Quốc phòng - An ninh
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam

  • 07:21 | Thứ Hai, 27/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Luật Cảnh sát biển Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 19-11-2018, có hiệu lực từ ngày 1-7-2019. Luật quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam. Dưới đây là những điểm mới và quan trọng nhất của Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018.
 
Hỏi: Vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam được quy định như thế nào?
 
Đáp: Theo Điều 3, Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018, Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển.
 
Cảnh sát biển Việt Nam có các chức năng sau:
 
- Tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển;
 
- Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam;
 
- Quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền.
 
Hỏi: Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam như thế nào?
 
Đáp: Điều 8, Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 quy định Cảnh sát biển có những nhiệm vụ sau:
 
- Thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để đề xuất chủ trương, giải pháp, phương án bảo vệ an ninh quốc gia và thực thi pháp luật trên biển…
 
- Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; bảo vệ tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên biển.
 
- Đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và tham gia khắc phục sự cố môi trường biển.
 
- Tham gia xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh và xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh trên biển.
 
- Thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
 
- Tiếp nhận, sử dụng nhân lực, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự được huy động tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam.
 
- Thực hiện hợp tác quốc tế trên cơ sở điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam.
Lực lượng Cảnh sát biển tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân Lệ Thủy.
Lực lượng Cảnh sát biển tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân Lệ Thủy.
Hỏi: Quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam được quy định như thế nào?
 
Đáp: Theo Điều 9, Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018, Cảnh sát biển khi thực thi nhiệm vụ có những quyền hạn sau:
 
- Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, tàu thuyền, hàng hóa, hành lý trong vùng biển Việt Nam theo quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan.
 
- Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong trường hợp pháp luật cho phép.
 
- Xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
 
- Tiến hành một số hoạt động điều tra hình sự theo quy định của pháp luật về tổ chức cơ quan điều tra hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự.
 
- Truy đuổi tàu thuyền vi phạm pháp luật trên biển.
 
- Huy động người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam trong trường hợp khẩn cấp.
 
- Đề nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam hỗ trợ, giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp.
 
- Bắt giữ tàu biển theo quy định của pháp luật.
 
- Áp dụng biện pháp công tác khác theo quy định tại Điều 12 của luật này.
 
Hỏi: Trường hợp nào Cảnh sát biển được quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển?
 
Đáp: Theo Điều 17, Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 quy định, Cảnh sát biển được quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển trong các trường hợp sau:
 
- Vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia;
 
- Không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng tàu thuyền;
 
- Thực hiện hợp tác quốc tế trong hoạt động truy đuổi;
 
- Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
 
Hỏi: Cảnh sát biển được dừng tàu thuyền để kiểm tra, kiểm soát trong trường hợp nào?
 
Đáp: Theo Khoản 2, Điều 13, Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 quy định cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển được quyền dừng tàu thuyền để kiểm tra, kiểm soát trong trường hợp:
 
- Trực tiếp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật;
 
- Thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật;
 
- Có tố cáo, tố giác, tin báo về tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật;
 
- Có văn bản đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về truy đuổi, bắt giữ người, tàu thuyền và phương tiện vi phạm pháp luật;
 
- Người vi phạm tự giác khai báo về hành vi vi phạm pháp luật.
 
Hỏi: Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 quy định các hành vi nào bị nghiêm cấm?
 
Đáp: Điều 7, Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 quy định 6 hành vi bị nghiêm cấm, cụ thể:
 
- Chống đối, cản trở hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; trả thù, đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển Việt Nam trong thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ.
 
- Mua chuộc, hối lộ hoặc ép buộc cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển Việt Nam làm trái chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn.
 
- Giả danh cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển Việt Nam; giả mạo tàu thuyền, phương tiện của Cảnh sát biển Việt Nam; làm giả, mua bán, sử dụng trái phép trang phục, con dấu, giấy tờ của Cảnh sát biển Việt Nam.
 
- Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác của cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển Việt Nam để vi phạm pháp luật; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
 
- Cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển Việt Nam nhũng nhiễu, gây khó khăn đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động hợp pháp trên biển.
 
- Hành vi khác vi phạm quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018.
 
Hỏi: Chức danh pháp lý của Cảnh sát biển Việt Nam được quy định như thế nào?
 
Đáp: Theo Điều 4, Nghị định số 61/2019/NĐ-CP, ngày 10-7-2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật cảnh sát biển Việt Nam: Cảnh sát viên, trinh sát viên và cán bộ điều tra là chức danh pháp lý của Cảnh sát biển Việt Nam, có nhiệm vụ phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật
 
Hỏi: Hệ thống tổ chức và phạm vi hoạt động, địa bàn quản lý của Bộ Tư lệnh vùng cảnh sát biển Việt Nam (đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam) được quy định như thế nào?
 
Đáp: Theo điểm a, Khoản 2, Điều 7 và Khoản 1, Điều 9, Nghị định số 61/2019/NĐ-CP, ngày 10-7-2019 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật cảnh sát biển Việt Nam, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1, 2, 3, 4 là đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.
 
Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 quản lý vùng biển từ cửa sông Bắc Luân, tỉnh Quảng Ninh đến đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị; Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 quản lý vùng biển từ đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị đến Cù Lao Xanh, tỉnh Bình Định; Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 quản lý vùng biển từ Cù Lao Xanh, tỉnh Bình Định đến bờ Bắc cửa Định An, tỉnh Trà Vinh; Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 quản lý vùng biển từ bờ Bắc cửa Định An, tỉnh Trà Vinh đến Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.
 
Mạnh Thường

tin liên quan

Công an tỉnh Quảng Bình bàn giao trụ sở làm việc cho Công an tỉnh Khăm Muộn

(QBĐT) - Chiều ngày 25-12, đoàn công tác của Công an tỉnh Quảng Bình tổ chức bàn giao 3 trụ sở Công an đối biên thuộc huyện Bualapha, tỉnh Khăm Muộn, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào.

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1: Tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm

(QBĐT) - Hàng năm, vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tình hình thời tiết trên biển có nhiều diễn biến phức tạp, thường xuyên có gió mùa, biển động, khu vực ven biển có sương mù, hạn chế tầm quan sát của lực lượng chức năng. Lợi dụng thực tế này, bằng nhiều phương thức và thủ đoạn hết sức tinh vi, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM) thường gia tăng hoạt động, gây ảnh hưởng tới tình hình an ninh trật tự, an toàn trên các tuyến biển, giá cả thị trường cũng như quyền lợi tiêu dùng của người dân…

Lực lượng Cảnh sát biển: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho ngư dân

(QBĐT) - Theo Luật Cảnh sát biển Việt Nam, một trong bảy nhóm nhiệm vụ chính của lực lượng Cảnh sát biển được quy định tại Điều 8, Luật Cảnh sát biển Việt Nam là thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), trong đó có tuyên truyền về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU).