Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua góc nhìn của người nước ngoài

  • 08:26 | Thứ Bảy, 18/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng của dân tộc và thế giới thế kỷ XX, được nhân dân Việt Nam và thế giới ca ngợi khi ông đang sống cũng như khi đã mất. Người xưa thường luận công trạng khi con người đã về thế giới bên kia, mới là lúc để có thể khen chê. Nhưng phá lệ đó, ngay từ khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn sống, nhiều tác giả nước ngoài, gồm các nhà khoa học, chính khách, tướng lĩnh… nhất là người Pháp và Mỹ đã viết về ông để bày tỏ sự ngưỡng mộ tài năng và đức độ của vị Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Trong các công trình khoa học, bài viết của người nước ngoài viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều có điểm chung là sự tôn vinh và ngưỡng mộ.
 
Archimedes Patti, sĩ quan tình báo Mỹ, người đứng đầu phái bộ OSS đến Hà Nội tháng 8-1945 để thực hiện nhiệm vụ giải cứu tù binh và chuẩn bị cho việc giải giáp quân Nhật ở Bắc Đông Dương. Thời gian này, ông có những tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh và chứng kiến ngày lễ Độc lập của Việt Nam. Năm 1980, ông cho xuất bản quyển hồi ký  “Why Vietnam” (Tại sao Việt Nam) và dành sự kính trọng, đánh giá cao với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông viết: “Dưới sự lãnh đạo tài tình của Võ Nguyên Giáp, họ đã tiến hành đánh phá các tiền đồn của Pháp và Nhật)...”.
 
GS Sử học Mỹ Cecil B.Currey trong cuốn “Chiến thắng bằng mọi giá" nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Lòng yêu thương trên hết của tướng Giáp dành cho đất nước và sau đó là lòng trung thành của ông đối với Đảng Cộng sản. Ông đã thề giải phóng Việt Nam khỏi sự đô hộ của nước ngoài và phấn đấu cho sự nghiệp thống nhất đất nước... Trong công việc điều binh khiển tướng, ông tỏ ra điềm tĩnh đáng kinh ngạc, không để cho những cơn xúc động nhất thời chi phối, nhưng đằng sau đó là một tính cách hăng say, cuồng nhiệt mà người Pháp đã miêu tả ông như một núi lửa phủ tuyết...”.
 
“Võ Nguyên Giáp và Việt Minh... tự nguyện là người cứu nguy dân tộc, bảo vệ quyền lợi nhân dân..." Đối với Võ Nguyên Giáp, nhân dân là nguồn gốc của sức mạnh, từ đó sinh ra ý chí chiến đấu và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vì vậy phải thấu hiểu nhu cầu, nguyện vọng của quần chúng…
 
Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng đưa ra những quyết định quan trọng liên quan đến vận mệnh của dân tộc Việt Nam. Quyết định khó nhất trong đời binh nghiệp của ông là chuyển từ phương án “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc thắng chắc” trong trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ. Đây là quyết định đầy trách nhiệm, đầy khí phách bởi liên quan đến ý kiến của cố vấn Trung Quốc đi cùng...
 
“Phải là một vị tướng vĩ đại... mới không bám khư khư lấy một luận thuyết. Trong quân đội Pháp không có một vị tướng như vậy… Phải là một nhà chính trị vĩ đại mới dám không phục tùng và làm mếch lòng người bạn đồng minh Trung Quốc hùng mạnh” (G.Boudarel và F.Cavigglioli bài đăng trên Tạp chí Người Quan sát mới, số ra thứ sáu, ngày 8-4-1983).
 
Chủ tịch Cuba Fidel Castro đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng của ông ở Hà Nội ngày 22-2-2003. Ảnh: REUTERS. <em>(Theo Báo Quân đội nhân dân điện tử)</em>
Chủ tịch Cuba Fidel Castro đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng của ông ở Hà Nội ngày 22-2-2003. Ảnh: REUTERS. (Theo Báo Quân đội nhân dân điện tử)
Người nước ngoài nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với sự đánh giá cao, kính trọng. Họ suy tôn ông là chiến lược gia bậc thầy: “Một chiến lược gia bậc thầy là con người có thể... rút ra những bài học sau những lần thất bại, Tướng Giáp là con người không thiếu những cách làm như thế. Những chiến dịch đầu tiên không thành công trong chiến tranh chống Pháp đã dạy cho ông cách chỉ huy như thế nào, cách điều động quân đội ra sao để giành chiến thắng... Một chiến lược gia bậc thầy là con người có thể hiểu rõ được kẻ địch, tận dụng những nhược điểm của đối phương... Võ Nguyên Giáp là con người như thế. Để phục vụ mục đích cuối cùng, ông đã hiểu được tầm quan trọng của việc cần phải chi phối được cuộc sống chính trị và xã hội của người dân trong nước...” (Chiến thắng bằng mọi giá).
 
Trong hồi ký Đông Dương hấp hối, để đánh giá về đối thủ đáng gờm, tướng Nava đã thú nhận: “Chưa bao giờ chúng ta có được một sự liên tục về mặt nhân sự. Từ 17 năm qua, đối đầu với một nhà lãnh đạo chính trị duy nhất là ông Hồ Chí Minh và một nhà lãnh đạo quân sự duy nhất-Đại tướng Giáp, là 19 Chính phủ kế tiếp, cùng với 5 nhà lãnh đạo chính trị ở Đông Dương và 6 Tư lệnh quân đội. Chúng ta cũng chưa bao giờ có được một đường lối chính trị nhất quán. Nói cho chính xác, chúng ta chẳng hề có đường lối nào”.
 
Nếu như tiêu chí chọn tướng của Chủ tịch Hồ Chủ tịch là “đánh thắng Đại tướng được phong Đại tướng” thì suốt cuộc đời mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh thắng 10 đại tướng của Pháp và Mỹ (4 tướng Pháp và 6 tướng Mỹ), chưa kể đến nhiều viên tướng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Các tướng lĩnh Mỹ khi nhắc đến ông vẫn thường gọi ông là “Đại tướng 5 sao”, William Westmoreland gọi ông là “Tướng huyền thoại”.
 
Đại tướng Peter Mac Donald, nhà nghiên cứu lịch sử quân sự người Anh, trong công trình “Giáp, Hai cuộc chiến tranh Đông Dương”, đã viết: “Từ năm 1944 đến 1975, cuộc đời của Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những vị thống soái lớn của mọi thời đại… Với 30 năm làm Tổng Tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh”.
 
Nhiều tác giả phương Tây cũng tự hỏi, làm thế nào một thầy giáo dạy lịch sử, một cựu nhà báo lại trở thành nhà lãnh đạo quân sự lỗi lạc. Câu trả lời của Đại tướng được nhắc lại trong nhiều dịp: “Trường quân sự duy nhất tôi đã học là chiến tranh nhân dân”.
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp có 2 lần tiếp Robert McNamara, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và những người Mỹ cùng đi. Lần thứ nhất là vào ngày 9-11-1995 và lần thứ hai, ngày 23-6-1997. Theo McNamara đó là những lần gặp gỡ đầy ấn tượng. Các ghi chép cho biết, khi phía Mỹ đưa ra các câu hỏi: Khi đặt ra vấn đề có những cơ hội nào có thể vãn hồi hòa bình ở Việt Nam mà đã bị cả hai bên bỏ qua…, Đại tướng khẳng định rằng “phía Việt Nam đã không để lỡ một cơ hội nào vì dân tộc Việt Nam là một dân tộc yêu hòa bình…”.
 
Từ điển Bách khoa quân sự Pháp, Từ điển Bách khoa quân sự Mỹ đến công trình của cá nhân nhà khoa học, chính khách, tướng lĩnh, nhân chứng lịch sử… hầu hết đều tỏ thái độ kính phục, ngưỡng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tên và hình ảnh của ông được ghi lại như là một trong những vĩ nhân quân sự hiển hách nhất: Võ Nguyên Giáp là 1 trong 21 vị danh tướng của thế giới trong 25 thế kỷ qua từ thời Alexandre, Đại đế Hannibal, rồi đến thời cận đại, hiện đại với Cutudốp, Giucốp… Những người có chiến công tạo nên bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh; là “một trong những vị thống soái lớn của mọi thời đại” (Mac Donald). Còn G.Boudarel trong tác phẩm "Giáp" viết: Giáp là “nhà quân sự lỗi lạc, vị tướng lĩnh tài ba, nhân vật nổi bật của lịch sử hiện đại Việt Nam và thế giới trong thế kỷ XX… Một thiên tài quân sự lớn nhất thế kỷ XX và là một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của các thời đại.
 
Thế giới kính trọng, tiếc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi nghe tin ông qua đời. Tin tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần đã chiếm vị trí nổi bật trên hầu khắp các hãng truyền thông quốc tế. BBC, Reuters, AFP, AP, CNN, Strait Times, Bloomberg, TIME, Finacial Times,Aljazeera, Kyodo news, Yonhap, Tân Hoa Xã… đều đồng loạt đăng tải thông tin, phân tích, bình luận, đánh giá về sự ra đi của vị Đại tướng huyền thoại với những từ ngữ tốt đẹp nhất.
 
Tạp chí TIME, tạp chí danh tiếng của Mỹ từng 3 lần sử dụng chân dung của Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm trang bìa (trong các số ra ngày 17-6-1966, 9-2-1968, tháng 5-1972). Với sự trân trọng và ngưỡng mộ nhân cách vĩ đại của Đại tướng, TIME đã dành những dòng sau để viết về sự ra đi của Đại tướng: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị chỉ huy kiệt xuất và quyết đoán, người đã dẫn dắt Việt Nam dành chiến thắng hai cường quốc là Pháp và Mỹ, đã qua đời hôm Thứ Sáu” (Báo Nhân Dân, thứ bảy, 5-10-2013)...
 
ThS. Nguyễn Văn Biểu
(Viện Sử học)

 

tin liên quan

CỘN - Kỳ 2: Lang thang Cộn

(QBĐT) - Sau nhiều lần thêm, bớt, Cộn ngày nay đã định hình về mặt địa lý. Phía đông, nam giáp Nghĩa Ninh, mạn Bắc chung ranh giới với Bắc Nghĩa, Thuận Đức, phần phía Tây mới là chủ đề tranh cãi phức tạp: Tiếp nối "thành phố ngàn thu" Đá Bạc là vùng trung du đồi núi mênh mông.

Cộn

(QBĐT) - Trong tất cả các loại giấy tờ từ khi cất tiếng khóc chào đời đến lúc "giã biệt" của những ai ở mảnh đất đó đều ghi địa danh "Đồng Sơn". Nhưng ba, mạ, anh chị em, họ hàng chòm xóm và tất nhiên cả lũ bạn chăn trâu cắt cỏ của tôi đều gọi vùng quê ấy bằng cái tên rất đỗi thân thương: "Cộn"

Dòng Kiến Giang xanh

(QBĐT) - Thượng nguồn dòng Kiến Giang là nơi hợp lưu nước sông Rào Con và Rào Mệ chảy ngang qua núi Yên Mã trùng trùng như ngựa phi với vách núi dựng đứng, chót vót. Sau khi băng qua nhiều làng mạc, thôn xóm, dòng Kiến Giang đổ ra biển.