Nhớ về kỷ niệm làm công tác tuyên giáo ngày chia tỉnh
(QBĐT) - Tháng sáu, trời nắng cháy da, ngồi nghe tiếng ve kêu râm ran lại bồi hồi nhớ về kỷ niệm 35 năm trước. Ngày ấy, cũng khoảng thời gian này, mùa hè 1989, trời Huế và Đồng Hới nắng như đổ lửa nhưng từng đoàn, từng đoàn xe tải, xe đò vẫn nối đuôi nhau hối hả, lọc cọc, nhọc nhằn lăn bánh chở hàng nghìn con người cùng tài sản là sách, báo, tủ, giường, quần áo, nồi niêu, bát chảo… từ Huế ra Đồng Hới. Bây giờ, nhiều người còn nhưng cũng có người đã về cõi thiên thu, nhắc lại vài kỷ niệm làm nghề để nhớ, để thương và trân quý…
Với những người làm công tác tuyên giáo thời kỳ trước, trong và sau khi chia tỉnh Bình Trị Thiên phải đối chọi với rất nhiều gian nan, phức tạp. Bởi lúc bấy giờ có rất nhiều dư luận, tâm trạng, tư tưởng, tình cảm khác nhau tác động đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tôi nhớ, tại hội nghị giao ban công tác tuyên giáo đầu tháng 4/1989, đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã căn dặn và giao nhiệm vụ cho anh, chị em trong ban là phải bám sát cơ sở, nắm thật chắc diễn biến tình hình dư luận, tâm tư, tình cảm, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, từ đó phân tích, đánh giá thật thận trọng, khách quan với thái độ tỉnh táo, khoa học để tham mưu cho lãnh đạo ban trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy kịp thời ra chỉ thị lãnh đạo thật tốt nhiệm vụ quan trọng hàng đầu này.
Ngày 14/4/1989, khi Bộ Chính trị có quyết định chia tỉnh Bình Trị Thiên thành ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế thì mọi công việc càng trở nên cấp thiết. Từ đó đến trước ngày 1/7/1989, những người làm công tác tuyên giáo lại càng hết sức vất vả... Sau ngày tỉnh nhà trở về địa giới cũ 1/7/1989, xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng và khẩn trương của công tác tuyên giáo, nhất là công tác chính trị-tư tưởng, tổ chức của Ban Tuyên giáo được kiện toàn.
Đồng chí Thái Bá Nhiệm, Bí thư Tỉnh ủy (lâm thời) Quảng Bình kiêm Trưởng ban và đồng chí Trần Dzụ (nguyên Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy) làm Phó trưởng ban, đến ngày 30/7/1990 đồng chí Trần Dụ làm Quyền Trưởng ban. Số cán bộ của ban từ Huế chia ra có 10 người. Ban Tuyên giáo làm việc chung với các ban và Văn phòng Tỉnh ủy tại ngôi nhà 3 tầng của Thị ủy Đồng Hới giao cho (nay là khu vực Nhà Thiếu nhi tỉnh).
Nhà ở của anh, chị em trong ban được phân cứ hai hộ gia đình ở chung một phòng, rộng khoảng 11m2 tại dãy nhà cấp 4, phía sau trụ sở làm việc. Điều kiện ăn ở quá chật chội, điện, nước bị mất thường xuyên. Anh em độc thân, gia đình ở xa thì bàn làm việc tại cơ quan ngoài giờ hành chính làm giường ngủ, ăn cơm hộp hoặc ở bếp tập thể. Cảnh ăn nhờ ở đậu suốt mấy năm trời. Gian khổ, thiếu thốn trăm bề, nhưng anh chị em luôn đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau và làm việc cật lực.
Tôi nhớ, riêng tôi, với trách nhiệm chuyên viên được phân công theo dõi văn hóa-văn nghệ-báo chí, nghĩa là tham mưu theo dõi hoạt động của 5 đơn vị nhưng chỉ một mình. Phương tiện được trang bị là một chiếc radio nhỏ đã cũ để nghe, theo dõi đầy đủ nội dung phát thanh của Đài Phát thanh tỉnh (lúc này chưa nhập với Đài Truyền hình), còn theo dõi nội dung phát hình của Đài Truyền hình tỉnh thì xem nhờ chiếc tivi đặt chung tại Văn phòng Tỉnh ủy và được phát một tờ Báo Quảng Bình để đọc, theo dõi. Hàng ngày, tôi phải tổng hợp báo cáo đầy đủ nội dung hoạt động của báo, đài cho lãnh đạo Ban Tuyên giáo. Hàng tuần, đều đặn tổ chức giao ban khối báo chí, văn hóa, văn nghệ rất đầy đủ, kịp thời.
Người ít, công việc nhiều, có những việc đòi hỏi khẩn trương, kịp thời phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh nên cán bộ Ban Tuyên giáo phải vắt chân lên cổ mà chạy. Ngoài một mình chịu trách nhiệm tham mưu, theo dõi cả khối báo chí, văn hóa, văn nghệ, tôi còn kiêm thêm vai báo cáo viên Tỉnh ủy, rồi được làm cả vai báo cáo viên Trung ương (tôi và Trương Minh Tuấn là hai anh em được cấp thẻ báo cáo viên Trung ương đợt đầu tiên của Ban Tuyên giáo Trung ương).
