Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Miên man chiều Ninh Viễn thành

  • 08:08 | Chủ Nhật, 10/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sinh thời, ba tôi thường nhắc đến thành nhà Ngo. Ông ao ước có được chút ít sử liệu về nó, nhưng thật tiếc là không. Thuở thiếu thời, tôi vẫn nghe người ta gọi “Nhà Ngo Uẩn Áo” để chỉ vùng đất tiếp giáp về phía nam với làng Thuận Trạch quê tôi (Mỹ Thủy, Lệ Thủy).
 
Bây giờ, ngày ngày dạy học cho con em thành nhà Ngo nhưng tôi không ý thức được điều đó, nghĩa là tôi không hề có một chút nghĩ ngợi gì về lịch sử hay mảy may nảy sinh ý định viết về mảnh đất nghĩa tình này. Bỗng nhiên chiều nay, một buổi chiều nắng vàng rải nhẹ, sau cách ly xã hội vì dịch Covid-19, tôi về thành nhà Ngo với mong muốn tìm lại những dấu tích xưa, gợi lên trong tâm trí chút lòng hoài cổ. 
Sơ đồ Ninh Viễn thành.
Sơ đồ Ninh Viễn thành.
Lang thang một vòng thành, tôi đi tìm chuyện xưa, may mắn gặp được thầy giáo Lê Văn Ba, cậu học trò Nguyễn Hiệp, bà Hoàng Thị Gái và cụ Hoàng Văn Hoa. Mỗi người có một câu chuyện và cách lý giải khác nhau về mảnh đất mà họ đang sống. Thành nhà Ngo chẳng còn lại gì ngoài những chỗ đất nhô lên, được xem là những dãy tường thành trước đây ở phía tây nam và rất nhiều tảng đá vuông vắn, nặng cả nghìn cân được tìm thấy ở phía tây bắc thành.
 
Bà Gái cho biết, trước đây, trong một lần đào móng làm nhà, gia đình bà đã tìm thấy một bệ hình lục giác bằng sa thạch, có chân, bề mặt có trang trí 12 cánh hoa sen quanh một vòng tròn. Hiện tại, bệ đã bị nứt làm hai và được dùng làm đôn để cây cảnh của gia đình. Chúng tôi nghĩ, đây rất có thể là một bệ đá có nguồn gốc từ một công trình kiến trúc Chămpa nào đó. Bà còn cho biết thêm, ở phía bờ thành tây nam trước đây có một cái giếng cổ, tục gọi giếng Lấp. Tương truyền dưới đó chôn giấu nhiều vàng bạc, châu báu nhưng không ai dám đào lấy bởi có một lời nguyền gì đó. Bà Gái chỉ cho tôi vị trí của giếng cổ nhưng bây giờ ruộng lúa lấp đầy, chẳng còn dấu tích nào để lại.
 
Chia tay với bà Gái, tôi chạy một vòng xe sang phía tây bắc thành, tiếp giáp với bờ sông Kiến Giang thì gặp ông Hoàng Văn Hoa đang cất mẻ cá bằng rớ bà (vó bè). Ông Hoa là người khá tường tận chuyện cũ. Ông bảo, ông nghe những người đi trước kể lại rằng, xưa ở khu vực đội 1 Quy Hậu có một ngôi chùa, gọi là chùa Chiêm Thành. Khi đào móng làm nhà, gia đình ông Thắng tìm được một cái mâm rất đẹp. Trải thời gian và sự xâm lăng của thực dân Pháp, chùa bị phá tan hoang, không còn lại gì, ngoài một lùm cây cối um tùm. Tương truyền, ngày trước có 3 ông sư tu tập ở đây. Khi mất, cả 3 ông được dân làng mai táng ở đội 3 làng Uẩn Áo ngày nay (xã Liên Thủy, Lệ Thủy). Sau đó được người nhà về cất bốc.
 
Khu vực này, ngày trước cũng có một cái bến, gọi là bến Trùm (vì nó được trùm lại kín mít, chỉ dành cho vua quan đi). Trong lần hạn nặng xảy ra vào năm 1998, sông Kiến Giang khô cạn, người ta tìm được nhiều chùy đá dưới lòng sông. Rất có thể nó được dùng làm vũ khí, phục vụ trong quân sự thời Chiêm Thành hoặc sau này. Rồi người ta cũng tìm thấy một hầm tiền bằng đất ở nhà mụ Đôi...
 
Đá khối tương truyền dùng để xây thành, được tìm thấy dọc bờ sông Kiến Giang.
Đá khối tương truyền dùng để xây thành, được tìm thấy dọc bờ sông Kiến Giang.
Tôi lại được thầy Lê Văn Ba, hiện công tác tại Trường THCS Liên Thủy dẫn đi xem bãi đá được cho là dùng để xây thành nhà Ngo xưa kia. Qua những lần đào ao hồ, làm bờ kè sông Kiến Giang, người ta tìm thấy khá nhiều những tảng đá lớn. Đá có hình vuông, hình chữ nhật với chu vi có viên gần cả mét. Người dân sống trong vùng cho biết, dưới lòng đất còn rất nhiều đá kiểu như thế này. Vậy là gần như chắc chắn, đá này được dùng vào việc xây thành.
 
Chiều muộn trở về nhà, tôi cứ suy nghĩ miên man về thành nhà Ngo và thầm trách về sự vô tình của mình bấy lâu nay. Lật giở sử cũ qua “Ô Châu cận lục”, “Việt Nam khai quốc chí truyện”, “Phủ biên tạp lục”, “Đại Nam nhất thống chí” và “Địa chí Quảng Bình”, thấy xưa nay ít nói về địa danh này hoặc chỉ dừng lại ở những nhận định sơ sài.
 
Về tên gọi, thành nhà Ngo (hay Ngô, Ngò) là gọi theo tên huyện lỵ Chu Ngô thời thuộc Hán; là thành lỵ do nhà Ngô (năm 222-280, thời Tam Quốc) đặt ra để cai trị. Các từ như “Ngò” hay “Ngo” có thể do người nước ngoài (người Pháp) đọc chệch âm mà ra (giống như huyện Đô Lương ở Nghệ An được người Pháp đọc chệch từ bến Đò Lường).
 
Thành nhà Ngo cũng gọi là thành Ninh Viễn. Theo sử liệu, từ xã An Trạch thuộc tổng Mỹ Trạch (theo “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn, tổng này có 8 phường là: An Trạch, Cổ Liễu, Thổ Ngõa, Liêm Ái, Tâm Duyệt, Quy Hậu, Dương Xá, Uẩn Áo), theo con đường dọc sông đi xuống xã Tâm Duyệt, đến cầu sông Quy Hậu, về phía tả có một tòa thành cổ, gọi là Ninh Viễn: “Thành Ninh Viễn ở về địa phận xã Uẩn Áo, huyện Lệ Thủy (nằm về phía nam châu Địa Lý), tại mặt trước thành có con sông Bình Giang (nay là sông Kiến Giang) đưa nước từ nguồn về. Phía sau thành tiếp giáp với sông Ngô Giang (nhánh sông Đâu Giang). Ba mặt thành đều nhìn ra sông, còn một mặt thì trông lên giải núi. Nha môn Trấn Bình hiện ở trong thành Ninh Viễn. Tại cửa Nam thành này người ta thấy có đá khắc mấy chữ “Ninh Viễn Trấn Thành” còn y nguyên”. Đây là khu thành mà các cuộc Nam chinh thời Lý, Trần, Lê thường hạ trại trú quân. “Thành Ninh Viễn một mặt dựa núi ba mặt cách sông hình thế hiểm trở thật là bức dậu của Hóa Châu”.
 
Tòa thành nằm trong phạm vi làng Uẩn Áo, phía tây giáp làng Xuân Hồi, phía nam giáp làng Trạm (Thuận Trạch), phía bắc giáp làng Hoàng Giang. Tòa thành xây dựng trên vùng đất bằng, không bị phụ thuộc vào địa hình mà hoàn toàn có thể chủ động trong việc thiết kế quy mô, cấu trúc thành.
 
Thời Hán thuộc, chia làm 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Nhật Nam bao gồm các huyện Tây Quyển, Lô Dung, Tỷ Ảnh, Chu Ngô, Tượng Lâm. Quận trị quận Nhật Nam là Tây Quyển sau đó là Chu Ngô. Và sau đó, trong vai trò là các tiểu quốc của Chămpa (cũng như các tộc người khác) trước khi là quận huyện của Đại Việt, “Lệ Thủy là đất châu Lý của nước Chàm, thành cũ của Địa Lý là đó”. Hơn nữa, sự có mặt của dòng họ Trà ở thôn Thuận Trạch (phía tây nam thành), mặc dù đã được Việt hóa nhưng vẫn tự nhận là con cháu dòng dõi người Chăm, một mặt minh chứng về sự hiện diện của người Chăm ở vùng đất này, một thời có thể là những chủ nhân của tòa thành này; đồng thời cho biết về vai trò hành chính dân cư của tòa thành, khi xung quanh là cả một vùng dân cư sinh sống (với những công trình tín ngưỡng) của những đợt di dân, tụ cư khi có biến động.
 
Rõ ràng, cách nay cả ngàn năm về trước, đã từng có một tòa thành nguy nga theo lối kiến trúc Chămpa vô cùng tinh xảo và kiên cố. Sự hủy diệt của thời gian và những cuộc Nam chinh (theo sử cũ, năm 982, vua Lê Đại Hành trong một lần đi đánh Chiêm Thành, quân vua Chiêm bỏ thành chạy, vua Lê san bằng thành đi), thành nhà Ngo (Ninh Viễn thành) đã không còn, dù chỉ là phế tích. Nhưng trong ký ức của mỗi người, thành nhà Ngo mãi mãi vẫn còn.
 
Hơn thế nữa, thành nhà Ngo đã trở thành niềm tự hào của đất và người nơi đây. Dù thế nào đi nữa thì lịch sử cũng đã sang trang mới, Uẩn Áo, Quy Hậu hôm nay đang cùng với nhân dân huyện nhà Lệ Thủy ra sức thi đua xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng danh là mảnh đất trù phú, linh thiêng.
 
Đỗ Đức Thuần

tin liên quan

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tài và đức vẹn toàn!

(QBĐT) - Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo khẳng định: "Võ Nguyên Giáp là bậc thầy về cách đánh. Ông luôn tìm ra cách đánh độc đáo và sáng tạo, vừa bảo đảm thắng lợi cao nhất vừa hạn chế thấp nhất thương vong cho chiến sỹ…

Người Rục và một thập kỷ bứt phá!

(QBĐT) - Nếu tính về tuổi xã hội, trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, người Rục (Thượng Hóa, Minh Hóa) được ví như người em út. Họ được Đảng, Nhà nước "chăm sóc" nhiều hơn trong quá trình hòa nhập cộng đồng. 

Bình dị ngôi nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên dòng Kiến Giang

(QBĐT) - Đó là căn nhà gỗ ba gian bình dị nằm ở làng An Xá, xã Lộc Thủy (huyện Lệ Thủy), bên dòng Kiến Giang thơ mộng. Nơi đây Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cất tiếng khóc chào đời và có những năm tháng tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm...