Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Tây Nguyên

  • 14:18 | Thứ Ba, 18/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trước khi nói về ngôi đền thờ có một không hai ở vùng đất Tây nguyên cho đến thời điểm này, xin kể một chút về bối cảnh ra đời của nó… 
 
Tháng 12-1976, đất nước vừa im tiếng súng chỉ mới hơn một năm, những người lính E 711, 576, 240… quân phục chưa nhạt mùi khói đạn đã nhận lệnh tiến quân về vùng đất Ka Nát (bây giờ là thị trấn huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai) để làm nhiệm vụ phát triển kinh tế với phiên hiệu Đoàn 332.
 
“Ngày chúng tôi vào đây rừng hãy còn là một khối nguyên sơ”, ông Trương Văn Nhuần, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Đoàn 332 hồi tưởng. Con đường 669 có từ thời Pháp gai góc mọc đầy và cũng chỉ đến Ka Nát là hết. Các đơn vị phải tự mở lấy đường mà đi; gạo muối, quân dụng đều chất lên vai cõng như thời chiến. Mỗi tối phải đốt lên một đống lửa thật lớn để xua thú dữ và hơi giá của rừng già…
 
Rừng K’Bang bấy giờ rất nhiều thú dữ, nhất là cọp. Cứ mỗi sáng mở cửa lại thấy dấu chân của chúng in đầy quanh lán. Tuy nhiên, cũng chẳng có nhiều thời gian để đôi hồi. Ổn định tạm được chỗ ở, chúng tôi phải ngay lập tức bắt tay vào nhiệm vụ sản xuất lương thực.
Lương thực bấy giờ chủ yếu là sắn. Cơm độn sắn có khi đến 70%. Thực phẩm thì phổ biến là cá chuồn khô nhưng không phải lúc nào cũng có. Cả đến muối ăn gặp khi mưa nhiều, đường tắc cũng phải chịu nhạt…
 
Rừng thiêng nước độc, ăn uống kham khổ, sốt rét bắt đầu hoành hành. Gần như không ai là không sốt. Có tiểu đoàn cả 100% quân số đều sốt. Đến đơn vị nào cũng gặp những thân hình võ vàng co quắp trên sạp nứa… Thuốc men thiếu, đường sá ách tắc, không ít người phải chịu chết oan.
 
Ở Tiểu đoàn Vận tải có chuyện thương tâm thế này: Một chiến sỹ lên cơn sốt nhưng giữa trời đêm mưa gió, anh em không có cách nào đưa đi bệnh xá được. Để bạn cầm cự qua cơn chờ trời sáng, một chiến sỹ đã ôm bạn vào lòng để truyền thêm hơi ấm. Sáng thức dậy mới hay bạn đã chết tự bao giờ!
 
Những người lính từng qua trận mạc, bom đạn phải kiềng, những kỹ sư trẻ đang nuôi khát vọng cống hiến, những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi chưa kịp một lần yêu…, cái chết nghiệt ngã, bất thần đến chẳng từ ai. Sau hơn 2 năm mở đường, xây dựng cơ sở trong điều kiện vô cùng gian nan như thế, đồng thời phải tham gia xây dựng công trình đập Đăk Uy (Kon Tum), bước sang năm 1978, Đoàn 332 mới chính thức làm nhiệm vụ kinh tế lâm nghiệp. Giữa những ngày gian khổ đó, đoàn bất ngờ được đón Đại tướng về thăm.
 
Đấy là tháng 10-1978…  Bấy giờ, huyện K’Bang còn chưa thành lập. Ban Chỉ huy Đoàn 332 còn đóng ở Tân Tạo (bây giờ là thị xã An Khê). Tại Ka Nát chỉ có Trung đoàn 711 đứng chân làm nhiệm vụ khai thác gỗ. Sau khi đi ô tô từ Pleiku xuống Tân Tạo, Đại tướng yêu cầu đưa ông vào Trung đoàn 711 để xem xét nơi ăn ở của cán bộ, chiến sỹ và kiểm tra công việc…
 
Ông Trương Văn Nhuần nhớ lại: Bấy giờ đường 7 nối An Khê với Ka Nát hãy còn là con đường đất gập ghềnh, loang lổ những ổ voi, ổ gà; tình hình an ninh lại vẫn còn phức tạp. Từ Tân Tạo, Đại tướng vào Ka Nát bằng chiếc xe Uoat của sư đoàn. Để bảo đảm an toàn cho Đại tướng, dọc đường cứ 50m lại có một vệ binh bí mật đứng gác… Vào đến Ka Nát, sau khi xem xét nơi ăn ở, ông yêu cầu đưa mình xuống hiện trường khai thác để kiểm tra công việc, xong mới quay về gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn.
 
Cán bộ, chiến sỹ Đoàn 332 phấn khởi đón Đại tướng về thăm. Ảnh: Tư liệu.
Cán bộ, chiến sỹ Đoàn 332 phấn khởi đón Đại tướng về thăm. Ảnh: Tư liệu.
Đã hơn 40 năm, ông Nhuần vẫn còn nhớ rất rõ lời Đại tướng dặn dò. Đại tướng nói: Đây là vùng đất rất quan trọng về cả hai mặt kinh tế lẫn quốc phòng, không chỉ với địa phương mà còn liên quan đến các tỉnh đồng bằng. Khai thác rừng nhưng không được phá rừng. Nếu chỉ biết khai thác mà không bảo vệ, rừng sẽ trả thù. Nơi nào khai thác cường độ cao thì phải giảm xuống; phải tận dụng hết gỗ củi, không được lãng phí… Bộ đội mới rời tay súng bước sang làm kinh tế-một công việc mới mẻ, phải tích cực học tập, phát huy tính sáng tạo để tổ chức tốt công tác quản lý kinh tế lâm nghiệp.
 
