Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Ấm áp tình đất, tình người

  • 07:29 | Thứ Bảy, 22/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Một buổi sáng đầu xuân năm 2022, tôi chứng kiến cái bắt tay ấm tình đồng đội, đồng chí giữa Tổng Biên tập Báo Quảng Bình, thay mặt cho những người làm báo Đảng của tỉnh với thượng tá Nguyễn Thành Chung, Chính ủy Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KTQP) 79, Binh đoàn 15 đứng chân ở phía Tây huyện Lệ Thủy. “Thế là 13 mùa xuân đi qua từ khi người lính Đoàn KTQP 79 có mặt tại mảnh đất Quảng Bình “Hai giỏi”. Và bắt đầu mùa xuân này, chúng tôi hạnh phúc khi đồng hành cùng Báo Quảng Bình hướng về đồng bào”, thượng tá Nguyễn Thành Chung chân tình.
 
Nặng tình đất
 
Tính đến thời điểm đoàn công tác Báo Quảng Bình lên “xông đất” và tổ chức lễ kết nghĩa với Đoàn KTQP 79 thì những người lính đầu tiên của đơn vị đã “neo đậu” tại khu vực rừng núi một thời hoang sơ, “chó ăn đá, gà ăn sỏi” thuộc hai xã miền núi Kim Thủy, Ngân Thủy (Lệ Thủy) đúng 13 cái Tết cổ truyền.
 
Ngược thời gian, theo lời Chính ủy Nguyễn Thành Chung, Đoàn KTQP 79 thành lập ngày 15/10/2005, theo Quyết định số 170/QĐ-BQP của Bộ Quốc phòng tại xã Mo Ray, huyện Sa Thầy (Kon Tum). Tháng 8/2005, với mục tiêu và quyết tâm “hồi sinh”, phát triển kinh tế-xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh dọc tuyến biên giới phía Tây Lệ Thủy, giúp đồng bào dân tộc thiểu số chiến thắng đói nghèo… Đoàn KTQP 79 “trở về” giữa vùng đất giàu truyền thống cách mạng, trong lòng người Bru-Vân Kiều một thời trung trinh, chở che bộ đội hành quân “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” trên những tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.
 
Vùng đất nghèo, hằn đầy vết thương chiến tranh, ẩn chứa trong mình đầy bom đạn của đế quốc Mỹ còn sót lại… ấy vậy mà nặng tình, không phụ lòng mồ hôi, công sức người lính Cụ Hồ tham gia phát triển kinh tế, đã trở mình mạnh mẽ đến bất ngờ.
Một góc làng quân nhân thuộc Đoàn KTQP 79.
Một góc làng quân nhân thuộc Đoàn KTQP 79.

Hơn 20 năm trước, tôi đặt chân lên đường 10 nối liền Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn. Cảm giác chênh vênh, hoang sơ. Mặt đường 10 lõm sâu nhiêu hố voi, đá tảng. Khi đó, địa bàn xã Ngân Thủy (thêm xã Lâm Thủy chưa chia tách), nơi đứng chân của Đoàn KTQP 79 bây giờ, rộng mênh mông… thi thoảng mới bắt gặp một vài đồng bào Bru-Vân Kiều dáng liêu xiêu, lầm lũi dọc đường 10 xuyên giữa rừng.

Hơn 10 năm trước… khi những người lính thuộc “bộ khung” Đoàn KTQP 79 “chân ươt, chân ráo” về dựng lán tạm khởi đầu cho hành trình “Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, tôi lại lên. Khu lán trại cũ giờ vẫn còn dấu vết ngay lối rẽ vào các đội sản xuất. “Bữa cơm lính” bộ đội đãi khách rang trong cái nắng, gió Lào hun hút. Từ bữa cơm này, tôi dám chắc… tương lai không xa, núi rừng phía Tây Lệ Thủy sẽ trở mình. Đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều sẽ không còn bị cái bóng “cơm áo gạo tiền” đè nặng hai vai.
 
Và mùa xuân này… tôi sải từng bước chân giữa một cơ ngơi “hoành tráng” của Đoàn KTQP 79. Vẫn chưa tin hẳn những dự cảm từ bữa cơm lính rang cháy trong cái nắng, rát gió Lào từ hơn 10 mùa xuân trước đã được định hình.
 
Ấm tình người
 
Không phải chỉ riêng tôi cảm nhận hết những mạch nguồn thẳm sâu trong lòng đất, giữa lòng người ở hai xã miền núi Ngân Thủy, Kim Thủy này. Đại úy Phạm Hữu Định (SN 1981) quê quán tỉnh Hải Dương kể lại chặng đường anh cùng đồng đội lên gắn bó với miền Tây Lệ Thủy vẫn trĩu nặng ân tình. Đại úy Định hiện tại là Đội trưởng Đội 1 gồm 28 hộ công nhân quốc phòng trong tổng số 7 đội sản xuất thuộc Đoàn KTQP 79.
 
Phạm Hữu Định nhập ngũ năm 2013, năm 2015, lúc Đoàn KTQP 79 thành lập, anh về đoàn, tháng 9-2009, anh ra Quảng Bình. “Mình được xem là người một chốn đến bốn quê, khi nội ở Hải Dương, đi lính thuộc Binh đoàn 15, gắn bó với Quảng Bình nhưng vợ và hai con lại ở TP. Bắc Ninh”-đại úy Định chia sẻ-“Bây giờ quân với dân trở thành người một nhà. Bộ đội cầm tay chỉ việc giúp dân, nhiều hộ đồng bào làm công nhân tại các đội sản xuất, thu nhập ổn định, cuộc sống không còn phụ thuộc vào rừng như trước đây. Bộ đội mừng mà đồng bào thì ưng cái bụng. Mình và rất nhiều đồng đội xem miền Tây Lệ Thủy như quê hương của mình rồi!”.
Những nữ công nhân của các đội sản xuất thuộc Đoàn KTQP 79 chăm sóc cây cao su.
Những nữ công nhân của các đội sản xuất thuộc Đoàn KTQP 79 chăm sóc cây cao su.

Trong nhiều gia đình công nhân tại 7 đội sản xuất, phần lớn đều là đồng bào Bru-Vân Kiều ở các xã: Ngân Thủy, Kim Thủy, Lâm Thủy. Gia đình Hồ Thị Xoan (SN 1997) và Hồ Văn Học (SN 1994) là một trong những gia đình đó.

Gặp Xoan giữa bạt ngàn cao su đang đến thời kỳ khai thác mủ. “Nhà của Xoan nhận khoán khoảng 8ha cao su, trồng thêm sắn, ngô, chăn nuôi lợn, bò…, tất cả tài sản đều của bộ đội giúp”-Hồ Thị Xoan ngừng làm việc, trò chuyện cùng tôi-“Trước đây, bình quân thu nhập mỗi tháng từ 4 triệu đồng đến gần 5 triệu đồng. Bây giờ, vì ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 nên giảm sút, còn khoảng 3 triệu đồng. Nhưng cái bụng vẫn yên vì không sợ đói nữa”.
 
Hồ Thị Xoan khẳng định với tôi, những gia đình công nhân người Bru-Vân Kiều như Xoan ai cũng có cuộc sống ổn định, con cái học hành đàng hoàng, thậm chí nhiều hộ giàu hơn vợ chồng Xoan. Vui chuyện, tôi hỏi: “Thật không?”. Hồ Thị Xoan nhìn tôi ngạc nhiên, cười giòn tan: “Không tin! Cán bộ dưới xuôi đi khắp 7 đội sản xuất mà hỏi”.
 
Neo đậu chút xuân
 
Trở lại với buổi sáng đầu xuân năm 2022, theo hướng dẫn của bộ đội, đoàn công tác Báo Quảng Bình có dịp đi thăm, “mụcsở thị” những đổi thay dọc một dãy núi rừng phía Tây Lệ Thủy.
 
Là những con đường chạy xuyên giữa gần 1.200ha cao su đang thời kỳ phát triển mạnh. Là những ngôi làng quân nhân ẩn khuất dưới tán rừng xanh no ấm. Đây đó tiếng trẻ vui đùa từ các điểm trường mầm non. Dưới tán rừng cao su… tôi lại thấy nét xuân hiện hữu, neo lại trên gương mặt từng nữ công nhân người Vân Kiều Hồ Thị Sắc, Hồ Thị Lý, Hồ Thị Sang…
 
“Xuân sẻ chia” là chút quà xuân của Báo Quảng Bình cùng với Đoàn KTQP 79 trao cho các gia đình đồng bào Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy, những hộ công nhân bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 trong năm 2021. 30 suất quà, mỗi suất gồm 500 nghìn đồng tiền mặt, 10kg gạo và các nhu yếu phẩm khác mặc dù không lớn, nhưng là sự kết nối, sẻ chia giữa những tấm lòng hướng về đồng bào vùng sâu, vùng xa khi Tết Nguyên đán Nhâm Dần gần kề…
 
Tôi xin tạm kết thúc câu chuyện về một vùng đất nặng nghĩa, nặng tình bằng lời tâm sự của Tổng Biên tập Báo Quảng Bình Đinh Tùng Lâm tại chương trình “Xuân sẻ chia”: “Những món quà nhỏ này như nhịp cầu nối giữa những người làm báo Đảng nhằm tăng cường hơn sự đoàn kết, gắn bó với đồng bào và người lính của Đoàn KTQP 79. Để từ đây, Báo Quảng Bình sẽ song hành với các anh, với đồng bào trong công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”.
 
Thanh Long
 
 
 

tin liên quan

Xứng danh "làng quê đáng sống"

(QBĐT) - Đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương giàu mạnh, giữ vững danh hiệu khu dân cư (KDC) tiêu biểu đã trở thành mục tiêu của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân thôn Thanh Hải, xã Thanh Trạch (Bố Trạch).
 

"Giữ lửa" nghề truyền thống

(QBĐT) - Cơ chế thị trường hiện đang đặt ra cho các làng nghề truyền thống không ít khó khăn, thách thức nhưng nhiều làng nghề ở Quảng Bình vẫn được lưu giữ, kế thừa và phát triển. Góp phần quan trọng trong nỗ lực này chắc chắn không thể thiếu bàn tay khéo léo của những người thợ cần mẫn, tâm huyết, ngày ngày "giữ lửa" truyền nghề cho thế hệ mai sau.
 

Biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam-Cuba

(QBĐT) - Trong những ngày khói lửa của cuộc chiến vệ quốc ở Việt Nam, tuy còn khá nghèo, nhưng Đảng, Nhà nước, nhân dân Cuba đã viện trợ không hoàn lại cho nhân dân Việt Nam nhiều hạng mục công trình có giá trị kinh tế trước mắt và dài lâu. Một trong những công trình đó là Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới (HNVN-CBĐH), trực thuộc Bộ Y tế, đứng chân trên mảnh đất Quảng Bình.