Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Hoàng giáp Phạm Duy Đôn - Văn chiếu bảng vàng

  • 09:04 | Chủ Nhật, 12/09/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong Quốc triều hương khoa lục chỉ chép mấy dòng vắn tắt về thân thế, sự nghiệp Hoàng giáp Phạm Duy Đôn “Người xã Thanh Thuỷ, huyện Minh Chính. Thi đậu Hoàng giáp khoa Nhã sĩ năm Ất Sửu (1865). Làm quan tới chức Tri phủ”[1]. Nhưng đó lại là bậc văn nhân tài năng, trí tuệ uyên thâm được nhân dân truyền tụng cho đến ngày hôm nay.
 
Phạm Duy Đôn sinh năm Kỷ Tỵ (1811), quê quán làng Thanh Thuỷ (nay là xã Tiến Hoá, Tuyên Hoá). Theo gia phả dòng họ Phạm Thuỷ thôn thì dòng họ Phạm cùng với các họ Lê, Trần, Nguyễn… có gốc gác từ các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An vào lập nghiệp ở vùng đất Thanh Thuỷ vào khoảng thế kỷ XIV-XV. Ông tổ dòng họ Phạm Thuỷ thôn là Phạm Đình Khảo, Phạm Duy Đôn là hậu duệ đời thứ 5. Thuở nhỏ, Phạm Duy Đôn được mệnh danh là thần đồng nhờ học một biết mười và có tài ứng đối.
 
Dù là bậc văn nhân, tài năng nhưng mãi đến năm 47 tuổi, ông mới chịu đi thi. Ông đỗ Cử nhân giải Á nguyên khoa thi năm Mậu Ngọ, niên hiệu Tự Đức thứ 11 (1858) đời Nguyễn Dực Tông tại trường thi Thừa Thiên, do Tổng đốc Bình Phú Phạm Khôi làm chủ khảo, Tham biện Nội các Phạm Thanh làm Phó Chủ khảo. Ở trường thi này có 22 người đỗ, trong đó có 11 người quê ở Quảng Bình.
 
Biết ông là người có tài năng, nhưng chưa đỗ đạt thành danh, làng xóm, họ tộc động viên ông tiếp tục lều chõng đến trường thi. Để không phụ lòng người quý mến tài năng, trí tuệ của mình, sau khi đỗ Cử nhân 8 năm, vào cái tuổi 54, ông lại khăn gói đi thi lần nữa. Trong khoa thi đặc cách để chọn nhân tài, gọi là khoa Nhã sĩ dưới triều Tự Đức thứ 18 (1865), ông đã đỗ Đệ nhị giáp Nhã sĩ xuất thân, được ân ban Tử kim khánh, bên trong có khắc 4 chữ “Kinh tế hiển dương” và quan phục cùng với Tiến sĩ.
Mộ Hoàng giáp Phạm Duy Đôn.
Mộ Hoàng giáp Phạm Duy Đôn.
Khoa thi này do Trần Tiễn Thành và Phan Thanh Giản đọc quyển, Nguyễn Hữu Lập và Đỗ Đăng Đệ duyệt quyển. Sách Quốc triều chính biên toát yếu chép lại kỳ thi này như sau “Mới mở khoa nhã sĩ, cho Đặng Văn Kiều cả thảy 5 người đậu Nhã sĩ và Đồng nhã sĩ xuất thân (Khoa này là Đặc cách)”[2]. Đối với kỳ thi Hội, thi Đình, do danh hiệu mỗi thời mỗi khác nên tên gọi học vị của những người đỗ đại khoa cũng khác nhau.
 
Theo Quảng Bình khoa lục thì danh hiệu “Tiến sĩ có từ khoa Nhâm Tuất (1442) đời vua Lê Thánh Tông cho tới khoa thi cuối cùng vào năm Kỷ Mùi 1919, đời Khải Định. Tiến sĩ chia làm 3 bậc: Nhất giáp, Nhị giáp, Tam giáp. Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa thuộc đệ nhất giáp, được mệnh danh Tam khôi. Hoàng giáp thuộc đệ Nhị giáp. Đồng Tiến sĩ thuộc đệ Tam giáp”[3].
 
Bối cảnh lịch sử nước ta giai đoạn này có nhiều biến động. Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược. Tháng 6-1859, triều đình nhà Nguyễn tổ chức hội nghị các triều thần để bàn về phương hướng chống Pháp nhưng vẫn không thống nhất được chủ trương chiến hay hoà. Sau khi đánh chiếm 3 tỉnh miền đông Nam Kỳ, nhân lúc vua Tự Đức đang còn lưỡng lự, tướng Pháp là Bôna đã cùng với đại diện triều đình Huế là Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp ký hiệp ước Nhâm Tuất ngày 5-6-1862.
 
Đến tháng 3-1863, vua Tự Đức đã phê chuẩn Hiệp ước này. Đây là bước khởi đầu cho quá trình đầu hàng của vua Tự Đức, thể hiện sự hèn yếu, nhu nhược của triều đình nhà Nguyễn. Tháng 8-1864, diễn ra cuộc bạo động ở kinh thành Huế phản đối việc triều đình nhà Nguyễn ký hoà ước với Pháp nhưng đã bị đàn áp. Thành danh khi tuổi đã xế chiều, đất nước rơi vào cảnh loạn lạc, tâm trạng của bậc nho sĩ ưu thời mẫn thế khiến ông không muốn tham gia chốn quan trường.
 
