Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Giá trị lịch sử, văn hóa về Quảng Bình qua địa bạ triều Nguyễn

  • 07:39 | Thứ Sáu, 24/09/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhận thức được tầm quan trọng của công tác quản lý đất đai, các nhà nước phong kiến Việt Nam luôn coi đây là nhiệm vụ hàng đầu trong chính sách cai trị. Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử, điều kiện kinh tế-xã hội, nhận thức hạn chế nên việc đo đạc, lập sổ địa bạ không được thực hiện một cách đồng bộ, khoa học và thống nhất.
 
Phải đến khi thống nhất hoàn toàn lãnh thổ, 2 năm sau khi lên ngôi Hoàng đế, năm 1805, vua Gia Long đã xuống chiếu cho lập sổ thống kê ruộng đất từ các trấn Bắc thành cho đến Thanh Hóa.
 
Sau khi hoàn thành lập sổ địa bạ các tỉnh phía Bắc, năm Gia Long thứ 9 (1810), quyết định cho lập địa bạ các địa phương từ Quảng Bình đến Khánh Hòa: “Sức xuống cho các huyện, tổng, xã dân trong hạt, đều chiếu theo bốn bề… gia phận mình, phàm ruộng, đất, vườn ao, công tác tư, đất mồ mả, ruộng quan điền, ruộng trang trại quan ở trong xã, thực nộp thuế hay bỏ hoang, và mẫu sào, đẳng hạng, xứ sở bốn bên, cứ thực khai ra làm sổ địa bạ ba bản Giáp, Ất, Bính, nếu xã nào bỏ sót ruộng đất ngoài sổ, trót đã cày cấy mà không nộp thuế, thì cho làm đơn nộp thuế, biên vào tất cả, cước chú rõ ràng, làm xong cho Bộ Hộ chuyển tâu lên; việc này nên nghiêm túc cho lại dịch đều căn cứ tờ khai, chiếu rõ cách thức, so đủ số mục ruộng đất thực nộp thuế, lập tức cho thu, nếu mượn cớ để khó khăn về sau thì phải tội”[1].
 
Sau gần 40 năm triển khai, cho đến cuối đời Minh Mạng, nhà Nguyễn mới hoàn thành việc lập sổ địa bạ trên phạm vi toàn quốc, kể cả trên đất liền cũng như ngoài hải đảo. Đây là công trình rất đồ sộ, phong phú, đa dạng, thể hiện sự quyết tâm rất lớn của nhà Nguyễn nhằm quản lý xã hội, quản lý đất nước.
 
Theo quy định, địa bạ được lập thành 3 bản Giáp, Ất, Bính, làm xong gửi nộp lên Bộ Hộ đóng dấu có các chữ “Hộ bộ đường ấn”, ở chỗ dưới đề ngày, niên hiệu và đóng kiềm ở các chỗ giấy giáp nhau. Bản Giáp để lưu chiểu ở Bộ Hộ, bản Ất đưa về lưu chiểu ở thành trấn, còn bản Bính cấp phát cho các xã để giữ làm bằng chứng và quản lý đất đai ở cơ sở.
 
Địa bạ là loại sổ ghi chép, thống kê ruộng đất của từng xã, thôn, phường, sở, trại, ấp, động, giáp, trang. Ngoài ra, địa bạ cũng kê khai đầy đủ số ruộng vụ hè, vụ thu, canh tác, hoang phế… được các địa phương kê khai, lập thành sổ nộp cho triều đình. Mục đích của việc lập sổ địa bạ là để quản lý ruộng đất, thu tô thuế, phân định ranh giới giữa các đơn vị hành chính và tránh xảy ra việc tranh chấp. Địa bạ được lập có hệ thống và theo mẫu thống nhất trong toàn quốc.
 
Quá trình đo đạc, xác định vị trí những vùng đất tiếp giáp giữa các xã, thôn… đều có sự tham gia và cam kết của các chức dịch kê khai lập địa bạ, đọc dò bằng chữ ký hay điểm chỉ, thời gian lập và sao, dấu xác nhận của chính quyền các cấp từ xã, thôn như xã trưởng, hương mục đến Bộ Hộ.
Địa bạ làng Lệ Sơn Thượng, nay là xã Văn Hóa (Tuyên Hóa), quyển Giáp.
Địa bạ làng Lệ Sơn Thượng, nay là xã Văn Hóa (Tuyên Hóa), quyển Giáp.
 

Tài liệu địa bạ khẳng định được vai trò cũng như những giá trị to tớn trong việc nghiên cứu lịch sử. Các bộ chính sử của nhà Nguyễn như: Đại Nam thực lục, Đại Nam hội điển sự lệ… sử dụng rất nhiều tư liệu từ địa bạ. Bên cạnh giá trị thống kê, cung cấp thông tin về đất đai, địa bạ còn phản ánh khá toàn diện đời sống xã hội Việt Nam dưới thời nhà Nguyễn về địa lý, kinh tế, lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ…

Từ việc tìm hiểu, nghiên cứu địa bạ, có thể biết được sự biến đổi về địa danh, địa giới hành chính qua thời gian, chế độ quản lý, sở hữu đất đai giữa các thành phần dân cư, chế độ sử dụng đất đai cũng như những vấn đề liên quan tới văn hóa làng xã.
 
