Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Từ sông Gianh đến cầu cảng K15... hướng về Nam - Bài 3: Bảo vật quốc gia đường Hồ Chí Minh trên biển

  • 07:32 | Thứ Tư, 20/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tạm biệt cầu cảng K15, Km số 0 đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại, hành trình tiếp theo của chúng tôi là Bảo tàng Hải quân. Các bạn đồng nghiệp làm báo tại TP. Hải Phòng chia sẻ: “Nếu tìm hiểu về lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển mà không ghé thăm Bảo tàng Hải quân là một điều đáng tiếc. Bảo tàng hiện đang trưng bày tàu HQ-671, bảo vật quốc gia, con tàu duy nhất còn sót lại của đoàn tàu không số”.
 
 
Tọa lạc trên mặt bằng khoảng 16.000m2, Bảo tàng Hải quân có diện tích 1.800m2, mang hình dáng một con tàu đang vươn ra biển lớn thuộc phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, TP. Hải Phòng. Bảo tàng là nơi trưng bày trên 900 tài liệu, hiện vật, hình ảnh gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
 
Được sự giới thiệu từ trước của các cựu chiến binh (CCB) trong Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển TP. Hải Phòng, khi chúng tôi đến bảo tàng đã thấy thiếu tá, Giám đốc Lê Hồng Tiến chờ sẵn. Trên lối dẫn ra vị trí trưng bày tàu HQ-671, thiếu tá Tiến tự hào: “Mặc dù không còn tung hoành dọc ngang trên biển nữa, nhưng HQ-671 mãi mãi là một biểu tượng, chứng tích lịch sử oanh liệt và sống động gắn với những chiến công tiêu biểu của Hải quân nhân dân Việt Nam”.
Bảo vật Quốc gia, tàu HQ-671 trưng bày tại Bảo tàng Hải quân
Bảo vật quốc gia, tàu HQ-671 trưng bày tại Bảo tàng Hải quân
Tàu vận tải quân sự số hiệu HQ-671 dài 31,5m, rộng 5,8m, chiều cao từ đáy đến đỉnh cột cờ 11,7m, lượng giãn nước 165 tấn do Trung Quốc sản xuất năm 1962 và viện trợ cho Việt Nam năm 1964. Ban đầu, tàu mang số hiệu C41 gắn liền với đường Hồ Chí Minh trên biển. Tháng 7-1971, tàu chuyển sang số hiệu 641. Từ năm 1980 cho đến khi trở thành bảo vật quốc gia hiện tại, tàu giữ nguyên số hiệu HQ-671.
 
Trong suốt quá trình vận tải chiến lược trên biển, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ (CB, CS) tàu HQ-671 đã tổ chức 20 chuyến vào Nam, vận chuyển gần 500 tấn vũ khí và hàng hóa cho các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bạc Liêu, Cà Mau…, đưa đón nhiều cán bộ lãnh đạo đến các tỉnh ven biển Nam Trung bộ, chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam.
 
Với số hiệu C41, tàu thực hiện hàng chục chuyến vận chuyển trong Chiến dịch vận tải VT5 (1968-1969), chuyển hàng nghìn tấn vũ khí, hàng hóa từ Hải Phòng vào cảng Gianh. Từ đây, hàng hóa, vũ khí tiếp tục theo đường Hồ Chí Minh trên bộ đi sâu vào Nam. Giai đoạn 1971-1974, với số hiệu 641, tàu vận chuyển vũ khí, hàng hóa, phương tiện và bộ đội vào cảng Đồng Hới và cảng Cửa Việt (Quảng Trị) để chuyển tiếp tới miền Nam ruột thịt.
 
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, ngày 25-4-1975, tàu HQ-671 được giao nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, chở bộ đội Đoàn 126 đặc công Hải quân tham gia giải phóng đảo Sơn Ca (quần đảo Trường Sa).
 
Đất nước thống nhất, tàu HQ-671 tiếp tục làm nhiệm vụ vận tải chi viện cho các đơn vị đóng quân ở quần đảo Trường Sa. Tháng 10-1978, tàu nhận lệnh đi tìm 7 CB, CS đảo Phan Vinh trong khi đang làm nhiệm vụ bị sóng biển trôi dạt. Qua 8 ngày đêm, tàu tìm và cứu được cả 7 người đưa về đất liền an toàn.
 
