Cho vụ mùa bội thu

  • 07:28 | Thứ Ba, 15/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngay sau Tết Nguyên đán, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã vận động, hướng dẫn bà con nông dân tích cực ra đồng chăm sóc cây lúa, điều tiết nước hợp lý, chủ động phòng trừ sâu bệnh để có một vụ mùa thắng lợi.
 
Trên cánh đồng xã Liên Thủy (Lệ Thủy), bà con nông dân đang tập trung tỉa dặm, chăm sóc cây lúa vụ đông-xuân. Bà Lê Thị Xuân, thôn Xuân Hồi cho biết: “Vụ đông-xuân năm nay, gia đình tôi làm 10.000m2 với hai giống lúa P6 và VNR20. Hiện tại, cây lúa đang sinh trưởng và phát triển tốt. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, tôi ra đồng tỉa dặm và theo dõi sự phát triển của cây lúa để phòng trừ sâu bệnh kịp thời”.
 
Vụ đông-xuân 2021-2022, huyện Lệ Thủy gieo cấy hơn 10.180ha lúa. Các địa phương trong huyện chú trọng áp dụng quy trình canh tác lúa cải tiến SRI, đưa cơ giới hóa, công nghệ cao vào sản xuất để giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng; thực hiện mô hình cánh đồng lớn gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Ông Trần Duy Hưng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Lệ Thủy cho biết, vụ đông-xuân 2021-2022, huyện Lệ Thủy tập trung vào những giống lúa trung, ngắn ngày chất lượng cao, như: VNR20, Hà Phát 3, P6, Xuân Mai, lai Nhị Ưu 838…
 
Những ngày sau Tết, thời tiết đêm lạnh, ngày nắng có sương mù vào sáng sớm là điều kiện thích hợp cho nhiều loại dịch bệnh, sâu hại phát triển. Chính vì thế, việc thăm đồng thường xuyên trong thời gian này sẽ giúp bà con chủ động nắm chắc tình hình ruộng lúa của mình để có biện pháp xử lý.
 
Hiện nay, cây lúa đang trong thời kỳ sinh trưởng đẻ nhánh, Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Lệ Thủy đã cử cán bộ thường xuyên bám sát cơ sở, hướng dẫn nông dân cách chăm sóc, bón phân, làm cỏ, lấy nước vào ruộng và cách phòng trừ dịch bệnh ngay từ khi mới phát sinh. 
Nhiều địa phương trên địa bàn huyện Lệ Thủy sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lúa.
Nhiều địa phương trên địa bàn huyện Lệ Thủy sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lúa.
Cùng với nhiều địa phương khác, những ngày này, bà con nông dân huyện Quảng Ninh cũng đang tập trung ra đồng chăm sóc lúa vụ đông-xuân. Vụ đông-xuân 2021-2022, huyện Quảng Ninh gieo trồng 5.200ha lúa với các giống lúa chủ lực, như: HN6, P6, VN20, VNR20, lai Nhị Ưu 838… Do chủ động nguồn nước tưới nên cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt.
 
Có mặt tại cánh đồng lúa xã An Ninh (Quảng Ninh), bà con đang tất bật lấy nước, tỉa dặm… Bà Nguyễn Thị Mai, thôn Thống Nhất chia sẻ: “Sau Tết Nguyên đán, gia đình tôi trở lại công việc nhà nông với mong muốn có một vụ mùa no ấm. Hiện lúa đang trong thời kỳ bắt đầu phát triển nên tôi tranh thủ ra thăm đồng, thực hiện kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Thời điểm này quan trọng nhất là giữ đủ nước trong ruộng để cây lúa phát triển tốt”.
 
