.
PGS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường:

"Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng của lòng dân"

.
09:20, Thứ Tư, 25/08/2021 (GMT+7)
(QBĐT) - Nghe giọng tôi qua điện thoại, ông hào hứng hỏi: “Quảng Bình à? Quê hương của bác Giáp! Mình đã được về viếng mộ bác 2 lần rồi đấy”. Nói rồi, ông kể những ca khúc viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà giọng hào sảng như thể người thân lâu ngày gặp lại.
 
5 năm trước, nhạc sỹ Lân Cường cho ra mắt tuyển tập “Vị tướng của lòng dân” gồm 99 bài (trong đó có 91 ca khúc và 8 bản hợp xướng) của 84 tác giả viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây được coi là cuốn sử bằng nhạc được ông dày công sưu tầm bằng tất cả tấm lòng và sự thành kính dành cho “Vị tướng của lòng dân”.
 
Cuốn sử bằng âm nhạc
PGS.TS, nhạc sỹ Lân Cường, sinh năm 1941, quê ở Hưng Yên. Ông là nhà cổ nhân học số 1 của Việt Nam và hiện là Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Cổ sinh địa tầng Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tác giả phi hư cấu (VANFA). Ông còn là một nhạc sỹ và giữ cương vị Phó Chủ tịch Thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội, chỉ huy dàn hợp xướng Hanoi Harmony.
 
Tháng 10-2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Trong dòng người đến viếng Đại tướng tại ngôi nhà của ông trên phố Hoàng Diệu, nước mắt đã không ngừng rơi. Nhạc sỹ Lân Cường kể lại rằng trên con phố Hoàng Diệu những ngày đó, nhìn đoàn người vào thắp hương cho Đại tướng khiến ông không khỏi xúc động.
 
Nhưng chuyện khiến ông nhớ mãi là đêm 12-10 năm đó, ông nhìn thấy một bà cụ tóc bạc trắng ngồi chờ để vào tiễn biệt Đại tướng lần cuối trong Nhà tang lễ Quốc gia. Nhìn cụ khóc nức nở như một đứa trẻ, ông cũng không cầm được nước mắt và bật ra chủ đề của ca khúc định viết “Vị tướng của lòng dân”.
 
“Ngay sau đó, khi ca khúc hoàn thành đã được ca sỹ Trọng Tấn thể hiện với phần đệm piano của NSND Phạm Ngọc Khôi. Thời gian sau, tôi chuyển bản viết tay đến cho Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cùng lời hứa sẽ tìm kiếm và lưu lại tất cả những bài hát về Đại tướng của các nhạc sỹ khắp cả nước để tặng bảo tàng. Vậy là tôi nảy ra ý định sẽ biên soạn một tuyển tập âm nhạc gồm các ca khúc, hợp xướng viết về Đại tướng của các nhạc sỹ chuyên và không chuyên.”, nhạc sỹ Lân Cường nhớ lại.
 
Cuối tháng 5-2015, nhạc sỹ Lân Cường đã có trong tay 127 bài. Ông tìm gặp các nhạc sỹ An Thuyên, Phó Đức Phương, Trương Ngọc Ninh, Hoàng Lân đề nghị tham gia Hội đồng thẩm định, để chọn ra những bài đạt tiêu chuẩn. Sau những ngày trăn trở và làm việc bằng tất cả lòng kính yêu dành cho Đại tướng, tháng 9-2016, bản thảo của tuyển tập chốt lại 99 bài (91 ca khúc và 8 bản hợp xướng của 84 tác giả).
Ảnh bìa Tuyển tập “Vị tướng của lòng dân”.
Ảnh bìa Tuyển tập “Vị tướng của lòng dân”.
“Xong phần âm nhạc, tôi thấy sách mỏng quá. Không ổn! Thế là tôi nghĩ đến việc bổ sung phần cuối sách những trang ảnh về Đại tướng mà chưa từng được công bố. Tôi gặp hai nghệ sĩ nhiếp ảnh bạn tôi là anh Nguyễn Đình Toán và Trần Định rồi đề nghị Điện Biên-trưởng nam của Đại tướng cho tôi được sử dụng các bức ảnh về gia đình.
 
Anh Biên còn gửi cho tôi một số bức ảnh của nhà báo Mỹ Catherine Karnow-con gái của nhà báo Mỹ Stanley Karnow-người đã làm bộ phim nổi tiếng “Vietnam a History”. Cùng với những bức ảnh của Đài Tiếng nói Việt Nam cung cấp, tổng cộng trong tập sách có 42 bức ảnh. Đây là những tư liệu rất có giá trị về Đại tướng.”, nhạc sỹ Lân Cường cho biết thêm.
 
Sau khoảng 3 năm tâm huyết sưu tầm, nhạc sỹ Lân Cường đã cho ra mắt tuyển tập “Vị tướng của lòng dân” như một nén tâm nhang tri ân vị Đại tướng đáng kính. Tuyển tập được coi là cuốn sách âm nhạc đầu tiên về Đại tướng và là cuốn lịch sử bằng nhạc khắc họa rõ nét chân dung của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà như nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam đánh giá đó là “tấm lòng, tình cảm của giới âm nhạc kính dâng lên Người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam”.
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gia tộc Nguyễn Lân
 
Là con thứ 4 của cố Nhà giáo nhân dân (NGND) Nguyễn Lân-một trong những gia tộc khoa bảng nổi tiếng bậc nhất Việt Nam, PGS.TS, nhạc sỹ Nguyễn Lân Cường cũng có một sự nghiệp đáng nể trọng. Cũng như những người anh em khác trong gia đình, ông ghi dấu ấn đậm nét trong công tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Ông còn được coi là “nhà khoa học chơi nhạc” khi vừa nhà khoa học nổi tiếng trong lĩnh vực khảo cổ học, vừa là nhạc sỹ với hơn 60 năm gắn bó cùng âm nhạc.
 
Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành sự quan tâm, ưu ái với công tác nghiên cứu khoa học và giáo dục-đào tạo. Trong khi đó, NGND Nguyễn Lân và cả 8 người con đều đứng trên bục giảng đại học ở trong và ngoài nước-một điều mà hầu như không có gia đình nào có được. Đó cũng là lý do vì sao, gia đình cố NGND Nguyễn Lân có sự gắn bó đặc biệt với Đại tướng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và PGS.TS, nhạc sỹ Nguyễn Lân Cường.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và PGS.TS, nhạc sỹ Nguyễn Lân Cường.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường kể rằng từ những năm 30 của thế kỷ trước, cha ông cùng dạy học với thầy Võ Nguyên Giáp tại Trường tư thục Thăng Long (số 20, phố Ngõ Trạm, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Sau này, Đại tướng vẫn giữ quan hệ thân thiết với NGND Nguyễn Lân và đến tận khu tập thể Kim Liên thăm gia đình nhà giáo 2 lần.
 
“Tôi lại cùng công tác với PGS.TS Đặng Bích Hà-phu nhân Đại tướng ở Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam). Vào đầu thập kỷ 70, thời bao cấp rất khó khăn, nhu cầu văn hóa lại vẫn cần. Tôi nhớ, hàng tuần, chúng tôi phải “chạy” phim của các Đại sứ quán để mang về chiếu cho cán bộ nghiên cứu xem.
 
Nhiều phim nói tiếng Pháp, buổi trưa tôi phải mời chị Hà đến dịch trực tiếp, tôi ghi tốc ký cả buổi, để kịp tối thuyết minh cho anh em xem. Vì thế 2 chị em khá thân nhau nên có 2 lần tôi đến thăm chị và được tiếp chuyện Đại tướng.”, PGS.TS Nguyễn Lân Cường nhớ lại.
 
Buổi gặp gỡ, Đại tướng say sưa hỏi về các công trình ông đang nghiên cứu, đặc biệt là hai nhục thân Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường ở chùa Đậu. Thời điểm đó, Đại tướng ân cần nhắc ông phải giúp địa phương giữ gìn cẩn thận hai báu vật này... “Lần thứ ba là tại Maxcova vào năm 1988, khi tôi đang là thực tập sinh tại Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (cũ), tôi được ra khách sạn gặp và chụp ảnh với Đại tướng. Chính vì vậy mà khi Đại tướng mất, tôi bàng hoàng và nghĩ phải viết bằng được một ca khúc về Đại tướng-một người Cộng sản kiên trung, đức độ và uyên bác.”, PGS. TS Nguyễn Lân Cường bùi ngùi.
 
80 tuổi, cống hiến trọn cuộc đời cho khoa học và âm nhạc, PGS.TS, nhạc sỹ Lân Cường mong sẽ sớm tổ chức một đêm nhạc đặc biệt về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với ông, đó là kết tinh những tình cảm chân thành nhất của mình đối với “Vị tướng của lòng dân”. “Mong rằng từ nay đến đến cuối đời sẽ cố gắng thực hiện được ước mơ của mình.”, ông cười hiền.
 
