Nơi ấy, cực Bắc thiêng liêng
(QBĐT) - Lá cờ đỏ sao vàng tung bay nơi biên cương Tổ quốc. Con đường cheo leo, neo mình trên những ngọn đồi cao, uốn lượn trong mờ sương. Cô bé người Mông gùi hoa trên dốc Thẩm Mã, nụ cười trong veo như nắng thu rực rỡ. Và nơi ấy-Hà Giang, mảnh đất cực Bắc của Tổ quốc còn gieo thương nhớ cho những ai đã một lần đặt chân đến nơi này bởi những điều bình dị, sự khắc nghiệt nơi vùng đất cao nguyên với những mảng màu đá xám lạnh lẽo lúc Đông về.
Bài 1: Hà Giang-mảnh đất gieo thương nhớ
Cuối tháng 11, Hà Giang đón chúng tôi bằng cái lạnh đầu đông cùng cơn mưa phùn ướt đẫm trên những cung đường lưng chừng núi. Mảnh đất phía cực Bắc e ấp như một nàng thơ bí ẩn mà càng khám phá, càng yêu thương, càng tìm hiểu, càng nhung nhớ. Nơi địa đầu này có những con người hiền như cỏ, lành như những bông tam giác mạch dù cuộc sống vùng cao nguyên đá chật vật và vất vả vô cùng.
Tổ quốc phía địa đầu
Đến Hà Giang, sẽ thật thiếu sót nếu không đặt chân đến cột cờ Lũng Cú-biểu tượng cho cột mốc cực Bắc của Tổ quốc. Cột cờ Lũng Cú thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, ngự trên đỉnh núi Rồng, có độ cao đạt 1.470m so với mực nước biển. Để chinh phục cột cờ, du khách sẽ phải qua 839 bậc thang uốn lượn quanh co bên sườn núi. Đây thực sự là một thử thách không hề nhẹ nhàng đối với nhiều người. Vậy mà những dòng người vẫn nối đuôi nhau leo từng bậc thang lên tới đỉnh núi để mong được một lần chạm tay vào cột cờ thiêng liêng phía địa đầu.
Sau hành trình chinh phục quãng đường hơn 800 bậc thang ấy, những mệt mỏi bỗng chợt tan biến cả khi nhìn lá cờ Tổ quốc rộng 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em tung bay giữa mênh mang đất trời. Chưa bao giờ, cảm xúc tự hào lại trào dâng đến thế.
Trong không gian ấy, dòng người với đủ mọi độ tuổi, nhiều chất giọng vùng miền cứ hòa vào nhau. Đông đúc nhưng không xô bồ, họ xếp hàng trật tự đợi đến lượt được chụp ảnh dưới cột cờ thiêng liêng.
Trong đám đông ấy, có những cựu binh khoác lên mình màu áo xanh quân ngũ, thời gian đã làm bạc trắng mái đầu nhưng tình yêu Tổ quốc vẫn như ngày còn xuân xanh. Đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió chiều, họ rưng rưng, đôi bàn tay gầy guộc đan vào nhau, cố nén giọt nước mắt chỉ chực trào ra nơi khóe mắt. Hơn ai hết, những người cựu binh già này thấu tỏ giá trị của từng tấc đất thiêng liêng nơi vùng biên viễn.
Khi đất nước đã yên tiếng súng thì trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc (diễn ra từ năm 1979-1989), Hà Giang vẫn là địa bàn trọng điểm bị địch tiến hành lấn chiếm và phá hoại nhiều mặt. Trong hàng trăm trận chiến đấu quyết liệt, nhiều cán bộ, chiến sĩ ở mọi miền đất nước và đồng bào ta đã hy sinh trên mảnh đất này. Đây là cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn nhất kể từ sau khi Việt Nam đánh thắng giặc Mỹ. Mặt trận Vị Xuyên đã trở thành cái tên bất tử, là mảnh đất của máu và hoa, chứng kiến sự hy sinh anh dũng của hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta. Chiến tranh đi qua, đến nay, vẫn còn hơn 2.000 liệt sỹ nằm lại đâu đó nơi phía biên cương. Bởi thế, mảnh đất địa đầu này vẫn luôn mang đến cảm xúc thiêng liêng, tự hào mỗi lần đặt chân đến nơi đây.
Miền đá nở hoa
Từ Km0 tại TP. Hà Giang, để đến với vùng cao nguyên đá, chúng tôi ngược lên tuyến Quốc lộ 4C hay còn được gọi với cái tên thân thương: Con đường Hạnh Phúc! Được khởi công vào tháng 9/1959, sau 2 triệu ngày công ròng rã, con đường này mới hoàn thành với tổng chiều dài khoảng 185km, nối TP. Hà Giang với 4 huyện thuộc vùng cao nguyên đá: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc.