Đầu năm 1988, CB, CS tàu HQ-671 tiếp tục tham gia bảo vệ đảo Đá Lớn. Ngày 14-3-1988, khi xảy ra sự kiện ở Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, tập thể CB, CS của tàu kiên cường, mưu trí vượt qua sự ngăn chặn, uy hiếp của kẻ thù, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ CB, CS ở các tàu hải quân bị tàu chiến Trung Quốc bắn chìm.
 
Năm 1982, tàu  HQ-671 được biên chế vào Hải đội 413, Vùng 4 Hải quân. Năm 2002, HQ-671 trở về Hải đội 384, Cục Hậu cần, Quân chủng Hải quân. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, tàu HQ-671 chính thức được trưng bày tại Bảo tàng Hải quân.
 
Trong những ngày tìm hiểu về lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển ở thành phố "Hoa phượng đỏ", chúng tôi may mắn được tiếp xúc với rất nhiều CCB nguyên là CB, CS trên những con tàu không số chi viện cho chiến trường miền Nam. CCB Trần Văn Lịch (SN 1942), ở phường Đông Hải, quận Lê Chân là một trong những nhân chứng đó. Ông Trần Văn Lịch hiện tại là Chủ tịch Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển của TP. Hải Phòng.
 
“Tôi nhập ngũ tháng 2-1964, đến tháng 5 thì được biên chế về Đoàn 579 vận tải đường biển cho chiến trường miền Nam trên những con tàu không số. May mắn, cũng là niềm tự hào khi bản thân thuộc một trong nhiều thế hệ CB, CS phục vụ trên tàu C41, tàu HQ-671, bây giờ trưng bày ở Bảo tàng Hải quân. Trong 20 chuyến vào Nam của tàu HQ-671 có đến 16 chuyến thành công, 4 chuyến phải quay về do khí hậu, thời tiết xấu và do gặp kẻ thù. Bản thân tôi tham gia trọn vẹn, thành công 2 chuyến vào Nam.
 
Cùng xuất phát tại bến K15, chuyến thứ nhất cập bến an toàn tại Vàm Lũng (Cà Mau), chuyến thứ hai cập bến Vũng Rô (Phú Yên). Sau này, tôi còn tham gia thêm một chuyến đi nữa nhưng không phải với tàu C41 mà với tàu mang số hiệu 198, cập bến Đức Phổ (Quảng Ngãi) vào tháng 7-1967”, CCB Trần Văn Lịch nhớ lại.
 
Những ngày tháng 10 lịch sử, trong bối cảnh cả nước đang đối mặt với đại dịch Covid-19 cũng cận kề dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, những người lính trên các chuyến tàu không số năm xưa hiện đang sinh hoạt tại Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển TP. Hải Phòng lại có dịp hội ngộ cùng nhau ôn lại một thời “vào sinh, ra tử”, tất cả vì miền Nam thân yêu, tất cả vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Với những chiến công xuất sắc, tàu HQ-671 hai lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1973 và 1989); được tặng thưởng 4 Huân chương Quân công, 8 Huân chương Chiến công và nhiều phần thưởng cao quý khác; có 8 cán bộ, chiến sỹ của tàu qua các thời kỳ là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, gồm: Bông Văn Dĩa, Lê Văn Một, Đặng Văn Thanh, Dương Văn Lộc, Huỳnh Văn Sao, Phan Nhạn, Nguyễn Sơn, Hồ Đắc Thạnh. Ngày 25-12-2017, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận tàu HQ-671 là bảo vật quốc gia.
 
Thanh Long
 
Bài cuối: Những người viết huyền thoại
 

tin liên quan

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tài và đức vẹn toàn!

(QBĐT) - Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo khẳng định: "Võ Nguyên Giáp là bậc thầy về cách đánh. Ông luôn tìm ra cách đánh độc đáo và sáng tạo, vừa bảo đảm thắng lợi cao nhất vừa hạn chế thấp nhất thương vong cho chiến sỹ…

Người Rục và một thập kỷ bứt phá!

(QBĐT) - Nếu tính về tuổi xã hội, trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, người Rục (Thượng Hóa, Minh Hóa) được ví như người em út. Họ được Đảng, Nhà nước "chăm sóc" nhiều hơn trong quá trình hòa nhập cộng đồng. 

"Văn nghệ sỹ Quảng Bình phải đóng góp nhiều hơn cho VHNT nước nhà..."

(QBĐT) - Sinh thời, dù bận rộn việc nước, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn luôn dành nhiều tình cảm cho các văn nghệ sỹ. Và với các văn nghệ sỹ quê nhà, Đại tướng bao giờ cũng dành sự quan tâm đặc biệt với những góp ý, sẻ chia chân thành...