Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Tết Độc lập trên quê hương Lệ Thủy

  • 10:41 | Thứ Tư, 01/09/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sáng 2-9-1945, sau khi Bác Hồ đọc bản "Tuyên ngôn độc lập" khai sinh ra nước Việt Nam DCCH, trưa ngày hôm đó, nhiều người dân huyện Lệ Thủy đã làm mâm cơm để mừng ngày vui lớn của dân tộc. Từ đó đến nay, hoạt động này vẫn được duy trì trong mỗi gia đình người dân xứ Lệ trong dịp Tết Độc lập nhằm tỏ lòng biết ơn Đảng, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp…
 
Những ngày tháng 9 lịch sử này, khắp làng quê huyện Lệ Thủy không còn rộn ràng như 2 năm trước do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Trên các tuyến đường vẫn rợp bóng cờ hoa, nhưng dòng sông Kiến Giang lại trở nên yên ắng, sân bóng chuyền không có tiếng hò reo, con em huyện Lệ Thủy ở mọi miền cũng không về quê sum họp.
 
Thế nhưng, trong lòng mỗi người con Lệ Thủy nơi xa vẫn rạo rực hướng về quê hương. Còn trong mỗi gia đình người dân xứ Lệ, ai cũng chuẩn bị mâm cơm tươm tất để dâng lên Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong dịp Tết Độc lập.
 
Theo các cụ cao niên ở huyện Lệ Thủy kể lại, người dân nơi đây bắt đầu mừng Tết Độc lập từ ngày 2-9-1945. Bởi thời điểm đó, quân và dân Lệ Thủy cũng như cả nước vừa giành lại chính quyền trước khi Bác Hồ đọc bản "Tuyên ngôn độc lập" khai sinh ra nước Việt Nam DCCH.
 
Ông Lê Trung Hân, 86 tuổi, ở thôn An Xá, xã Lộc Thủy nhớ lại: “Rạng sáng ngày 23-8-1945, nhân dân huyện Lệ Thủy kết đò lại tạo thành cầu nối liền đôi bờ sông Kiến Giang để quân dân lên huyện đường cướp chính quyền. Sau khi lật đổ chính quyền thực dân phong kiến tay sai, người dân Lệ Thủy hết sức vui mừng, phấn khởi.
 
Đến sáng 2-9-1945, Bác Hồ đọc bản "Tuyên ngôn Độc lập", người dân trong huyện hạnh phúc, ôm lấy nhau reo hò..."
 
Trưa ngày hôm đó, người dân huyện Lệ Thủy đã làm mâm cơm mừng Tết Độc lập. Từ đó, mâm cơm được duy trì cho đến tận bây giờ, trở thành nét văn hóa đặc trưng của người dân xứ Lệ. Mâm cơm mừng Tết Độc lập ngày đó rất đơn sơ, chỉ có cơm gạo trắng, trái cây trong vườn và một số loại bánh. Gia đình nào có điều kiện thì làm thêm gà, vịt, cá...
 
Sau lễ cúng mừng Tết Độc lập, con cháu trong nhà sum vầy bên mâm cơm, nói những câu chuyện về Bác Hồ, đất nước.
 
Dưới sự lãnh đạo của chính quyền cách mạng, các tổ chức, đoàn thể ở huyện Lệ Thủy phát triển mạnh mẽ. Nhân dân trong huyện vui tươi, phấn khởi, ra sức học tập, khai khẩn đất đai sản xuất, đẩy lùi giặc đói, giặc dốt.
Người dân huyện Lệ Thủy làm mâm cơm dâng lên Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Người dân huyện Lệ Thủy làm mâm cơm dâng lên Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ngày 2-9-1946, nhân dịp nước Việt Nam DCCH tròn 1 tuổi, người dân Lệ Thủy đã tổ chức Tết Độc lập rất to vì bà con có ruộng để sản xuất, lại được mùa. Năm đó, huyện còn khôi phục lễ hội bơi, đua thuyền thống trên sông Kiến Giang để cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, rèn luyện sức khỏe. 
 
Năm 1969, Bác Hồ đi vào cõi vĩnh hằng. Ông Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phong Thủy nhớ lại: “Khi nghe tin Bác mất, muôn dân ai cũng tiếc thương. Dịp đó, trời cũng như cảm động nên đổ mưa rất to. Lễ hội bơi, đua thuyền cũng không tổ chức nhưng người dân vẫn sum họp gia đình, làm mâm cơm dâng lên Bác, nhìn di ảnh Người mà tiếc thương”.
 
