Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Nhớ Đại tướng những lần về thăm quê

  • 08:24 | Thứ Bảy, 18/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm tháng còn làm việc tại cơ quan nhà nước, ông Trần Đức Triển, thôn Đại Phong, xã Phong Thủy (Lệ Thủy) đã có nhiều lần được gặp, tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong số đó, ông Triển nhớ nhất là 2 lần được làm việc khi Đại tướng về thăm quê (năm 1982 và 1984). Ông Triển khi đó đang làm Bí thư Huyện ủy Lệ Ninh.
 
Trở về từ cuộc kháng chiến chống Pháp, ông Trần Đức Triển đã mất đi cánh tay trái. Nhưng với nghị lực phi thường của người lính, ông vẫn quyết tâm học tập, rèn luyện để cống hiến cho quê hương, đất nước. Trong những tháng năm còn làm việc tại tỉnh Nam Định, rồi về quê công tác, làm việc ở huyện Lệ Ninh và làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Triển đã có nhiều lần vinh dự được gặp và làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
 
Ông Trần Đức Triển kể: “Trong nhiều lần gặp và làm việc với Đại tướng, tôi vẫn nhớ nhất là 2 lần Đại tướng về thăm quê (năm 1982 và 1984) rồi làm việc với lãnh đạo huyện. Lần đón năm 1982, Đại tướng bảo lái xe dừng thật xa để ông đi bộ trên đường làng An Xá và gặp gỡ, chào hỏi, bắt tay với người làng. Về đến nhà, Đại tướng dâng hương lên bàn thờ tổ tiên rồi đi thăm vườn nhà và bà con, hàng xóm”.
 
Cán bộ và nhân dân huyện Lệ Ninh đón Đại tướng năm 1984.
Cán bộ và nhân dân huyện Lệ Ninh đón Đại tướng năm 1984.
Trong buổi làm việc với cán bộ cốt cán của huyện, dù trong niềm vui đoàn tụ nhưng Đại tướng vẫn đượm buồn vì quê hương còn nghèo khó. Từ trăn trở đó, Đại tướng đã căn dặn địa phương cần tập trung phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, phải đầu tư cho giáo dục để phát triển nguồn nhân lực. Vùng gò đồi thì phát triển trồng rừng và chăn nuôi. Vùng giữa thì phát triển thủy lợi, đưa giống lúa có năng suất cao vào sản xuất. Các xã quốc lộ, ven biển thì ngoài việc đánh bắt cần phải đầu tư nuôi trồng và chế biển thủy sản; trồng rau màu để đáp ứng lương thực, thực phẩm và trồng rừng chắn cát, bảo vệ môi trường…
 
Thực hiện lời căn dặn của Đại tướng, Đảng bộ và nhân dân huyện Lệ Ninh đã vượt qua nhiều khó khăn để phát triển sản xuất và gặt hái được nhiều thành công. Năm 1984, Đại tướng lại có dịp trở về quê hương. Lần này, ông dừng xe từ ngã ba Cam Liên (xã Cam Thủy) đi bộ vào để chào hỏi bà con trong huyện. Đến cầu Phong Liên, Đại tướng lại cho dừng xe trên cầu khá lâu rồi hồi tưởng về quá khứ. Bởi ngày xưa, tại vị trí này, Đại tướng đi học, hoạt động cách mạng bằng đò nhưng nay lại có cầu để người dân qua lại khiến ông rất vui mừng, phấn khởi.
 
Trong buổi làm việc với huyện, ông Trần Đức Triển đã báo cáo nhanh những kết quả đạt được của địa phương sau 7 năm hợp nhất. Khi đó, huyện Lệ Ninh đã xác định được 3 vùng kinh tế trọng điểm, gồm: Vùng gò đồi, vùng giữa và vùng quốc lộ ven biển. Đối với vùng gò đồi, huyện đã triển khai trồng rừng và phát triển chăn nuôi. Nhờ đó, nhiều cánh rừng trồng, mô hình chăn nuôi đã xuất hiện, giúp đời sống của bà con khấm khá lên. Huyện cũng đã cho làm nhiều công trình thủy lợi giúp các địa phương có nước tưới tiêu và sinh hoạt. Một số nơi, bà con đã gieo được lúa 2 vụ nên tự túc được nguồn lương thực.
 