Con đường Hạnh Phúc là biểu tượng của lòng quyết tâm, sức mạnh đoàn kết của thanh niên 16 dân tộc anh em ở 8 tỉnh miền Bắc. Bằng những công cụ hết sức thô sơ, trong điều kiện khó khăn trăm bề, hơn 1.000 thanh niên xung phong và 1.200 dân công địa phương đã bạt núi, mở đường. Đã có người ngã xuống nơi trùng điệp núi đồi, cheo leo vách đá để cho con đường được lưu thông, nối gần lại miền biên viễn.
Vùng cao nguyên đá Đồng Văn, nằm ở độ cao trung bình 1.000-1.600m so với mực nước biển, là nơi sinh sống của đồng bào 17 dân tộc anh em. Trên con đường quanh co, khúc khuỷu uốn lượn trong mờ sương, thấp thoáng những bản làng nằm neo mình giữa bạt ngàn đá. Từ bao đời nay, đồng bào vùng cao nguyên đá đã sống tựa nhờ cả vào đá, vươn lên giữa khắc nghiệt để sống và tồn tại. Họ “sống trong đá, chết vùi trong đá” khi bủa vây bốn phía là những dốc đá tai mèo sừng sững, lạnh lẽo, xám ngắt. Đá làm thành tường, thành lũy, đá chắn lối đi, đá thành hàng rào chở che những ngôi nhà trình tường.
Cuộc sống vùng cao nguyên đá khắc nghiệt khi quanh năm thiếu nước sạch. Bà con chủ yếu sinh hoạt tựa nhờ vào nguồn nước mưa đọng lại trên những hốc đá lởm chởm. Vậy mà, trong gian khổ đến cùng cực, những mảnh đất vẫn nở hoa hạnh phúc, những bản làng vẫn đượm màu cổ tích. Mảnh đất này vẫn rực rỡ sắc hoa mỗi độ xuân về, cả khi đông đến. Và hẳn nhiên, nơi nào có hoa nở, nơi đó còn hy vọng.
Cuộc mưu sinh của đồng bào nơi vùng cao nguyên đá có lẽ là câu chuyện mà không dễ gì bắt gặp ở bất cứ nơi đâu. Để có những mùa ngô tốt tươi nuôi sống bao đời đồng bào Mông, Dao, Giáy… nơi vùng đất này, trăm năm nay, những người đàn ông gánh gùi đất từ dưới thung lũng, ngược dốc đá, đổ vào từng khe, từng hốc. Người phụ nữ gieo từng hạt ngô, rau màu vào khoảnh đất nhỏ nhoi ấy. Cứ thế, qua bao mùa mưa nắng, màu xanh của ngô sắn, của hoa đã phủ lên những dốc đá xám xịt. Mỗi gốc ngô đều thấm từng giọt mồ hôi của đồng bào nơi đây, là minh chứng cho ý chí vươn lên mãnh liệt giữa cằn khô đá xám. Dưới bàn tay, ý chí bền bỉ của họ, đá đã thực sự nở hoa.
Chính sự khắc nghiệt của vùng cao nguyên đá mênh mông này lại trở thành niềm thương, nỗi nhớ cho những ai đã một lần đặt chân đến đây. Thương mảnh đất cằn khô, yêu những con người bình dị sống qua bao chật vật, nhiều người đã quyết định ở lại nơi chốn này.
Chị Huệ, chủ khu lưu trú nơi chúng tôi ghé lại ở thị trấn Đồng Văn (huyện Đồng Văn) vốn là người gốc Tuyên Quang. Gần 30 năm trước, trong một lần đặt chân đến vùng núi non hiểm trở, mảnh đất này đã thực sự níu chân chị. Người phụ nữ quyết định neo đời mình lại, sống cùng với các đồng bào dân tộc vùng cao nguyên đá. Chị bảo, mỗi sáng thức giấc, việc đầu tiên là ra khu chợ gần nhà, ngắm nhìn bà con vùng cao buôn bán. Những bộ trang phục rực rỡ sắc màu làm bừng sáng cả góc chợ, rạng rỡ cả những gương mặt người vẫn còn lấm lem đói khổ. Chỉ đơn giản vậy thôi mà tình yêu với vùng đất địa đầu cứ lớn dần theo năm tháng.
Và đâu chỉ riêng chị, Hà Giang-mảnh đất phía cực Bắc thiêng liêng của Tổ quốc đã nhẹ nhàng gieo niềm thương, nỗi nhớ trong tâm hồn bao lữ khách. Họ đến rồi đi nhưng Hà Giang vẫn ở đó-trong tim lữ khách-và đợi một ngày sẽ trở lại nơi chốn này.
Diệu Hương
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.