Năm 2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với đất mẹ, trên bàn thờ của người dân Lệ Thủy có thêm ảnh của Đại tướng. Ông Võ Văn Vang, ở thôn Thượng Phong, xã Phong Thủy chia sẻ: “Tôi thờ Bác và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên một bàn thờ riêng. Bởi so với Bác, Đại tướng cũng là một người con ưu tú của huyện Lệ Thủy nói riêng và của cả dân tộc nói chung, là người học trò xuất sắc nhất của Bác, người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đại tướng đã đi xa nhưng tấm lòng, tình cảm ông dành cho quê nhà vẫn sâu nặng, ân tình. Và người dân Lệ Thủy khắc cốt ghi tâm công lao to lớn của Đại tướng nên đặt ảnh ông lên bàn thờ cùng với Bác".
 
Gia đình ông Vang có 14 người con gồm cả dâu, rể và gần 40 cháu, chắt. Các con cháu của ông nay đã thành đạt, sống trong và ngoài nước, nhưng mỗi dịp Tết Độc lập đều cố gắng thu xếp về quê sum họp gia đình. Không ai bảo ai, các con cháu ông mỗi người một việc chuẩn bị mâm cơm tươm tất dâng Bác và Đại tướng.
 
Ông Vang tâm sự: “Đây cũng là dịp để tôi răn dạy con cháu phải một lòng theo Đảng, phấn đấu học tập, rèn luyện theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác Hồ và Đại tướng để xây dựng quê hương, đất nước. Nhưng hai năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên tôi không tụ tập gia đình nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn nhắc con cháu dù ở đâu, làm gì thì Tết Độc lập cũng phải làm mâm cơm dâng lên Bác, Đại tướng để tỏ lòng thành kính đối với hai bậc vĩ nhân của dân tộc”. 
 
Chị Võ Nguyễn An Phương, một người dân ở Quảng Ninh theo chồng về làm dâu xứ Lệ giờ đã quen làm mâm cơm mừng Tết Độc lập. Chị Phương kể: “Từ khi về làm dâu Lệ Thủy, năm nào tôi cũng làm mâm cơm dâng Bác và Đại tướng, được sum họp cùng gia đình nhà chồng trong ngày Tết Độc lập. Đây cũng là cách để thế hệ trẻ như vợ chồng tôi tri ân hai người anh hùng lớn của dân tộc. Trong dịp này, chồng tôi thường kể những câu chuyện thú vị về Bác, về Đại tướng cho các con nghe”.
 
Ông Dương Văn Bình, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lệ Thủy cho biết: “Việc duy trì mâm cơm dâng Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong dịp Tết Độc lập là cách để người dân huyện Lệ Thủy bày tỏ sự tri ân sâu sắc đối với công lao trời biển của Đảng, Bác Hồ, Đại tướng cũng như tưởng nhớ các những anh hùng liệt sỹ. Đây là một trong những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương nên cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện luôn tuyên truyền để người dân lưu giữ và truyền lại cho thế hệ mai sau...”.
 
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, mới đây, UBND huyện Lệ Thủy đã có thông báo về việc dừng tổ chức lễ hội bơi, đua thuyền trên sông Kiến Giang và các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội 2-9-2021. Trong dịp này, huyện chỉ tổ chức tọa đàm kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và lễ dâng hương, hoa tại Nhà lưu niệm Đại tướng.
Xuân Vương
 
 
 

tin liên quan

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tài và đức vẹn toàn!

(QBĐT) - Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo khẳng định: "Võ Nguyên Giáp là bậc thầy về cách đánh. Ông luôn tìm ra cách đánh độc đáo và sáng tạo, vừa bảo đảm thắng lợi cao nhất vừa hạn chế thấp nhất thương vong cho chiến sỹ…

Bình dị ngôi nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên dòng Kiến Giang

(QBĐT) - Đó là căn nhà gỗ ba gian bình dị nằm ở làng An Xá, xã Lộc Thủy (huyện Lệ Thủy), bên dòng Kiến Giang thơ mộng. Nơi đây Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cất tiếng khóc chào đời và có những năm tháng tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm... 

"Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng của lòng dân"

(QBĐT) - Nghe giọng tôi qua điện thoại, ông hào hứng hỏi: "Quảng Bình à? Quê hương của bác Giáp! Mình đã được về viếng mộ bác 2 lần rồi đấy". Nói rồi, ông kể những ca khúc viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà giọng hào sảng như thể người thân lâu ngày gặp lại.