Khi nông dân làm giám đốc

  • 06:38 | Chủ Nhật, 13/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhắc đến người nông dân, nhiều người vẫn thường nghĩ đến hình ảnh chân lấm, tay bùn, sản xuất, chăn nuôi theo phương thức truyền thống, lạc hậu. Thế nhưng, hiện nay, không ít nông dân đã tự học hỏi, tiếp cận công nghệ và làm chủ những doanh nghiệp, HTX, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm chất lượng, sáng tạo.
 
Người “cũ” tư duy mới
 
Vốn là người chưa từng được học qua một trường lớp đào tạo chuyên môn nào về nông nghiệp, thế nhưng với sở thích và niềm đam mê với chăn nuôi, chị Phạm Thị Liên, Giám đốc Công ty Chăn nuôi tổng hợp Liên Lựu, xã Quảng Hưng (Quảng Trạch) đã lựa chọn chăn nuôi để phát triển kinh tế. Với nhiều người nông dân, “nuôi con gì, trồng cây gì” luôn là bài toán khó tìm đúng đáp án. Bởi lâu nay, đa số người dân đều chăn nuôi, sản xuất theo thói quen và phương pháp truyền thống. Việc sản xuất theo lối an toàn, ngại sự thay đổi khiến hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Để thoát khỏi lối sản xuất cũ, lạc hậu, chị đã mạnh dạn thay đổi theo hướng đi riêng.
 
“Quảng Hưng là xã vùng cát nên việc chăn nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn. Giống chim đà điểu là loại ưa sống trên cát nên rất thích hợp với điều kiện tự nhiên ở đây. Tuy nhiên, chỉ nuôi và cho ăn mà không áp dụng khoa học kỹ thuật thì khó đạt hiệu quả như mong muốn”, chị Liên cho hay. 
Mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao của chị Phạm Thị Liên.
Mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao của chị Phạm Thị Liên.
Để thực hiện mô hình nuôi đà điểu theo hướng công nghệ cao, vợ chồng chị đã triển khai xây dựng hệ thống chuồng nuôi theo mô hình khép kín và hệ thống cho ăn tự động. Bên cạnh đó, chị còn đầu tư xây dựng nhà ấp trứng, nhà nuôi đà điểu con...Hiện tại, trang trại chị nuôi hơn 400 con đà điểu. Doanh thu trung bình hàng năm gần 3 tỷ đồng.
 
Chăn nuôi mô hình đà điểu trên cát là bước đệm để chị tiếp tục thực hiện sở thích chăn nuôi theo hướng công nghệ cao của mình. Giữa năm 2021, sau một thời gian dài ấp ủ, chị đã xây dựng mô hình chăn nuôi lợn ứng dụng công nghệ cao. Đây là dự định mà chị muốn thực hiện từ năm 2017. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, do chưa chuẩn bị đủ kiến thức về chăn nuôi lợn công nghệ cao nên dự định phải tạm gác lại. Trong khoảng thời gian đó, chị đã tự nghiên cứu và đi tham quan học hỏi các mô hình chăn nuôi ở các tỉnh phía Bắc và Nam bộ.
 
Sau khi chuẩn bị đầy đủ kiến thức, mặt bằng, vợ chồng chị đã đầu tư gần 3 tỷ đồng để xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín với quy mô nuôi lên đến 1.000 con lợn. Chuồng nuôi được lắp đặt hệ thống cho ăn tự động, chế độ làm mát, hầm biogas, bể xử lý nước thải. “Hiện nay, dịch bệnh xuất hiện nhiều. Để hạn chế rủi ro do dịch bệnh gây ra thì chỉ có cách chăn nuôi tập trung, cách xa khu dân cư và áp dụng công nghệ cao. Trước mắt, vợ chồng tôi đang nuôi thử 100 con lợn. Dần dần, chúng tôi sẽ lai tạo giống để tăng đàn nuôi lên đến 1.000 con. Hiện tại, vợ chồng tôi cũng đang chờ kết quả công nhận thành lập HTX, qua đó, có thể hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi với các thành viên”, chị Liên tâm sự.
 
Dám sáng tạo
 
Mặc dù không được trang bị kiến thức về kinh doanh nhưng các sản phẩm do những người nông dân sáng tạo ra đều là kết quả của quá trình tự sản xuất, tự nghiên cứu và mày mò từ thực tiễn.
 
Cách đây một năm về trước, nhận thấy diện tích đất trên địa bàn xã Quảng Xuân để hoang còn nhiều, Anh Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc HTX Sản xuất thương mại và dịch vụ nông nghiệp Thanh Xuân, xã Quảng Xuân (Quảng Trạch) đã thuê lại diện tích gần 4ha để trồng khoai lang, bí đỏ và măng tây. Dự định ban đầu của anh chỉ là trồng và bán các sản phẩm trồng được cho người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, cách làm này không mang đến hiệu quả kinh tế cao. “Nếu chỉ trồng khoai lang, bí đỏ sau đó thu hoạch và mang bán thì không có lời lãi gì. Khoai lang, bí đỏ, hạt sen là những củ, quả có thành phần chất dinh dưỡng cao nên tôi đã nghĩ ra việc chế biến chúng thành sản phẩm bột ăn dặm cho trẻ”, anh Lâm tâm sự.
Vùng trồng nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm bột ăn dặm Thanh Sơn.
Vùng trồng nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm bột ăn dặm Thanh Sơn.
Sau khi có ý tưởng, anh đã liên hệ với một trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh để sản xuất sản phẩm bột ăn dặm cho trẻ và đầu tư 1,4 tỷ đồng để mua các loại máy móc, như: Máy hấp, máy sấy, máy nghiền....phục vụ cho việc sản xuất. Với sự hỗ trợ của máy móc công nghệ, các công đoạn từ sơ chế, chế biến đến đóng hộp sản phẩm bột ăn dặm đều tuân thủ an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
“Ban đầu, khi xây dựng ý tưởng, tôi cũng đã suy nghĩ đến đầu ra của sản phẩm. Vì hiện tại trên thị trường cũng có rất nhiều loại bột ăn dặm cho trẻ đến từ các thương hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, với chất lượng, sự an toàn và hàm lượng chất dinh dưỡng cao của sản phẩm, tôi tin tưởng rằng sản phẩm bột ăn dặm Thanh Sơn sẽ dần được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện tại, đầu ra của sản phẩm bột ăn dặm Thanh Sơn là những khách hàng quen trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Tôi cũng đang hoàn thành hồ sơ tham gia xếp hạng sản phẩm bột ăn dặm Thanh Sơn đạt tiêu chuẩn OCOP. Việc đạt được tiêu chuẩn OCOP sẽ là cơ hội để sản phẩm bột ăn dặm tạo uy tín và đến gần hơn với khách hàng”, anh Lâm vui mừng chia sẻ.
 
Sự sáng tạo không chỉ dừng lại ở sản phẩm bột ăn dặm cho trẻ, năm 2021, anh cũng bắt tay tìm tòi, nghiên cứu và cho ra đời thêm 2 sản phẩm từ măng tây. “Tận dụng sản phẩm măng tây trồng được và công nghệ máy móc, tôi đã sản xuất thử trà măng tây và bột măng tây. Để bảo đảm an toàn cho sản phẩm, tôi cũng đã liên hệ với Trường đại học Nông lâm Huế cùng nghiên cứu về sản phẩm. Hiện hai sản phẩm đang trong quá trình sản xuất thử nghiệm. Sau khi hoàn thiện, chúng tôi sẽ sản xuất số lượng lớn để bán ra thị trường”, anh Lâm cho hay.
 
Hiện nay, HTX của anh đang phối hợp với Sở Khoa học-Công nghệ triển khai trồng thử nghiệm 700 gốc cây chanh tứ quý. Dự tính, khi cây chanh tứ quý thích hợp và phát triển tốt với điều kiện tự nhiên của vùng, anh sẽ nghiên cứu, tìm tòi để sản xuất ra nước rửa chén bát mang thương hiệu Thanh Sơn.
Trải qua thời gian với sự thay đổi tư duy và sáng tạo không ngừng của những người nông dân, không khó để thấy xuất hiện ngày càng nhiều những nông dân trở thành những giám đốc các công ty hay HTX. Sự thành công của họ đã góp phần chứng minh năng lực sản xuất, sáng tạo và làm chủ khoa học kỹ thuật của một thế hệ nông dân ngày nay.

 

Đoàn Nguyệt

tin liên quan

Thị trường hàng hóa ổn định sau Tết Nguyên đán

(QBĐT) - Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, hoạt động sản xuất, kinh doanh (SX, KD) của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang dần trở lại bình thường. Theo tìm hiểu của phóng viên, nhìn chung giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt hàng ngày vẫn ổn định. Đặc biệt, không có tình trạng khan hiếm hoặc tự ý tăng giá đối với xăng, dầu và các mặt hàng khí hóa lỏng.

DIC Corp tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Quảng Bình

(QBĐT) - Chiều nay, 11/2, UBND tỉnh có buổi tiếp, làm việc với đoàn công tác của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) về tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Quảng Bình. Tiếp đoàn có đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Lá chắn "thường xanh"

(QBĐT) - Là loại cây "thường xanh", phù hợp với rừng phòng hộ ven biển, cây phi lao đã và đang sinh trưởng và phát triển ổn định, góp phần chắn sóng, chắn gió và nạn cát lấp, cát bay, duy trì màu xanh trù phú của dải đất ven biển Quảng Bình. Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương và người dân đã không ngừng nỗ lực để trồng và bảo vệ những khu rừng phi lao "thường xanh", trong đó có rừng phòng hộ ven biển tại xã Quang Phú (TP. Đồng Hới), khẳng định ý nghĩa chiến lược của việc trồng cây gây rừng đối với sự phát triển bền vững của tỉnh nói riêng, quốc gia nói chung.