Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Vẹn nguyên ký ức người lính

  • 07:47 | Chủ Nhật, 17/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tôi viết trang văn này để kể đôi nét về một giai đoạn lịch sử nhiều biến động, một vùng đất lành và một nhân vật khá ấn tượng ít nhiều lưu dấu trong ký ức người đời và bạn hữu.
 
Cơ duyên cho tôi được lần thứ hai gặp lại góc bảo tàng cá nhân của đại úy CCB Hồ Duy Thiện, không phải ở Đồng Lê mà là đã chuyển về Minh Cầm (Phong Hóa, Tuyên Hóa), gần hơn cho quãng đường từ Đồng Hới ngược lên theo bờ tả ngạn sông Gianh được 19km. Ở đó có ngôi từ đường của thân phụ và thân mẫu đại úy và đến tuổi nghỉ hưu, ông thường trở về đây tìm lại tuổi thơ, tuổi trưởng thành.
 
18 tuổi, vào Trường đại học Thủy lợi, sau 4 năm dùi mài trên ghế giảng đường, bước vào năm thứ 5 được hơn tháng, sinh viên Hồ Duy Thiện nhận giấy gọi nhập ngũ của Khu đội Đống Đa, TP. Hà Nội. Đó là mùa thu năm 1970. Trước đó, trong mọi đợt tuyển quân đều đã có lác đác sinh viên nhập ngũ, nhưng chủ yếu là lấy lính có sẵn chuyên môn cần cho quân đội. Đến năm 1970, chuẩn bị cho những chiến dịch lớn, những đợt tuyển quân ở các trường đại học từ đây là tuyển lính trận.
 
Vậy nên, sau 5 năm trận mạc cho đến ngày 30-4-1975, bảo tàng chiến tranh của đại úy không thiếu những trang thiết bị cho người chiến sỹ như: Ba lô, quân phục, mũ tai bèo, bi đông, những lá thư thời chiến, nhật ký chiến tranh… và những bức ảnh trên các nẻo đường hành quân. Trong bảo tàng của ông còn có một bức ảnh ông chụp với người bạn chiến đấu Đinh Thế Huynh (năm 2014), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
Ông Hồ Duy Thiện đang kể về các hiện vật trong bảo tàng.
Ông Hồ Duy Thiện đang kể về các hiện vật trong bảo tàng.
Nhưng, cái mảng màu vừa giản dị vừa cô đọng mà đầy sức nặng nằm trong những dòng chữ ngắn gọn: Cùng đơn vị Trung đoàn 101, Sư đoàn 325: “Tham gia chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (28-6 - 16-9-1972); Chiến dịch Tổng tấn công nổi dậy mùa xuân 1975, giải phóng Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng (3-1975), thị xã Phan Rang (16-4-1975); Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng quận lỵ Long Thành (Đồng Nai) và thành phố Sài Gòn-Gia Định (26-4 - 30-4-1975).
 
Trong mỗi giai đoạn lịch sử có những cơ duyên kỳ lạ. Tháng 9-1970, sinh viên năm cuối Hồ Duy Thiện rời cổng Trường đại học Thủy lợi, khoác lên mình bộ quân phục, ve áo binh nhì nhận khẩu AK huấn luyện rồi vào chiến trường. 7 năm sau, tháng 9-1977, Thiện vẫn mặc đồ trận của sĩ quan, ve áo quân hàm thiếu úy đứng trên giảng đường trường cũ bảo vệ thành công đồ án tốt nghiệp với điểm số tối ưu.
 
Rồi đất nước bước vào thời gian khốn khó đến tột cùng, thiếu úy Hồ Duy Thiện đẹp duyên với một cử nhân khoa Sinh trường Vinh và bắt đầu đối mặt với những thử thách của cuộc sống đời thường. Đang là một sĩ quan trí thức thuộc Văn phòng Bộ Quốc phòng (sinh hoạt cùng Đảng bộ với cả Đại tướng Bộ trưởng Văn Tiến Dũng) tưởng chừng như tương lai rộng mở trong quân ngũ, một điều gì đó như định mệnh, hay tất yếu của một người đàn ông yêu quê hương, giản dị trong suy nghĩ đã kéo ông… về, “tụt” dần từ bộ về quân khu, từ quân khu về Tỉnh đội Bình Trị Thiên và khi đứng trước sự lựa chọn giữa quân hàm thiếu tá hay một chân văn phòng cấp huyện, Hồ Duy Thiện vui vẻ rời quân ngũ, vĩnh viễn là chàng đại úy lính trận.
 
Hơn 17 năm quân ngũ, người đàn ông trung niên họ Hồ trở về xây dựng quê hương huyện nhà với kiến thức của một kỹ sư chính quy, bản lĩnh của một sĩ quan chiến trận. Nhiều khi, chính những yếu tố thuận lợi lại thành ngáng trở người ta thể hiện hoài bão. Câu chuyện thế sự thì dài và cũng không thể hiện trong góc bảo tàng quân ngũ của đại úy Thiện. Chỉ có hai chi tiết nhỏ mà tác giả bài viết này “mục sở thị" và muốn nhắc lại đây để lưu dấu một hiện tượng thiên nhiên lý thú.
 