Hiện nay, đang là thời kỳ cao điểm bà con nông dân chăm sóc cây lúa vụ đông-xuân. Tuy nhiên, tại các địa phương, tình trạng chuột và ốc bươu vàng gây hại lúa trà đầu có xu hướng gia tăng, nhiều diện tích bị gây hại. Để hạn chế chuột và ốc bươu vàng gây hại lúa, bảo đảm diện tích gieo cấy lúa vụ đông-xuân đạt kế hoạch đề ra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã có nhiều văn bản hướng dẫn biện pháp phòng trừ chuột và ốc bươu vàng để các địa phương và bà con nông dân áp dụng thực hiện. Đối với chuột, người dân cần sử dụng các loại bẫy thủ công, như: Bẫy lồng, bẫy bán nguyệt, bẫy keo dính… ở ngoài đồng ruộng và trong khu dân cư; làm hàng rào nilon (hàng rào cao 90cm, cách xa bờ ruộng 30-40cm, mép dưới chôn sâu vào đất) bao quanh ruộng kết hợp đặt bẫy lồng và đào hố để bắt chuột. Ngoàibiện pháp thủ công, người dân có thể sử dụng thuốc: Biorat, Racumin 0,75TP, Cat 0,25WP… để phòng trừ.
 
Đối với ốc bươu vàng, người dân cần thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ dại, nạo vét kênh mương và làm đất kỹ bằng phẳng, đánh rãnh xung quanh bờ ruộng; cứ 2,5-3m chia thành một luống, tạo rãnh sâu 15cm, rộng 20cm. Định kỳ thăm đồng vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát để thu gom ốc, trứng ốc bằng tay, dùng vợt bắt ốc ở rãnh sâu và ao hồ gần ruộng. Khi thấy ốc nhiều trên ruộng, tháo cạn nước trên mặt ruộng để ốc tập trung vào các rãnh để dễ dàng thu gom, bắt ốc. Người dân chỉ sử dụng thuốc khi ruộng có mật độ ốc quá cao, ốc tuổi nhỏ, gây hại diện tích lớn và khi đã áp dụng các biện pháp thủ công mà không hiệu quả.
Theo ông Trần Đình Hiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, vụ đông-xuân 2021-2022, toàn tỉnh gieo trồng 29.340ha lúa. Để bảo đảm vụ đông-xuân thắng lợi, sở đã hướng dẫn các địa phương đưa những giống lúa năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp bảo đảm chất lượng phục vụ sản xuất.
 
Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường kiểm tra công trình thủy lợi, tích, điều tiết nước phục vụ sản xuất; tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con nông dân thường xuyên thăm đồng để kịp thời chăm bón, xử lý sâu bệnh; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Lan Chi

tin liên quan

Giữ rừng "xuyên" Tết

(QBĐT) - Cứ mỗi dịp đến Tết Nguyên đán, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép thường có diễn biến phức tạp. Với quyết tâm không để rừng "chảy máu", các lực lượng bảo vệ rừng đã thành lập đoàn liên ngành để tuyên truyền, tuần tra, truy quét... Trong dịp này, lực lượng Kiểm lâm bố trí 70% quân số ứng trực làm nhiệm vụ giữ rừng xuyên Tết.

Minh Hóa mùa đót trổ bông

(QBĐT) - Tháng giêng, cây đót trổ bông rộ khắp các vạt rừng và sườn đồi ở các xã vùng cao Dân Hóa và Trọng Hóa (Minh Hóa). Cứ khoảng 16 giờ, dễ dàng bắt gặp từng đoàn người gùi trên lưng bó đót nặng trĩu men theo những lối mòn nhỏ đi từ trên rừng xuống, đó là thành quả sau một ngày vào rừng hái đót của bà con. Sau những ngày nghỉ Tết, khoảng thời gian bắt đầu từ mồng 4 Tết đến hết tháng hai dương lịch là mùa thu hoạch đót của bà con nơi đây.

Chuyện của những trợ lý an toàn

(QBĐT) - Được ví như "vương quốc hang động", Quảng Bình hứa hẹn là thiên đường lý tưởng cho những ai ưa thích du lịch trải nghiệm. Với tour mạo hiểm, việc xây dựng tour trở nên hấp dẫn đủ để "níu" chân du khách là vấn đề không hề đơn giản. Và việc làm sao để bảo đảm được yếu tố an toàn cho du khách trong suốt hành trình lại là vấn đề sống còn. Làm nên thành công trọn vẹn cho mỗi tour mạo hiểm có sự đóng góp quan trọng của những trợ lý an toàn. Họ thầm lặng hỗ trợ, bảo đảm an toàn để mỗi du khách an tâm hơn trên từng cung đường khám phá, trải nghiệm.