Nhưng rồi ông đành bất đắc chí phải nhập thế tuân theo lệnh triều đình đi làm quan. Ông Phạm Văn Đồng, hậu duệ đời thứ 9, người gọi Hoàng giáp Phạm Duy Đôn bằng cố cho biết “Tôi nghe ông cha kể lại rằng sau khi đỗ Hoàng giáp, cụ cố được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm làm quan tri phủ ở huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Cố lấy vợ người Đức Thọ, sinh con, rồi mất tại đây. Mãi về sau, con cháu nội tộc mới đưa thi hài cố về an táng tại quê nhà”.
 
Thời bấy giờ, đầu làng Thanh Thuỷ có Hoàng giáp Phạm Duy Đôn, cuối làng có Lê Trực đậu tiến sĩ võ. Ngưỡng mộ tài năng của quê hương “lưỡng quốc tiến sĩ”, Tiến sĩ Trần Văn Chuẩn (1836-1885) người làng La Hà (Quảng Văn, TX. Ba Đồn) đã tặng Tiến sỹ Lê Trực đôi câu đối: “Ngô châu nhân vật chí tương thiên cổ truyền linh thuỷ nguyên đầu Thanh Thuỷ tú/Thử địa văn võ khoa vi nhất châu xướng trúc sơn mạch cước Mã Sơn cao” (Đại ý là: Quê hương Thanh Thuỷ có nhiều nhân vật linh thiêng vẫn còn lưu truyền đến ngày nay/Đất sinh anh tài đứng đầu hai khoa thi văn võ hiên ngang như dáng núi Mã Sơn) để ca ngợi cảnh trí, vùng đất địa linh đã sản sinh ra hai nhân kiệt, tiếng tăm lừng lẫy khắp vùng.
 
Lèn Thanh Thuỷ có hai hòn đá, đứng xa xa trông giống như hai vị thần đang ngày đêm bảo vệ, chở che dân làng, tượng trưng cho trí thức và khí phách của người dân Tiến Hoá, nên thường được ví như là ông quan văn, ông quan võ. Trong những năm tháng làm tri phủ huyện Tuyên Hoá, ông Trần Mạnh Đàn (1882-1949), quê ở làng Thuận Bài, nay là phường Quảng Thuận, TX. Ba Đồn đã vịnh bài thơ “Hai ông Văn, Võ” (1923) ca ngợi cảnh sắc cũng như tài năng lừng lẫy của ông quan văn Phạm Duy Đôn và quan võ Lê Trực:
 
“Thanh Thuỷ lèn giăng một dải thành
Trên lèn một cặp đứng song hành
Vì sao muôn miệng đều xưng hiệu
Bởi có hai người rất trứ danh
Văn chiếu bảng vàng ngôi Nhị giáp[4]
Võ theo gương sáng cụ Phan Đình[5]
Nước trong nhân vật càng trong trẻo
Để tiếng muôn đời với sử xanh”
 
Do hoàn cảnh tao loạn, đến nay, tư liệu về thân thế, sự nghiệp, di cảo hay các trước tác của Hoàng giáp Phạm Duy Đôn, quyến thuộc không còn lưu giữ được gì. Song chính tài năng thiên bẩm, sự thông tuệ của bậc túc nho mà ngày nay người dân xã Tiến Hoá cũng như các vùng lân cận vẫn quen gọi ông với cái tên thân thuộc “Quan Hoàng”.
 
Di hài của Hoàng giáp Phạm Duy Đôn được gia đình di dời qua nhiều nơi, nay đang an vị tại núi Eo cổ ngựa. Mộ nằm theo hướng Bắc Nam, đầu tựa vào núi, chân gác về hướng Cụp cây trai. Với tài năng và công trạng đã vang danh trong sử sách, thiết nghĩ, chính quyền, cùng các ban ngành chức năng của tỉnh và huyện Tuyên Hoá cần xem xét, sớm tu bổ, tôn tạo và xếp hạng di tích đối với khu mộ để linh hồn Hoàng giáp Phạm Duy Đôn ấm lòng nơi chín suối.
 
Hữu Danh
 
[1] Cao Xuân Dục, Quốc triều hương khoa lục, NXB Lao động, Hà Nội, 2011, tr333.
[2] Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều chánh biên toát yếu, Nhóm nghiên cứu Sử Địa Việt Nam, Sài Gòn, 1972, tr177
[3] Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hoá thể thao và du lịch tỉnh Quảng Bình, Quảng Bình khoa lục, NXB Thuận Hoá, Huế, 2016, tr25.
[4] Tức Hoàng giáp Phạm Duy Đôn
[5] Tức Đề đốc Lê Trực (người thôn Tây Trúc, Tiến Hoá, Tuyên Hoá) theo cụ Phan Đình Phùng chống Pháp

tin liên quan

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tài và đức vẹn toàn!

(QBĐT) - Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo khẳng định: "Võ Nguyên Giáp là bậc thầy về cách đánh. Ông luôn tìm ra cách đánh độc đáo và sáng tạo, vừa bảo đảm thắng lợi cao nhất vừa hạn chế thấp nhất thương vong cho chiến sỹ…

"Văn nghệ sỹ Quảng Bình phải đóng góp nhiều hơn cho VHNT nước nhà..."

(QBĐT) - Sinh thời, dù bận rộn việc nước, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn luôn dành nhiều tình cảm cho các văn nghệ sỹ. Và với các văn nghệ sỹ quê nhà, Đại tướng bao giờ cũng dành sự quan tâm đặc biệt với những góp ý, sẻ chia chân thành... 

Bình dị ngôi nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên dòng Kiến Giang

(QBĐT) - Đó là căn nhà gỗ ba gian bình dị nằm ở làng An Xá, xã Lộc Thủy (huyện Lệ Thủy), bên dòng Kiến Giang thơ mộng. Nơi đây Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cất tiếng khóc chào đời và có những năm tháng tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm...