Lá chắn "thường xanh"

  • 17:20 | Thứ Sáu, 11/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Là loại cây “thường xanh”, phù hợp với rừng phòng hộ ven biển, cây phi lao đã và đang sinh trưởng và phát triển ổn định, góp phần chắn sóng, chắn gió và nạn cát lấp, cát bay, duy trì màu xanh trù phú của dải đất ven biển Quảng Bình. Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương và người dân đã không ngừng nỗ lực để trồng và bảo vệ những khu rừng phi lao “thường xanh”, trong đó có rừng phòng hộ ven biển tại xã Quang Phú (TP. Đồng Hới), khẳng định ý nghĩa chiến lược của việc trồng cây gây rừng đối với sự phát triển bền vững của tỉnh nói riêng, quốc gia nói chung.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Bí thư Tỉnh ủy quảng Bình Vũ Đại Thắng trồng cây tại rừng phòng hộ ven biển Quang Phú xuân Nhâm Dần - 2021.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng trồng cây tại rừng phòng hộ ven biển xã Quang Phú xuân Tân Sửu 2021.

Chuyện trồng rừng ở Quang Phú…

“Thường xanh” là thuật ngữ khoa học chỉ loài cây có tán lá tồn tại quanh năm, trong đó có cây phi lao. Cùng với những đặc điểm khác của cây, như: Thích ứng tốt với khí hậu ven biển, chịu được gió bão, cát vùi lấp, tái sinh chồi tốt, phát triển quanh năm… đây là loài cây lý tưởng để trồng ở rừng phòng hộ ven biển.

Bên cạnh những diện tích rừng phi lao tự nhiên hoặc do người dân các xã ven biển trồng tự phát, những năm qua, tỉnh đã tập trung trồng mới nhiều diện tích. Trong năm 2021 và 2022, hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, các đồng chí lãnh đạo Trung ương và lãnh đạo tỉnh cùng đông đảo các sở, ban, ngành và nhân dân đã trồng cây phi lao tại rừng phòng hộ ven biển xã Quang Phú (TP. Đồng Hới). Trong đó, trên diện tích 3ha thuộc khoảnh 3, tiểu khu 353A, số phi lao trồng trong dịp xuân Tân Sửu năm 2021 hiện sinh trưởng và phát triển ổn định.

Khu vực rừng trồng ven biển Quang Phú xuân Nhâm Dần - 2021 hiện phát triển tốt với 95% cây sống
Khu vực rừng trồng ven biển Quang Phú xuân Tân Sửu 2021: Màu xanh của rừng mới đang hòa vào màu xanh rừng cũ

Cùng chúng tôi đi thực tế tại khu vực rừng này, ông Đinh Thanh Quang, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) TP. Đồng Hới cho biết, trồng rừng phòng hộ ven biển là một trong những thách thức lớn bởi khí hậu khắc nghiệt, nền nhiệt cao, đất nghèo dinh dưỡng… Nhưng những năm qua, với sự nỗ lực của cán bộ, nhân viên đơn vị, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương và ý thức tự giác của người dân, các diện tích rừng nơi đây cơ bản được bảo vệ và phát triển tốt.

Chỉ về khu vực rừng trồng trong dịp “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2021 với sự có mặt của nguyên Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, ông Quang thông tin thêm, đến thời điểm này, tỷ lệ cây sống là trên 95% và sinh trưởng tốt. Đây là con số rất cao đối với trồng rừng phòng hộ ven biển. Các khu vực rừng đại trà lân cận có tỷ lệ sống bình quân gần 75%, đạt yêu cầu đối với rừng phòng hộ ven biển. Với thời gian thực hiện trồng và chăm sóc kéo dài 5 năm, vào chính vụ trồng rừng (tháng 8 - 9 hàng năm), đơn vị tiến hành trồng dặm, thay thế các cây bị chết.

“Cứ như thế, kết thúc một chu trình trồng rừng, tỷ lệ cây sống và sinh trưởng ổn định phải đạt 70% trở lên, chúng tôi mới được hoàn công. Không chỉ trồng rừng trên những diện tích cát ổn định, chúng tôi còn mạnh dạn trồng thí điểm ở một số khu vực cát di động để thử sức chống chịu với hy vọng phủ rừng rộng hơn và hạn chế các diện tích cát di động trong khu vực!”, ông Quang cho biết.

Khu vực rừng trồng ven biển Quang Phú xuân Nhâm Dần - 2021 hiện phát triển tốt với 95% cây sống
Khu vực rừng trồng ven biển Quang Phú xuân Tân Sửu 2021 hiện phát triển tốt với tỷ lệ 95% cây sống

Để chăm sóc hiệu quả diện tích rừng này, BQLRPH TP. Đồng Hới đã khoan giếng và đầu tư hệ thống vòi tưới. Đội bảo vệ rừng ven biển đóng tại địa phận xã Quang Phú với 5 nhân viên có trách nhiệm bảo vệ diện tích rừng 5 xã, phường, gồm: Lộc Ninh, Quang Phú, Hải Thành, Bảo Ninh và Đồng Phú.

“Nhiệm vụ của chúng tôi là phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng không bị chặt phá, lấn chiếm, đặc biệt là chăm sóc các diện tích rừng trồng mới để cây sinh trưởng ổn định. Về diện tích rừng thuộc khoảnh 3, tiểu khu 353A xã Quang Phú, một năm qua chúng tôi đã tập trung chăm sóc nên số cây trồng tại lễ phát động và cây trồng đại trà cơ bản phát triển tốt, đạt và vượt yêu cầu về tỷ lệ sống của rừng phòng hộ ven biển!”, anh Phạm Anh Tuấn, nhân viên Đội bảo vệ rừng thuộc BQLRPH TP. Đồng Hới khẳng định.

… và những người yêu rừng

Ngoài trách nhiệm phối hợp với BQLRPH TP. Đồng Hới trong bảo rừng phòng hộ tại khoảnh 3, tiểu khu 353A, những năm qua, chính quyền và nhân dân xã Quang Phú đã nỗ lực chung tay cùng nhiều tổ chức, dự án để phát triển cây phi lao ven biển.

 Một góc “rừng mẹ Ngèng”, mục tiêu hướng đến của việc trồng rừng phòng hộ ven biển
Một góc “rừng mẹ Nghèng”, mục tiêu hướng đến của việc trồng rừng phòng hộ ven biển.

Ông Lê Nhất Vỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Phú tự hào chia sẻ: “Trồng cây phi lao gần như là bản năng tự nhiên của người dân xã tôi. Bà con trồng trong vườn, bên đường, ven biển…, cứ nơi nào được phép thì trồng. Khoảnh 3, tiểu khu 353A do BQLRPH TP. Đồng Hới chịu trách nhiệm trồng và chăm sóc, chúng tôi phối hợp bảo vệ. Tôi thường xuyên trao đổi với lãnh đạo BQLRPH TP. Đồng Hới để kịp thời cập nhật tình hình nhằm chăm sóc, bảo vệ rừng hiệu quả. Trồng rừng trên cát sẽ có tỷ lệ cây chết nhất định, thực tế ở khoảnh 3, tiểu khu 353A, BQLRPH TP. Đồng Hới chăm sóc tốt nên số cây chết thấp và hàng năm đều được trồng dặm.  Ngoài nhiệm vụ phối hợp bảo vệ rừng khoảnh 3, tiểu khu 353A, địa phương cũng đã trồng và chăm sóc tốt các diện tích rừng phòng hộ do Hội Nông dân tỉnh phối hợp. Không chỉ yêu rừng, yêu cây phi lao, người dân Quang Phú rất có kinh nghiệm trồng và chăm sóc loại cây này nên các diện tích rừng địa phương phối hợp bảo vệ đều phát triển tốt!...”.

Công việc thường nhật của nhân viên Đội bảo vệ rừng phòng hộ ven biển
Công việc thường nhật của nhân viên Đội bảo vệ rừng phòng hộ ven biển.

Ông Phạm Thái Sỹ, thôn Tân Phú, xã Quang Phú, một trong những cư dân yêu rừng bằng cách rất thiết thực. Khi BQLRPH TP. Đồng Hới khoan giếng tưới cây, ông Sỹ đã hỗ trợ điện miễn phí từ nhà hàng của mình để vận hành giếng.

Khi được hỏi về việc tiền điện hàng tháng không nhỏ, vì sao ông miễn phí, ông Sỹ cười hiền: “Tỉnh trồng rừng trên đất xã tôi, nhà hàng của tôi cũng được hưởng lợi từ rừng, đóng góp để chăm sóc cây là việc bình thường. Các anh em đội bảo vệ rừng cũng chỗ thân quen, hàng ngày thấy mọi người làm việc vất vả, tôi cũng muốn góp sức bằng cách này!”.

Giếng khoan giữa rừng phục vụ chăm sóc rừng trồng mới
Giếng khoan giữa rừng phục vụ chăm sóc rừng trồng mới.

Trở lại với câu chuyện của 5 nhân viên Đội bảo vệ rừng thuộc BQLRPH TP. Đồng Hới. Chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng của 5 xã, phường trên địa bàn, mùa nắng, họ làm việc 7 ngày trong tuần, mùa mưa, nguy cơ cháy rừng thấp hơn, họ được thay phiên nhau nghỉ mỗi người 1 ngày trong tuần. Với mức lương khiêm tốn chưa đầy 5 triệu đồng/người/tháng nhưng khối lượng công việc mà họ phải đảm nhận là rất lớn, mà nếu không có tình yêu và trách nhiệm với rừng, họ khó có thể chu toàn.

 Những khu rừng “thường xanh” tương lai.
Những khu rừng “thường xanh” tương lai.

“Trồng, chăm sóc, bảo vệ hiệu quả các diện tích rừng được giao, trong đó có rừng phòng hộ ven biển được trồng qua các đợt phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” không chỉ là công việc chuyên môn mà còn là nhiệm vụ chính trị của chúng tôi. Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh và trực tiếp là UBND TP. Đồng Hới, chúng tôi quyết tâm bảo đảm mục tiêu thành rừng đối với các diện tích này sau thời gian chăm sóc theo quy định!”, ông Đinh Thanh Quang nhấn mạnh.

Là địa phương đứng thứ hai cả nước về tỷ lệ che phủ rừng với 68%, những năm qua, Quảng Bình không ngừng đẩy mạnh công tác trồng và bảo vệ rừng. Năm 2021, toàn tỉnh đã trồng mới 268 ha phi lao trên diện tích rừng phòng hộ ven biển. Năm 2022, cùng với việc chăm sóc, bảo đảm sự sinh trưởng ổn định của các diện tích rừng đã trồng, theo kế hoạch, Quảng Bình tiếp tục trồng 260 ha rừng phòng hộ gồm phi lao ven biển và bần tại các vùng rừng ngập mặn.

 “Bảo vệ tuyệt đối, không chuyển đổi rừng phòng hộ là mục tiêu, quyết tâm của tỉnh nhằm bảo đảm môi trường sinh thái, điều hòa khí hậu, thực hiện chiến lược phát triển bền vững!” - đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

 Ngọc Mai

 

 

tin liên quan

Vươn mình đón gió

(QBĐT) - Trên những đồi cát trập trùng ngút tầm mắt của huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, liên danh AMI AC Renewables (nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo) đã thành công với Cụm trang trại điện gió B&T hiện đại và đầy ấn tượng, là dự án điện gió trên bờ lớn nhất Việt Nam hiện nay…

Ký kết quy chế phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự trong lĩnh vực du lịch

(QBĐT) - Thực hiện Chương trình phối hợp phát triển du lịch năm 2022, sáng nay, 11/2, Sở Du lịch và Công an tỉnh Quảng Bình tổ chức lễ ký kết Quy chế phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2022-2025. 

Khẩn trương tổ chức tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi

(QBĐT) - Sáng 11/2, Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022. Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có đồng chí Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.