Hàng tháng, tôi và Trương Minh Tuấn đổi nhau đều đặn nhảy tàu ra Hà Nội tiếp thu thời sự. Tranh thủ tối đa thời gian, tối 7 giờ lên tàu ở Đồng Hới, sáng 5 giờ 30 phút có mặt tại ga Hà Nội, ăn vội bát phở rẻ tiền là đi xe ôm về hội trường Ban Tuyên giáo Trung ương lúc 8 giờ. Thời đó, điều kiện, phương tiện hoạt động cực kỳ thiếu thốn và lạc hậu. Chúng tôi tiếp thu thời sự chủ yếu nghe và ghi chép bằng tay, sau đó có đặt mua thêm một số băng cát sét ghi âm, tối lại nhảy tàu về Đồng Hới, tổng cộng cả đi và về là 2 đêm 1 ngày.
Về cơ quan là cắm đầu, cắm cổ mở cát sét (chiếc máy được Ban Tuyên giáo trang bị nhỏ bằng bàn tay, chạy pin tiểu, có khi máy trục trặc phải đưa lên ghé sát tai gõ gõ để nghe, khổ nhất là nhiều lúc băng bị rối phải tua lại mất nhiều thời gian). Tai nghe, tay chép ra từ máy, kết hợp những nội dung ghi chép được trong sổ tay và đọc thêm các tài liệu tham khảo để soạn thành tài liệu tuyên truyền vừa trực tiếp báo cáo cho hội nghị báo cáo viên của tỉnh và cơ sở, vừa làm tài liệu để văn phòng Ban Tuyên giáo in sao gửi đến tận các chi bộ nhỏ trong toàn tỉnh.
Còn nhớ, những đêm mưa phùn, gió bấc, mùa đông lạnh cóng, rồi những ngày hè nắng như đổ lửa, ngồi trên tàu không có điều hòa, không quạt điện như bây giờ, rồi những lúc đói bụng vì tàu trật bánh, vì lũ lụt xói lở đường ray mà nóng ruột nhưng tháng nào anh em chúng tôi cũng đều đặn có mặt ở Hà Nội để tiếp thu tình hình…
Sau một thời gian, một số anh, chị em mới được chuyển về tăng cường cho Ban Tuyên giáo nên công việc của anh, chị em ở các bộ phận trong ban đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, mảng báo chí, văn hóa, văn nghệ vẫn chỉ một người phụ trách. Đến đầu năm 1993, xuất bản thêm Tạp chí Sinh hoạt chi bộ ra hàng tháng. Tạp chí trực thuộc Tỉnh ủy nhưng giao Ban Tuyên giáo quản lý. Đồng chí Đỗ Quý Doãn, lúc này là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo kiêm Tổng Biên tập trực tiếp chỉ đạo, còn tất cả nội dung tạp chí từ xây dựng đề cương, tổ chức đặt bài cho cộng tác viên, thiếu bài thì bản thân tự viết, biên chọn, trình bày ma-két (lúc đó toàn làm bằng tay, chủ yếu là cắt, dán, tự vẽ) rồi đem báo đi in, chấm mo-rát … đều một mình tôi xoay chạy.
Sau này, có thêm anh Đặng Ngọc Đơn, chị Trương Thị Xuân Hương về Ban Tuyên giáo nên công việc của bộ phận văn hóa, văn nghệ, tạp chí mới đỡ hơn nhiều. Đến đầu năm 1995, tôi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy bổ nhiệm làm Phó Tổng biên tập Tạp chí Sinh hoạt chi bộ. Tính đến nay, Tạp chí Sinh hoạt chi bộ đã hoạt động hơn 30 năm với hàng trăm số xuất bản và hàng triệu bản sách được in phát hành đều đặn về cơ sở. Đây là một con số không nhỏ và chắc chắn hiệu quả đóng góp vào hoạt động của công tác tuyên truyền là rất lớn…
35 năm đã trôi qua kể từ ngày chia tỉnh, nhớ lại kỷ niệm những ngày đầu tỉnh nhà trở về với địa giới cũ, cũng như nhiều anh, chị em cùng thời, tôi lại bồi hồi, xúc động nhớ về một thời đã qua. May mắn công tác ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy từ thời Bình Trị Thiên đến sau khi chia tỉnh liên tục gần 15 năm, tôi vinh dự được tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp Tư tưởng-Văn hóa của Ban Tuyên giáo Trung ương đợt đầu tiên, sau này, dù chuyển sang công tác ở lĩnh vực khác nhưng với tôi đây là khoảng thời gian dẫu nhiều gian khổ nhưng cũng đầy ắp kỷ niệm thương yêu xen lẫn vinh dự, tự hào.
Hoàng Minh Tiến