Trong tuyển tập “Vị tướng của lòng dân” có một số tác phẩm nổi bật. Về hợp xướng có: “Có một khu rừng như thế” (Doãn Nho), “Tướng Giáp Việt Nam” (Đặng Nhất Mai, phỏng thơ Nguyễn Đức Thắng), “Những đoàn quân như sóng” (Đức Trịnh, lời thơ Lê Cảnh Nhạc), “Hát về Người Đại tướng của nhân dân” (Lê Gia Hiếu, thơ: Tống Minh Lung); về ca khúc có: “Còn mãi với mùa thu” (Quỳnh Hợp, thơ Anh Ngọc), “Tiếng đàn” (An Thuyên), “Chuyện kể ở Điện Biên” (Vũ Văn Viết, thơ Đàm Tuất), “Đất Mẹ ngày về” (Phạm Phương Thảo), “Khúc quân hành tưởng niệm” (Cát Vận), “Đại tướng của chúng ta” (Nguyễn Lân Hùng)...
 
Diệu Hương
,
  • Bình dị ngôi nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên dòng Kiến Giang

    (QBĐT) - Đó là căn nhà gỗ ba gian bình dị nằm ở làng An Xá, xã Lộc Thủy (huyện Lệ Thủy), bên dòng Kiến Giang thơ mộng. Nơi đây Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cất tiếng khóc chào đời và có những năm tháng tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm... 

    25/08/2021
    .
  • "Cho mình xin thêm... năm phút!"

    (QBĐT) - Chắc chắn Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người luôn tôn trọng lời hứa, là một vị tướng cầm quân ông luôn biết giữ nghiêm kỷ luật với chính bản thân mình ngay cả khi đã thành vị đại lão thượng thọ vui thú tuổi già.

    24/08/2021
    .
  • Một số hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Quảng Bình

    (QBĐT) - Hơn 80 năm gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, dù rất bận rộn nhưng trong tâm khảm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn dành cho quê hương một tình cảm sâu nặng. Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng (25-8-1911 - 25-8-2021), Báo Quảng Bình điện tử trân trọng giới thiệu một số hình ảnh của Người với quê hương Quảng Bình.

    24/08/2021
    .
  • Nhớ những lần được gặp Đại tướng

    (QBĐT) - Đối với cán bộ, chiến sỹ, người dân Quảng Bình, mỗi lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn là kỷ niệm không bao giờ quên. Với tôi cũng vậy. Những lần được gặp Đại tướng luôn là những ký ức nguyên vẹn trong tôi.

    24/08/2021
    .
  • Chuyện về một bài "huyện ca"

    (QBĐT) - "Anh đưa em về thăm quê anh xứ Lệ/ Nơi giọng hò ru anh thời thơ trẻ/ Sông nước chan hòa ôm ấp tình quê/ Bởi Kiến Giang xanh ôm mái tóc thề/ Ngày xa quê anh không hẹn lại về...", những ca từ giản dị mà da diết như mời gọi, níu kéo trong ca khúc "Đưa em về Kiến Giang" của nhạc sỹ Xuân Đồng, vốn đã quen thuộc với bao người con xứ Lệ. Nhưng không phải ai nghe, ai thuộc cũng biết nguyên cớ ra đời của ca khúc này.

    24/08/2021
    .
  • Đại tướng với quê hương

    (QBĐT) - Có lẽ không một người dân Quảng Bình nào quên được những chuyến về thăm quê của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong ký ức của mỗi người chắc chắn sẽ mãi mãi khắc ghi những kỷ niệm về ông. Tôi là một trong những người con của Lệ Thuỷ, Quảng Bình may mắn đã có những lần gặp gỡ, trực tiếp được nghe Đại tướng dặn dò chỉ bảo; và cho đến bây giờ tôi vẫn luôn ghi nhớ và vô cùng trân trọng những tình cảm của Đại tướng đối với quê hương.

    24/08/2021
    .
  • Ba và Mẹ trong trái tim chị Võ Hồng Anh

    (QBĐT) - Cuộc trò chuyện này được thực hiện năm 1999, khi tôi đang là phóng viên Báo Nông thôn ngày nay. Tôi nhớ bản thảo được chị sửa chi chít bằng mực đỏ, nhiều nhất là cách diễn đạt. Chị bảo: "Em phải tự nghiêm khắc với bản thân, phải luôn rèn giũa"…

    24/08/2021
    .
  • Ân tình Đại tướng với quê hương

    (QBĐT) - Một ngày đầu tháng Tám, phóng viên Báo Quảng Bình được gặp lại ông Đinh Hữu Cường, nguyên cán bộ lãnh đạo chủ chốt tỉnh trong khoảng 15 năm đầu Quảng Bình trở về địa giới cũ.

    23/08/2021
    .