.

"Cho mình xin thêm... năm phút!"

.
22:32, Thứ Ba, 24/08/2021 (GMT+7)
(QBĐT) - Chắc chắn Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người luôn tôn trọng lời hứa, là một vị tướng cầm quân ông luôn biết giữ nghiêm kỷ luật với chính bản thân mình ngay cả khi đã thành vị đại lão thượng thọ vui thú tuổi già.
 
Nhưng, tình yêu quê hương luôn thường trực trong ông. Ở nơi trung tâm thủ đô, ông luôn dành và ưu tiên thời gian tiếp khách ở quê ra. Có khi đoàn đến thăm chỉ là một nhóm ba người gồm anh Hoàng Hùng là Phó Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư, nhà báo Thái Thiên và tôi.
 
Có lần một cán bộ bình thường về hưu nhà ở Lộc Đại nhờ tôi đăng ký xin gặp Đại tướng để tặng cuốn sách, ông cũng vui vẻ nhận lời tiếp ngay trong phòng khách gia đình. Cần nói thêm, ông có hai phòng khách: Phòng khách ngoại giao để tiếp các phái đoàn quốc tế, trong nước, những đoàn đông người thăm có tính xã giao và phòng khách gia đình để tiếp bạn hữu và khách quê ra.
 
Có điều thú vị là, nhiều lần có mặt trong các đoàn khách quê, tôi đều chứng kiến Đại tướng luôn thả lỏng trong trạng thái thân mật đời thường và luôn xin thêm thời gian. Lần tiếp anh Hoàng Hùng trên đây, Đại tướng ăn mặc gần như… tuềnh toàng: Quần Pijama, áo lót cộc tay và tư thế ngồi nói chuyện cũng khiến cho chúng tôi vô cùng thoải mái. Thời gian cứ trôi đi, Đại tá Huyên là thư ký thấy đã hết giờ liền vào nhắc, ông sực tỉnh, vội nói:- “Cho mình xin thêm năm phút!”. Năm phút với những người như chúng tôi được ngồi thêm với Đại tướng thật quý giá biết chừng nào...
Tác giả chụp ảnh cùng gia đình Đại tướng.
Tác giả chụp ảnh cùng gia đình Đại tướng.
Dịp Đại hội nhà văn toàn quốc vào năm 2000, chúng tôi cũng được đến thăm, Đại tướng đã chín mươi tuổi nhưng còn rất minh mẫn. Trong cuộc tiếp các nhà văn Bình Trị Thiên hôm ấy, Đại tướng tỏ ra theo sát tiến trình văn học đương đại, có những nhận xét chuyên môn khiến các nhà văn phải đưa mắt nhìn nhau… ngạc nhiên. Tình cờ hôm ấy thế nào mà trong đoàn không có nhà văn nữ nào. Đại tướng hỏi, mọi người mới ớ ra, vì hội trường đông đại biểu nên các nhà văn chỉ biết bấm nhau đi trước giờ nghỉ.
 
Bất ngờ, Đại tướng yêu cầu các nhà thơ… đọc thơ, rồi nói thêm: “Nhưng nhớ đọc bài ngăn ngắn!’. Mọi người cười và thực hiện theo đúng yêu cầu của ông… Như thường lệ, Giáo sư phu nhân Đặng Bích Hà mang kẹo ra, mọi người chưa kịp thưởng thức thì Đại tá Huyên xuất hiện như một lập trình báo hết giờ. Đại tướng nhìn người thư ký cười cười:- “Cho mình xin thêm… năm phút!”, ý rằng, để mọi người ăn hết cái kẹo.
 
Một lần khác, khách cũng là văn nghệ sĩ nhưng đông hơn khá nhiều. Năm 2002, đoàn văn nghệ sĩ Quảng Bình đang dự trại sáng tác ở Đại Lải (Vĩnh Phúc) đến thăm Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu (Hà Nội). “Bám càng” theo đoàn còn có một số nhân viên phục vụ của nhà sáng tác. Như mọi lần tiếp khách quê hương, câu chuyện nhanh chóng vào chiều thân tình giản dị và thời gian lại trôi đi mà không ai để ý. Chúng tôi đề xuất được… hò khoan Lệ Thủy.
 
Bất ngờ, Đại tướng tỏ ra vô cùng hào hứng hoan nghênh. Nhạc sĩ Nguyệt Ánh đã được chúng tôi dặn trước nên chuẩn bị nội dung “ca từ” khá nhuần nhuyễn và hợp tình. Giọng hò cất lên, cùng với mọi người, Đại tướng xố theo rất “chuyên nghiệp” khiến những khách “bám càng” vô cùng ngạc nhiên. Bên ngoài cửa sổ, thấy thấp thoáng bóng quân phục của một chú lính bảo vệ tò mò từ vọng gác vào… “nghe trộm”. Và lại diễn ra cảnh Đại tá Huyên bước vào... Mọi người lập tức dừng lại.
 
Lần này, Đại tướng nói: -“Cho mình thêm… mười phút!”. Có lẽ, hôm ấy, chỉ có tôi mới hiểu và cảm thấy thú vị với con số thời gian “mười phút’ mà vị tướng yêu cầu là khá đặc biệt. Và, cuộc “liên hoan văn nghệ dân gian” hò khoan Lệ Thủy, đặc sản của cư dân hai huyện lưu vực Kiến Giang lại tiếp diễn như không hề có sự bức bách về thời gian. Và rồi, mười phút trôi qua, Đại tá Huyên lại bước vào, Đại tướng phá lệ, nói, gần như khẩn khoản: - Cho mình xin thêm… năm phút…!
 
Không gian phòng khách có khoảng vài mươi giây lắng xuống, xúc động. Rất may là Giáo sư phu nhân đã bưng kẹo ra, và, năm phút ấy là để liên hoan ngọt, chụp ảnh lưu niệm chia tay. Trong bức ảnh lưu lại, Nguyệt Ánh được khoản “nhuận bút” hò khoan khá đặc biệt: Được đứng bên cạnh Đại tướng trong khuôn hình.
 
Một lần khác, cũng tiếp khách ở quê ra, không xin thêm giờ nhưng có một tình huống tế nhị khiến người viết bài này… ngại đến thót tim. Gọi là đoàn khách nhưng chỉ có hai người ‘chân đất’ là tôi và ông Hồ Thái Tôn, một người có xuất bản sách về ‘Địa văn hóa”. Đại tướng đang vội, đã mặc lễ phục để đi làm việc bên ngoài nhưng nán lại vài phút dành cho hai chúng tôi. Gặp gỡ giới thiệu vài câu, ông bạn cao niên của tôi tay nâng cuốn sách, nói: -“ Em có cuốn sách biếu anh!”.
 
Đại tướng cầm cuốn sách chưa kịp nói gì thì ông Tôn trao tiếp gói quà: “Và vài cân… khoai deo!”. Trong mấy giây, tôi thoáng giật mình vì cái sự quá mộc mạc thật tình của ông. Nhưng, Đại tướng nói ngay, giọng khá hào hứng: - “Sách thì cho tôi còn khoai thì phần bà Hà!”. Tay đón gói quà, và theo thông lệ “gửi lời thì nói, gửi gói thì mở”, Giáo sư Đặng Bích Hà mở gói quà, nói: - “Ôi, thứ này bọn trẻ nhà tôi thích lắm đây!”. Rồi bà nhón một lát khoai cho vào miệng. Cử chỉ dân dã thân mật khiến ông bạn tôi hởi lòng hởi dạ mà tôi cũng thở phào nhẹ nhõm.
 
Bây giờ thì Đại tướng đã đi xa, rất xa, không bao giờ có lại cảnh tiếp khách thả lỏng, ăn kẹo cùng hò khoan Lệ Thủy ngay giữa lòng thủ đô và được thấy ông nói với người thư ký của mình, âm điệu gần như khẩn khoản: “Cho mình xin thêm… năm phút!”.
 
Nguyễn Thế Tường
,