Xúc tiến đầu tư du lịch-Động lực phát triển ngành kinh tế mũi nhọn

  • 07:07 | Thứ Năm, 01/12/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Để đưa du lịch Quảng Bình phát triển mạnh mẽ, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, đồng thời khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế riêng có mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất "gió Lào cát trắng", những năm gần đây, Quảng Bình rất chú trọng các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư vào du lịch. Qua đó, tạo động lực bứt phá, phát triển cho ngành kinh tế mũi nhọn.
 
Du lịch Quảng Bình qua những gam màu
 
Quảng Bình nổi lên là điểm đến du lịch Việt Nam trong những năm gần đây. Lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến với tỉnh cũng tăng trưởng ấn tượng từ 2,2 triệu lượt khách (năm 2015) lên 5,5 triệu lượt khách (năm 2019). Năm 2015, số cơ sở lưu trú là 268 cơ sở, trong đó có 2 khách sạn 5 sao, 2 khách sạn 4 sao, tổng năng lực đáp ứng khoảng 7.500 phòng nghỉ; đến năm 2022, toàn tỉnh đã có gần 600 cơ sở lưu trú với khoảng 16.000 phòng, với 3 khách sạn/resort 5 sao, 6 khách sạn/resort 4 sao và hiện có 5 khách sạn/resort đang làm hồ sơ công nhận tiêu chuẩn 4 sao khác.
Được mệnh danh là
Được mệnh danh là "Vương quốc hang động", Quảng Bình thu hút mạnh mẽ du khách trong và ngoài nước. (Ảnh Sở KH-ĐT cung cấp)
Theo Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Ngọc Quý, sự phát triển của du lịch Quảng Bình đã có những giai đoạn rơi vào khó khăn tưởng chừng như sẽ kéo chân du lịch đi thụt lùi. Đó là sự cố “mang tên” Formosa (năm 2016) và dịch Covid-19 trong 2 năm 2020-2021. Bình tĩnh trước khó khăn và tìm ra hướng đi thích hợp cho riêng mình, Quảng Bình đã nhanh chóng khắc phục khó khăn, tăng trưởng trở lại.
 
Tiêu biểu là năm 2022, tỉnh đặt ra mục tiêu sẽ thu hút 2 triệu lượt khách, trong đó có 10.000 lượt khách quốc tế. Đến thời điểm hiện tại (hết tháng 11/2022), Quảng Bình đã gần về đích với hơn 1,9 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt hơn 30.000 lượt, vượt gấp 3 mục tiêu đặt ra.
 
Ông Trần Ngọc Thái, Phó Tổng giám đốc Đầu tư và Phát triển quỹ đất, Công ty CP Đất Xanh Miền Trung: Thời gian qua, với việc hình thành và xây dựng những dự án du lịch chất lượng cao, đặc sắc trên địa bàn Quảng Bình sẽ tích cực góp phần xây dựng hình ảnh, điểm đến cho du khách trong và ngoài nước. Ngành Du lịch Quảng Bình cần có thêm những sản phẩm du lịch đặc sắc như hình thành không gian khu phố đêm, phố đi bộ, các gian hàng mua sắm thời trang, chăm sóc sức khoẻ và nhà ở… Các lễ hội được tổ chức một cách thường xuyên hơn và có chiều sâu, lan toả để không chỉ thu hút du khách trong nước mà còn khách quốc tế đến và quay trở lại Quảng Bình một cách liên tục.
"Du lịch Quảng Bình năm 2022 có bước khởi sắc và phát triển nhanh chóng. Từ khi dịch Covid-19 được kiểm soát hiệu quả, mở cửa du lịch trở lại vào ngày 15/3/2022, Quảng Bình là một trong những tỉnh được các du khách đến, cao điểm là vào mùa hè vừa rồi, lượng khách đến Quảng Bình tăng đáng kể. Dù vậy, “bức tranh” du lịch tỉnh vẫn chưa hoàn thiện. Tỉnh còn thiếu những cơ sở lưu trú chất lượng cao, những khu vui chơi giải trí-trung tâm thương mại mua sắm đẳng cấp…", ông Nguyễn Ngọc Quý chia sẻ.
 
Ở góc nhìn của một chuyên gia quy hoạch, theo kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam thì hiện vẫn còn những bất cập trong phát triển hạ tầng du lịch Quảng Bình. Như hạ tầng chưa được đầu tư bài bản, hệ thống cơ sở lưu trú còn thiếu cả về quy mô lẫn chất lượng dịch vụ; khả năng kết nối hạ tầng giao thông các cụm du lịch chưa cao…
 
Đón những “cánh chim đầu đàn” đầu tư vào du lịch
 
Quảng Bình xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, là một trong những điểm tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội tỉnh giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo. UBND tỉnh rất quan tâm đến công tác quảng bá xúc tiến, thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch.
 
