Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Nhà giáo Lương Duy Tâm với sự nghiệp giáo dục

  • 10:35 | Thứ Sáu, 07/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhà giáo Lương Duy Tâm (SN 1901), ở làng Lệ Sơn, nay là xã Văn Hóa (Tuyên Hóa), quê hương có truyền thống hiếu học, đứng đầu các làng khoa bảng của Quảng Bình. Xuất thân từ dòng dõi khoa cử, ông là bậc cháu của Lương Duy Chí, đỗ cử nhân giải á nguyên kỳ thi hương khoa thi Mậu Ngọ, niên hiệu Tự Đức thứ 11 (1858), sau làm tri phủ Vĩnh Tường. Kế thừa truyền thống tổ tiên, sẵn trí thông minh, cộng với tinh thần hiếu học, cần mẫn, khổ luyện thành tài, nhà giáo Lương Duy Tâm gần như dành trọn cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục.
 
Trước năm 1945, cùng với các ông Đinh Hữu Suyền, Trần Kháng, nhà giáo Lương Duy Tâm là một trong những giáo viên tiểu học lâu năm của Quảng Bình. Ông đã dạy học tại quê nhà Lệ Sơn, Trường tiểu học Thọ Linh, sau đó, có thời gian làm huấn đạo tỉnh Thanh Hóa và giáo thọ tỉnh Nghệ An.
 
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, ông trở về quê hương. Theo quyết định của Giám đốc Trung học vụ Trung bộ, tháng 9-1945, Trường trung học Phan Bội Châu được thành lập. Đây là trường trung học đầu tiên của tỉnh ta được thành lập sau ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Trường đóng tại địa điểm Trường tiểu học Pháp-Việt cũ, trong thành Đồng Hới. Trường có 4 lớp, gồm 2 lớp đệ nhất niên, 1 lớp đệ nhị niên và 1 lớp đệ tam niên. Ông tham gia dạy môn Văn.
 
Ngày 14-6-1946, Bộ Quốc gia giáo dục có nghị định đặt tại mỗi tỉnh và thành phố một chức thanh tra tiểu học để đôn đốc công việc học, trông nom và hướng dẫn các giáo viên về phương tiện sư phạm. Từ đó, Nha Giáo dục được gọi là Nha Thanh tra tiểu học, sau đổi thành Ty Thanh tra tiểu học. Ông được cử làm Thanh tra Tiểu học Quảng Bình giai đoạn 1946-1950.
 
Thực hiện chủ trương của Bộ Quốc gia giáo dục và Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Quảng Bình, hai ngành tiểu học và trung học Quảng Bình tiến hành hợp nhất. Từ tháng 9-1950, đã hình thành cơ quan quản lý thống nhất gọi là Ty Giáo dục phổ thông, ông được cử giữ chức phó trưởng ty.
 
Đến năm 1952, vì điều kiện sức khỏe không bảo đảm, ông xin nghỉ chức vụ này và chuyển sang công tác giảng dạy. Sau năm 1954, ông làm giáo viên Trường cấp II Đồng Hải, sau đó là giáo viên Trường cấp III Quảng Bình. Năm 1965, ông chuyển ra công tác tại Viện Hán Nôm, thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam.
 
Ông nghỉ hưu và mất năm 1987 tại Hà Nội. Ông sinh hạ được 9 người con. Con cái của ông đều đã thành danh. Ông có 2 con trai khá nổi tiếng, là giáo sư Lương Duy Trung, chuyên gia về văn học phương Tây và giáo sư Lương Duy Thứ, chuyên gia về văn học Trung Quốc.
GS Lương Duy Thứ, con trai nhà giáo Lương Duy Tâm (bên trái).
GS Lương Duy Thứ, con trai nhà giáo Lương Duy Tâm (bên trái).

Sinh ra trong gia đình dòng dõi khoa bảng, lại thấm nhuần tư tưởng Nho giáo, nên khi dặt tên con, nhà giáo Lương Duy Tâm đều ước mong con cái luôn lấy chữ tâm làm nền tảng đạo đức gia phong.

Trong cuốn "Quê hương là trái bần chua ngọt", giáo sư Lương Duy Thứ giải thích: Thứ là hai nội dung chính của đạo nhân nhà Nho. Trung được giải thích là “kỷ sở lập, lập ư nhân”-điều mình muốn thành đạt thì cũng giúp người khác thành đạt. Còn thứ là “kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”-nghĩa là điều mình không muốn thì cũng đừng gán cho người khác. Trong chữ Hán, thứ thuộc loại hội ý, trên chữ như, dưới chữ tâm. Cha Duy (tức nhà giáo Lương Duy Tâm) dạy con như vậy nên cả 5 người con trai đều có chữ tâm ở dưới (Trung, Thứ, Tuệ, Tưởng, Thái).

Ngoài chăm lo sự nghiệp giáo dục, ông còn đam mê nghiên cứu khoa học, sáng tác văn học, chuyển ngữ các tác phẩm, tài liệu từ tiếng Hán, tiếng Pháp sang tiếng Việt. Về sáng tác, ông có tiểu thuyết “Đi học”, “Địa lý Quảng Bình”, “Lịch sử Quảng Bình”, tác phẩm chuyển ngữ có “Văn bia Hà Nội”, “Sơ lược lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc” của Lỗ Tấn. Nhờ sự cộng tác của 2 cha con nhà giáo Lương Duy Tâm và giáo sư Lương Duy Thứ, cuốn sách nghiên cứu của nhà văn Lỗ Tấn lần đầu tiên đã đến với bạn đọc Việt Nam vào năm 2002. Ngoài ra, ông còn dịch nhiều công trình khảo cứu khác.
 
Dấu ấn mà ông để lại cho ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Quảng Bình chính là tập sách “Những bài học địa lý Quảng Bình” và “Lịch sử Quảng Bình”. Tháng 11-1937, ông đã xuất bản cuốn “Những bài học địa lý Quảng Bình” bằng tiếng Pháp. Tại thời điểm đó, việc học tập phải bằng tiếng Pháp. Tuy nhiên, các trường học lại không có cuốn địa chí nào về tỉnh ta bằng tiếng Pháp. Nhằm giúp học sinh có vốn sống, kiến thức và am tường về địa lý quê hương, ông đã dày ông nghiên cứu, thu thập tài liệu để soạn cuốn sách này.
 
Ông đã trình bày cuốn sách bằng hệ thống 25 bài học. Mỗi bài học, ông trình bày theo từng chủ đề riêng như: “Thung lũng và đồng bằng”, “đồi, núi”, “bờ biển”, “khí hậu”… Kết cấu mỗi bài giảng chia làm 3 phần, bao gồm kiến thức, tóm tắt, bài đọc. Phần kiến thức, ông trình bày những đặc điểm cơ bản của từng chủ đề. Phần tóm tắt, đánh giá những đặc trưng cơ bản của từng chủ đề. Phần bài đọc tác giả sử dụng các cuốn sách, bài viết của các nhà nghiên cứu trong nước, nước ngoài hoặc các bài dân ca, bài thơ… nhằm minh hoạ và làm phong phú thêm nội dung bài học. Việc xây dựng nội dung từng chủ đề khoa học, mang tính khái quát cao đã giúp ích cho giáo viên, học sinh nắm vững những kiến thức cơ bản về địa lý Quảng Bình. Sau này, tài liệu này được Bộ Học cho xuất bản thành sách giáo khoa của các trường tiểu học ở tỉnh ta.
 
Về cuốn “Lịch sử Quảng Bình” được ông hoàn thành vào ngày 1-5-1963. Đây là cuốn tài liệu được ông viết theo phương pháp hiện đại. So với các cuốn địa chí trước đó như "Ô Châu cận lục" của Dương Văn An, "Phủ biên tạp lục" của Lê Quý Đôn… hay các bộ quốc sử như "Đại Việt sử ký toàn thư", "Lịch triều hiến chương loại chí", "Hoàng Việt nhất thống dư địa chí", "Đại Nam nhất thống chí"… thì chưa có cuốn sách nào trình bày đầy đủ, hệ thống và khoa học về lịch sử vùng đất Quảng Bình tương đối đầy đủ như cuốn “Lịch sử Quảng Bình” của nhà giáo Lương Duy Tâm.
 
Tai thời điểm chấp bút, ông đã có điều kiện nghiên cứu, tiếp cận các tài liệu về địa chất học, khảo cổ học, dân tộc học, lịch sử của các học giả người phương Tây về Quảng Bình như" Cadiere, M.Colani, J.Fromaget, J.Méry, Etienne Patte… Chính vì vậy, quá trình xây dựng cuốn sách ông đã kế thừa và bổ sung nhiều tư liệu quý giá từ kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học để phân kỳ lịch sử Quảng Bình một cách mạch lạc, khoa học, bắt đầu từ thời kỳ tiền sử, sơ sử; thời kỳ thống trị của phong kiến Trung Quốc và quá trình hình thành chế độ phong kiến địa phương; thời kỳ xây dựng và phát triển cực thịnh của chế độ phong kiến Việt Nam từ năm 938-1516; thời kỳ chế độ phong kiến khủng hoảng và suy vong, bắt đầu với khởi nghĩa Trần Cao 1516 đến khi Pháp xâm lược 1858; đến thời kỳ cận đại và thời kỳ hiện đại.
 
Điểm nổi bật ở cuốn sách là đã phản ánh một cách tường tận, chuẩn xác các sự kiện, mốc son lịch sử diễn ra trong thời kỳ hiện đại. Từ đánh giá khái quát tình hình chung của đất nước, ông mới đánh giá diễn biến tình hình trong tỉnh. Là người chứng kiến không khí sục sôi của cuộc Cách mạng Tháng Tám, ông đã phản ánh một cách cặn kẽ, chi tiết diễn biến sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc trên vùng đất Quảng Bình. Với cách tiếp cận diễn trình lịch sử trên quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, kết hợp với phương pháp luận khoa học Mác xít, công trình nghiên cứu của ông đã phục vụ hữu ích việc giảng dạy của ngành GD-ĐT tỉnh nhà trong giai đoạn sơ khai.
 
Bằng tài năng, tâm huyết và trí tuệ, nhà giáo Lương Duy Tâm đã để lại 2 công trình khoa học có ý nghĩa, đặt nền móng cho việc nghiên cứu, giảng dạy địa lý, lịch sử địa phương của ngành GD-ĐT Quảng Bình.
 
Nhật Linh
 
 

tin liên quan

"Giữ lửa" nghề truyền thống

(QBĐT) - Cơ chế thị trường hiện đang đặt ra cho các làng nghề truyền thống không ít khó khăn, thách thức nhưng nhiều làng nghề ở Quảng Bình vẫn được lưu giữ, kế thừa và phát triển. Góp phần quan trọng trong nỗ lực này chắc chắn không thể thiếu bàn tay khéo léo của những người thợ cần mẫn, tâm huyết, ngày ngày "giữ lửa" truyền nghề cho thế hệ mai sau.
 

Biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam-Cuba

(QBĐT) - Trong những ngày khói lửa của cuộc chiến vệ quốc ở Việt Nam, tuy còn khá nghèo, nhưng Đảng, Nhà nước, nhân dân Cuba đã viện trợ không hoàn lại cho nhân dân Việt Nam nhiều hạng mục công trình có giá trị kinh tế trước mắt và dài lâu. Một trong những công trình đó là Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới (HNVN-CBĐH), trực thuộc Bộ Y tế, đứng chân trên mảnh đất Quảng Bình.  

Xứng danh "làng quê đáng sống"

(QBĐT) - Đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương giàu mạnh, giữ vững danh hiệu khu dân cư (KDC) tiêu biểu đã trở thành mục tiêu của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân thôn Thanh Hải, xã Thanh Trạch (Bố Trạch).