Giá trị lớn nhất mà địa bạ mang lại chính là địa danh làng, xã. Địa bạ cung cấp hệ thống địa danh các đơn vị hành chính từ tỉnh, phủ, huyện, tổng, đến cấp cơ sở như xã, thôn, ấp… Phần lớn các địa danh Hán Việt, rất ít địa danh Hán Nôm. Riêng Quảng Bình, địa danh cấp phủ, huyện, châu cơ bản còn tồn tại đến ngày nay.
 
Có 8 đơn vị hành chính trực thuộc, có 3 đơn vị có tên gọi tồn tại từ thời điểm lập địa bạ và tồn tại đến nay gồm Lệ Thủy, Quảng Trạch, Minh Hóa; những địa danh hiện nay không còn gồm Bố Chính Nội, Bố Chính Ngoại, Phong Lộc, Minh Linh. Về địa danh cấp xã, thôn, trang, ấp… thì có sự thay đổi khá nhiều.
 
Số lượng đơn vị hành chính của Quảng Bình trong địa bạ với các sách địa chí biên soạn trong triều Nguyễn có sự thay đổi, theo hướng giảm dần. Phần lớn địa bạ Quảng Bình được lập vào các năm Gia Long thứ 13 đến thứ 15 (từ năm 1814-1816).
 
Chỉ duy nhất, địa bạ thôn Trừng Hải trước đây thuộc huyện Bình Chính, phủ Quảng Trạch lại được lập vào năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) nhưng lại không ghi giáp giới. Số làng, xã đã được lập địa bạ so với số làng, xã trên thực tế có sự khác biệt.
 
Cụ thể, trong địa bạ, Quảng Bình có 2 phủ, 6 huyện, châu, 426 xã, thôn, trang, phường. Trong Đại Nam nhất thống chí[2], vào giữa thế kỷ XIX, Quảng Bình có 2 phủ, 6 huyện, 345 xã, thôn, ấp, giáp.
 
Trong Đại Việt địa dư toàn biên[3], Quảng Bình có 2 phủ, 6 huyện, 346 xã, thôn, phường, trang, ấp. Trong Đồng Khánh địa dư chí[4], Quảng Bình có 2 phủ, 7 huyện, 324 xã, thôn, phường, ấp, giáp, trang.
 
Đáng tiếc, do chiến tranh, tao loạn, công tác lưu trữ, bảo quản không cẩn thận, khoa học nên hầu hết địa bạ quyển Ất, Bính của Quảng Bình đều không còn, chỉ còn lại quyển Giáp. Số lượng địa bạ Quảng Bình hiện đang được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia thuộc Cục Văn thư lưu trữ nhà nước chỉ có 337 đơn vị...
 
Địa bạ là nguồn thông tin tư liệu cực kỳ quan trọng trong việc tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử, văn hóa làng, xã. Đây là tài liệu tham khảo không thể thiếu cho bất cứ ai nghiên cứu về nông thôn Việt Nam trong quá khứ cũng như hoạch định chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trong thời đại mới.
Hữu Nhật
 
 
[1] Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, bản dịch, tập III, tr79.
 
[2] Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn khoảng từ năm 1865 đến 1882 dưới triều vua Tự Đức.
 
[3] Đại Việt địa dư toàn biên, còn gọi là Phương đình dư địa chí do Nguyễn Văn Siêu (1799-1872) và Bùi Quý (1795-1861) soạn, tuy không rõ năm soạn nhưng được khoảng dưới triều Tự Đức, khắc in năm Thành Thái 12 (năm 1900).
 
[4] Đồng Khánh dịa dư chí do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn dưới thời vua Đồng Khánh (1886-1888).
 

tin liên quan

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tài và đức vẹn toàn!

(QBĐT) - Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo khẳng định: "Võ Nguyên Giáp là bậc thầy về cách đánh. Ông luôn tìm ra cách đánh độc đáo và sáng tạo, vừa bảo đảm thắng lợi cao nhất vừa hạn chế thấp nhất thương vong cho chiến sỹ…

Những bức thư kết đoàn

(QBĐT) - Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1977, Tuyên Hóa và Minh Hóa hợp nhất thành huyện Tuyên Hóa. Ngày 1-6-1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 190/HĐBT chia tách huyện.

Bình dị ngôi nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên dòng Kiến Giang

(QBĐT) - Đó là căn nhà gỗ ba gian bình dị nằm ở làng An Xá, xã Lộc Thủy (huyện Lệ Thủy), bên dòng Kiến Giang thơ mộng. Nơi đây Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cất tiếng khóc chào đời và có những năm tháng tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm...