.

Ba và Mẹ trong trái tim chị Võ Hồng Anh

.
08:38, Thứ Ba, 24/08/2021 (GMT+7)
(QBĐT) - Cuộc trò chuyện này được thực hiện năm 1999, khi tôi đang là phóng viên Báo Nông thôn ngày nay. Tôi nhớ bản thảo được chị sửa chi chít bằng mực đỏ, nhiều nhất là cách diễn đạt. Chị bảo: “Em phải tự nghiêm khắc với bản thân, phải luôn rèn giũa”…
 
Giáo sư, Tiến sĩ Võ Hồng Anh, sinh năm 1941, là con gái duy nhất của liệt sĩ  Nguyễn Thị Quang Thái (em gái liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Võ Hồng Anh thi đậu vào Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp - chị theo học khoa Vật lý (bộ môn Lý thuyết lượng tử) và đã tốt nghiệp đại học vào năm 1965. Năm 1982, chị đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Toán- Lý. Võ Hồng Anh là người phụ nữ đầu tiên của ngành Vật lý Việt Nam được tặng giải thưởng Kovalevskaia vào năm 1988. GS.TS Võ Hồng Anh đã qua đời vào 16 giờ ngày 18-7-2009 vì bạo bệnh. Mộ phần được đặt tại nghĩa trang Thanh Tước (Hà Nội).

“Khi được gặp lại ba lần đầu, tôi nhất định không nói một lời nào, kể cả khi ông bế tôi ra chỗ vắng, chỉ với một câu hỏi: “Có nhớ, có thương ba không”. Tôi và ông cụ thường hay có kiểu “hiểu không lời”-rất đặc biệt.


Chị Võ Hồng Anh, đã nói như vậy trong cuộc trò chuyện của chúng tôi về gia đình.
 
…Từ khi biết đọc, biết viết, tôi thuộc từng đoạn dài trong những lá thư ba tôi gửi về, những lá thư bao giờ ngoài phong bì cũng có câu đề: “Hồng Anh, con gái Anh Văn…”, và tôi thích nhất bức ảnh ba tôi mặc quần áo bộ đội, đội cái mũ Vệ Quốc đoàn có gắn sao phía trước mà người gửi về cho tôi…
 
- Và sau này, mỗi khi kể lại chuyện “ngày xưa” giữa hai cha con, ông cụ thường nhắc lại chuyện gì nhiều nhất?
 
- Có nhiều chuyện, trong đó có những chuyện liên quan đến việc “Hồng Anh không nói…”. Khi kể đến chuyện năm 1951, sau chiến thắng của ta ở Non Nước (Ninh Bình), ông đạp xe thẳng từ đấy về Thanh Chương (Nghệ An) thăm hai bà cháu. Ba tôi nhớ lại: “Lúc đó, ba có hỏi gì Hồng Anh cũng lặng thinh”. (Có lẽ ông ghi nhớ cái tính khí “đặc biệt” của con gái từ ngày ấy).
 
Cũng trong lần về thăm ngắn ngủi đó, ba đã tranh thủ đèo tôi bằng xe đạp từ Thanh Chương lên Chợ Rạng, Đô Lương thăm cậu ruột của tôi. Trên đường (tôi nhớ lúc đó trời đã tối), ông lại hỏi: “Con có nhớ ba không?”. Tôi cũng không nói.
 
Im lặng hồi lâu, ba lại nói: “Chị Hà cũng thương con lắm” (Khi mới về làm vợ ba tôi, cô Hà thường xưng với tôi bằng “chị” và tôi cũng gọi như vậy). Sau này, trong một lần đến thăm bác Trường Chinh, bác gái đã khuyên tôi: “Cháu nên gọi cô Hà là “cô”. Như thế hay hơn”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người vợ đầu tiên - liệt sỹ Nguyễn Thị Quang Thái.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người vợ đầu tiên, Nguyễn Thị Quang Thái.
- Chị từng nói rằng, dù không nhớ mặt mẹ nhưng hình ảnh mẹ trong chị luôn rõ nét, sinh động và xác thực nhờ thông tin từ những người thân trong gia đình và các cô bác cùng hoạt động, bị tù cùng mẹ. Vậy ba chị đã kể cho chị nghe về người mẹ quá cố như thế nào?
 
- Vẫn kiểu kể không nhiều lời… Trước khi tôi sang Quế Lâm (Trung Quốc) học, ba đã kể cho tôi nghe về mẹ, về lòng vị tha, đức hi sinh, về tính cách vừa dịu dàng, vừa kiên nghị của mẹ. Rồi ba tặng tôi một cuốn sổ trong đó ghi những lời dặn dò tôi noi gương mẹ, lớn lên trả thù cho mẹ. Cuốn sổ ấy, tôi giữ cho đến tận bây giờ.
 
... Khi ba tôi chia tay hai mẹ con để sang Trung Quốc thì tôi còn quá bé, chưa biết gì. Người đầu tiên gợi lại hình ảnh người cha trong tôi là bà nội. Điều bà nói nhiều nhất về ba với tôi là: Từ lúc ba tôi còn bé cho đến lúc đi hoạt động cách mạng, bà luôn tin những điều ba tôi làm… Vì thế trong suốt thời gian xa cách, tôi đã luôn nghĩ về ba với niềm tự hào thơ trẻ và tình cảm tin yêu gần gũi.
 
Mỗi khi tôi về nghỉ hè, ông thường lục lại những thư từ của mẹ cho tôi xem. Nhiều nhất là những bức thư ba mẹ tôi gửi cho nhau (cả từ trước khi cưới nhau) và những bức thư mẹ tôi gửi cho ông bà nội, cho chú Nho (em ruột ba tôi), cho bà ngoại và các cậu dì của tôi và cho tôi từ nhà tù Hỏa lò.
 
Thư viết cho người lớn chữ lít nhít (vì bọn chúng chỉ phát cho mảnh giấy rất bé), viết cho tôi chữ to hơn. Trong thư, mẹ tôi dặn bà và chú: “Làm sao cho Hồng Anh sau này lớn lên không biết khổ mà chỉ thương người khổ”. Ban đầu, tôi giữ lại tất cả những bức thư đó.
 
Sau rồi, ba tôi bảo: “Để ba giữ, kẻo Hồng Anh giữ rồi đọc nhiều lại buồn”. Tôi không còn nhớ mặt mẹ nhưng qua những tấm ảnh, những bức thư, qua lời kể của ba tôi và những anh em, đồng chí của mẹ, qua những câu chuyện  của họ hàng, láng giềng ở quê, và bao trùm lên tất cả là một sợi dây thiêng liêng vô hình nào đó, hình ảnh của mẹ đã hiện lên trong tôi rõ nét và xác thực. Và  tôi đã cảm nhận được tình cảm thiêng liêng giữa ba và mẹ...
 
- Chị có được Tướng Giáp kể về lần gặp gỡ đầu tiên với mẹ chị, kỷ niệm đã làm nên mối tình đầu thiêng liêng của ông?
 
- Đó là vào năm 1929, ba tôi ra Vinh và Hà Nội để bàn với các đồng chí trong chi bộ ở đó tổ chức cho đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đi thoát ly. Trong dịp này, ba tôi đã được nghe đến cái tên Nguyễn Thị Quang Thái, cô em gái còn rất trẻ nhưng hoạt động hăng hái của chị Minh Khai. Nghe mà chưa gặp mặt.
 
Thế rồi, trong chuyến trở vào Huế, ba tôi đã gặp mẹ tôi trên tàu hỏa. Mẹ tôi lúc ấy mặc áo dài, tóc để xoã, da trắng hồng, gương mặt rất sáng, đặc biệt là đôi mắt. Ấn tượng để lại trong ba tôi khá đậm nét. Còn ba tôi lúc ấy đóng vai một nhà báo khá ăn diện. Về sau mẹ tôi mới nói lại cho ba ấn tượng đầu tiên của mình: Một chàng thư sinh với vẻ “công tử bột”, chỉ khi nghe tự giới thiệu là nhà báo thì mẹ mới dịu lòng và bắt chuyện.
 
Hai người kết hôn khi mẹ tôi 20 tuổi, nhưng mãi đến gần chục năm sau mẹ mới sinh tôi vì ba mẹ “giữ” để được thoát ly hoạt động cùng nhau. Và mẹ đã bị bắt khi ba tôi đang hoạt động ở Trung Quốc và tôi còn rất bé. Thời gian họ ở bên nhau không dài lắm nhưng bằng tất cả sự trải nghiệm và sự nhạy cảm của mình, tôi hiểu mối liên hệ giữa ba mẹ là thiêng liêng và bền chặt.
 
Thế nhưng, năm 1946, khi tôi được gặp lại ba lần đầu trong dịp ba ghé thăm ông bà nội và tôi ở thị xã Đồng Hới (Quảng Bình) - trên đường đi kinh lý Nam Bộ - thì tôi lại ngậm thinh, nhất định không nói một lời nào, kể cả khi ông bế tôi ra chỗ vắng, chỉ với một câu hỏi: “Có nhớ, có thương ba không?”. Có lẽ, đó là tiền lệ cho kiểu “hiểu không lời” giữa hai cha con cho mãi về sau này…
 
- Và mãi về sau này, mẹ chị hẳn vẫn có một vị trí đặc biệt trong trái tim của Tướng Giáp?
 
- Đó là một vị trí thiêng liêng và độc nhất vô nhị. Còn về ý bạn muốn hỏi mà tôi đã hiểu thì thế này: Trong toán học có những đại lượng gọi là không tương thích (nghĩa là không so sánh được), những người làm toán không bao giờ đem so sánh những đại lượng đó. Trong cuộc sống cũng như vậy. Điều đáng nói là, vong linh của mẹ được yên lòng về cuộc sống của ba khi vắng bóng bà. Tôi nghĩ là như vậy.
 
- Và tình cảm của ba chị đối với chị cũng rất đặc biệt?
 
- Vâng, có lẽ thế. Mỗi người chúng ta đều cảm nhận nét riêng trong tình cảm ba mẹ dành cho mình theo góc độ khác nhau. Riêng tôi, tôi cảm nhận sự đặc biệt đó chủ yếu vẫn qua “một cái kênh không lời” và phần nào qua cư xử hàng ngày của ba tôi, mà rõ nhất là sự đòi hỏi khắt khe.
 
- Nghe nói, ông yêu thương chị một cách đặc biệt cơ mà?
 
- Yêu thương không có nghĩa là cưng chiều. Tôi nhớ, hồi ở Việt Bắc, thỉnh thoảng, ba tôi lại bảo bà nội: “Buổi chiều, bà cho Hồng Anh tham gia với các chú bộ đội”. Tôi  lấy đôi ủng của ba để đi ra ruộng rau (như mọi đứa trẻ, tôi thích thú vì đó là thứ của ba và tôi lại rất sợ bị vắt bám), đôi ủng cao lút  hai chân, tôi đi vẹo vọ, nhìn rất ngộ. Tôi mới học lớp ba, lớp bốn gì đó, ba đã bắt đọc cuốn: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” của bác Trường Chinh.
 
- Khi chị lấy chồng, Tướng Giáp có “ý kiến” gì về sự lựa chọn của chị?
 
- Mới đầu, khi chúng tôi từ Liên Xô về nghỉ hè để “báo cáo”, ông cụ đã không đồng ý. Lý do không phải vì chê “người ấy” mà chỉ vì ông muốn tôi làm dâu một gia đình tham gia cách mạng ngay từ đầu. Cũng có thể đó là quan niệm của thế hệ. Về sau, ông đã tôn trọng quyết định của tôi.
 
- Sinh ra trong một gia đình đặc biệt như vậy, chị có thấy khó khăn giữa đời thường không? Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, cảm giác của chị thế nào khi nhiều người nhìn chị dưới góc độ chị là “con gái Tướng Giáp”?
 
- Trong tôi niềm tự hào về ba không tách rời niềm tự hào về Tổ quốc, và càng không bao giờ tách khỏi ý thức trách nhiệm. Tôi mong muốn sống xứng đáng với ba mẹ nhưng bằng sức lực tình cảm, trí tuệ của riêng mình. Người ta có quyền tự hào và kiêu hãnh về ba mẹ. Nếu vị trí của ba mẹ đem lại niềm cảm thông, quý mến của những người xung quanh (kể cả cách nhìn nhận khắt khe và sự đòi hỏi cao do lòng quý mến) thì đó là cái “lộc” mà ta được hưởng. Nhưng người ta không có quyền núp dưới cái bóng của ba mẹ để đạt được những điều ngoài năng lực của mình...
 
Là con gái đầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chị Võ Hồng Anh có nhiều gắn bó với quê hương Quảng Bình. Sau khi mẹ mất, cha tiếp tục đi hoạt động cách mạng, chị Hồng Anh ở với bà nội tại quê hương Lệ Thủy. Trước khi ra nước ngoài du học, chị cũng là người gắn bó với bà nội và quê hương Quảng Bình nhiều nhất. Chị nhớ rất rõ tên, tuổi từng người họ hàng xa gần trong quê. Chị nhớ và thích thú với từng món ăn quê nhà, nghe rõ và có thể nói rành rọt từng chữ, từng câu giọng Lệ Thủy. Nếu có người từ Quảng Bình đến chơi nhà, hầu như chị luôn là người bắt chuyện đầu tiên… Và cả thời gian dài sau này cũng thế, chị luôn đem đến cho đồng hương Quảng Bình cảm giác ấm áp, gần gũi, như là lâu ngày gặp lại người thân trong gia đình nơi đất khách quê người. Chị Võ Hồng Anh hầu như có mặt trong tất cả các chuyến về thăm quê hương Lệ Thủy-Quảng Bình của gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những năm tháng sau này, khi Đại tướng đã yếu, hàng năm chị vẫn về thăm quê một mình, ít nhất là 1 lần. Và chị đã trở thành người chị, người bạn thân thiết của một số anh chị em ở Quảng Bình như: Hoàng Thị Ái Nhiên, Nguyễn Thế Tường, Trần Thị Hồng Hiếu… qua những lần thăm quê đó.
 
