Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Nén hương lòng viếng nhạc sĩ Quách Mộng Lân

  • 12:11 | Thứ Hai, 18/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “Được mùa, được mùa lúa chín thơm vàng câu hò thắng lợi rộn ràng/ Mùa về, mùa về khắp xóm làng quê, vui chiến thắng trong mùa lúa thơm…"
 
Điều kỳ lạ là, bất ngờ nghe tin buồn và đặt bút viết về một nhạc sĩ nổi tiếng của quê hương vừa ra đi mà tôi lại bắt đầu bằng những dòng ca từ trong trẻo đến vậy. Và nếu ai từng biết, từng hát ca khúc này của ông cũng cảm nhận được giai điệu trong trẻo, rộn ràng hiếm có. Lạ hơn nữa là ca từ ấy, giai điệu ấy ra đời trong những ngày tháng gian nan, khốc liệt nhất, dải đất Quảng Bình được mệnh danh là tuyến lửa.
 
Một ngày, vào mùa gặt hái cách nay 42 năm, năm 1979, cán bộ công nhân Đài Phát thanh Bình Trị Thiên đang thu hoạch lúa mùa tự túc dưới chân cột Ăng ten giữa đồng An Cựu, tôi mới về đài và lần đầu tiên tham gia. Khi phát hiện người đàn ông đứng tuổi vẻ mặt hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ đang gặt bên cạnh là nhạc sĩ Quách Mộng Lân, tôi đã thả tay liềm lảnh lói hát to lên trong không gian xứ Huế đoạn đầu ca khúc trên đây khiến mấy chục người đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần của đài sững sờ…
Đoàn Văn công Quảng Bình biểu diễn cho Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch ngày 1-5-1966.
Đoàn Văn công Quảng Bình biểu diễn cho Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch ngày 1-5-1966.
Và cả một vài người đi bộ, đi xe đạp trên đường Hùng Vương ngang qua cũng dừng lại… lắng nghe. Hạnh phúc cho giọng ca vườn của tôi chăng? Hạnh phúc cho tác giả bài hát chăng? Lạ, đã hơn 40 năm trôi qua mà tôi cũng quên hỏi nhạc sĩ xem cảm xúc của ông khi nghe tôi bất ngờ “biểu diễn” miễn vé tác phẩm của ông lúc đó đã lùi vào lịch sử hàng chục năm.
 
Tôi đã quên hỏi và bây giờ cũng không còn dịp hỏi nữa rồi!
 
Trở lại Huế những năm mới giải phóng, chúng tôi chung cơ quan với nhau tròn 10 năm. Đài Phát thanh Bình Trị Thiên đóng ở một địa điểm thật độc đáo: 19 Lê Lợi, ngay chân cầu Tràng Tiền phía Nam. Anh là Trưởng phòng Văn nghệ, tôi làm thời sự. Không thân nhau và tôi cũng không hề biết anh đã cùng người vợ dịu dàng, hiền thục - một phụ nữ Việt Nam điển hình, nghệ sĩ sân khấu Nguyễn Thị Gái - đã bằng cách nào để băng qua những năm khốn khó đến tột cùng về kinh tế để nuôi nấng ba người con lớn lên, khỏe mạnh, giỏi giang và thành đạt. Nhưng tôi và có thể nhiều người khác nữa thỉnh thoảng vẫn “nhìn” anh để… sống.
 
Tác phong chững chạc, điềm đạm và vị tha, mười mấy năm giữ chức trưởng phòng mà tuyệt nhiên chưa hề cao giọng với cấp dưới. Cùng với nhạc sĩ Trần Hữu Pháp, nghệ nhân dân gian biên tập viên Thái Hùng, biên tập viên Văn Thuần… Phòng Văn nghệ của ông là một biểu tượng cho tình cảm đồng nghiệp, sống chan hòa, nhân ái. Và chính ông, với tài năng đức độ của mình đã góp phần làm cho những trí thức và Nhân dân phía Nam tỉnh có cách nhìn tôn trọng hơn với người miền Bắc, người Quảng Bình.
 
Cuộc tái lập ba tỉnh là một sự kiện chính trị, một bước ngoặt trong lịch sử địa phương gây xáo động lớn về tổ chức chính quyền và tâm lý xã hội. Trong những ngày đầu, ông được chọn làm Triệu tập viên và chức danh này mặc nhiên sẽ đứng đầu ngành ở tỉnh mới tái lập. Nhưng với bản tính nhường nhịn, ông vui lòng làm Phó Giám đốc phụ trách nội dung của Đài Phát thanh tỉnh Quảng Bình mới.
Nhạc sỹ Quách Mộng Lân và vợ.
Nhạc sỹ Quách Mộng Lân và vợ.
Trong vòng gần một năm, ông phụ trách toàn bộ nội dung, tôi đảm trách phần thời sự chính luận. Chưa có chức danh, tạm thời tôi được cử “làm phó cho anh Lân”, anh em trong cơ quan gọi đùa tôi là “Phó Lân”, gọi đùa, cười vui thân ái. Đậu lại đài mới không được lâu, tôi qua truyền hình rồi chuyển ra Hà Nội, ông qua làm Phó Giám đốc ngành Văn hóa. Cách mặt không cách lòng, tôi vẫn luôn nhớ tới đức độ của ông để tự điều chỉnh mình. 
 
