Gạch nối tình người!

  • 07:56 | Thứ Năm, 08/02/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Truyền thuyết kể rằng: Ông tổ của người Ma Coong (xã Thượng Trạch, Bố Trạch) trong hành trình đi tìm vùng đất mới, lúc ngang qua một thung lũng bằng phẳng nằm ven suối Cấm đã quyết định dừng bước, lập bản, lấy chiếc gậy của mình cắm xuống đất đánh dấu, về sau chiếc gậy hóa thành cây A Loang Ma Kẹo. Gốc A Loang Ma Kẹo xưa bây giờ không còn nhưng trở thành biểu tượng thiêng liêng của tộc người Ma Coong. Ở xã Thượng Trạch bây giờ có một “gốc A Loang Ma Kẹo nhỏ”, vượt qua luật tục, bền bỉ lớn lên, thành gạch nối tình người, thành gương sáng cho đồng bào 18 bản xa gần.
 
Ngày định mệnh
 
Các già làng người Ma Coong trong câu chuyện với con cháu bên ché rượu cần mỗi dịp sum vầy thường hay nhắc về ngày định mệnh cách đây gần 30 năm mà thiếu chút nữa thôi, một sinh linh bé nhỏ suýt bị chôn sống theo người mẹ không may qua đời. Nếu hủ tục “mẹ chết chôn con theo” hoàn thành thì bây giờ sẽ không có “gốc A Loang Ma Kẹo nhỏ” tên Đinh Đường hay thầy giáo Nguyễn Văn Vinh.
Gốc A Loang Ma Kẹo nhỏ Đinh Đường- Nguyễn Văn Vinh lan tỏa hơi ấm tình người cho trẻ em Ma Coong
Gốc A Loang Ma Kẹo nhỏ Đinh Đường- Nguyễn Văn Vinh lan tỏa hơi ấm tình người.

Ông Đinh Hợp, nguyên Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch nhớ lại: Ấy là... vào khoảng tháng 9/1995, một phụ nữ tên Y Xoang ở bản Cà Roòng 2 bị chết vì băng huyết khi sinh con trai. Theo quan niệm của đồng bào, đứa trẻ mới sinh ra linh hồn vốn thuộc về người mẹ. Người mẹ không may qua đời thì hồn ma mẹ sẽ mang con theo cùng. Nếu ai cướp đứa trẻ khỏi hồn ma người mẹ thì bị hồn ma mẹ theo ám suốt đời và bản làng sẽ bị Giàng trừng phạt vì không tuân theo luật tục, lời nguyền. Bây giờ, hủ tục “mẹ chết chôn con theo” hoàn toàn không còn, nhưng 30 năm trước rất nặng nề, không ai dám vượt qua. Thế nên, già làng, thầy cúng, thân nhân gia đình, dân bản quyết định chôn bé trai sơ sinh theo mẹ Y Xoang.

Đúng giờ đã định, con trai Y Xoang được già làng chuẩn bị đưa xuống chung huyệt với mẹ thì kỳ tích xuất hiện. Một người đàn ông gốc Huế tên Nguyễn Diệu đứng ra trước đám đông. Bằng những lời dứt khoát, ông Diệu kiên quyết ngăn cản việc chôn sống sinh linh bé nhỏ vô tội kia theo Y Xoang rồi đón lấy bé trai sơ sinh mang về nhà.

Khi tình người chiến thắng hủ tục
 
Gắn bó với xã Thượng Trạch nhiều năm, mỗi lần lên công tác ở xã biên giới này, tôi lại ghé bản Cà Roòng 1 thăm gia đình ông Nguyễn Diệu. Đối diện phía bên kia tuyến đường bê tông rộng thoáng là tổ ấm của Đinh Đường-Nguyễn Văn Vinh, đứa trẻ suýt bị chôn sống theo mẹ Y Xoang năm nào.
 
Với chất giọng Huế nhè nhẹ, nhớ lại câu chuyện cứu đứa trẻ sơ sinh con mẹ Y Xoang gần 30 năm trước, ông Nguyễn Diệu chân thành: “Đồng bào Ma Coong vốn có ân nghĩa rất lớn với mình. Xã Thượng Trạch trở thành quê hương thứ hai của mình, nên làm được gì cho bà con, mình sẵn sàng. Hồi đó, bế đứa trẻ khóc ngằn ngặt vì khát sữa mẹ từ tay già làng, mình kịp suy nghĩ gì đâu, chỉ từ tình người, từ trách nhiệm, từ sự mách bảo của trái tim... Thế nên, chẳng sợ ma Y Xoang về bắt, Giàng trị tội, con ma rừng quấy phá dân bản. Cu Đường lớn dần lên, mạnh khỏe, thông minh nhờ tình thương vợ chồng mình, Bộ đội Biên phòng và cộng đồng. Cứ thế tình người nhân lên bội phần và hủ tục “mẹ chết chôn con theo” cùng nhiều tập tục mê tín khác dần dần biến mất”.
 
Ông Nguyễn Diệu (SN 1962), quê tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 1990, theo bạn bè lưu lạc làm ăn miết lên tận biên giới Việt-Lào vùng Thượng Trạch. Rừng thiêng, nước độc và những cơn sốt rét rừng đã quật ngã ông Diệu. Một lần ông lên cơn sốt ác tính, Bộ đội Đồn Biên phòng Cà Roòng tìm mọi cách cứu chữa nhưng lực bất tòng tâm, ông Nguyễn Diệu cầm chắc cái chết.
 
Tin dữ lan đến bản Cà Roòng 1, già làng Đinh Keo cùng con gái Y Nhoan thương chàng trai Huế thật thà tìm lên đồn Biên phòng xin bộ đội đưa ông Diệu về nhà chạy chữa.
Nhờ những phương thuốc bí truyền từ lá cây rừng của già Đinh Keo và sự chăm sóc tận tình chu đáo từ Y Nhoan, ông Diệu hồi sinh, dần dần bình phục.
 
Nhớ ơn tái sinh, ông Nguyễn Diệu nhận già Đinh Keo làm bố và “nên đôi, nên đũa” với Y Nhoan, trở thành người Kinh đầu tiên lấy vợ Ma Coong nơi miền biên viễn Thượng Trạch.
 
Gạch nối tình người
 
Ngày thoát khỏi cảnh bị chôn sống theo mẹ, tháng 9/1995, cũng chính là “ngày sinh lần thứ hai” của Đinh Đường-Nguyễn Văn Vinh. Vốn đẻ thiếu tháng, không được bú sữa mẹ, nhà lại nghèo nên cu Đường ngày càng quắt lại. Ông Nguyễn Diệu tìm đến cậy nhờ Bộ đội Biên phòng. Được sự tiếp sức của Bộ đội Biên phòng, ông bà Nguyễn Diệu, Y Nhoan có thêm chút gạo, cân đường để nuôi con.
 Bản Cà Roòng 2, nơi xảy ra câu chuyện buồn gần 30 năm trước bây giờ đã đổi thay
Bản Cà Roòng 2 bây giờ đã đổi thay.

Sau ba tháng mười ngày, cu Đường dứt đau ốm, ăn ngoan, ngủ yên, lớn nhanh, hồn nhiên như cây cỏ nơi đại ngàn Trường Sơn, như những đứa trẻ Ma Coong “đầu trần, chân đất” khác. Ông bà Nguyễn Diệu, Y Nhoan đặt tên con nuôi Đinh Đường, họ Đinh là cái gốc tổ tiên của tộc người Ma Coong. Còn Nguyễn Văn Vinh lấy theo họ ông Diệu, tên Văn Vinh với ước mong con mình sau này lớn lên học hành thật giỏi, trở về phục vụ bản làng.

Không phụ lòng bố mẹ nuôi, Đinh Đường-Nguyễn Văn Vinh chăm ngoan, học giỏi, trở thành sinh viên Khoa Sư phạm tiểu học, Trường đại học Quảng Bình. Năm 2018, Đinh Đường-Nguyễn Văn Vinh tốt nghiệp đại học. Rồi ước mơ của chàng trai người Ma Coong cũng thành hiện thực khi chính thức trở thành giáo viên Trường tiểu học số 2 Thượng Trạch.

Một ngày xuân sớm, tôi ngược đường 20 Quyết Thắng lên xã Thượng Trạch theo dấu Đinh Đường, thầy giáo Nguyễn Văn Vinh dọc 18 bản vùng biên giới. Từ Cà Roòng 1 sang A Ky đến Bụt và cuối cùng tôi gặp được “gốc A Loang Ma Kẹo nhỏ” tại điểm trường bản Nôồng chênh vênh bên sườn núi. “Được trở về quê hương dạy học là điều may mắn đối với em”- thầy giáo Nguyễn Văn Vinh chia sẻ- “Quá khứ thì đã ngủ yên gần 30 năm. Bây giờ em càng cố gắng nhiều hơn để không phụ sự kỳ vọng, tình yêu thương, kính mến của đồng bào, đồng nghiệp, học sinh, nhất là công dưỡng dục của bố Nguyễn Diệu, mẹ Y Nhoan”.

“Trên tất cả, tình người cứu em khỏi bị chôn sống theo mẹ. Và trách nhiệm của em là chuyển tải thông điệp về tình người, cuộc sống văn minh, con chữ no ấm cho trẻ em, học sinh Ma Coong đồng bào mình. Để tương lai, tộc người Ma Coong sẽ không còn canh cánh về đói nghèo, hủ tục, lạc hậu”, Đinh Đường trải lòng. 
Ngô Thanh Long

tin liên quan

Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn tỉnh năm 2024

(QBĐT) - UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 194/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Bình năm 2024.

Lãnh đạo TP. Đồng Hới thăm các đơn vị trực Tết trên địa bàn

(QBĐT) - Sáng nay, 7/2 (tức ngày 28/12 âm lịch), đồng chí Trần Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Đồng Hới đã đến thăm, chúc Tết các đơn vị trực làm nhiệm vụ trong dịp Tết trên địa bàn.

Quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở năm 2024 tỉnh Quảng Bình

(QBĐT) - UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 299a/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở năm 2024 tỉnh Quảng Bình.