Lương Thị Bích Ngọc
Tổng biên tập Tạp chí Du lịch TP.HCM

 

,
  • Ân tình Đại tướng với quê hương

    (QBĐT) - Một ngày đầu tháng Tám, phóng viên Báo Quảng Bình được gặp lại ông Đinh Hữu Cường, nguyên cán bộ lãnh đạo chủ chốt tỉnh trong khoảng 15 năm đầu Quảng Bình trở về địa giới cũ.

    23/08/2021
    .
  • Những kỷ niệm đặc biệt với Đại tướng

    (QBĐT) - Cho đến bây giờ, sau 38 năm 03 tháng công tác, ngày 1 tháng 3 năm 2021 tôi nhận quyết định nghỉ hưu. Và ngẫm lại, tôi vẫn thấy điều đặc biệt nhất trong cuộc đời, là đã rất may mắn được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị Đại tướng lừng danh, người con của quê hương Quảng Bình yêu dấu.
     
    23/08/2021
    .
  • Tướng Giáp - Động lực đằng sau mỗi thắng lợi

    (QBĐT) - "Đằng sau mỗi thắng lợi, người ta thấy Tướng Giáp là nguồn động lực. Công trạng của ông là vô song và kết quả đạt được là phi thường, chính cái đó tạo nên thiên tài quân sự." Đó là nhận định sau một chuỗi luận đề khoa học đã được nhà sử học quân sự Mỹ Cecil B Curey khẳng định trong công trình khoa học mang tên "Chiến thắng bằng mọi giá".

    23/08/2021
    .
  • Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những tình cảm dành cho phụ nữ Việt Nam

    (QBĐT) - Lúc sinh thời, đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một vị đại tướng tài ba với tài thao lược quân sự lỗi lạc mà còn là người rất quan tâm đến các tầng lớp phụ nữ. Đại tướng luôn dành cho phụ nữ sự quý mến, trân trọng đặc biệt.

    22/08/2021
    .
  • Tượng đài giữa lòng dân

    (QBĐT) - Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, quê hương luôn là nguồn cội thiêng liêng, mà suốt đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp mang theo. Với Quảng Bình nói chung, Quảng Trạch nói riêng, Đại tướng luôn mong muốn, quê hương ngày càng phát triển, người dân có đời sống ấm no, hạnh phúc.

    20/08/2021
    .
  • Nhớ Đại tướng mùa thu năm ấy…

    (QBĐT) - Hơn một thập kỷ đã trôi qua kể từ mùa thu tháng Tám năm Canh Dần 2010, tôi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi ấy, Đại tướng tròn 100 tuổi. Hà Nội ngày ấy, trời xanh ngập tràn nắng và xào xạc lá vàng rơi. 

    20/08/2021
    .
  • Trưởng thành từ những hồi ức tuổi thơ về Đại tướng và quê hương Quảng Bình

    (QBĐT) - Tôi vinh dự được gặp Đại tướng không chỉ một lần mà là bốn lần, vào các năm 1999, 2000, 2002 và 2006. Lần gặp đầu tiên vào năm 1999, tôi chỉ mới 4 tuổi. Ba lần gặp đầu tiên diễn ra ở quê nhà, khi đó, tôi vẫn là một đứa trẻ hồn nhiên và nghịch ngợm, chưa ý thức được rõ rằng người mình đang ngồi cạnh bên là vị tướng huyền thoại vang danh lừng lẫy.

    18/08/2021
    .
  • Lần thăm quê cuối cùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

    (QBĐT) - Tháng 11-2004, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có chuyến về thăm quê 6 ngày (từ ngày 3 đến 8-11-2004). Tôi có vinh dự của một phóng viên được theo suốt chuyến đi này. Lần thăm quê cuối cùng này của Đại tướng đã để lại trong lòng người dân Quảng Bình tình cảm thân thương, sâu nặng.
     
    17/08/2021
    .