Sinh trước cách mạng, lớn lên trong kháng chiến chống Pháp, trưởng thành và có công lao trong chống Mỹ và xây dựng quê hương, nhưng ông, với trái tim nghệ sĩ, không bao giờ là “người cũ’. Nhìn cái cách ông quyết đoán giải quyết ngôi nhà ở trung tâm thành phố, chia cho các con có vốn dựng nhà cửa, rồi ông lui ra ngoại ô, có thể coi là một suy nghĩ rất biện chứng và… dân chủ, khiến nhiều người phải học tập. 
 
Viết về ông, cho phép tôi nhắc một kỷ niệm cách nay chừng mười năm. Đài tổ chức kỷ niệm ngày thành lập. Cán bộ cũ đã về hưu như chúng tôi được mời. Khách sạn Đồng Hới, phòng chiêu đãi không gian hẹp lắp điều hòa nhiệt độ. Ông ngồi bàn thượng khách, Ban Giám đốc đương nhiệm tiếp. Trong thời gian chờ cơm, tôi cảm thấy ngột thở, nhìn sang thấy ông và một bậc cao niên nữa đang đốt thuốc. Tôi, khá quyết liệt, giằng hai điếu thuốc bỏ xuống sàn dùng mũi giày dập tắt.
 
Trở về bàn, tôi thoáng giật mình vì chợt thấy hành vi của mình khá khinh suất. Lạ lùng thay, anh không hề giận. Lúc sau, để ý thấy bậc cao niên kia vẫn hút thuốc ở bàn, còn ông cầm điếu thuốc ra hành lang, hút xong thả xuống đất cẩn thận dụi tắt hết khói mới quay vào.
 
Tuyển tập ca khúc của nhạc sỹ Quách Mộng Lân.
Tuyển tập ca khúc của nhạc sỹ Quách Mộng Lân.
Tuyển tập ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi!” kỷ niệm 50 năm Quảng Bình giải phóng 1954-2004, hiện diện đến 10 ca khúc của nhạc sĩ Quách mộng Lân: Dòng sông em yêu, Vinh quang thay những người chiến thắng, Gạo đến Trị Thiên, Đẹp sao năm gái quê ta, Chuyến phà đêm, Nhớ về một miền quê, Tiếp bước chân anh, Nhớ biển và em, Ánh đèn gọi cá, Đồng Hới và em.
 
Và còn bao nhiêu ca khúc chính trị, giai điệu trữ tình của ông đã lan tỏa trong lòng quần chúng?! Còn một tác phẩm nữa, không thành lời thành văn, giống như một dạng Di sản văn hóa phi vật thể của một giai đoạn lịch sử.
 
Quảng Bình thành tuyến lửa nhưng, “Tiếng hát át tiếng bom”, trong khói lửa ngút trời, ca khúc của các nhạc sĩ vẫn ra đời, tiếng hát quê hương vẫn vút lên giữ lòng tin và niềm lạc quan vui sống và chiến đấu cho bốn mươi vạn cán bộ, Nhân dân Quảng Bình thời ấy và làm ấm lòng dân cả nước. Ông có đóng góp lớn, như một trong những cánh chim đầu đàn cho vốn di sản ấy.
 
Vĩnh biệt nhạc sĩ Quách Mộng Lân, một nhà báo trung thực, một nhạc sĩ tài danh, một người đàn ông chính trực, một nhân cách sống mẫu mực. Người đời sẽ còn hát ca khúc của ông và nhớ về ông.
 
                                     Đồng Hới 18-10-2021
                                         Nguyễn Thế Tường

 

tin liên quan

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tài và đức vẹn toàn!

(QBĐT) - Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo khẳng định: "Võ Nguyên Giáp là bậc thầy về cách đánh. Ông luôn tìm ra cách đánh độc đáo và sáng tạo, vừa bảo đảm thắng lợi cao nhất vừa hạn chế thấp nhất thương vong cho chiến sỹ…

Người Rục và một thập kỷ bứt phá!

(QBĐT) - Nếu tính về tuổi xã hội, trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, người Rục (Thượng Hóa, Minh Hóa) được ví như người em út. Họ được Đảng, Nhà nước "chăm sóc" nhiều hơn trong quá trình hòa nhập cộng đồng. 

Bình dị ngôi nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên dòng Kiến Giang

(QBĐT) - Đó là căn nhà gỗ ba gian bình dị nằm ở làng An Xá, xã Lộc Thủy (huyện Lệ Thủy), bên dòng Kiến Giang thơ mộng. Nơi đây Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cất tiếng khóc chào đời và có những năm tháng tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm...