.

Tượng đài giữa lòng dân

.
14:18, Thứ Sáu, 20/08/2021 (GMT+7)
(QBĐT) - Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, quê hương luôn là nguồn cội thiêng liêng, mà suốt đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp mang theo. Với Quảng Bình nói chung, Quảng Trạch nói riêng, Đại tướng luôn mong muốn, quê hương ngày càng phát triển, người dân có đời sống ấm no, hạnh phúc. Có lẽ vì thế, sau hơn 80 năm hoạt động cách mạng, giờ đây Đại tướng đã yên nghỉ trên mảnh đất địa đầu của quê mẹ Quảng Bình. Lúc sinh thời, Đại tướng luôn theo dõi từng bước đi của Quảng Trạch, nên đã nhiều lần về thăm và chỉ đạo sâu sát, ân cần.
 
Về thăm Quảng Bình năm 1962, Đại tướng dành thời gian đi thăm Quảng Trạch, thăm Cảnh Dương, một xã có nhiều thành tích trong kháng chiến chống Pháp và xây dựng hậu phương lớn. Đại tướng biểu dương những thành tích trong chiến đấu, sản xuất của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện nhà nói chung, xã Cảnh Dương nói riêng. Đại tướng căn dặn, Đảng bộ và nhân dân Quảng Trạch phải nêu cao tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng trong tình hình mới.
Đại tướng về thăm xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) năm 1962. (Ảnh: Tư liệu)
Đại tướng về thăm xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) năm 1962. (Ảnh: Tư liệu)
Ngày 8-3-1967, dân quân gái Cảnh Dương bắn rơi một máy bay F4.H của Mỹ. Sau chiến công đó, chị Trương Thị Gấm, chiến sỹ trong khẩu đội vừa lập thành tích, đại diện cho cán bộ, chiến sỹ dân quân xã Cảnh Dương (mang theo một mảnh xác máy bay Mỹ) ra Thủ đô báo công với Đại tướng.
 
Đại tướng khen ngợi, biểu dương tinh thần chiến đấu của Trung đội nữ dân quân Cảnh Dương cũng như tinh thần chiến đấu của quân dân Quảng Trạch, đã góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh leo thang, ném bom phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.
 
Đại tướng thân mật hỏi thăm từng người, chụp ảnh lưu niệm với với đoàn. Đối với cô dân quân làng biển Trương Thị Gấm, đây là vinh dự lớn nhất trong cuộc đời và tấm ảnh được chụp cùng Đại tướng là kỷ vật vô giá của bà. Cũng dịp này, Bác Hồ đã gửi 7 Huy hiệu của Người, thưởng cho 7 dân quân gái Cảnh Dương dũng cảm.      
 
Về kiểm tra tại đường 20 Quyết Thắng đầu năm 1973, Đại tướng đã đến thăm Đội vận tải sông Gianh tại xã Quảng Thuận, đơn vị đã có nhiều thành tích trong chiến dịch vận tải Hòn La (5-1972 - 1-1973). Đại tướng động viên, căn dặn anh chị em công nhân phải ra sức thi đua, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quan trọng, khi hàng đến là giải phóng kịp thời, để vũ khí, lương thực sớm ra chiến trường, góp phần cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Hơn 10 năm sau ngày đất nước thống nhất, ngày 23-4-1986, Đại tướng về thăm, làm việc với huyện Quảng Trạch, đi thăm chiến khu Trung Thuần, thăm xã Cảnh Dương và một số địa phương trong huyện.
 
Đại tướng ân cần hỏi thăm mọi mặt và lưu ý công tác xây dựng, củng cố tổ chức đảng, phát triển giáo dục-đào tạo, chăm lo nguồn lực cho huyện nhà. Đại tướng mong muốn, cán bộ phải lấy gương Chủ tịch Hồ Chí Minh mà rèn luyện, phấn đấu; các cấp ủy phải thường xuyên chăm lo công tác tư tưởng, củng cố mối quan hệ và niềm tin của nhân dân.
 
Năm 1999, tuy tuổi đã cao, Đại tướng vẫn về thăm một số nơi trong huyện Quảng Trạch. Quan tâm tìm hiểu đời sống nhân dân, một trong những trăn trở của Đại tướng là quê hương vẫn còn nghèo so với cả nước. Làm gì để thoát nghèo đi lên là vấn đề Đại tướng đặt ra cho huyện nhà. Đại tướng nói: Phải quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, không đoàn kết thì không thể làm gì được. 
Quảng Trạch đón Đại tướng về thăm năm 1999. (Ảnh: Tư liệu)
Quảng Trạch đón Đại tướng về thăm năm 1999. (Ảnh: Tư liệu)
Ghi sâu lời dạy của Đại tướng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trạch vừa đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, phát huy nội lực, phấn đấu xây dựng huyện nhà ngày một phát triển. Vượt bao khó khăn, nhất là từ khi chia tách địa giới hành chính, thành lập huyện Quảng Trạch mới, trên cơ sở phát huy sức mạnh khối đoàn kết toàn dân, Quảng Trạch đã huy động tối đa các nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
 
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, phát triển và tăng trưởng; giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, chú trọng chính sách an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng-an ninh, chương trình xây dựng nông thôn mới ngày càng hiệu quả…
 
Khi Đại tướng chọn Vũng Chùa-Đảo Yến làm nơi yên nghỉ vĩnh hằng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Trạch hiểu rằng, đó là vinh dự, đồng thời cũng là trọng trách. Với người dân xã Quảng Đông, họ còn có những xúc động đặc biệt.
 
Cựu chiến binh Đậu Văn Kế ở thôn 19-5, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, Đội trưởng Thiếu niên quân từng bắn rơi máy bay F4 Mỹ năm xưa tâm sự: “Đối với chúng tôi, việc Đại tướng chọn núi Rồng làm nơi an nghỉ cuối cùng thật bất ngờ. Tôi và rất nhiều bà con khi biết tin này đều xúc động không cầm được nước mắt, bởi đối với người dân quê tôi, đó là một niềm tự hào lớn. Chúng tôi sẽ cùng các lực lượng chăm sóc, giữ gìn khu mộ Đại tướng thật nghiêm cẩn…”.
 
Và cũng từ ngày Đại tướng đi xa, trên bàn thờ các gia đình đều thêm một di ảnh bên cạnh ảnh Bác Hồ, đó là chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông Phan Văn Công ở thôn Đông Hưng, xã Quảng Đông xúc động mời chúng tôi thăm gian thờ của gia đình. Cạnh bàn thờ gia tiên, ông bố trí riêng một ban thờ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bên bát hương là hai chén nước và bình cúc Đà Lạt xòe cánh vàng tươi.
 
Ông Công cho biết: “Hầu như nhà nào cũng có bàn thờ Bác Hồ. Từ ngày bác Giáp “về” đây, nhà ai cũng đặt thêm chân dung Đại tướng để thờ chung”. Thế mới biết, tượng đài thiêng liêng, bền vững nhất chính là tượng đài được đặt giữa lòng dân!
 
Từng nghe, mỗi lần về quê, Đại tướng thường ngồi dưới bến sông, đưa tay khỏa nước, như tìm trong đó những ký ức xa xưa của ông cha và của biết bao người con Lệ Thủy. Từng nghe, những năm tháng đó, mỗi lần Đại tướng về thăm quê, khi các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện Quảng Trạch tiễn ông ra Đèo Ngang để về Hà Nội, Đại tướng đứng khá lâu, đưa ánh mắt hướng ra phía biển như thầm nguyện ước điều gì. Và hôm nay, những con sóng, những luồng gió từ biển xanh, quyện hòa cùng lòng người, vỗ về đưa Đại tướng vào giấc ngủ, để vị tướng trí dũng, nhân văn, đức độ ấy mãi mãi hiện tồn trong lòng nhân dân.

Nguyễn Tiến Nên
,
  • Nhớ Đại tướng mùa thu năm ấy…

    (QBĐT) - Hơn một thập kỷ đã trôi qua kể từ mùa thu tháng Tám năm Canh Dần 2010, tôi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi ấy, Đại tướng tròn 100 tuổi. Hà Nội ngày ấy, trời xanh ngập tràn nắng và xào xạc lá vàng rơi. 

    20/08/2021
    .
  • Trưởng thành từ những hồi ức tuổi thơ về Đại tướng và quê hương Quảng Bình

    (QBĐT) - Tôi vinh dự được gặp Đại tướng không chỉ một lần mà là bốn lần, vào các năm 1999, 2000, 2002 và 2006. Lần gặp đầu tiên vào năm 1999, tôi chỉ mới 4 tuổi. Ba lần gặp đầu tiên diễn ra ở quê nhà, khi đó, tôi vẫn là một đứa trẻ hồn nhiên và nghịch ngợm, chưa ý thức được rõ rằng người mình đang ngồi cạnh bên là vị tướng huyền thoại vang danh lừng lẫy.

    18/08/2021
    .
  • Lần thăm quê cuối cùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

    (QBĐT) - Tháng 11-2004, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có chuyến về thăm quê 6 ngày (từ ngày 3 đến 8-11-2004). Tôi có vinh dự của một phóng viên được theo suốt chuyến đi này. Lần thăm quê cuối cùng này của Đại tướng đã để lại trong lòng người dân Quảng Bình tình cảm thân thương, sâu nặng.
     
    17/08/2021
    .
  • Học tập tấm gương đạo đức nhà giáo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp

    (QBĐT) - Nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ai ai cũng rất tôn kính và tự hào, đặc biệt, những người đã và đang đứng trên bục giảng lại càng tự hào hơn vì trước khi trở thành Đại tướng, ông đã từng là một thầy giáo. 

    16/08/2021
    .
  • Ba lần gặp Tổng tư lệnh

    (QBĐT) - Với những người làm công tác văn hóa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam là anh Văn thân thiết. Còn với những người lính chúng tôi, dù đang mặc áo lính hay đã giải ngũ, ông là vị chỉ huy suốt đời, là "ông tướng huyền thoại". Riêng tôi, không bao giờ quên được kỷ niệm ba lần được gặp Đại tướng.
     
    10/08/2021
    .
  • Vùng đất Quảng Bình qua "Hoàng Việt nhất thống dư địa chí"

    (QBĐT) - Mang trong mình khát vọng "nhất thống hải vũ", thu giang sơn về một mối, bắt đầu quá trình tái lập vương triều Nguyễn, Hoàng đế Gia Long đã "sai Thượng thư Binh bộ Lê Quang Định kê cứu sách vở, bản đồ cả nước, các thành dinh trấn từ đạo Kinh Sư vào Nam đến Hà Tiên, ra Bắc đến Lạng Sơn" chép thành 10 quyển với tiêu đề "Hoàng Việt nhất thống dư địa chí". 

    10/08/2021
    .
  • Người lái xe và những kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

    (QBĐT) - 10 năm lái xe phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp là khoảng thời gian quý giá của cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Duy Khoa với đầy ắp kỷ niệm về tình đồng hương, đồng chí, đồng đội. Giờ đây, khi nhắc đến những năm tháng không thể quên ấy, ông Khoa lại rưng rưng, xúc động...

    08/08/2021
    .
  • Nhớ những lời chỉ bảo của Đại tướng với quê hương Quảng Bình

    (QBĐT) - Cùng với cán bộ, bộ đội, nhân dân cả tỉnh, cả nước, chúng tôi nghĩ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lòng ngưỡng mộ và kính yêu sâu sắc. Cùng với đó là nhiều ký ức trở về khi đã có một số lần được gặp, làm việc, được tháp tùng, tiếp thu những lời dạy của Đại tướng.

    01/08/2021
    .