Tại hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư lĩnh vực du lịch, dịch vụ tổ chức vào ngày 31/5/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động phối hợp cùng DN, nhà đầu tư để giải quyết, hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hoặc tham mưu UBND tỉnh trên tinh thần đồng hành, lấy DN làm trung tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các DN, nhà đầu tư tiếp cận các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Chính phủ, của tỉnh; phát triển các hoạt động kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật, triển khai các dự án đúng tiến độ cam kết.
Quảng Bình với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp và môi trường đầu tư thuận lợi sẽ là điểm đến của các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
Quảng Bình với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp và môi trường đầu tư thuận lợi sẽ là điểm đến của các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch. (Ảnh Sở KH-ĐT cung cấp)
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 19, trong đó quy định chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh, gồm: Thuế, đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực... Đây cũng là những "đòn bẩy" để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; thực hiện nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả các cam kết của lãnh đạo tỉnh tại các hội nghị xúc tiến đầu tư của Quảng Bình.
 
Là người có nhiều gắn bó với Quảng Bình, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tỉnh phải có hệ chính sách tốt để kéo được DN lớn đầu tư vào du lịch, trở thành “cánh chim đầu đàn” định hướng cho du lịch phát triển.
 
Còn kiến trúc sư Trần Ngọc Chính cho rằng, tỉnh cần điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải gắn với phát triển du lịch, hiện đại hóa mạng lưới giao thông công cộng ở các khu điểm du lịch; nâng cấp cảng hàng không Đồng Hới, có tính đến quy hoạch đô thị sân bay; đầu tư hệ thống hạ tầng liên kết các khu, điểm du lịch. Tập trung xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú. Điều chỉnh quy hoạch, phát triển thêm các điểm, vùng du lịch sinh thái… và cần sớm phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030.
 
Trong thời gian tới, Quảng Bình sẽ tập trung xây dựng, cập nhật thường xuyên danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, chú trọng các dự án phát triển du lịch, phù hợp với quy hoạch, nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ ưu đãi đầu tư đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực du lịch. Quảng Bình luôn mong muốn thu hút các nhà đầu tư quan tâm đến dự án và sẽ quyết định đầu tư vào hạ tầng du lịch, tạo động lực phát triển du lịch-ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
 
Ông Nguyễn Văn Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Bình: Quảng Bình hội đủ các điều kiện về giao thông, có Quốc lộ 1 xuyên suốt, tuyến cao tốc qua địa bàn và tuyến đường ven biển đang được triển khai, tuyến đường sắt ổn định và đã có kế hoạch nâng cấp, có sân bay Đồng Hới, có cảng biển… Hạ tầng lưu trú, vui chơi, mua sắm được đầu tư, nâng cấp; các điểm tham quan mở rộng với nhiều sản phẩm du lịch mới. Nếu hạ tầng du lịch được đầu tư đồng bộ, kết nối tốt với các địa điểm du lịch trong và ngoài nước, chắc chắn du khách sẽ đến với Quảng Bình nhiều hơn. 
 
Anh Tuấn

tin liên quan

Tập huấn bồi dưỡng chuyên ngành Tài nguyên và Môi trường

(QBĐT) - Ngày 30/11, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Quảng Bình tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên ngành TN-MT cho đội ngũ cán bộ phòng TN-MT cấp huyện và cán bộ địa chính, xây dựng, môi trường cấp xã.

Điểm tựa cho người dân phát triển kinh tế

(QBĐT) - Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội (CSXH) thực sự phát huy hiệu quả khi giúp người dân có vốn để đầu tư phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn vay, các hộ dân đã đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt và phát triển mô hình trang trại, gia trại lớn hơn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Doanh nghiệp đẩy mạnh khuyến mại, kích cầu tiêu dùng

(QBĐT) - Hưởng ứng "Tháng khuyến mại tập trung quốc gia năm 2022" từ ngày 15/11-22/12 trên phạm vi toàn quốc, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Bình đã chủ động đưa ra nhiều chương trình khuyến mại. Qua đó kích cầu tiêu dùng, khai thác tối đa thị trường nội địa, nâng cao mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng dịp cuối năm, góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế.