Thiêng liêng kỷ vật để lại!

  • 07:28 | Chủ Nhật, 11/02/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Qua bao thăng trầm biến cố thời gian, bao “vật đổi, sao dời” của cuộc sống, những kỷ vật của một liệt sỹ hy sinh vào những năm 60 của thế kỷ trước vẫn còn nguyên vẹn, “thủy chung” cùng năm tháng. Và rồi những kỷ vật này càng linh thiêng, quý giá hơn khi người thân liệt sỹ quyết định trao tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh đúng vào dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Người.
 
Kỷ vật níu giữ tuổi thanh xuân
 
Những kỷ vật thiêng liêng mà chúng tôi giới thiệu được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Hồ Chí Minh gắn liền với tuổi thanh xuân, giữ mãi tuổi thanh xuân của nữ liệt sỹ Nguyễn Thị Triển (SN 1940), con thứ 4 và là em út trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở xã Hưng Thủy (Lệ Thủy).
 
Chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lan rộng ra toàn miền Bắc, Quảng Bình trở thành tuyến lửa, “chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi” như Bác Hồ ngợi khen. Như bao thanh niên trong làng, trong xã, lớp lớp tình nguyện ra mặt trận, người ở lại xung phong vào dân quân, du kích bảo vệ quê hương, chị Triển gia nhập dân quân xã Hưng Thủy. Trải qua quá trình tôi rèn trong sản xuất, chiến đấu, chị Triển trở thành Xã đội phó kiêm Phó Bí thư Xã đoàn Hưng Thủy.
 
Nữ dân quân gan dạ, kiên cường được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba và gửi tặng kèm chiếc đồng hồ đeo tay của Bác vì đạt thành tích xuất sắc khi chỉ huy trung đội dân quân trực chiến xã Hưng Thủy bắn rơi một máy bay Mỹ đêm 27/7/1967.
Các kỷ vật của nữ liệt sỹ Nguyễn Thị Triển tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Các kỷ vật của nữ liệt sỹ Nguyễn Thị Triển tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Lịch sử Đảng bộ xã Hưng Thủy ghi lại sự kiện này như sau: Đêm 27/7/1967, như thường lệ, Xã đội phó Nguyễn Thị Triển cùng trung đội dân quân đang trực chiến thì phát hiện một chiếc máy bay REAC-loại máy bay trinh sát chuyên chụp ảnh ban đêm của quân đội Mỹ xuất hiện trên bầu trời. Bình tĩnh, tự tin chỉ huy, khi chiếc máy bay nằm trọn trong tầm bắn, Xã đội phó Nguyễn Thị Triển ra lệnh bắn. Hàng loạt đạn vút lên nhắm thẳng vào kẻ thù. Chiếc REAC bốc cháy dữ dội. Trong đêm tối, mọi người nhìn thấy 2 phi công bung dù rơi xuống.
 
Quà Bác Hồ đang trên hành trình vào tuyến lửa..., nhưng nữ dân quân Nguyễn Thị Triển không còn để vinh dự đón nhận. Ngày 22/9/1967, chị đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Vài tháng sau, chiếc đồng hồ đeo tay Bác Hồ tặng mới về đến gia đình liệt sỹ Nguyễn Thị Triển.
 
Cùng với chiếc đồng hồ, món quà đặc biệt của Bác, liệt sỹ Nguyễn Thị Triển còn để lại nhiều kỷ vật khác gắn liền với thành tích lao động, chiến đấu của chị: Huân chương Chiến công hạng Ba, Huy hiệu Chiến sĩ tiên tiến, Huy chương Kháng chiến và nhiều bằng khen, giấy khen.
 
Hành trình lưu giữ những kỷ vật
 
Sau khi nữ dân quân Nguyễn Thị Triển hy sinh, hơn nửa thế kỷ trôi qua, ba thế hệ trong gia đình liệt sỹ luôn trân trọng, gìn giữ, nâng niu các kỷ vật của chị và chiếc đồng hồ của Bác Hồ, xem đó như bảo vật thiêng liêng, riêng có.
 
Chiếc đồng hồ là kỷ vật của Bác Hồ, Người quyết định tặng lại chị Triển, nữ dân quân quê hương “Hai giỏi” mà Bác chưa một lần biết mặt. Đây là loại đồng hồ cơ, chất liệu bằng kim loại màu vàng, do Liên Xô sản xuất. Trên mặt đồng hồ khắc dòng chữ Nga (tạm dịch sang tiếng Việt là “Chiến thắng”). Trải qua thời gian hơn nửa thế kỷ, chiếc đồng hồ vẫn sáng bóng, đường nét rất tinh tế, sắc sảo và khi lên giây cót vẫn hoạt động bình thường.
Đại diện gia đình giao hiện vật cho Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Đại diện gia đình giao hiện vật cho Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Những kỷ vật của liệt sỹ Nguyễn Thị Triển từng theo người thân trong gia đình vào Nam, về miền Trung rồi cuối cùng “neo đậu” lại miền Bắc.
 
Ông Nguyễn Đình Ngoắt (cháu gọi liệt sỹ Nguyễn Thị Triển bằng o) nhớ lại: “Bởi mưu sinh, chú ruột tôi là Nguyễn Đình Thoan (anh ruột liệt sỹ Nguyễn Thị Triển), trước đây làm y sĩ tại trạm xá xã Hưng Thủy, năm 1981, đi kinh tế mới vào tỉnh Bình Phước sinh sống. Bà nội tôi lúc đó đang sống, theo chú Thoan. Khi đi, bà nội mang theo toàn bộ giấy tờ cùng kỷ vật của o Triển. Bà nội và chú Thoan lo miền Trung mưa bão, nắng gió, nhà cửa lúc bấy giờ chưa kiên cố, đời sống khó khăn... chắc chắn những kỷ vật của o Triển khó an toàn nên quyết định mang theo.
 
Năm 1985, sau khi bà nội mất, sức khỏe chú Thoan giảm sút. Một lần nữa, lại lo kỷ vật o Triển thất lạc, chú Thoan mang toàn bộ giao lại cho ba tôi trong một chuyến về thăm gia đình. Năm 2007, ba tôi mất, mẹ tôi già yếu, nên các kỷ vật của o Triển, tôi có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản cẩn trọng. Mỗi lần nhớ thương o, tôi mang đồng hồ ra lau chùi rồi lên dây cót”.
 
Còn mãi với thời gian
 
Bằng tình cảm đặc biệt thiêng liêng với liệt sỹ Nguyễn Thị Triển, với Đảng và Bác Hồ, năm 2023, ông Nguyễn Đình Ngoắt quyết định trao tặng toàn bộ kỷ vật của liệt sỹ Nguyễn Thị Triển cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Đình Ngoắt chia sẻ: “Chiếc đồng hồ của Bác và các kỷ vật của o Triển là vô giá. Về với Bảo tàng Hồ Chí Minh, tài sản ấy sẽ còn mãi với thời gian”. Tháng 5/2023, ông Nguyễn Đình Ngoắt mang toàn bộ kỷ vật ra Thủ đô Hà Nội tận tay trao cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.
 
“Việc hiến tặng kỷ vật của liệt sỹ Nguyễn Thị Triển cho Bảo tàng Hồ Chí Minh là sự tự nguyện của gia đình. Kỷ vật lưu giữ tại Bảo tàng nằm trong lòng Thủ đô Hà Nội thì linh hồn o Triển vinh hạnh ở lại Bảo tàng và luôn được ở bên Bác Hồ”, ông Nguyễn Đình Ngoắt xúc động.
 
Vĩ thanh: Tại nơi yên nghỉ của liệt sỹ Nguyễn Thị Triển trong khuôn viên nghĩa trang gia đình, người cháu trai tuổi đã gần thất thập vẫn đau đáu một ước nguyện là có thêm chút kinh phí xây dựng một tấm bia tưởng niệm nho nhỏ, ghi dấu chiến công của nữ liệt sỹ Nguyễn Thị Triển cùng trung đội dân quân xã Hưng Thủy lúc bấy giờ tham gia bắn rơi máy bay Mỹ, góp một phần nhỏ vào thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất Tổ quốc...

Chúng tôi về thăm nơi thờ phụng và yên nghỉ của liệt sỹ Nguyễn Thị Triển tại xã Hưng Thủy. Trong ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Đình Ngoắt treo trang trọng bức ảnh Bác Hồ và thư cảm ơn của Bảo tàng Hồ Chí Minh tặng cho gia đình…

Như lời tiến sĩ Vũ Mạnh Hà, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chia sẻ: “Mảnh đất miền Trung trong đó có Quảng Bình là vùng đất địa linh nhân kiệt, trong chiến tranh, đây cũng là một trong những vùng chịu ảnh hưởng khốc liệt nhất. Nhiều người con của đất nước, của mảnh đất này đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Gia đình liệt sỹ Nguyễn Thị Triển đã tặng lại những kỷ vật vô cùng quý giá, trong đó có chiếc đồng hồ-bảo vật của gia đình cho Bảo tàng mà không nhận lại bất cứ thứ gì. Chúng tôi biết ơn nghĩa cử cao đẹp đó và ý thức rằng, công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh là chúng tôi đang trông nhà và tiếp khách cho Bác. Bác đã đi xa nhưng hơi ấm, tình cảm của Người vẫn còn mãi ở đây. Những kỷ vật của Bác ở đây là minh chứng về tình cảm của Bác đối với nhân dân và của nhân dân đối với Bác. Chúng tôi trân trọng gìn giữ, lan tỏa những tình cảm đó, những giá trị cao đẹp đó đến nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế”.
Hương Trà

tin liên quan

Hàng nghìn người dân đến Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh cầu may mắn đầu năm mới

(QBBĐT) - Ngày 10/2, (tức mùng 1 Tết Nguyên đán Giáp Thìn), hàng nghìn người dân khắp nơi đã đến Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở xã Quảng Đông (Quảng Trạch) để xin lộc, cầu bình an, may mắn trong năm mới…

Đón Tết ở Khoa Cấp cứu

(QBĐT) - Khi nhà nhà tất bật hoàn thành nốt những công việc cuối cùng để chào đón khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng, thì tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới, các bác sĩ và điều dưỡng vẫn hối hả với công việc thường nhật của mình.

Dự báo thời tiết trên cả nước từ đêm 30 Tết đến mùng 5 Tết

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia từ đêm 9 đến ngày 11/2 (đêm 30 Tết đến mùng 2 Tết), khu vực Bắc Bộ tiếp tục rét đậm, có nơi rét hại.