không thể thiếu một số chuyên mục khác mang đặc trưng, tính cách của con người vùng đất nổi tiếng này.
Theo TS. Lưu Đức Hải, trang web được ví như “nhịp cầu nối” cho những ai yêu mến mảnh đất và con người nơi đây. Trang web cũng thường xuyên được cập nhật, nâng cấp và mới đây khi hai xã Hạ Trạch và Mỹ Trạch sáp nhập thành xã Hạ Mỹ, trang web sẽ tiếp tục được đổi mới theo kịp xu thế, phù hợp và lan tỏa những giá trị văn hóa-lịch sử của vùng đất này. Tuy nhiên, trên thực tế, những sản phẩm truyền thông về di tích trên địa bàn tỉnh vẫn còn là “khoảng trống” và chưa thực sự có tính liên kết, bền vững, chủ yếu chỉ mới đơn lẻ, thiếu hệ thống.
Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Mai Thế Trung cho biết, hiện nay, các bài viết giới thiệu về di tích chủ yếu xuất hiện trên các trang thông tin của xã, huyện-cơ sở quản lý di tích theo dạng “báo cáo” là chủ yếu, hiếm có địa phương nào đầu tư bài bản vào khâu truyền thông giới thiệu di tích. Ngoài ra, để có thể truyền thông về di tích một cách bài bản, hệ thống, cần đội ngũ nhân lực có tâm huyết, kỹ năng, nghiệp vụ và thành thạo về công nghệ.
Do vậy, rất khó để nói đến tính hấp dẫn, hiệu quả của truyền thông về di tích trên địa bàn tỉnh. Sự nỗ lực của một số cá nhân, tập thể đối với mảng truyền thông này là rất đáng ghi nhận. Đó sẽ là động lực thúc đẩy nhiều địa phương, đơn vị tập trung hơn với truyền thông về di tích trong thời gian tới. Nhưng về lâu dài, cần những “cú hích” mạnh mẽ và một kế hoạch dài hơi từ cấp tỉnh đến cơ sở để truyền thông về di tích được “lấp đầy khoảng trống”, trước mắt, cần vận dụng các trang web của địa phương cùng sức lan tỏa của mạng xã hội để truyền thông về di tích.
(QBĐT) - Với lịch sử hàng trăm năm hình thành và phát triển, trên mảnh đất Quảng Bình đã ghi dấu bao tên đất, tên làng với bề dày trầm tích văn hóa-lịch sử đi suốt chặng đường dài dựng nước, giữ nước của dân tộc. Dẫu thời gian có trôi qua với những biến thiên thời cuộc, nhiều làng quê vẫn vẹn nguyên các giá trị trường tồn, bởi sâu thẳm còn đó không ít "di sản" của làng được bảo tồn vẹn nguyên…