Ở vùng giữa, người dân chủ yếu trồng lúa nhưng năng suất thấp vì thường bị ngập úng, nhiễm mặn, phèn. Để giải quyết vấn đề này, huyện Lệ Ninh tập trung làm lại hệ thống kênh mương, cống và mua thêm máy bơm để tưới tiêu. Đồng thời, huyện đưa giống lúa mới, máy móc vào sản xuất nên năng suất lúa ngày càng tăng. Bà con cũng đã chuyển từ lúa cấy sang gieo thẳng, biến lúa 1 vụ thành 2 vụ (1 vụ tái sinh).
 
Đối với vùng biển thường xuất hiện nạn cát bay, cát nhảy làm đất sản xuất của bà con bị thu hẹp. Nghe lời Đại tướng, huyện đã trồng được hàng nghìn ha rừng chắn cát. Khống chế được cát, bà con trồng hoa màu, phát triển chăn nuôi kết hợp đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy, hải sản. Nhờ đó, đời sống nhân dân trong vùng dần đi lên, không còn cảnh thiếu đói mỗi khi mất mùa biển nữa.
 
Ông Triển nhớ lại: “Nghe qua tình hình của địa phương, Đại tướng phấn khởi rồi biểu dương, khen ngợi tinh thần vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà. Đại tướng nói, đó chỉ là thắng lợi bước đầu. Các đồng chí không được chủ quan, tự mãn với những kết quả đã đạt được mà phải phấn đấu đưa Lệ Ninh trở thành huyện khá của toàn quốc, là 1 trong 3 huyện dẫn đầu tỉnh Bình Trị Thiên về phát triển kinh tế. Để làm được điều đó, các đồng chí lãnh đạo huyện không được bảo thủ mà phải tiếp tục học hỏi, đổi mới tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã đoàn kết rồi phải đoàn kết hơn nữa trong thực hiện các mục tiêu đề ra”.
 
Ngay sau cuộc làm việc, Huyện ủy Lệ Ninh đã triển khai ý kiến chỉ đạo của Đại tướng trong toàn Đảng bộ, tạo thêm quyết tâm, niềm tin và động lực trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Những năm sau, kinh tế-xã hội của huyện ngày càng phát triển, trở thành 1 trong 3 huyện có nền nông nghiệp phát triển nhất tỉnh Bình Trị Thiên thời đó. Rồi cả tỉnh phát động phong trào học tập Lệ Ninh làm thủy lợi, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn. Từ khi chia tách tỉnh đến nay, sản lượng lương thực của huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh chiếm hơn một nửa của tỉnh. Kinh tế-xã hội của hai huyện cũng có bước phát triển khá, nhất là kinh tế vùng gò đồi, vùng giữa và các xã quốc lộ, ven biển…
 
Năm 1977, huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy hợp nhất thành huyện Lệ Ninh. Năm 1981, ông Trần Đức Triển được bầu giữ chức Bí thư Huyện ủy. Năm 1989, khi tỉnh Quảng Bình tái lập, ông được điều động về giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Từ đó đến nay, ông đã được gặp và làm việc với Đại tướng thêm nhiều lần. Năm 2013, Đại tướng về cõi vĩnh hằng, ông đã ra tận sân bay Đồng Hới để đón người con ưu tú của quê hương về với đất mẹ trong niềm tiếc thương vô hạn.
 
Xuân Vương

tin liên quan

CỘN - Kỳ 2: Lang thang Cộn

(QBĐT) - Sau nhiều lần thêm, bớt, Cộn ngày nay đã định hình về mặt địa lý. Phía đông, nam giáp Nghĩa Ninh, mạn Bắc chung ranh giới với Bắc Nghĩa, Thuận Đức, phần phía Tây mới là chủ đề tranh cãi phức tạp: Tiếp nối "thành phố ngàn thu" Đá Bạc là vùng trung du đồi núi mênh mông.

Cộn

(QBĐT) - Trong tất cả các loại giấy tờ từ khi cất tiếng khóc chào đời đến lúc "giã biệt" của những ai ở mảnh đất đó đều ghi địa danh "Đồng Sơn". Nhưng ba, mạ, anh chị em, họ hàng chòm xóm và tất nhiên cả lũ bạn chăn trâu cắt cỏ của tôi đều gọi vùng quê ấy bằng cái tên rất đỗi thân thương: "Cộn"

Dòng Kiến Giang xanh

(QBĐT) - Thượng nguồn dòng Kiến Giang là nơi hợp lưu nước sông Rào Con và Rào Mệ chảy ngang qua núi Yên Mã trùng trùng như ngựa phi với vách núi dựng đứng, chót vót. Sau khi băng qua nhiều làng mạc, thôn xóm, dòng Kiến Giang đổ ra biển.