Đi đôi với đẩy mạnh sản xuất phải tích cực tăng gia để cải thiện đời sống, phải làm sao mỗi bữa cơm ít ra cũng có quả chuối mà ăn. Làm lâm nghiệp phần lớn sống ở rừng, do đó phải tạo được mối quan hệ mật thiết với địa phương, phải đoàn kết tốt nội bộ, đoàn kết tốt quân-dân; tích cực vận động đồng bào định canh, định cư để góp phần nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa cho bà con…
 
Căn dặn những điều này không phải ngẫu nhiên. Trước đó, Đại tướng đã yêu cầu báo cáo rất kỹ về trữ lượng tài nguyên rừng, kế hoạch khai thác… Xuống hiện trường, Đại tướng yêu cầu đưa ông đến nơi khai thác mật độ cao nhất, chăm chú quan sát từng động tác cầm cưa máy, cưa tay của chiến sỹ... Có một chi tiết cảm động là trưa hôm Đại tướng xuống hiện trường, Ban Chỉ huy Trung đoàn đã chuẩn bị một bữa cơm tươm tất để mời nhưng Đại tướng từ chối. Ông đã xuống nhà ăn tập thể để ăn cùng chiến sỹ bữa cơm độn sắn với cá khô, rau rừng... Mặc dù thời gian chỉ hơn 1 ngày nhưng hình ảnh một vị Đại tướng giản dị, sâu sát, chan hòa với hoàn cảnh còn rất thiếu thốn bấy giờ đã in dấu mãi trong tâm khảm của cán bộ, chiến sỹ Đoàn 332…
 
Nhưng rồi lịch sử biến động. 17 năm sau, Đoàn 332-Liên hiệp Kon Hà Nừng giải thể. Mãi cho đến năm 2016, sau rất nhiều cố gắng, Ban liên lạc Đoàn 332 được thành lập. UBND huyện K’Bang cũng đồng ý cho Ban liên lạc sử dụng trụ sở cũ của Đoàn 332 để làm nhà lưu niệm. Thể theo nguyện vọng của cán bộ, chiến sỹ và công nhân Đoàn 332, Ban liên lạc đã dành hẳn một căn trụ sở để làm nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các liệt sỹ, tử sỹ Đoàn 332 hy sinh trong sự nghiệp xây dựng kinh tế, đặt nền móng cho sự ra đời của huyện K’Bang ngày nay…
Các cựu chiến binh Đoàn 332 dâng hương tại nhà tưởng niệm Đại tướng Võ nguyên Giáp.
Các cựu chiến binh Đoàn 332 dâng hương tại nhà tưởng niệm Đại tướng Võ nguyên Giáp.
Sau thời gian được trùng tu, căn nhà đã trở nên trang trọng, đúng yêu cầu của một nhà tưởng niệm. Gian bên trái là bàn thờ các liệt sỹ, tử sỹ của Đoàn. Gian giữa thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được bày biện trang trọng, theo đúng truyền thống dân tộc: Trên cao treo ảnh Bác Hồ, dưới là pho tượng bán thân của Đại tướng.
 
Ông Trương Văn Nhuần cho biết: Tượng được đúc bằng đồng cao 0,7m, nặng 70kg, ngoài giát vàng. Với lòng kính yêu Đại tướng sâu sắc, vợ chồng ông Phạm Ngọc Sáng-Tống Thị Lan, nguyên là công nhân quốc phòng thuộc Trung đoàn 713, Đoàn 332 đã bỏ ra hơn 100 triệu đồng để đúc tượng Đại tướng cung tiến… Đền thờ càng thêm uy nghiêm, trang trọng khi mới đây các cựu chiến binh, công nhân viên quốc phòng Đoàn 332 tại Hưng Yên cung tiến thêm một bộ lư đồng trị giá 20 triệu đồng…
 
Từ ngày trụ sở cũ của Liên hiệp Kon Hà Nừng trở thành nhà tưởng niệm Đại tướng và các liệt sỹ, tử sỹ Đoàn 332, nơi đây trở thành một “địa chỉ đỏ” của người dân K’Bang để tưởng nhớ một người con ưu tú của dân tộc và những người đã ngã xuống cho những giá trị của cuộc sống hôm nay…
 
                                                                                                Ngọc Tấn

tin liên quan

"Giữ lửa" nghề truyền thống

(QBĐT) - Cơ chế thị trường hiện đang đặt ra cho các làng nghề truyền thống không ít khó khăn, thách thức nhưng nhiều làng nghề ở Quảng Bình vẫn được lưu giữ, kế thừa và phát triển. Góp phần quan trọng trong nỗ lực này chắc chắn không thể thiếu bàn tay khéo léo của những người thợ cần mẫn, tâm huyết, ngày ngày "giữ lửa" truyền nghề cho thế hệ mai sau.
 

Xứng danh "làng quê đáng sống"

(QBĐT) - Đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương giàu mạnh, giữ vững danh hiệu khu dân cư (KDC) tiêu biểu đã trở thành mục tiêu của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân thôn Thanh Hải, xã Thanh Trạch (Bố Trạch).
 

Biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam-Cuba

(QBĐT) - Trong những ngày khói lửa của cuộc chiến vệ quốc ở Việt Nam, tuy còn khá nghèo, nhưng Đảng, Nhà nước, nhân dân Cuba đã viện trợ không hoàn lại cho nhân dân Việt Nam nhiều hạng mục công trình có giá trị kinh tế trước mắt và dài lâu. Một trong những công trình đó là Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới (HNVN-CBĐH), trực thuộc Bộ Y tế, đứng chân trên mảnh đất Quảng Bình.