Phong Hóa là vùng đất bằng phẳng và mát lành mà sách phong thủy gọi là đất lương thổ. Một thế kỷ trước, giới cai trị người Pháp đã khôn ngoan đặt lỵ sở huyện lỵ ở đây. Có một vùng đầm nước không rộng lắm ở làng Minh Cầm từ xưa đã mọc một giống sen hồng rất đẹp và có đôi chút lợi ích về kinh tế.
 
Những năm cuối chiến tranh phá hoại của không lực Hoa Kỳ, không biết vì nguyên nhân gì, sen không mọc nữa. Dân làng mất một nguồn lợi nho nhỏ mà khách vãng lai cũng không còn một cảnh quan đẹp mắt để thưởng thức. Rất may là cái đầm lầy đó ngập nước hơi sâu nên dù không còn sen nữa thì cũng chỉ bỏ hoang hóa. Rồi bỗng một ngày đầu mùa hè tròn 20 năm sau, người dân trong vùng ngỡ ngàng thấy sen mọc lên như thể không hề có quãng dài vắng bóng. Cũng năm đó, Phó Chủ tịch HĐND huyện, viên đại úy họ Hồ đắc cử Chủ tịch UBND huyện trong nỗi vui mừng của người dân quanh vùng.
 
Tôi ngồi với ông một buổi trong phòng khách của ngôi từ đường ở Minh Cầm, nghe ông kể chuyện đời. Ngôi từ đường là công sức đóng góp của con cháu báo hiếu bậc sinh thành. Nhưng căn phòng trong khuôn viên là do ông tự xây cất vừa để làm phòng khách, lưu giữ kỷ vật và để ông mỗi khi thấy lòng xao xuyến thì tìm về tĩnh tọa.
 
Hơn 10 năm qua, ở tuổi 73, ông vẫn đều đặn viết sách, viết sử và viết báo chí vừa cho vui và có thêm thu nhập, chống sự lão hóa trong tư duy. Cùng với những quân cụ chiến tranh, bảo tàng của ông còn vô thiên lủng giấy khen, bằng khen đến huân chương, huy chương các kiểu... Nhưng, những chứng nhận thành tích từ thời sinh viên đến khi về hưu là Chủ tịch UBND huyện thì ông chỉ trân trọng lưu giữ trong bảo tàng.
 
Một kỹ sư chính quy từng mặc đồ trận, quân hàm sĩ quan, một người cầm bút, tác giả 3 đầu sách, 13 cuốn lịch sử của các xã các cơ quan; sưu tầm, biên tập, soạn giả 9 tập sách “Tuyên Hóa-Quê hương, con người”, với hàng trăm bài báo được đăng, hiện đang chắp bút viết địa chí cho vùng đất Tuyên Hóa mênh mông và đầy trầm tích, người ấy tự đúc kết một lời trấn an ở cái tuổi “thất thập nhi tùng tam sở dục bất du củ” (70 tuổi có thể làm những gì theo sở thích mà không sợ sai) chắc không hề đơn giản.
 
Trong bảo tàng còn treo 4 câu của Văn Lợi tặng ông, dẫu cũng chỉ là cách chơi chữ của nhà thơ, nhưng đọc lên thấy thấm thía thế sự:
 
                            “ANH từng một thời trận mạc xông pha
                             HỒ dễ mấy ai có phần được thế
                             DUY lẽ này dân gian thêm vị nể
                             THIỆN tâm là trọn vẹn với nhân sinh!”
 
Đúng vậy! Ông luôn sống với chữ "tâm" trong sáng của mình, cũng nhờ chữ "tâm" đó mà ông được nhiều  người nể trọng.
 
Sau khi ông nghỉ hưu, tôi có dịp tiếp xúc với nhiều cán bộ dưới quyền, họ đều quý mến ông, kể về ông những điều tốt đẹp. Có lẽ đó chính là khả năng lan tỏa sự tử tế, trong nội hàm có cả lòng chung thủy, không quên đồng đội thời trận mạc, bạn bè thuở hàn vi.
 
Nguyễn Thế Tường

tin liên quan

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tài và đức vẹn toàn!

(QBĐT) - Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo khẳng định: "Võ Nguyên Giáp là bậc thầy về cách đánh. Ông luôn tìm ra cách đánh độc đáo và sáng tạo, vừa bảo đảm thắng lợi cao nhất vừa hạn chế thấp nhất thương vong cho chiến sỹ…

Người Rục và một thập kỷ bứt phá!

(QBĐT) - Nếu tính về tuổi xã hội, trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, người Rục (Thượng Hóa, Minh Hóa) được ví như người em út. Họ được Đảng, Nhà nước "chăm sóc" nhiều hơn trong quá trình hòa nhập cộng đồng. 

"Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng của lòng dân"

(QBĐT) - Nghe giọng tôi qua điện thoại, ông hào hứng hỏi: "Quảng Bình à? Quê hương của bác Giáp! Mình đã được về viếng mộ bác 2 lần rồi đấy". Nói rồi, ông kể những ca khúc viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà giọng hào sảng như thể người thân lâu ngày gặp lại.